Bài pháp thứ sáu: Tứ niệm xứ

Tứ Niệm Xứ gồm có:

1- Quán thân trên thân

2- Quán thọ trên thọ

3- Quán tâm trên tâm

4- Quán pháp trên pháp

Pháp môn TỨ NIỆM XỨ là một pháp môn tu tập để chứng đạo, pháp môn này là một pháp môn rất quan trọng cho sự chứng đạo, nếu ai không tu tập pháp môn này thì không bao giờ chứng đạo, cho nên chúng ta cần phải thông suốt đường lối tu tập như thế nào đúng và như thế nào sai.

Một lần nữa chúng tôi xin nhắc quý vị: phải tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN rồi sau mới tu tập đến pháp môn TỨ NIỆM XỨ, nếu không biết thì đừng tu tập mà có tu tập thì chỉ uổng công mà thôi.

Đừng nghe nói pháp môn TỨ NIỆM XỨ mà ham tu cao. Pháp môn TỨ NIỆM XỨ dành cho những bậc giới luật nghiêm túc, dành cho những bậc tâm đã BẤT ĐỘNG trước các ác pháp và các cảm thọ, chớ không phải pháp môn này ai cũng muốn tu tập là tu tập được. Nếu quý vị tu tập mà không biết khả năng trình độ của mình thì đó là tu tập sai pháp xin quý vị cần quan tâm.

Dưới đây là pháp môn TỨ NIỆM XỨ, một pháp môn dành cho những người đã tu tập xong NGŨ CĂN, NGỮ LỰC và TỨ CHÁNH CẦN.

TỨ NIỆM XỨ là pháp môn thứ sáu của Phật giáo theo lời dạy của đức Phật còn ghi lại trong kinh sách Nguyên Thủy. TỨ NIỆM XỨ theo BÁT CHÁNH ĐẠO thì nó là CHÁNH NIỆM. Vậy trạng thái CHÁNH NIỆM như thế nào?

Trạng thái CHÁNH NIỆM là một trạng thái tâm BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰ, tâm luôn luôn tỉnh giác trên bốn chỗ THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP. Cho nên TỨ NIỆM XỨ gọi là TRÊN THÂN QUÁN THÂN. Tuy nói rằng trên thân quán thân nhưng sự thật là trên THÂN quán cả bốn chỗ THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP.

Tuy nói bốn pháp chớ khi tu tập chỉ có tu tập một pháp TRÊN THÂN QUÁN THÂN mà thôi.

Pháp môn TỨ NIỆM XỨ là pháp môn nhiếp tâm BẤT ĐỘNG cuối cùng của Phật giáo, vì chính người tu tập sống được với tâm BẤT ĐỘNG là đã chứng đạo. Ở đây không còn tu pháp môn nào khác nữa. Cho nên pháp môn TỨ NIỆM XỨ được xem là pháp môn tu tập cuối cùng của Phật giáo gọi là CHÁNH NIỆM. Nơi đây tất cả năng lực làm chủ thân tâm sẽ được xuất hiện trên mãnh đất BẤT ĐỘNG. BẢY GIÁC CHI cũng xuất hiện đầy đủ trên tâm BẤT ĐỘNG này. Vì thế quý vị đừng vội vàng tu tập TỨ NIỆM XỨ mà nên xét lại tâm mình đã BẤT ĐỘNG chưa, nếu tâm BẤT ĐỘNG thì mới tu tập TỨ NIỆM XỨ, còn chưa thì nên trở lại tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN.