Tâm của con người thật sự là VÔ THƯỜNG, nếu chúng ta chịu khó quan sát thì sẽ thấy rất rõ. Tâm không bao giờ chịu đứng yên một chỗ mà hay lăng xăng khởi niệm, niệm này chưa xong liền khởi niệm khác. Do quan sát kỹ như vậy chúng ta mới thấy tâm là VÔ THƯỜNG thật. Do tính VÔ THƯỜNG của nó như vậy nên khi chưa làm chủ được tâm thì chúng ta chịu khổ đau với nó không phải là ít.
Hằng ngày chúng ta tác ý câu này: “Quán tâm vô thường tôi biết tôi hít vô; quán tâm vô thường tôi biết tôi thở ra”. Khi tác ý xong thì chúng ta chịu khó quán xét TÂM VÔ THƯỜNG ở nhiều góc cạnh khác nhau thì chúng ta càng thấy rõ tính VÔ THƯỜNG của tâm. Do quán xét như vậy chúng ta sẽ không bị tâm mình lừa gạt mình và không bị tâm mình làm cho mình khổ đau nữa.
Người ở ngoài đời cũng như ở các tôn giáo khác trong đó có các hệ phái Phật giáo nước ngoài như Đại thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Pháp Hoa Tông, Mật Tông v.v... đều cho tâm này là linh hồn, tâm này là Phật Tánh, là Tánh Không, là Chơn Như, là trí tuệ Bát Nhã, là bản thể của vạn hữu v.v... Đó là một sự hiểu biết lầm lạc bằng ảo tưởng, tâm là một xứ trong pháp môn TỨ NIỆM XỨ: THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP.
Nếu quán thấy TÂM VÔ THƯỜNG thì cũng thấy THỌ VÔ THƯỜNG, thì cũng thấy THÂN VÔ THƯỜNG, thì cũng thấy CÁC PHÁP VÔ THƯỜNG. Như vậy toàn bộ TÂM, THỌ, THÂN, PHÁP đều VÔ THƯỜNG, mà đã VÔ THƯỜNG thì đó là pháp khổ đau. Như vậy toàn bộ THÂN TÂM của chúng ta là pháp khổ đau. Khi xét thấu như vậy thì lời dạy của đức Phật THÂN NGŨ UẨN của con người là một khối VÔ THƯỜNG, KHỔ ĐAU. Trong thân người không có vật gì là thường còn bất biến. Thế mà kinh sách phát triển và Thiền Tông cho rằng trong thân con người còn có một vật BẤT SINH, BẤT DIỆT, ý này thật là sai và đi ngược lại với lời Phật.
Cho nên hằng ngày quán TÂM VÔ THƯỜNG là để chúng ta không bị kiến chấp LINH HỒN, PHẬT TÁNH lừa đảo mình. Từ những truyền thống LINH HỒN lâu đời của ông bà và ngoại đạo tà giáo đã ra công xây dựng để lại tạo nên một cuộc sống mê tín cầu cúng.
Nhờ luôn luôn quán tâm vô thường nên từng tâm niệm sanh khởi không làm chúng ta bị dính mắc và đắm chìm trong dục lạc thế gian. Đây là pháp môn tu tập Định Niệm Hơi Thở câu hữu với THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP.
Có một số người giàu tưởng giải, chia tâm này ra làm nhiều phần gọi là duy thức học. Duy thức học để phân chia tâm mà lý luận chơi, chứ chẳng mang đến sự lợi ích thiết thực cho cuộc sống của loài người. Cho nên DUY THỨC HỌC chỉ là những học giả biên soạn để tranh luận, chớ sách này chẳng có ích lợi gì cho sự tu tập giải thoát.
Nhưng ngược lại Định Niệm Hơi Thở sẽ giúp quý vị giải trừ các ác pháp và các chướng ngại nơi thân tâm của quý vị, khiến cho thân tâm quý vị sống được AN TRÚ, AN TỊNH, nhờ đó mà khổ đau không còn nữa.
Chính tâm AN TRÚ, AN TỊNH nên thân tâm lúc nào cũng THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ. Đây là pháp môn tu tập Định Niệm Hơi Thở kết hợp với THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP.