TRIẾT HỌC, TÔN GIÁO VÀ CHÂN LÝ

Muốn sống được “Đức Từ Tâm”, trước hết chúng ta phải hiểu và phân biệt cho rõ ràng về tôn giáo, triết học và chân lý của loài người.

Trước khi học đạo đức thương mình thì các bạn cần nên hiểu biết về chân lý sống của con người. Nói đến chân lý thì xin các bạn đừng hiểu lầm chân lý là triết lý, là tôn giáo, là khoa học, v.v...

Chân lý là một điều đã xác định được bản chất sự sống của loài người một cách cụ thể và thực tế, không cần phải thêm bớt, dù bất cứ ở thời nào nó cũng hợp thời, chứ không có lỗi thời. Những điều nói ra đúng như thật mới được gọi là chân lý, còn chưa đúng như thật thì không được gọi là chân lý. Loài người điên đảo vì những nỗi thống khổ của kiếp người, nên có nhiều nhà trí thức hiểu biết phát minh và đưa ra nhiều triết thuyết như: triết thuyết này, triết thuyết kia; tôn giáo này, tôn giáo kia. Mục đích đưa ra là để mưu cầu hạnh phúc cho loài người. Nhưng họ không ngờ là đã bị lầm lạc, vì những triết thuyết và những tôn giáo của họ là tưởng tri chứ không phải liễu tri. Họ tưởng rằng những triết thuyết và tôn giáo của họ sẽ đưa con người đi đến một cuộc sống hạnh phúc, an vui, nhưng nào ngờ nó đi ngược lại. Đi ngược lại, nên các triết thuyết và tôn giáo thường hay sửa đổi và thêm bớt.

Khi đã đưa ra bao nhiêu triết thuyết, bao nhiêu tôn giáo, thì loài người bị phân chia ra nhiều ý thức hệ, nhiều phe nhóm, nhiều tôn giáo, v.v... Từ đó, con người chấp chặt trên phe nhóm của mình, chấp chặt trên ý thức hệ tư tưởng triết lý về đời sống và về tôn giáo của mình. Từ sự chấp chặt đó, họ lại giày xéo, chà đạp lên nhau và đôi khi còn giết hại lẫn nhau. Giày xéo, chà đạp, giết hại lẫn nhau bằng ngôn ngữ, bằng mưu mô thủ đoạn xảo trá, bằng vũ lực để bảo vệ ý thức hệ; để bảo vệ tôn giáo; để bảo vệ quyền lợi phục vụ giai cấp của họ, v.v... như trên chúng tôi đã nói.1 Từ đó, đạo đức nhân bản - nhân quả đã bị đánh mất. Ý thức hệ tôn giáo tranh chấp này càng ngày càng gay gắt hơn. Do đó, họ lấy bản thân của họ để làm lá chắn, làm vật hy sinh cho ý thức hệ triết học và tôn giáo của họ, để luôn luôn chống đối lại ý thức hệ và tôn giáo của người khác.

Trước cảnh phân chia, tranh chấp, đấu tranh tôn giáo và các hệ tư tưởng triết học, khiến cho con người đã khổ đau lại còn khổ đau hơn, nên có một số người muốn hòa giải những sự tranh chấp ấy. Họ dung hợp những điểm tương đồng và bỏ lờ qua những điểm sai khác của các triết học và tôn giáo, để hòa đồng lại các hệ tư tưởng triết học và tôn giáo thành một khối. Lấy mục đích đỉnh cao của mọi tôn giáo và triết học học cho rằng: chỗ cuối cùng đều giống như nhau, không khác.

Việc làm này cũng chẳng đi đến đâu, mà lại sinh ra một loại tôn giáo mới: “Hòa Đồng Tôn Giáo”. Với một cái tên... nghe rất kêu.

Nhưng sự hòa đồng tôn giáo, sự thống nhất các hệ phái cũng chẳng giải quyết những nổi khổ đau của con người. Đó cũng chỉ là cách hòa giải làm giảm bớt sự căng thẳng chống đối giữa các tôn giáo và giữa các hệ phái, để thực hiện những giấc mơ an ủi tinh thần trong thế giới siêu hình, chứ kỳ thực con người vẫn khổ và khổ mãi mãi.

Trên cuộc đời này, lịch sử loài người về tôn giáo và triết học đã chứng minh cho chúng ta biết, những cuộc đấu tranh đẫm máu vì tôn giáo và tư tưởng triết học rất là thảm khốc, mà con người nhiều lần từng phải gánh chịu. Thật là đau lòng! Phải không hỡi các bạn? Nhìn chung về tôn giáo hay về triết học, thì chưa có một tôn giáo nào hay một triết học nào là hoàn hảo, đúng đắn, để đưa sự sống của con người và muôn loài thoát khổ.

