Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống GIỚI HẠNH NIỆM HƠI THỞ RA, HƠI THỞ VÔ nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của HƠI THỞ. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của giới hành niệm HƠI THỞ ra, HƠI THỞ vô là gì?
Giới ĐỨC NIỆM HƠI THỞ RA HƠI THỞ VÔ là những lời dạy đạo đức về đời sống đạo đức của con người trong HƠI THỞ tức là CHÁNH KIẾN.
Giới HẠNH NIỆM HƠI THỞ RA, HƠI THỞ VÔ là những lời dạy về HÀNH ĐỘNG ĐẠO ĐỨC thường thể hiện qua giới hành niệm HƠI THỞ RA, HƠI THỞ VÔ như: nói, nín, tiếp giao với mọi người v.v... đều nương vào HƠI THỞ tỉnh giác mà tiếp giao, nhớ đừng bao giờ quên HƠI THỞ như vậy được gọi là CHÁNH TƯ DUY.
Trước khi muốn tu tập về giới hành niệm HƠI THỞ ra, HƠI THỞ vô thì các bạn hãy lắng nghe lời đức Phật dạy La Hầu La. La Hầu La là người con trai duy nhất của đức Phật. Đây là lời dạy LA HẦU LA tu tập ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ của đức Phật:
“Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập về niệm HƠI THỞ vô, HƠI THỞ ra, làm cho sung mãn, nên được quả lớn, được lợi ích lớn.
Và này La Hầu La, thế nào là tu tập niệm HƠI THỞ ra, HƠI THỞ vô làm cho sung mãn nên được quả lớn, được lợi ích lớn?”. (Kinh Trung Bộ - ĐẠI KINH GIÁO GIỚI LA-HẦU-LA)
Ở đây lời dạy này có những danh từ khó hiểu như: làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi ích lớn. Vậy làm cho sung mãn như thế nào? Được quả lớn, được lợi ích lớn như thế nào?
Chữ sung mãn có nghĩa là đầy đủ, sung túc, tràn đầy, dư thừa không thiếu hụt. Tóm lại trước khi thực hiện nghĩa này thì phải tập an trú tâm trọn vẹn trong HƠI THỞ. An trú tâm trọn vẹn trong HƠI THỞ tức là biết HƠI THỞ vô, HƠI THỞ ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, thoải mái, an lạc, đó là làm cho tràn đầy sung túc, dư thừa, không thiếu về niệm HƠI THỞ.
Quả lớn là gì?
Quả lớn có nghĩa là kết quả to lớn của sự tu tập về HƠI THỞ vô, HƠI THỞ ra. Quả lớn còn nghĩa là kết quả của sự tu tập đạt được sự giải thoát một cách cụ thể rõ ràng, hay nói cách khác là làm chủ được sanh, già, bệnh, chết tức là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.
Được lợi ích lớn là gì?
Lợi ích lớn có bốn nghĩa là:
1- Đời sống được an vui, hạnh phúc không có ác pháp nào làm dao động được tâm, tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự, thường thản nhiên trước mọi dục lạc thế gian, mọi sự cám dỗ vật chất, mọi ác pháp, v.v...
2- Làm chủ được tuổi già có nghĩa là khỏe mạnh quắc thước như một thanh niên cường tráng.
3- Làm chủ được mọi bệnh tật không sợ ốm đau như người thường tục.
4- Làm chủ được sự sống chết, muốn sống thì sống, muốn chết thì chết.
5- Chấm dứt tái sanh luân hồi.
Trên đây là năm điều lợi ích lớn của kiếp sống làm người do tu tập HƠI THỞ vô, HƠI THỞ ra.
Vậy trước khi muốn tu tập giới hành HƠI THỞ vô, HƠI THỞ ra thì chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “Ở đây này La Hầu La, vị tỳ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô, biết thở vô, vị ấy thở ra, biết thở ra”.
Đọc đoạn kinh này chúng ta cần lưu ý những từ sau đây: khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng, an trú chánh niệm trước mặt, tỉnh giác.
