Này các bạn lái xe, khi lái xe trên đường các bạn đừng vượt xe ẩu, qua mặt một chiếc xe khác một cách thiếu cẩn thận, thiếu đề phòng, thiếu sự dự đoán thời gian và không gian, không cân nhắc kỹ lưỡng, các bạn có thể gây ra tai nạn giao thông. Nhất là xe của các bạn là loại xe gắn máy nhỏ, hai bánh, các bạn sẽ bị ép giữa hai xe lớn. Chừng đó các bạn mất hết sự bình tĩnh, đôi mắt các bạn hoa lên, màu đen chụp xuống, chiếc xe của bạn sẽ bị xe khác cán lên và bạn chỉ còn giẫy giụa với chiếc xác không hồn... Các bạn nên nhớ điều này, vì trường hợp này đã xảy ra rất nhiều, mà báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh đã đăng tin và kèm theo hình ảnh, người và xe bị cán nát, trông thấy mà kinh hãi.
Thường tai nạn giao thông xảy ra là do những chiếc xe qua mặt ẩu, không dự đoán được không gian và thời gian qua mặt. Vì thế bị kẹt vào giữa hai chiếc xe lớn mà đành phải chịu chết một cách oan uổng và tức tối.
Tai nạn giao thông đường bộ thường xảy ra với những người chạy xe ẩu, không thông luật lệ giao thông hoặc bất kể luật pháp đi đường. Những người như vậy là những người thiếu đạo đức làm người, thường làm khổ mình khổ người.
NHIỀU TÀI XẾ CHUYÊN NGHIỆP VÌ TIỀN MÀ COI RẺ TÍNH MẠNG MỌI NGƯỜI, BẤT CHẤP LUẬT LỆ GIAO THÔNG
(Taxi vượt đèn đỏ ngày 30/6/2011 tại đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội, khi bị cảnh sát giao thông chặn đầu ra lệnh dừng xe, thì vẫn tiếp tục cho xe chạy, làm hất chiến sỹ cảnh sát lên nắp capo - Ảnh trên báo mạng BaoLaoDongThuDo.com.vn)
Có dịp về thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã chứng kiến những người lái xe trên các đường phố. Chỗ ngã ba, ngã tư nào có cảnh sát công lộ đứng gác, thì các bạn lái xe còn giữ được một ít luật lệ giao thông. Còn chỗ ngã ba, ngã tư đường nào không có cảnh sát giao thông gác giữ gìn, thì các bạn lái xe chạy vượt ẩu, bất kể đèn xanh, đèn đỏ. Vượt ẩu, qua mặt, chạy xe ào ào như gió, xem tai nạn giao thông như không có. Vượt mặt trướng qua đèn đỏ như bầy bò chẳng khác.
Trông nhìn vào mặt của những người này đều là những người có học thức: học sinh, sinh viên, giáo viên, giáo sư, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, v.v... toàn là dân trí thức của thành phố, toàn là những người có kiến thức sâu rộng. Thế mà đạo đức làm người... nhất là đạo đức giao thông lại không biết, thì thật là khiếm khuyết quá lớn đối với nền giáo dục của nước nhà.
Thảo nào, người dân thành phố đã xem thường luật lệ giao thông đường bộ như vậy, thì dân các tỉnh làm sao tránh khỏi những điều vi phạm này. Do đó làm sao không xảy ra tai nạn giao thông. Báo chí đã đăng tin tức, hằng ngày tai nạn giao thông xảy ra khắp trên các nẻo đường đất nước, không ngày nào là không có người chết và người bị thương, nhất là nơi đông người như: Thủ Đô, Thành Phố, Thị Xã, Thị Trấn, v.v...
