Vậy, mỗi chân lý mang theo ý nghĩa đối với kiếp sống của loài người như thế nào?
I/ CHÂN LÝ THỨ NHẤT:
“Khổ Khổ là chân lý thứ nhất của loài người.
Sống trên đời này không ai là không khổ. Đó là một sự thật chắc chắn không thể có ai nói khác được. Vậy trạng thái khổ như thế nào? Trạng thái khổ đau của con người gồm có bốn khổ gốc: sanh , già, bệnh, chết.
1- Sanh khổ:
Sanh nghĩa là gì? Sanh là cuộc sống của chúng ta, nhưng nói đến cuộc sống thì cần phải nói đến những vật chất như: thực phẩm, y phục, nhà ở, đồ đạc, tiền bạc, đất đai, ruộng vườn, v.v... Những vật này để phục vụ cho đời sống. Những vật chất này làm ra phải do sức lao động bằng chân tay hoặc bằng trí óc. Do sức lao động bằng trí óc hay tay chân làm ra vật chất thì phải chịu nhiều vất vả, cực khổ, nhọc nhằn, gian nan, v.v... Vả lại, đời sống còn cần phải xã giao và giao tiếp với mọi người, mọi vật, nên có lắm điều sinh ra nghịch ý, trái lòng, bất toại nguyện, v.v... Đó gọi là sanh, sanh là một sự khổ như thật, không thể có ai chối cãi và phủ nhận đời sống con người là không khổ. Do mọi người đều chấp nhận nó là sự thật, nên nó là chân lý.
2- Già khổ:
Già khổ là như thế nào? Già khổ là cơ thể suy yếu, đi đứng không vững vàng, tay chân run rẩy, thường mệt nhọc, khó thở, tâm trí lẫn lộn hay quên, muốn làm việc gì cũng làm không được, ngồi một mình thì cô đơn buồn khổ, v.v... Đó là già khổ như thật, không ai chối cãi và phủ nhận được.
Già khổ là một sự thật hiển nhiên mà mọi người đều phải chấp nhận. Do mọi người đều chấp nhận nó là sự thật, nên nó được gọi là chân lý của con người.
3- Bệnh khổ:
Bệnh khổ là gì? Bệnh khổ là cơ thể bệnh tật, đau nhức khó chịu như: đau bụng, nhức đầu, ngứa ngáy, mệt mỏi, bất an, nóng, lạnh, tê, chóng mặt, v.v... Đó là bệnh khổ như thật, không ai chối cãi và phủ nhận được.
Bệnh khổ là một sự thật hiển nhiên mà mọi người đều phải chấp nhận. Do mọi người đều chấp nhận nó là sự thật, nên nó được gọi là chân lý của con người.
3- Chết khổ:
Chết khổ là gì? Chết khổ là sự dừng hơi thở, nhưng trước khi dừng hơi thở thì con người phải thọ lấy những sự khổ đau tận cùng của thân và tâm. Tâm thì lo âu cho những người thân: anh, chị, em, con, cháu...
lo lắng những việc làm chưa xong còn bỏ dở...
nuối tiếc lúc phân ly hay rất sợ hãi trước cái chết... Còn về cơ thể bị bệnh đau nhức bất an, trăn qua, trở lại, vật vã người, mệt nhọc khó thở, v.v... cho đến khi kiệt sức mới chịu dừng hơi thở, dừng hơi thở tức là chết... Đó là chết khổ như thật, không ai chối cãi và phủ nhận được.
Chết khổ là một sự thật hiển nhiên mà mọi người đều phải chấp nhận. Do mọi người đều chấp nhận nó là sự thật, nên nó được gọi là chân lý của con người.
Bây giờ, quý bạn đã hiểu sanh, già, bệnh, chết là một sự khổ như thật. Vì thế, nó thuộc về chân lý khổ. Khi đã xác định kiếp làm người là phải chịu khổ như vậy, có nghĩa là làm con người thì không ai ra khỏi qui luật này. Ngoại trừ những người nào đã tự xây dựng cho mình một nền đạo đức nhân bản - nhân quả trên thân tâm của họ, thì qui luật ấy không còn tác động vào thân tâm họ được.
II/ CHÂN LÝ THỨ HAI:
“Nguyên nhân sinh ra khổ Nói đến những hiện tượng đau khổ: sanh, già, bệnh, chết thì không còn ai mà không biết, nhưng nói đến nguyên nhân sinh ra khổ đau thì ít ai biết đến. Vậy nguyên nhân nào sinh ra sanh, già, bệnh, chết? Nguyên nhân sinh ra sanh, già, bệnh, chết, chính là “lòng ham muốn của con người. Khi sinh ra đời, không có người nào là không có lòng ham muốn, ham muốn nhiều hay ham muốn ít, nhưng mọi người khéo che đậy, chứ tâm ham muốn thì người nào cũng giống như người nào, không có khác nhau.