Tham vọng của con người quá to lớn, lợi dụng tư tưởng tôn giáo này hay triết học kia rồi chắp vá, manh mún, để chia chẻ ra nhiều tôn giáo, ra nhiều hệ phái, ra nhiều ý thức hệ triết học, triết lý khác nhau, để thỏa mãn danh lợi cá nhân bản thân họ. Nhưng nào ngờ, với việc làm này thì tai họa sẽ giáng xuống đầu của loài người và muôn loài vạn vật. Bởi vì con người hiện giờ chỉ còn biết ý thức hệ và tôn giáo của mình là trên hết, như trên chúng tôi đã nói. Nên cuộc chiến tranh hận thù hủy diệt loài người cũng sẽ xuất phát từ nơi những tư tưởng hận thù ấy.

Từ những ý tốt để phục vụ sự an lành hạnh phúc cho loài người, nhưng kết quả thực tế đã ngược lại, tức là đem đến sự đau khổ cho loài người nhiều hơn. Cho nên các nhà tôn giáo, các nhà triết học phải sáng suốt nhận định cho đúng đắn, đừng vì danh, vì lợi mà thành lập tôn giáo này, tôn giáo nọ, hệ phái này, hệ phái nọ, triết học này, triết học nọ, mà gây chia rẽ, làm đau thương cho loài người.

Tôn giáo và triết học chưa hẳn là chân lý của loài người. Xin các bạn hãy nghiên cứu lịch sử về tôn giáo và triết học của loài người thì các bạn sẽ hiểu rõ hơn.

Vì lợi ích cho loài người, chúng ta là những nhà tôn giáo, là những nhà triết học, mỗi lần chúng ta muốn đưa ra một giáo pháp, một giáo điều, một triết lý nào đó, thì chúng ta cần phải có đầy đủ kinh nghiệm và thấu suốt về bản chất đời sống của con người, có áp dụng vào đời sống của họ được hay không? Nếu được thì giáo pháp, giáo điều và triết lý ấy sẽ không bị phản ứng ngược trở lại, không bị sống trong ảo tưởng, trừu tượng, mơ hồ hoặc không bị trở thành mê tín, dị đoan, v.v... Do đó, nó đem lại sự an vui hạnh phúc cho loài người thật sự, thì giáo pháp, giáo điều và triết lý đó là chân lý. Còn nếu chưa áp dụng được như vậy thì giáo lý, giáo điều và triết lý đó không phải là chân lý. Cho nên, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới đưa ra, nếu đưa ra thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng là tai hại rất lớn, và làm cho loài người khổ đau nhiều hơn.

Các nhà làm tôn giáo và các triết gia đừng lấy con người làm thí nghiệm cho giáo lý, giáo điều và triết lý của mình. Con người vốn sinh ra đã quá khổ đau, mà lại bị nhồi nhét thêm những loại tư tưởng tôn giáo, triết lý mơ hồ, ảo giác, khiến cho nền đạo đức của con người bị mất đi. Vì thế, cuộc sống của con người càng khổ thêm thì rất tội cho họ. Biến đời sống của họ trở thành một đời sống mơ mộng, trừu tượng, ảo tưởng, sống không thực tế, sống mất tự chủ, sống chỉ nhờ vào tha lực của thần quyền ảo giác, thì rất uổng phí một đời người mà chẳng có lợi ích gì thiết thực cả. Khổ đau lại càng chồng chất khổ đau hơn.

Triết lý và tôn giáo chỉ là những phương thuốc mới chế tạo, mới đem ra thí nghiệm, nó chưa phải là một thứ thuốc đặc trị bệnh khổ đau của loài người. Vì thế, loài người uống nhầm thuốc thí nghiệm này, đã không hết bệnh mà lại bệnh nhiều hơn (bệnh ảo tưởng, bệnh mê tín). Còn chân lý mới thật sự là một phương thuốc thần dược trị bệnh của nhân loại. Cho nên, muốn trị bệnh loài người thì phải biết rõ bệnh và thuốc trị của loài người.

Loài người thường hay bị bệnh gì? Và thuốc gì để trị? Tóm lại, những giáo lý của các tôn giáo là những triết lý, nó chưa phải là chân lý. Dó đó, nó chưa phải là một loại thuốc đặc trị bệnh khổ của con người. Vì thế, con người khi muốn ra khỏi sự đau khổ của kiếp người thì không nên vội tin chúng, cần phải quan tâm nghiên cứu tường tận các tôn giáo và triết học. Chúng không phải là chân lý của con người, có nghĩa chúng chưa phải là sự thật và cũng chưa đáp ứng được những nhu cầu tinh thần bình an và hạnh phúc cho loài người. Vì thế, muốn dùng thuốc triết học và tôn giáo thì phải cân nhắc kỹ lưỡng, đừng để “tiền mất tật mang”.


1 Trải qua một thời gian dài lịch sử của loài người, đã chứng minh những điều chúng tôi nói trên đây là một sự thật về tôn giáo và triết học, chứ không phải chúng tôi có ý chỉ trích tôn giáo và triết học, xin quý các bạn hiểu cho. Đó là một sự thật hiển nhiên mà không thể phủ nhận được.