Chúng tôi rất đau lòng, nếu là dân thôn quê, kiến thức kém, chưa hiểu luật lệ đi đường, chưa thông đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, dân trí ở nông thôn còn lạc hậu, chỉ vì ít học. Còn dân ở thành phố là dân có học thức, họ là bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, giáo viên, luật sư, kiến trúc sư, thương gia, học sinh, sinh viên và các công nhân viên chức, v.v... Thế mà luật lệ giao thông không rõ sao? Thế mà đạo đức nhân bản làm người không rõ sao? Ra đường chen lấn làm cho ùn tắc cả một đoạn đường dài, khiến cho sự giao thông qua lại rất là khó khăn. Phải đợi có cảnh sát dẹp lối hướng dẫn đường mới khỏi ùn tắc, mới làm cho trục lộ giao thông trở lại bình thường.
Đến ngã tư, ngã ba đường, trong những giao lộ, người dân thành phố ăn mặc rất sang, thế mà lái xe vượt đèn xanh, đèn đỏ, hoặc vượt qua ranh giới người đi bộ một cách thiếu luật lệ và đạo đức giao thông. Với những hành động như vậy, rõ ràng là dân thành phố chưa biết luật lệ và chưa học đạo đức giao thông làm người.
Trên các trục lộ giao thông, trông họ giống như một đàn bò đang chen lấn bất kể luật lệ, vượt đèn đỏ một cách ngang nhiên và vượt cả lên mức ranh giới người đi bộ, làm cho người đi bộ qua đường rất khó khăn.
MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG BỊ ÙN TẮC MÀ CỨ LƯỚT TỚI LÀ THIẾU ĐẠO ĐỨC LÀM NGƯỜI
(Đường Trường Chinh TP Hồ Chí Minh thường xuyên xảy ra tắc ngẽn giao thông - Ảnh trên Internet của Báo Lao Động ngày 18/9/2008)
Thỉnh thoảng chúng tôi mới về thành phố một lần, gặp những lúc tại các ngã tư, ngã ba đường, có các học sinh mang gậy gộc, dây.
Mỗi lần đèn đỏ bật lên, là các em học sinh phải giăng một sợi dây ngang qua đường để ngăn chặn không cho có các lái xe vượt qua ranh giới người đi bộ. Có ngăn chặn như vậy thì các lái xe mới tuân theo luật lệ giao thông, còn không có các em học sinh và người cảnh sát giao thông gác giữ như vậy thì mọi người lướt tới chen chúc nhau như đàn thú.
Xin lỗi các bạn! Chúng tôi dùng những danh từ không mấy lịch sự như: “đàn bò, đàn thú, loài thú vật...” Đó là lòng thương yêu chân thật của chúng tôi đối với các bạn, mong muốn các bạn tự giác nhìn lại mình còn có những hành động của loài thú vật nữa không? Một con người là con người thì không thể nào chấp nhận những hành động đó.
Phải không hỡi các bạn? Các bạn hiểu cho, đây là những lời chân tình nhắc nhở các bạn, chứ không phải mắng chửi các bạn. Mắng chửi các bạn để làm gì? Có ích lợi gì cho chúng tôi đâu? Đứng trước tai nạn giao thông thịt rơi, máu đổ, ai mà không thương tâm và đau xót.
Vì thế, nên chúng tôi nói thật, nói mạnh, nói thẳng, nói không tư vị. Nói để các bạn xấu hổ, để các bạn sửa sai lại những hành động còn thiếu đạo đức, để các bạn trở thành những người có đạo đức, để các bạn trở thành người dân Việt Nam tốt đẹp và cao thượng, xứng đáng là con Tiên cháu Rồng. Vậy chúng tôi có những lời gì sơ xót, xin các bạn vui lòng thứ cho.
Trong tình trạng này, chúng tôi nhận xét con người còn mang bản chất loài thú vật, chưa biết tôn trọng đạo đức và luật lệ đi đường. Nhất là dân thành phố mà để cho các em nhỏ học sinh ngăn chặn giữ gìn như vậy thì chẳng khác nào như người mục đồng chăn giữ một đàn bò.
