Trên đây là chúng tôi đã xác định về chân lý của loài người, để các bạn thấu rõ triết lý và tôn giáo không phải là chân lý.
I/ Chân lý thứ nhất: “Đời người là khổ, khổ vì sanh, già, bệnh, chết”. Chân lý này được đưa ra và đã được xác định thực tế, cụ thể, rõ ràng để mọi người biết rằng:
một sự thật hiển nhiên khổ đau của kiếp người, không còn ai có thể chối cãi được nữa.
Vì thế, nó không còn là một triết học dò dẫm, mà là một sự thật của loài người, ngoài bốn nỗi khổ gốc này thì không còn có cái khổ nào khác nữa.
Tất cả mọi trạng thái khổ, mà xảy ra trên thân tâm của con người thì cũng đều do từ bốn gốc khổ này sinh ra mà thôi. Làm người thì không ai thoát ra khỏi bốn sự đau khổ này, nên nó mới được gọi là chân lý thứ nhất của loài người.
II/ Chân lý thứ hai: là nguyên nhân sinh ra bốn sự đau khổ trên. “Đó là lòng ham muốn của con người”. Do lòng ham muốn của con người mà con người phải gánh chịu vô vàn sự khổ đau. Ham muốn nhiều thì sự khổ đau nhiều, ham muốn ít thì sự khổ đau ít. Nhiều hay ít là do lòng ham muốn mà ra.
Chân lý này được đưa ra và đã được xác định thực tế, cụ thể, rõ ràng trong đời sống của con người để mọi người biết rằng: Một sự thật hiển nhiên là lòng ham muốn là nguyên nhân sinh ra đau khổ của con người.
Ở đây chúng ta xem nó là một triết lý mang tính chân thật của con người mà không ai có thể chối bỏ và bắt bẻ được, nên nó là chân lý như thật của con người.
III/ Chân lý thứ ba: là “Trạng thái thân tâm Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự, Bất Động trước mọi pháp”.
Đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người được xây dựng trên nền tảng chân lý sống của kiếp người. Vì chỉ có chân lý mới nói lên được sự thật của loài người. Lấy sự thật của con người mà gieo trồng đạo đức trên đó thì đạo đức sẽ đem lại hạnh phúc an vui cho loài người thiết thực, rõ ràng và cụ thể hơn bất cứ một tôn giáo hay một triết lý nào.
Còn nếu chúng ta lấy tư tưởng triết lý tôn giáo mà gieo trên chân lý con người, thì biến con người thành mất hết ý chí tự lực, tự cường, chỉ còn biết dựa lưng vào thần quyền, trở thành người mê tín, lạc hậu, thường sợ hãi trước những biến cố. Còn lấy triết học gieo trồng trên chân lý của con người thì triết học đó sẽ đưa con người đi vào cuộc sống ảo giác, ảo tưởng trừu tượng. Nhưng cuối cùng cũng chỉ là một cuộc thí nghiệm tư tưởng con người mà thôi. Người nào ngu si tin tưởng theo triết lý bằng thứ ngôn ngữ lý luận, bỏ cả cuộc đời, phí công sức, phí tiền của, v.v... thì sẽ chẳng ích lợi gì cho mọi người, mà ngay chính bản thân người ấy cũng chẳng hưởng được gì.
Trong một thời gian trải dài lịch sử của loài người, đã chứng minh cho chúng ta thấy những triết lý và những tư tưởng tôn giáo là những thứ hư tưởng không thật. Khi chúng ta nếm vào thì chẳng có mùi vị ích lợi gì thiết thực trong thực tế của cuộc sống, chỉ toàn là mùi vị sống trong ảo tưởng và mê tín quá rõ ràng.
Còn bốn chân lý này được phối hợp lại chặt chẽ đúng cách, biến thành một cuộc sống cao đẹp, tuyệt vời của kiếp con người.
Đó chính là đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người.
Vì thế, chúng ta biết triết lý chỉ là ảo tưởng của loài người mà thôi. Triết lý đưa ra phương cách sống thiếu thực tế, khiến loài người đến với nó thì gặp sự khổ đau, sự xung đột và có thể giết hại lẫn nhau như trên chúng tôi đã nói. Ngược lại, chân lý của loài người được xây dựng trên nền tảng đạo đức nhân bản - nhân quả, khiến loài người thương yêu đùm bọc lẫn nhau, sống không làm khổ mình, khổ người.
