NGỒI THIỀN LƯNG ĐAU, NHỨC VÀ CHÂN TÊ CỨNG

Câu hỏi của Từ Đức

Hỏi:Kính thưa Thầy! Con tu một thời từ 25' đến 30', lúc gần hết giờ, còn khoảng 5' đến 10' con bị trạo cử ngồi không an, đau buốt cái lưng, nhức và tê cứng đôi bàn chân, chịu không muốn nổi, buộc con phải xả sớm hơn. Có khi con ám thị thì nó hết, có khi lại không hết. Cúi mong Thầy chỉ dẫn cho con.

Đáp: Khi ngồi thiền, gần hết giờ bị đau, nhức, tê chịu không nổi, thì con nên dùng pháp hướng mà nhắn nhủ như thế này: “Ta quyết định chết bỏ dù cho xương tan thịt nát, máu trong thân này có khô cạn, ta cũng chẳng bao giờ xả ra, ta quyết tu xem mày làm gì?”.

Khi ám thị xong câu này, con tiếp tục hướng tâm ra lệnh: “Sáu thức phải gom chặt vào tụ điểm, tâm phải định tỉnh trong thân cho chặt không được phóng theo thọ”. Khi hướng tâm xong, bắt đầu con vận dụng hơi thở chậm chậm và nhẹ từng hơi thở một, để cho tâm gom thật kỹ. Khi tâm gom chặt thì con tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Tác ý như vậy được một lúc sau con không thấy đau và tê nữa.

Nhớ đừng động thân, phải giữ thân cho thật chặt dù có đau nhức đến đâu cũng giữ thân bất động và tâm phải bám chặt hơi thở thì sẽ hết đau, đây là phương cách thứ nhất để chiến đấu với cảm thọ, còn phương cách thứ hai con phải thực hiện Tứ Niệm Xứ, trên bốn chỗ Thân, Thọ, Tâm, Pháp để khắc phục tham ưu, đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó. Khi con gặp chướng ngại của Thọ thì con không nên ngồi ráng thêm một phút giây nào cả mà phải đứng dậy đi kinh hành ngay liền, tâm con luôn giữ gìn tỉnh thức khi đứng dậy, khi hướng tâm, khi bước đi giống như con đang ngồi tỉnh thức trong hơi thở vậy. Và như vậy con đã xả Thọ, con sẽ có cảm giác giải thoát ngay liền khi con đứng dậy không còn thấy tê và đau chân nữa, đó là tu theo pháp xả của Tứ Niệm Xứ, cho nên Đức Phật gọi là: “Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu là vậy”.

Dưới đây là hai phương pháp tu hành:

1- Ức chế thân tâm để nhập định, phương pháp này rất nguy hiểm, dễ rơi vào tà định, dễ rối loạn thần kinh, dễ sinh ra những bệnh hiểm nghèo như tê, bại, xịu, v.v..

2- Xả các chướng ngại pháp để nhập định, phương pháp này bảo đảm hơn vì có xả là có giải thoát, nên thân tâm nhập vào chánh định dễ dàng, không có khó khăn, không mệt nhọc. Tâm hồn từ bắt đầu tu cho đến khi xả không có một cảm giác khó chịu hay bất toại nguyện, luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự.

Tóm lại, người mới bắt đầu tu tập đều phải tùy theo đặc tướng của cơ thể, chứ không bắt buộc ngồi kiết già để chịu tê, đau nhức, còn bắt buộc ngồi kiết già chịu đau, tê nhức, nóng đó là mục đích rèn luyện nghị lực, can đảm, gan dạ, chịu đựng, bền chí v.v.. Và đó cũng là sự rèn luyện để chuẩn bị trên cuộc hành trình đường xa.