Ý HÒA ĐỒNG DUYỆT

Mỗi người đều có những ý kiến riêng tư, nhưng đó là do tri kiến hiểu biết và sự tiếp thu những kiến thức học hỏi của nhiều nguồn tư tưởng từ Đông sang Tây, do từ những nguồn tư tưởng Đông Tây phong tục tập quán đã truyền thừa nhiều thế hệ, nên ăn sâu vào tâm trí con người.

Do những kiến thức tích tập và kết hợp như vậy nên trước khi có một ý kiến gì đều phải suy tư chín chắn rồi mới nêu ý kiến của mình ra để mọi người cùng nhau tham khảo và duyệt lại. Khi mọi người đều duyệt lại ý kiến đó có lợi ích thì mọi người đều chấp nhận những ý kiến của mình, khi chấp nhận thì mọi người mới đem ra áp dụng và thi hành trong tập thể Tăng đoàn.

Ý kiến được mọi người duyệt lại và chấp nhận để cùng nhau chung sống trong ý kiến đó thì mới gọi là “Ý HÒA ĐỒNG DUYỆT”.

Muốn được Ý HÒA ĐỒNG DUYỆT thì người tu sĩ cũng như người cư sĩ phải giữ ý tứ và mỗi khi nêu lên ý kiến nào của mình để mọi người cùng nhau duyệt và bàn bạc cẩn thận trước khi áp dụng vào cuộc sống tập thể. Quý vị đừng nghĩ và cố chấp rằng mọi ý kiến của mình đều đúng hết. Không đâu quý vị ạ, chỉ khi nào ý kiến đó được tập thể duyệt lại, nếu tất cả đều đồng ý kiến đó đúng thì chúng ta mới áp dụng vào sự sống chung nhau.

Cho nên trong pháp môn LỤC HÒA dạy chúng ta muốn sống hòa hợp thì mỗi ý kiến đều phải được duyệt trước khi áp dụng trong đời sống tập thể.