SINH VIỆN TÌNH NGUYỆN THAM GIA GIỮ GÌN TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
(“Chiến sỹ áo xanh” giữ trật tự giao thông - Ảnh trên báo mạng MucTim.com.vn)
Nhìn các em học sinh và những người cảnh sát công lộ, chúng tôi tưởng chừng họ giống như những người chăn bò bên nước Mỹ.
Các bạn có cảm tưởng này không? Chứ thấy hình ảnh này chúng tôi xót xa lắm các bạn? Con người không thể là con thú vật được. Sao chúng ta lại sống như con thú vật. Có đau lòng không các bạn?
NẾU VẮNG BÓNG NGƯỜI CẢNH SÁT CÔNG LỘ, THÌ LIỆU MỌI NGƯỜI CÓ NHỚ GIỮ GÌN LUẬT LỆ GIAO THÔNG?
Người cảnh sát công lộ dầm mưa dãi nắng để bảo vệ sinh mạng mọi người, nhưng mọi người không biết bảo vệ sinh mạng mình. Vì thế mà tai nạn giao thông thường xảy ra
(Người nữ cảnh sát đang điều khiển giao thông trên đường phố Sài Gòn - Ảnh trên báo mạng VietNamNet.vn)
Muốn thoát khỏi tình trạng này, chỉ có cách là tất cả mọi người trong chúng ta đều được nhà nước tổ chức cho học tập và để thấm nhuần được đạo đức giao thông. Từ đó ai ai cũng có ý thức tự giác giữ gìn luật lệ giao thông, không phải “bị chăn” nữa. Các bạn có đồng ý không? Đứng trước tình trạng đạo đức con người đang xuống dốc như vậy, chúng tôi xin kêu gọi nhân dân Thủ đô, các Thành phố, Thị xã, Thị trấn, các tỉnh, huyện phải làm gương đạo đức giao thông cho người dân nông thôn của chúng tôi là những người ít học, chỉ mới xóa được nạn mù chữ.
Hỡi các bạn dân Thủ đô, Thành phố, Thị xã, Thị trấn... các bạn hãy giữ gìn và tuân theo luật lệ đi đường. Dù có cảnh sát giao thông gác đường hay không có, cũng nên giữ gìn luật lệ đi đường nghiêm chỉnh. Để làm gương cho những người nông dân ở nông thôn, để tránh đi những tai nạn xảy ra chết người, gây tang tóc thương đau cho mọi người, mọi gia đình. Chúng tôi có dùng lời lẽ hơi nặng nề đối với các bạn thì xin các bạn tha thứ, chỉ vì nhìn thấy tai nạn giao thông làm cho chúng tôi không thể cầm được nước mắt đau thương và nức nở trong lòng.
Người dân Thủ đô, Thành phố, các Thị xã, Thị trấn, v.v... phải làm gương tốt cho toàn dân trong nước, thì người ngoại quốc đến nước ta (Việt Nam), họ sẽ không xem thường dân tộc của chúng ta là lạc hậu, là không có đạo đức giao thông và không biết luật lệ giao thông.
Người dân Thủ đô, Thành phố, Thị xã, Thị trấn là những người dân được tiếp cận ánh sáng văn minh, khoa học hiện đại hóa. Thì đạo đức cần phải nêu gương tốt, phải nghiêm chỉnh thực hiện và chấp hành luật lệ đạo đức giao thông đường bộ. Không hề vi phạm luật lệ giao thông thì mới xứng đáng là đàn anh có học thức, có hiểu biết, có hành vi văn minh, có đạo đức nhân bản - nhân quả, có những hành động không làm khổ mình, khổ người, thì mới xứng đáng được mọi người ca ngợi và khen tặng là dân thành phố có trí thức, có văn minh.
