Bài thứ sáu Đề mục thứ mười ba 13-Quán ly sân

Sân là một ác pháp nếu không lìa ra khỏi thân tâm thì nó sẽ làm khổ quý vị vô vàn, vì vậy hằng ngày quý vị phải tu tập:

“Quán ly sân tôi biết tôi hít vô; quán ly sân tôi biết tôi thở ra”.

Nếu một tâm sân đã được lìa bỏ thì Niết Bàn ở tại đó. Chỉ cần chuyên tu tập một đề mục này lìa bỏ được tâm sân thì con đường tu của Phật giáo đâu mấy khó khăn. Phải không quý phật tử?

Đức Phật đã đem lời dạy này ra bảo đảm với chúng ta: “Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A La Hán nói đến. Và tôi đã được nghe. Này các tỳ-kheo hãy từ bỏ một pháp, Ta bảo đảm cho các ngươi không đi đến tái sanh. Thế nào là một pháp?

Sân, này các tỳ-kheo là một pháp các ngươi hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các ngươi không đi tái sanh. Thế Tôn nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến”.

Theo lời dạy trên đây chúng ta chỉ cần tu tập một pháp LY SÂN là chấm dứt tái sinh.

Trong đề mục thứ 13 của HƠI THỞ đã có dạy, xin quý vị xem lại sẽ thấy rõ ràng. Chỉ tu tập đề mục này cũng đủ chứng đạo quả giải thoát, chấm dứt tái sanh luân hồi trong một đời này mà thôi.

Nếu quý vị đã nhiếp TÂM  AN TRÚ, AN TỊNH trong hơi thở ở các đề mục như: “An tịnh Thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân tôi biết tôi thở ra” và “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm tôi biết tôi thở ra” thì trong những đề mục này đã có ly sân rồi, vì AN TỊNH, AN TRÚ được là tâm sân đâu còn nữa, nếu siêng tu những tập đề mục này cho thuần thục thì tâm sẽ được giải thoát và tâm sẽ như đất, như nước thì nóng giận còn ở đâu được nữa.

Quý phật tử có nghe đức Phật dạy không?

Chỉ có tâm sân bị diệt, bị từ bỏ thì con đường tái sinh sẽ chấm dứt. Một lợi ích quá lớn chỉ có từ bỏ tâm sân là được chứng đạo, là được giải thoát ngay liền; là được chấm tái sinh luân hồi. Vậy mà không tu tập thì quá uổng. Phải không quý phật tử?

Phải cố gắng nhớ tu tập hằng ngày “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô; quán ly sân tôi biết tôi thở ra”. Chỉ có tu tập như vậy mà một kiếp sống khổ đau được diệt trừ mãi mãi, thật là tuyệt vời.