Vậy khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống là địa điểm để tu tập, có nghĩa là tìm nơi chốn yên tịnh, vắng vẻ để tu tập HƠI THỞ vô, HƠI THỞ ra. Nếu địa điểm không tìm được như trên đức Phật đã dạy, thì sự tu tập về HƠI THỞ vô HƠI THỞ ra rất khó khăn. Các Phật tử lưu ý những lời dạy này, vì nó rất cần thiết cho sự tu tập của quý vị, xin quý vị nên nhớ kỹ. Quý vị đừng cho rằng bất cứ nơi đâu tu cũng được thì đức Phật dạy điều này để làm gì? Có quan trọng đức Phật mới dạy như vậy. Đừng nghe theo những lời chỉ dẫn suông: “Bất cứ chỗ nào tu cũng được, tu trong bốn oai nghi, tu trong công việc làm”. Lời nói này đi ngược lại lời dạy của đức Phật.
Ngồi kiết già là gì?
Ngồi kiết già là tư thế ngồi xếp bằng tréo hai chân đan vào nhau. Đó là tư thế ngồi của người tu thiền định. Tư thế ngồi này rất vững chắc để thân tâm dễ gom vào một đối tượng thân hành nội (hơi thở).
Ví dụ: Đi, đứng, nằm ngồi, co tay, duỗi chân, ngước nhìn, nói nín, ăn, nhai nuốt, hơi thở vô, hơi thở ra v.v... đều là thân hành, nhưng phải rõ tất cả thân hành của thân là thân hành ngoại chỉ trừ có HƠI THỞ là thân hành nội. Như vậy chúng ta phải hiểu rõ mới có thể tu tập được.
An trú chánh niệm là gì?
An trú chánh niệm là ở yên ổn trong niệm chân chánh. Niệm chân chánh là gì?
Trong đạo Phật có bốn chỗ niệm chân chánh:
1/ Niệm thân
2/ Niệm thọ
3/ Niệm tâm
4/ Niệm pháp
Chữ chánh niệm ở đây gồm chung có 4 niệm, như vậy an trú chánh niệm tức là an trú trong bốn niệm. Vậy an trú bốn niệm một lần có được không? An trú bốn niệm một lần là tu tập Tứ Niệm Xứ. Cho nên Tứ Niệm Xứ còn gọi là Chánh Niệm. Chánh niệm tức là pháp môn tu tập thứ bảy trong BÁT CHÁNH ĐẠO. Cho nên tu tập TỨ NIỆM XỨ là tu tập lớp thứ bảy trong tám lớp tu học của Phật giáo.
Khi một người tu tập xong TỨ NIỆM XỨ thì có ĐỊNH NHƯ Ý TÚC. Nhờ có ĐỊNH NHƯ Ý TÚC nên mới nhập được TỨ THÁNH ĐỊNH, nếu không có ĐỊNH NHƯ Ý TÚC thì không bao giờ nhập định của Phật giáo được, vì thế các tà sư ngoại đạo đều nhập định, nhưng định ấy không phải là CHÁNH ĐỊNH của Phật giáo mà của tả đạo bàng môn.
Người tu hành theo Phật giáo phải rõ BÁT CHÁNH ĐẠO. BÁT CHÁNH ĐẠO chia làm ba cấp tu học:
1- Cấp Giới luật
2- Cấp Thiền định
3- Cấp Tuệ tam minh
Cấp Giới luật gồm có bốn lớp học giới luật:
1- Chánh kiến
2- Chánh tư duy
3- Chánh ngữ
4- Chánh nghiệp
Cấp Thiền định gồm có hai lớp:
1- Chánh tinh tấn (TỨ CHÁNH CẦN)
2- Chánh niệm (TỨ NIỆM XỨ)
1- Sơ Thiền
2- Nhị Thiền
3- Tam Thiền
4- Tứ thiền
Con đường tu tập của Phật giáo có ba cấp: GIỚI, ĐỊNH, TUỆ ai ai cũng biết, nhưng mỗi cấp đều có pháp môn tu tập rất rõ ràng, nếu chúng ta không dựa vào BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO thì chúng ta chẳng biết pháp nào tu tập.
Cho nên người nào muốn tu tập thì phải theo BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO mà tu tập. Chính xét BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO mà chúng ta biết kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông không phải là kinh sách của Phật giáo mà đó là kinh sách chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo và Lão giáo của nước ngoài. Vì thế người tu theo Phật giáo Đại Thừa không bao giờ làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.