Đứng trước tình trạng đạo đức của con người đang xuống dốc, chúng ta là những người dân Việt Nam thì phải noi gương Tổ Tiên của chúng ta, làm sáng tỏ lại đạo đức làm người. Trong đạo đức làm người thì đạo đức giao thông là những hành động tiết kiệm máu xương của cô bác, anh chị em, con cháu của chúng ta. Thì chúng ta cần phải nghiêm chỉnh thi hành luật lệ giao thông, đừng để cho người cảnh sát giao thông bắt phạt chúng ta là hèn hạ các bạn ạ! Chúng ta là những người dân Việt Nam anh hùng, con cháu của Trưng Vương, Triệu Ẩu, thì chúng ta phải làm gì cho xứng đáng dòng giống Tiên Rồng. Muốn xứng đáng dòng giống Tiên Rồng, con cháu của Trưng Vương, Triệu Ẩu thì phải thực hiện đạo đức nhân bản - nhân quả làm người. Muốn thực hiện đạo đức nhân bản - nhân quả thì phải thi hành luật lệ giao thông nghiêm chỉnh.
Khi phạm luật lệ giao thông, mà còn lớn tiếng cãi vã với người hành pháp thì thật là đáng trách, đáng chê. Vì mạng sống của ai mà người cảnh sát phải chịu dầm mưa dãi nắng, đứng đầu đường, ngã ba, ngã tư? Hỡi các bạn thanh niên nam nữ! Đừng vì một cái nhìn, háy, liếc, ngó của một chàng thanh niên hay của một cô thiếu nữ khác khi lái xe vượt qua mặt các bạn. Các bạn đừng nổi máu anh hùng, chạy bất kể mạng sống, để so tài cao thấp thì đó là quá ngu si, quá dại dột.
Hơn thua nhau không phải ở chỗ này, các bạn ạ! Mà chỗ lái xe đi đường phải cẩn thận, sống đúng đạo đức và luật lệ giao thông làm người, để không xảy ra những tai nạn làm khổ mình, khổ người. Đấy là chỗ hơn nhau của các bạn.
Trên đường đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến xa lộ Biên Hòa, từ sau lưng chúng tôi một chiếc xe Honda lướt nhanh qua, một chàng thanh niên tuổi còn học trò quay nhìn lại cười, mấy cháu thanh niên khác đang lái xe rất cẩn thận. Nhưng vì nụ cười và cái nhìn thách thức, mấy cháu thanh niên không dằn được máu anh hùng, nên rồ ga phóng nhanh theo, lao mình như chiếc tên, bất kể người hoặc xe cộ khác trên đường. Chỉ trong chớp mắt là mấy cháu thanh niên đã mất hút. Nhưng, khi xe chúng tôi đến ngã ba Đại Hàn, thì ôi thôi! Một cảnh tượng hãi hùng, một chiếc xe tải đã cán bể đầu, óc văng tung tóe, chàng thanh niên mà chúng tôi đã gặp trên đường đi lúc nãy.
Hỡi các cháu thanh thiếu niên! Chỉ một phút nông nổi mà các cháu không làm chủ được tâm mình, để dẫn đến một sự khổ đau cho cha mẹ, anh chị em và những người thân thương của các cháu. Các cháu có biết không? Khi các cháu bị tai nạn giao thông chết, cha mẹ và anh chị em của các cháu khổ đau như ai bứt từng đoạn ruột. “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Công ơn cha mẹ sanh thành các cháu, phải chịu nhiều cực khổ, cay đắng mới nuôi nấng các cháu lớn khôn, “lưng dài vai rộng”.
Thế mà các cháu ra đường không bảo vệ mạng sống của mình, để mong có ngày báo đáp ơn sanh thành dưỡng dục.