Tôn giáo cũng vậy, chỉ là một sự mê tín, ảo giác, huyền bí của con người tạo ra. Tôn giáo đưa ra những giáo điều và phương pháp tu tập để đạt những năng lực phi thường, siêu việt (thần thông phép thuật), và hội nhập vào bản thể vạn hữu hay về với các cõi Thần, Thánh, Tiên, Phật, Niết Bàn, v.v... Những điều trên đây khiến cho con người ham mê, do ham mê nên phí công, phí sức, phí tiền của, nhưng cuối cùng chẳng làm ích lợi thiết thực gì cho mình, cho người, mà còn làm hao phí của cải tài chánh và công sức của mọi người một cách nhảm nhí vô ích. Xin các bạn nên lưu ý những điều chúng tôi nói trên đây, nếu đúng thì các bạn nên buông bỏ nó xuống và thực hiện đạo đức làm người cho trọn vẹn, còn không đúng như ý bạn thì chẳng có sao hết, bạn cứ theo ý bạn an vui hạnh phúc thì bạn nhờ, khổ đau hay hao tốn tiền của nhảm nhí thì bạn chịu, còn chúng tôi chỉ biết nói sự thật để ai có đủ duyên thì tránh được một sự sống ảo giác này.
IV/ Chân lý thứ tư: là hành động sống hàng ngày không làm khổ mình, khổ người. Nó là đạo đức làm người, một thứ đạo đức nhân bản tuyệt vời “bằng Tám Phương Cách”. Để chúng ta tự chỉnh sửa mình trở thành một con người xứng đáng là một con người biết thương mình thương người. Tám phương cách sống này gồm có:
1- Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây phải siêng năng tập luyện thấy các thiện pháp, không nên thấy các ác pháp, dù bất cứ pháp nào cũng phải tư duy đúng lý nhân quả thiện ác để ngăn diệt ác pháp và luôn luôn sống trong thiện pháp. Còn thấy đúng sai, phải trái thì không thương mình, thương người. Không thương mình, thương người thì mọi sự khổ đau sẽ đến thăm viếng, và như vậy là sống thiếu đạo đức làm người.
2- Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây phải siêng năng suy tư các thiện pháp, không được suy tư các ác pháp. Phải suy tư đúng nhân quả thiện ác, chứ không được suy tư đúng sai, phải trái. Khi suy tư đúng sai, phải trái thì chính mình không thương mình, thương người. Không thương mình, thương người thì khổ đau sẽ đến ngay liền tức khắc. Và như vậy là sống không đạo đức với mình, với người.
3- Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây khi nói ra là phải nói những lời thiện, không được nói những lời hung ác, không được nói xấu người, không được nói thêm bớt, không được nói chuyện có nói không, chuyện không nói có. Nói được như vậy tức là sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả thì hạnh phúc sẽ đến ngay liền.
Còn nói ngược lại là không thương mình, thương người thì khổ đau sẽ đến ngay liền tức khắc. Và như vậy là sống không đạo đức với mình, với người.
4- Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây phải siêng năng làm các điều thiện, không được làm các điều ác. Làm các điều thiện là không làm khổ mình, khổ người, và như vậy là sống đúng đạo đức thương mình, thương người. Còn làm ngược lại là không thương mình, thương người thì khổ đau sẽ đến ngay liền tức khắc. Và như vậy là sống không đạo đức với mình, với người.
5- Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây phải siêng năng nuôi mạng sống bằng những thực phẩm thiện, không nên nuôi mạng sống bằng những thực phẩm ác.
Có nghĩa là hằng ngày không nên ăn thịt chúng sanh, vì ăn thịt chúng sanh là đem sự đau khổ vào thân. Cho nên thân bệnh đau hay tai nạn này, tai nạn khác đều do nuôi mạng sống trong sự khổ đau của loài vật.
6- Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây phải siêng năng ngăn ác, diệt ác pháp. Có nghĩa là luôn luôn lúc nào cũng phải sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả để đem lại cho mình, cho người một niềm vui chân thật. Còn làm ngược lại là không thương mình, thương người thì khổ đau sẽ đến ngay liền tức khắc. Và như vậy là sống không đạo đức với mình, với người.
7- Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây phải siêng năng đẩy lui các chướng ngại trên thân và tâm. Nghĩa là trên các cảm thọ của cơ thể như: đau nhức, ngứa, v.v...
phải tìm mọi cách để làm cho nó không còn đau khổ nữa. Còn tâm của bạn cũng vậy, khi tâm phiền não, tức giận, buồn khổ... phải tìm mọi cách làm cho nó không còn đau khổ nữa, Người có đẩy lui được các chướng ngại pháp trên thân, tâm của mình như vậy là người biết thương mình, thương người. Còn làm ngược lại là không thương mình, thương người thì khổ đau sẽ đến ngay liền tức khắc.
Và như vậy là sống không đạo đức với mình, với người.
8- Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây phải siêng năng xa lìa lòng ham muốn và tất cả các pháp ác. Có nghĩa là tâm phải bình tĩnh sáng suốt làm chủ trên mọi hành động nghiệp lực nhân quả của mình để mọi ác pháp không tác động vào được. Nhờ sống được như vậy là sống trọn vẹn đạo đức thương mình. Thương mình mà không bị ác pháp lừa dối.
Trên đây là tám cách thức thực hành nếp sống đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người, để thương mình như thật mà không bị ác pháp che đậy, làm cho mình cứ nghĩ thương mình mà lại làm hại mình không biết.