5- “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Đây là đề mục dời tụ điểm không còn thấy hơi thở ra vô tại nhân trung nữa. Mỗi lần hít thở cảm nhận sự rung động toàn thân. Trong pháp Thân Hành Niệm dạy: “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”. Chỗ này tu tập khi nào từng hơi thở cảm nhận được sự rung động của toàn thân thì đó là kết quả của đề mục này.
“Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Tập cảm giác toàn thân (hay cảm giác thân hành). Đó là tập quan sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp khi tập luyện Bốn Niệm Xứ sau này. Đây là đề mục thứ tư của Định Niệm Hơi Thở là để chuẩn bị cho quý vị tu tập Tứ Niệm Xứ: “Trên thân quán thân để nhiếp phục tham ưu”, tức là quan sát bốn chỗ trên thân nhưng lại lưu ý TÂM HÀNH để làm chủ tâm chớ không phải ức chế tâm cho hết niệm khởi, xin quý vị lưu ý.
Đề mục Cảm Giác Toàn Thân tập luyện hít vô cảm giác thân của mình. Khi quý vị đã có hơi thở chuẩn, đã chủ động điều khiển được HƠI THỞ, đã quan sát được HƠI THỞ, đã không cho HƠI THỞ thay đổi, lúc bấy giờ mới qua đề mục 4: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô; cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”. Quý vị hít vô thì cảm nhận từ trên đầu xuống tới chân; thở ra thì cảm nhận từ chân lên đầu. Nếu cảm nhận không được thì nương qua câu tác ý của Thân Hành Niệm là câu “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”. Khi hít thở thì thân có độ rung do hơi thở, quý vị quan sát, lắng nghe độ rung đó. Đừng dùng tưởng, dùng tưởng là sai. Bằng cách tác ý theo từng hơi thở để cảm nhận toàn thể thân của mình. Chủ động điều khiển thân và tâm.
Quý vị nên tác ý thế này “Tâm hãy theo dõi từng hơi thở khắp trong cơ thể đi!”, rồi hít vô xem thử nó ra sao. Hít vô thở ra lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư, lần thứ năm. Rồi nhắc lại câu tác ý một lần nữa. Nếu không nhắc thì có niệm khác xen vô.
“Cảm Giác Toàn Thân” là phải dùng ý thức điều khiển cả thân và hơi thở. Phải dẫn nó, nhiếp phục tâm để lần lần cho nó quen, sau đó mình hít vô thở ra thì thấy cảm giác rõ ràng: “À, thân và hơi thở này phải theo dõi sát nghe!” – “Hít vô” – “Thở ra”. Cứ nhiếp ghi nói thầm thầm trong đó. Suốt thời gian 30 phút không niệm khởi, tức là nhiếp phục được tâm. Khi cảm nhận thân mà thấy luồng hơi thở ra, luồng hơi hít vô của từng hơi thở rõ ràng rồi đó là đạt kết quả.
Mục đích của đề mục này là tập cho mình quan sát ghi nhận bất kỳ hiện tượng gì, cảm giác gì xảy ra tại đâu trên thân mình, dù đó là cảm thọ gì.
Quý vị nên biết: Đề mục 1, 2, 3 là những đề mục tu tập để an trú tâm vào hơi thở.
Xin nhắc lại: Tập luyện Định Niệm Hơi Thở đề mục thứ nhất là phải nhiếp phục tâm rồi an trú tâm được trong hơi thở thì quý vị thấy rõ ràng hơi thở có lúc dài, có lúc ngắn. Chừng đó mới đi qua đề mục thứ 2, thứ 3 điều khiển hơi thở dài, hơi thở ngắn theo sự an trú. An trú trong đề mục thứ 2, thứ 3 xong mới qua đề mục thứ 4 - cảm giác toàn thân. Cảm giác toàn thân có kết quả mới qua đề mục thứ 5 - an tịnh toàn thân được. Phải an trú tâm cho được, phải tìm mọi cách, bằng mọi cách phải tìm cho được, làm cho tâm an trú.
Quý vị ngồi xuống thu xếp tay chân thân mình cho yên ổn, không còn chướng ngại gì. Ngồi như vậy một lúc độ 3 – 5 phút, giữ thân cho an ổn, yên lặng rồi quan sát tâm, thấy tâm cũng yên ổn, không có niệm gì hết lúc đó mới tác ý để cho tâm biết thì nó sẽ an trú vô trong hơi thở dễ dàng.
Khi làm đúng vậy thì quý vị sẽ an trú nghĩa là quý vị vào đó sẽ thấy an lạc thật sự, chứ không phải ngồi yên mà có sự an trú. An trú là có sự an lạc, một trạng thái an trú an lạc của hơi thở. Vì thế quý vị phải tu tập có chất lượng và căn bản của những đề mục Định Niệm Hơi Thở đầu tiên, nếu tu tập thiếu căn bản không chất lượng sẽ phí công vô ích.