LỜI NÓI ĐẦU

Mãi đến hôm nay, tập 2 Đạo Đức Làm Người mới đến tay quý bạn, để quý bạn chờ đợi là một điều bất đắc dĩ. Chúng tôi biết rằng mọi người đang trông chờ sách đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người như trời hạn trông mưa, nhưng chúng tôi biết làm sao hơn, khi công việc quá tất bật.

Đã hứa với các bạn là sẽ cho ra đời mười tập sách Đạo Đức Nhân Bản - Nhân Quả, thì chúng tôi làm sao quên được.

Phải không hỡi các bạn? Hơn một năm, một năm trôi qua mà mọi công việc đến với chúng tôi quá nhiều, nên tập 2 có phần đến với các bạn chậm trễ.

Xin các bạn vui lòng lượng thứ cho.

Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần, đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, để không phụ lòng mong đợi của quý bạn.

Ước vọng của chúng tôi là đem đạo đức nhân bản - nhân quả đến với mọi người, mọi gia đình, mọi quê hương đất nước, để quân bình một cuộc sống vật chất và tinh thần, mà khoa học đang tiến triển hiện đại hoá đời sống. Chúng tôi cảm thấy đó là trách nhiệm, bổn phận của chúng tôi phải làm, làm vì sự an vui cho mọi người, cho các bạn. Các bạn hãy chờ đợi chúng tôi, chúng tôi đang viết, đang ghi lại những dòng chữ nói về đạo đức nhân bản - nhân quả, tức là chúng tôi đang ở bên các bạn và đang chia sẻ từng sự khổ đau, từng sự vui buồn với các bạn.

Để thực hiện được điều này, mỗi cuốn sách đạo đức ra đời, được đến tay của các bạn, đó là một niềm chia vui sẻ buồn cùng các bạn. Các bạn có biết chăng? Tập 1 ra đời đã nói về Đạo Đức Xã Hội. Vì ba nỗi bức xúc đang diễn biến hằng ngày gây bao khổ đau, tang tóc và thương tâm cho sự sống của muôn loài trên hành tinh này, nhất là loài người.

Loài người có trí tuệ hiểu biết hơn các loài vật khác, nên sự khổ đau ấy càng nhiều hơn. Do đó, cần phải có một giáo trình đạo đức nhân bản - nhân quả, để giúp cho mọi người có một môn học đạo đức làm người và phải thực hiện ngay liền; để làm giảm bớt sự khổ đau mà mọi loài đang phải gánh chịu. Đó là Đạo Đức Giao Thông, Đạo Đức Vệ Sinh Môi Trường Sống và Đạo Đức Hiếu Sinh.

Lẽ ra chúng tôi phải viết đạo đức về bản thân của mọi người trước. Nhưng vì không thể làm ngơ trước sự mất mát quá lớn lao mà loài người phải chịu một cách oan uổng và thương tâm.

Bắt đầu tập 2, chúng tôi biên soạn Đạo Đức Tự Bản Thân Mỗi Người. Bởi vì chính mình chưa sống có đạo đức với mình thì mong gì mình sống có đạo đức với mọi người. Mình chưa thương mình mà mình nói mình thương người khác là một lời nói chưa đúng đắn. Phải không hỡi các bạn? Qua lời dạy đạo đức của Tổ tiên chúng ta, đã cho thấy họ chịu ảnh hưởng Nho giáo: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đạo đức này thuộc về hình thức bên ngoài rất rõ nét, nhưng về nội tâm là có sự áp đặt rất kỹ lưỡng, khiến cho con người không thoải mái, thường tự ức chế thân tâm làm khổ mình, để chịu đựng làm vui lòng người. Đó là nền đạo đức quân tử, xây dựng trên bản ngã của loài người để “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Đạo đức này được xem là nền đạo đức xã giao, đối xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội để tỏ mình là anh hùng, là người có học thức (sĩ phu) hơn mọi người, chứ không phải đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình.

Tập 2 xác định rõ đạo đức đối với bản thân của mình, để mọi người ai cũng nhìn thấy và hiểu rõ: ai là người có đạo đức và ai là người không có đạo đức đối với mình. Kẻ nào đã tự làm khổ mình là kẻ ấy thiếu đạo đức làm người với bản thân mình.

Vậy, muốn biết mình có đạo đức với mình hay không, thì nên đọc tập 2 Đạo Đức Làm Người quý bạn sẽ rõ.

Kính ghi

Tu Viện Chơn Như