Khi quý vị tác ý câu này: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” một hay hai lần thôi mà đã có trạng thái an tịnh của thân liền thì đó là đạt kết quả an tịnh thân hành. Thân an tịnh có trạng thái an lạc, hoan hỉ. Lúc bấy giờ nhận ra tâm là nhận ra sự hoan hỉ đó. Nhưng khi tác ý đề mục 6 - “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra” thì mới thấy rõ sự an lạc, sự hoan hỉ của tâm. Khi quý vị tác ý và nhận ra niềm hoan hỉ này rõ ràng là đạt kết quả của đề mục 6.
Muốn đạt được kết quả của đề mục này thì phải siêng năng tu tập. Có siêng năng tu tập mới có đủ cảm nhận tâm mình. Cảm nhận được tâm hành không phải dễ. Vì thế phải tu tập cho thật kỹ, cho cảm nhận được sự động và sự tịnh của tâm. Nói thì dễ, nhưng làm không phải dễ, quý vị phải cố gắng lên. “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Quý vị đừng nản lòng mà hãy bền chí, đường đi phía trước đang rực ánh hào quang, đang chờ đón quý vị. Nhất là quý vị có một vị thiện hữu tri thức hướng dẫn thì còn gì sợ tu sai pháp.
Khi thở ra thở vô mà cảm nhận được sự an ổn và niềm vui hoan hỷ thì con đường tu tập không còn khó khăn và mệt nhọc nữa, vì đã thấy ánh sáng dẫn đường phía trước, mỗi sự tu tập là ánh sáng lại tràn trề chói lọi. Đó là báo cho quý vị tu tập sắp đến đích, nhưng quý vị lưu ý, vì sự mong cầu và mơ ước của quý vị thì quý vị sẽ rơi lạc vào đường Ma, nếu quý vị cứ siêng năng tu tập mà không mong cầu một điều gì cả thì sự an lạc và niềm hoan hỷ đó mới chính từ pháp sinh và chính đó mới là chính pháp của Phật.
Nếu quý vị tu hành chưa đến đâu mà cứ mong cầu thì chúng tôi e rằng quý vị sẽ gặp Ma. Và vì vậy con đường tu của quý vị bế tắc. Quý vị nhớ chưa?