Lòng ham muốn là chân lý thứ hai, nơi sinh ra muôn thứ khổ đau, hay nói cách khác là nguyên nhân tập hợp mọi sự khổ đau của kiếp làm người. Chân lý này đúng như thật, nhưng mấy ai đã lưu ý đến nó. Đời sống đau khổ của con người không còn có một nguyên nhân nào khác hơn nữa, ngoài nguyên nhân này. Cho nên, làm con người thì không ai là không có lòng ham muốn. Vạn vật sinh tồn trên quả đất này đều có một nguyên nhân ham muốn này mà thôi (ham muốn sống). Ham muốn sống là một chân lý như thật, không còn có ai chối cãi được.
III/ CHÂN LÝ THỨ BA:
“Tám phương cách Đó là phương cách để sống đạo đức nhân bản - nhân quả. Đau khổ của con người là một loại bệnh nghiệp, do hành động nhân quả của mỗi con người tạo ra cho chính mình.
Bệnh do chính mình tạo ra cho mình, chứ không ai ban tai họa, giáng bệnh.
Vậy có phương thuốc nào trị hết bệnh nghiệp khổ đau của con người chăng? Bệnh nghiệp nhân quả do chính từ hành động của mình mà có, nên con người cũng có một phương thuốc bằng hành động của chính mình đối trị và chuyển hóa bệnh nhân quả rất là thần diệu. Nhờ đó mà con người hoàn toàn hết bệnh, hay nói cách khác là làm chủ mọi sự khổ đau của kiếp người.
Đó là phương thuốc có tám vị hợp lại thành một toa thuốc: “Đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người”.
Trên cuộc đời này, kẻ nào sống không làm khổ mình, khổ người là kẻ đã làm chủ được bốn chỗ đau khổ: sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, phương thuốc đạo đức này, nếu ai chịu uống thuốc thì bệnh khổ sẽ chấm dứt. Còn ai không chịu uống thuốc này thì không có một vị thầy thuốc nào cứu mình được, dù là thần y, thánh dược cũng chỉ vô phương cứu chữa.
Bởi vì bệnh do nghiệp nhân quả ác, thì chỉ có phương thuốc tám vị nhân quả thiện, tức là đạo đức nhân bản - nhân quả mới cứu được bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không chịu uống thuốc này thì không có ông Trời, ông Thánh nào cứu được. Bệnh nhân quả ác là do chính mình tạo ra như trên chúng tôi đã nói, thì phải do chính mình uống thuốc nhân quả thiện mới trị được.
Phương thuốc đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người là chân lý thứ ba của đời người.
Nó xác định và hóa giải sự khổ đau của kiếp người, giúp cho con người có một đời sống thanh thản, an vui và hạnh phúc như thật.
Những hành động đạo đức cao quý tuyệt vời này trên đời không thể lấy gì so sánh được.
Chính vì nó không làm khổ mình, khổ người, luôn đem lại sự an vui và hạnh phúc chân thật cho mình, cho mọi người, nên mới thật sự là chân lý cao quí và cao thượng. Đó là một chân lý như thật, không còn ai phủ nhận được.
Nếu có người bảo rằng: còn có một phương thuốc đặc trị khác trị được bệnh nghiệp khổ này, thì chúng tôi căn cứ vào thời gian lịch sử của loài người mà xác định rằng: không có phương thuốc nào khác ngoài phương thuốc tám vị đạo đức nhân bản - nhân quả.
Tại sao chúng tôi dám xác định được như vậy? Từ khi con người có mặt trên hành tinh này, đã phát minh ra nhiều triết thuyết và nhiều tôn giáo. Trong mỗi tôn giáo có giáo điều và giáo lý, nhưng không giải cứu được bốn bệnh khổ này. Nghĩa là con người vẫn phải chịu qui luật nhân quả: sanh, già, bệnh, chết.
Có bao nhiêu tôn giáo đã dạy con người tu tập có thần thông phép thuật, có luyện thuốc trường sanh bất tử. Nhưng cuối cùng, đến ngày nay con người vẫn chưa thoát ra khỏi qui luật sanh tử, luân hồi...
Trên hành tinh này có một người thoát khỏi bốn chỗ khổ đau. Đó là Thích Ca Mâu Ni, Ngài biết dùng loại thuốc đặc trị nhân bản - nhân quả này. Vì thế, loại thuốc này trở thành chân lý như thật của loài người, mà không còn ai dám phủ nhận.
