ĐỨC TỪ TÂM

Người có tính hay “sân là người thiếu đức Từ Tâm với mình, với người. Lời nói này xin các bạn cứ suy nghĩ kỹ rồi mới phê phán đúng, sai. Lời nói của chúng tôi thật là lời nói chân thành từ tâm huyết thương yêu mọi người mà chúng tôi nói ra. Lời nói của chúng tôi không có ý chỉ trích hay châm biếm nói xấu ai cả, mà có mục đích xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả, để giúp cho mọi người thấu triệt đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

Người có tính hay sân là người hay giận dữ. Người giận dữ gương mặt đỏ bừng lên hoặc tái xanh, miệng thì la hét, chửi mắng, nói lời thô lỗ, cộc cằn, tay chân múa máy, đập phá lung tung, đụng vật gì đập vật nấy, cào nhà, xô cửa, gầm hét, kêu khóc lồng lộn như con thú dữ. Đánh đập vào mình mà không thấy đau nhức, thậm chí họ còn lấy thuốc độc uống, hoặc lấy dây thắt cổ, hoặc nhảy xuống sông, xuống giếng, xuống ao, hoặc lấy dao tự đâm mình để tự tử v.v...

Những hành động trên là những hành động thiếu đạo đức, kém văn hóa với mình, với người, mà trong đời này không ai tránh khỏi.

Phải không hỡi các bạn? Trong cơn giận dữ, họ đã làm khổ họ đủ mọi điều. Họ hành hạ xác thân và tâm hồn họ khổ đau tận cùng. Thật là kinh khủng, kiếp đảm, ghê sợ, v.v...

Trong lúc giận dữ, trí tuệ minh mẫn sáng suốt của họ không còn, họ giống như một người điên khùng, một người mất trí; họ làm bất cứ một việc gì, bất cần ác thiện, tù tội; bất cần xấu hổ, tội lỗi; bất cần đạo đức đúng sai, phải trái; bất cần bản thân họ khổ đau hay sống chết ra sao, v.v... Họ chỉ còn biết làm mọi cách để thoải mãn cơn giận dữ trong họ mà thôi. Thật là dại dột! Khi trông thấy một người đang cơn giận dữ, họ đã làm cho họ đau khổ bằng mọi cách; họ không thương họ chút nào; họ vô trách nhiệm với bản thân của họ; họ đang dày vò sự sống... Thấy người, nghĩ mình, khi gặp trường hợp này đối với bản thân mình, mình phải làm như thế nào, để thoát khỏi cảnh khổ đau này? Chúng ta hãy suy nghĩ về thân phận của mình? Hay chúng ta cũng giận dữ như họ? Nếu giận dữ như họ thì chúng ta có khác gì họ đâu! Phải không hỡi các bạn? Thấy xe trước lọt hố mà xe sau không tránh là quá ngu si. Biết vậy sao các bạn không tránh mà cứ giẫm lên vết xe cũ như vậy? Tránh, chắc ai cũng muốn, nhưng tránh bằng cách nào bây giờ? Làm sao tránh? Chắc chắn cơn giận dữ thì ai cũng giống như ai. Phải không hỡi các bạn? Nhưng chúng ta phải làm gì khác hơn, để thoát ra khỏi mọi sự tự hành hạ khổ đau cho chính mình. Muốn thoát ra mọi sự khổ đau ấy, duy nhất chúng ta chỉ có sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả.

Từ xưa đến nay, mọi người đều cứ rập khuôn theo sự tự hành hạ thân tâm mình trong cơn giận dữ, mà không tìm phương cách gì để thoát ra.

Ông, cha giận dữ thì con cháu sau này cũng vậy. Cha truyền con nối sự nghiệp khổ đau này mãi mãi không bao giờ dứt. Mặc dù thời đại của chúng ta là thời đại khoa học văn minh, thời đại mà kiến thức được phổ cập trong các tầng lớp con người, nhưng bản chất giận dữ của con người cũng không thay đổi, vẫn như ngày xưa, như khi con người mới có mặt trên hành tinh này. Xem chừng như con người thời nay còn giận dữ hơn người xưa nữa.

Và như vậy chúng ta có thể xác định: Trên thế gian này dù những người vô học, dốt nát như con thú vật, cho đến những người có học thức cao sâu, có trình độ văn hóa như các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, v.v...; có địa vị cao nhất trong xã hội như vua chúa, quan chức; có hiểu biết rộng rãi như các nhà bác học, những nhà nghiên cứu sưu tầm, phát minh mọi đề tài vật chất để phục vụ đời sống con người rất đầy đủ tiện nghi, nhưng họ cũng không tránh khỏi cơn sân của họ. Mà không tránh khỏi cơn sân thì họ cũng chỉ là người thiếu đạo đức với chính bản thân họ.

Đã thiếu đạo đức với chính mình thì đừng bảo rằng mình sẽ có đạo đức với ai. Phải không hỡi các bạn? Thấy người giận dữ, chúng ta xót xa và thương cảm cho họ, nhưng cũng thương cảm cho chính bản thân của mình, rồi đây mình cũng như họ, cũng sân hận như vậy; mình cũng là người thiếu đạo đức với mình; mình cũng là người làm cho mình khổ như họ vậy.

Nền đạo đức nhân bản - nhân quả trên thế gian này chưa có ai xây dựng và lập nên.

Vì thế con người chưa hiểu biết “Đạo Đức Từ Tâm” là như thế nào? Vì không hiểu biết đạo đức từ tâm, nên loài người trên thế gian này thường sống vô đạo đức với mình, thường làm khổ mình, khổ người như trên chúng tôi đã nói.

Từ sự hiểu biết điên đảo tình của loài người, nên người ta vô tình sống thiếu đạo đức với mình, vì thế đã tạo ra biết bao nhiêu nỗi thống khổ của kiếp làm người và làm ảnh hưởng xấu cho mọi người xung quanh trong hiện tại, từ người này đến người khác, truyền thừa về tương lai từ thế hệ này đến thế hệ kia.

Tóm lại, người biết thương mình thì không nên giận dữ, giận dữ là làm khổ mình. Người giận dữ không khác gì là một con thú vật, một người mất trí khùng điên.

Xin các bạn nên lưu ý điều này và cố gắng giữ gìn đừng nên giận dữ. Muốn được vậy thì các bạn hãy tập luyện đức thương mình. Tức là “Đức Từ Tâm”.