KHÔNG THIẾU NHỮNG “ANH HÙNG XA LỘ” LÀ CÁC EM HỌC SINH
Các em học sinh dễ đua đòi, bốc đồng, ngông cuồng thể hiện bản lĩnh lái xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu mà quên đi sự quý giá sinh mạng của mình và của mọi người
(Ảnh trên Internet)
Các cháu phải sống, sống như thế nào để làm cho cha mẹ không buồn khổ, là các cháu đã đền đáp công ơn trời biển của người. Nếu các cháu làm phiền lòng cha mẹ, là các cháu đã phụ ơn sanh thành của người, thì các cháu không xứng đáng là con người. Con thú vật nó còn biết thương cha mẹ huống là con người. Phải không hỡi các cháu? Chúng ta là con người có trí tuệ hiểu biết, có sự tư duy, suy nghĩ thì phải biết đâu là phải và đâu là không phải; biết đâu là ác và đâu là thiện; biết đâu là làm khổ cho mình và đâu là không làm khổ cho mình; biết đâu là làm khổ cho người và đâu là không làm khổ cho người.
Thế sao các cháu nỡ đành lòng nào làm khổ cha mẹ. Cho nên ra đường lái xe thì các cháu phải cẩn thận, đừng chạy quá tốc độ làm chủ, đừng lạng lách, đừng vượt qua mặt xe khác mà không đoán được tốc độ xe, thì rất là nguy hiểm. Đừng lái xe khi uống rượu say, đừng lái xe khi buồn ngủ, đừng lái xe khi có tâm trạng buồn lo sầu khổ, đừng lái xe khi cơ thể mệt nhọc, đừng vui chơi với bè bạn mà hăng máu anh hùng “xa lộ” là uổng công cha mẹ sanh thành dưỡng dục, uổng công chín tháng mang nặng đẻ đau của mẹ.
Các cháu nên nhớ kỹ, làm người phải có đạo đức, nhất là đạo đức giao thông. Vì thiếu đạo đức này sinh mạng của các cháu như chỉ mành treo chuông; vì thiếu đạo đức này sẽ làm khổ mình, khổ người và khổ cả bao nhiêu người khác nữa.
Nếu trên đường đi ai thiếu sự cẩn thận, không tuân hành luật lệ giao thông, không học đạo đức giao thông, thì không thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình đối với sự sống còn của mọi người. Khi ấy tai nạn giao thông sẽ dễ dàng xảy đến. Xảy đến với những cái chết thảm thương và đau khổ. Phải không hỡi các cháu? Các cháu cần phải cẩn thận khi lái xe ra đường. Công ơn cha mẹ nặng lắm các cháu ạ! Muốn tai nạn giao thông chấm dứt, thì các cháu đi bộ cũng như lái xe phải thấy bổn phận đạo đức làm người trên tuyến đường mình đang đi và lái xe. Phải cẩn thận, phải cân nhắc kỹ lưỡng khi bước chân ra đường, khi chiếc xe của mình lao tới. Có như vậy thì không còn ai chết vì bị xe đụng nữa. Sự đau thương này sẽ chấm dứt.
Trong sự rèn luyện đạo đức nhân bản - nhân quả làm người không có khó khăn. Chỉ cần tập luyện cho thành thói quen, nhất là đạo đức giao thông. Hằng ngày phải tự ám thị tâm mình bằng câu: “Khi ra đường đi bộ hay lái xe, ta hãy cận thận giữ gìn luật đi đường nghiêm chỉnh, không được vi phạm”.
TAI NẠN GIAO THÔNG LÀM MẤT MÁT RẤT NHIỀU SINH MẠNG VÀ TÀI SẢN CỦA ĐẤT NƯỚC
(Các nạn nhân đang được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, trong vụ tai nạn xe khách lật nhào làm 4 người chết, 41 người bị thương ngày 30/5/2011 - Ảnh trên báo mạng ThanhNien.com.vn)
Học đạo đức giao thông, khi ra đường chúng ta phải nhớ và áp dụng cho rõ từng hành động, để tránh tai nạn giao thông và không bao giờ xảy ra khổ đau cho mình, cho người. Có như vậy mới trở thành thói quen Đạo Đức Làm Người.