Đề mục thứ nhất Hít vô tôi biết tôi hít vô

 “- Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Đó là đề mục tu tập HƠI THỞ thứ nhất. Với người mới tu tập là để tập nhiếp tâm làm quen với HƠI THỞ. Nương hơi thở để thấy tâm nghĩ ngợi gì?

TÂM HÀNH tức là tâm đang quán xét tư duy.

Đề mục này tập trung tâm tại nhân trung giữa hai lỗ mũi, biết hơi thở ra vô tại chỗ đó, chứ không được theo hơi thở vô lồng ngực và ngược lại hơi thở từ lồng ngực chạy ra. Nếu quý vị nhiếp tâm được 30’ mà không quên hơi thở tức là không có tạp niệm xen vào thì đó là quý vị đã tu tập đã đạt được đề mục thứ nhất. Khi tu tập viên mãn đề mục thứ nhất như vậy thì quý vị xem lại kết quả lúc nào cũng đạt được tâm như vậy thì nên xin thiện hữu tri thức kiểm tra hơi thở lại giúp dùm, nếu vị thiện hữu tri thức bảo đã nhiếp tâm được kết quả tốt thì ngay đó xin tu tập đề mục thứ hai của ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ.

Khi mới làm quen với hơi thở quý phật tử không nên tu tập nhiều mà chỉ nên tu tập thời gian ngắn từ 1 phút đến 5 phút rồi xả nghỉ 5 phút, khi nghỉ 5 phút xong lại tiếp tục tu tập 5 phút.

Bắt đầu tu tập chỉ tu tập 1 phút phải có chất lượng, tức là nhiếp tâm và an trú tâm cho được, có nghĩa là không còn có một niệm nào xen vào trong hơi thở, và lúc bấy giờ tâm quý vị chỉ duy nhất biết có hơi thở ra vào một cách nhẹ nhàng, thoải mái và dễ chịu.

Đấy là quý vị tu tập đúng pháp, còn ngược lại có chướng ngại pháp, hô hấp rối loạn, tức ngực, đau đầu, hơi thở khó thở thì đó là tu sai pháp, có phần ức chế tâm, và hơi thở cần phải dừng lại không nên tu tập nữa, phải chờ thiện hữu tri thức kiểm tra lại hơi thở, chừng nào thiện hữu tri thức cho phép thì mới tu lại.

Quý vị nên biết HƠI THỞ là THÂN HÀNH NỘI, khi tu tập phải có thiện hữu ở một bên, có gì trục trặc người sẽ giúp đỡ cho.

Người có kinh nghiệm về HƠI THỞ mới biết cách hướng dẫn còn nếu không có người hướng dẫn thì quý vị đừng nên tự ý tu tập HƠI THỞ, nó rất nguy hiểm xin quý vị lưu ý.