Đề mục thứ bảy Cảm giác tâm hành

Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Đề mục này là để hướng dẫn chúng ta ý thức nhận xét sự hoạt động của tâm theo từng hơi thở ra vô chứ không phải biết hơi thở ra vô bình thường. Do đó mỗi lần hít vô hay thở ra chúng ta đều lắng nghe tâm đang có niệm hay không niệm và niệm ấy là niệm mang ý nghĩa gì. Khi tâm có niệm là biết ngay niệm tâm đó đang có ý muốn gì. Trong khi tu tập lắng nghe tâm nói gì theo từng hơi thở, nếu thấy tâm lặng lẽ bất động không một niệm mang ý nghĩa nói gì xen vào trong suốt 30’ hay 1 giờ là chúng ta đã đạt được kết quả tu tập tâm lặng lẽ về đề mục này. Nhưng đề mục này mục đích không phải cảm nhận sự lặng lẽ của tâm mà cảm nhận sự hoạt động của TÂM HÀNH.

Tâm hành tức là sự tư duy của tâm, vì tâm hay nghĩ ngợi điều này việc kia nên gọi là TÂM HÀNH. Cho nên “CẢM GIÁC TÂM HÀNH” là cảm nhận từng sự tư duy của tâm chớ không phải cảm nhận sự lặng lẽ của tâm, nhưng trong đó biết rõ có lúc tâm lặng lẽ nhưng có lúc tâm không lặng lẽ.

Như vậy đề mục này dạy rất rõ là nương theo hơi thở ra mà thấy tất cả sự hoạt động của tâm, tâm muốn gì hay tâm làm gì đều biết rất rõ không bỏ sót một hành động nào của tâm. Chỗ này mọi người đã hiểu sai là dùng ý thức tập trung tâm vào hơi thở ra để ức chế ý thức khiến cho ý thức không khởi niệm. Khi ý thức không khởi niệm là họ cho mình tu tập thành công. Đấy là sự hiểu biết về pháp môn tu tập hơi thở hết sức sai lạc, mong rằng quý vị hãy cố gắng đừng hiểu sai tất cả các đề mục về HƠI THỞ là nhiếp tâm trong HƠI THỞ là không niệm. Chính không niệm là một tai hại rất lớn trong sự tu tập giải thoát theo Phật giáo.

Cảm nhận TÂM HÀNH tức là làm chủ tâm, điều khiển tâm làm cho tâm luôn luôn sống trong thiện pháp và không bao giờ để tâm tư duy suy nghĩ những điều ác được.

Khi hiểu biết lời dạy này áp dụng vào sự tu tập thì chỉ có ý thức xả tâm. Ý thức xả tâm tức là CẢM NHẬN TÂM HÀNH.

CẢM NHẬN TÂM HÀNH TỪNG HƠI THỞ RA thì còn ác pháp nào xen vào được và tu tập như vậy thì giải thoát ngay liền. Có phải không quý vị?

Tập luyện đề mục này để thấy tâm hành hay không tâm hành. Hành là tâm khởi ra niệm này niệm kia, đó là tâm ở trong sự hoạtđộng. Tâm ở trong sự hoạt động là tâm nương hơi thở để cảm nhận sự hoạt động đó. Cho nên câu này nghĩa rất rõ “CẢM NHẬN TÂM HÀNH TÔI BIẾT TÔI THỞ RA”. Còn không hành là không khởi niệm; là tâm tịnh, tâm im lặng. Tâm tịnh cũng giống như gốc cây. Tu tập mà tâm giống như gốc cây thì chẳng có lợi ích gì cả. Cho nên tu theo Phật thường Phật dạy: “NGĂN ÁC DIỆT ÁC PHÁP, SINH THIỆN TĂNG TRƯỞNG THIỆN PHÁP” thì tu tập ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ cũng vậy, phải ngăn ác diệt ác pháp và sinh thiện tăng trưởng thiện pháp. Câu dưới đây cũng dạy như câu trên nhưng là HƠI THỞ VÔ RA:

“Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Tu tập“Cảm giác tâm hành là xem tâm có hành động gì không.