IV/ CHÂN LÝ THỨ TƯ:
“Một trạng thái Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự của Tâm Đó là một trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự của tâm. Một người biết sống trong đạo đức không làm khổ mình, khổ người, tức là biết cách sống đúng như chân lý thứ ba, thì người ấy thân tâm thường có trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự. Luôn luôn lúc nào tâm hồn cũng bất động trước mọi chướng ngại pháp. Đó là chân lý thứ tư của con người.
Chân lý thứ tư xác định rõ ràng một cuộc sống đầy đủ trạng thái thân tâm trong sáng, hồn nhiên, thanh thản, an lạc, thoải mái và dễ chịu rất là hạnh phúc. Một trạng thái sống như vậy, là con người không ai mà không nhận ra được nó, Cho nên nó là một chân lý như thật, không thể nào có ai nói khác được.
Trên đây là bốn chân lý thật sự của kiếp người. Nó không phải là triết lý mà cũng không phải là tôn giáo. Cho nên, khi con người có mặt thì chân lý ấy cũng có mặt trên hành tinh này, và đến bây giờ chân lý ấy cũng không thay đổi. Dù sau này con người có sống đến vô lượng thế kỷ, thì chân lý ấy cũng vẫn như vậy. Mặc dù con người có nâng cao trình độ kiến thức, khoa học và công nghệ có phát triển cùng tột đến đâu, thì chân lý ấy cũng không lỗi thời. Tại sao vậy? Vì nó là chân lý của con người, con người còn là chân lý còn, con người mất là chân lý mất. Vì thế, không ai còn có thể thêm bớt một điều gì vào trong chân lý đó được cả.
Chính vì không thêm bớt gì được thì mới thực là chân lý, còn thêm bớt được vào thì không thể gọi là chân lý. Còn các tôn giáo và triết lý khi người sau phát triển thường thêm thắt, sửa đổi rất nhiều, nhưng chính sự phát triển, thêm thắt đó đã xác định cho chúng ta biết rằng, các tôn giáo và triết lý đó không phải là chân lý.
Vì con người duy chỉ có bốn chân lý sự thật này mới xác định đúng là con người.
Ngoài ra thì không còn có một chân lý nào khác nữa để xác định về con người đúng đắn cả. Các triết lý và tôn giáo không phải là chân lý, nên có rất nhiều lý thuyết trừu tượng, ảo tưởng. Và vì thế nó luôn luôn phải sửa đổi cho hợp thời. Nếu không sửa đổi thì nó lỗi thời, không theo kịp sự tiến hóa của thời đại con người. Nhất là con người đang phát triển mạnh về khoa học và công nghệ tiên tiến.
Tóm lại, bài này xác định chân lý của con người không phải là triết lý và tôn giáo. Có nhiều người đã hiểu sai lầm triết lý và tôn giáo là chân lý của con người. Xin các bạn nên lưu ý và suy xét kỹ lại vấn đề này: Chân lý là một sự liễu tri thật sự bản chất của con người, nó không bao giờ có sự thay đổi và không ai thay đổi được nó, nó luôn luôn hợp thời, dù với bất cứ thời điểm nào. Còn ai dám cả gan thay đổi bốn chân lý này thì người ấy biến nó trở thành triết lý, chứ không còn là chân lý nữa.
Triết lý là tưởng tri trừu tượng của con người, nó đang áp dụng và thăm dò con người, nên nó thường thay đổi để đáp ứng kịp thời. Cho nên, chúng tôi xác định nó không phải là chân lý của con người.
Tôn giáo cũng vậy và còn hơn thế nữa, vừa tưởng tri trừu tượng, vừa ảo tưởng mê tín, khiến cho con người sống trong điên đảo tưởng, điên đảo tình, điên đảo kiến, điên đảo tâm, v.v... Làm mất hết sức tự lực, luôn dựa vào Thần, Thánh và thế giới ảo tưởng siêu hình. Tưởng khi theo tôn giáo đó, là sau này khi chết đi linh hồn sẽ được tiếp độ vào các cõi đó.
Triết học và tôn giáo thường chạy theo đuôi con người, có nghĩa là hoàn cảnh sự sống của con người xảy ra khắc nghiệt như thế nào, thì những con người trong hoàn cảnh đó sản xuất ra triết học và tôn giáo để đáp ứng giải quyết sự khổ đau trong lúc đó, để đem lại cho mọi người sống được bình an.
Nhưng khi hoàn cảnh hay thời đại đó qua rồi thì nó lỗi thời, không còn áp dụng vào con người được nữa. Cho nên, nó thường phải chỉnh sửa cho phù hợp với thời đại của con người. Vì vậy nó không phải là chân lý.
2 Sanh là cuộc sống, đời sống, chứ không có nghĩa sanh đẻ