Dù Đại Thừa Bắc Tông hay Phật giáo Nguyên Thủy Nam Tông mà lấy pháp môn Tứ Niệm Xứ tu tập hay dạy người mới tu. Đó là những người chưa có kinh nghiệm tu hành trên pháp môn TỨ NIỆM XỨ. Bởi vậy khi đến trường thiền của các sư Nam Tông Miến Điện thấy cách thức hướng dẫn phật tử tu tập TỨ NIỆM XỨ là biết ngay các sư thầy này chưa hiểu biết pháp môn TỨ NIỆM XỨ là pháp môn thứ mấy trong BÁT CHÁNH ĐẠO, cho nên mới dám dạy phật tử tu như vậy. Nhận xét điều này chúng tôi biết ngay các sư Miến Điện Nam Tông chưa thông suốt pháp môn TỨ NIỆM XỨ.
TỨ NIỆM XỨ là pháp môn tu tập trong lớp thứ bảy của BÁT CHÁNH ĐẠO, vậy mà người mới tu tập đem ra dạy, thật là các sư thầy chưa có kinh nghiệm tu hành chút nào cả, chỉ ở trên kinh sách chữ nghĩa mà dạy tu tập, vì thế lấy bốn chỗ THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP trên thân mà tu tập biến TỨ NIỆM XỨ trở thành pháp môn ức chế ý thức. Đức Phật không có dạy ức chế ý thức cho hết vọng tưởng mà dạy ly dục ly ác pháp để tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Như vậy rõ ràng Phật dạy tu tập khác, các thầy tổ dạy tu tập khác. Do tu tập sai khác như vậy nên không ai tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.
Cho nên cũng tu tập TỨ NIỆM XỨ mà Đại Thừa và Nguyên Thủy Nam Tông không làm chủ sự sống chết.
Ngoài bốn niệm: thân, thọ, tâm, pháp còn có niệm nào khác nữa không?
Trên THÂN gồm có hai niệm:
1- Thân hành niệm nội
2- Thân hành niệm ngoại
Trên THỌ gồm có ba niệm:
1- Niệm thọ lạc
2- Niệm thọ khổ
3- Niệm thọ bất lạc bất khổ
Trên tâm gồm có hai niệm:
1- Niệm tịnh
2- Niệm động
1- Niệm thiện
2- Niệm ác
Ở đây, bài pháp này đức Phật đang dạy La Hầu La về HƠI THỞ vô, HƠI THỞ ra, vì thế chánh niệm ở đây phải hiểu là THÂN HÀNH NIỆM nội, tức là HƠI THỞ vô HƠI THỞ ra. Vậy an trú chánh niệm trước mặt tức là an trú hơi thở vô, hơi thở ra ở trước mặt.
Tỉnh giác nghĩa là gì? Tỉnh giác nghĩa là biết rất rõ ràng từng chi tiết nhỏ, biết rất kỹ lưỡng, biết không có mờ mịt một chút xíu nào cả. Ở đây chúng ta nên hiểu đức Phật dạy La Hầu La phải biết rất kỹ từng HƠI THỞ vô, từng HƠI THỞ ra.
Người giữ gìn giới hành HƠI THỞ vô HƠI THỞ ra có nghĩa là tu tập an trú trong HƠI THỞ vô HƠI THỞ ra phải biết rất rõ ràng, không được để quên, để mất, để mờ mịt HƠI THỞ vô ra.
Vì tâm chúng ta hay quên (vô ký) nên phải dùng pháp tác ý dẫn tâm tỉnh giác mãi mãi làm cho tâm sáng suốt thấy biết rất rõ ràng từng HƠI THỞ vô, ra. “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. An trú được trong HƠI THỞ là đạt được căn bản về phương pháp tu Định Niệm Hơi Thở.
Để thực hiện giới hành này chúng ta nên theo lời đức Phật dạy Tôn Giả La Hầu La mà tu tập như sau:
Trước tiên chúng ta tìm nơi vắng vẻ, yên tịnh, rồi tập ngồi kiết già lưng thẳng, sau khi tập ngồi kiết già lưng thẳng được có nghĩa là ngồi tréo chân mà không thấy khó chịu, hoặc đau hoặc tê chân chừng nửa tiếng đồng hồ. Khi ngồi được nửa tiếng đồng hồ yên ổn thì mới đặt niệm HƠI THỞ vô, HƠI THỞ ra trước mặt và tác ý như sau: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Khi tác ý xong câu này ta truyền lệnh: “Hít”, truyền lệnh xong ta mới hít vô, tỉnh giác rất kỹ theo HƠI THỞ vô. Sau khi HƠI THỞ vô hết ta truyền lệnh “Thở”, khi truyền lệnh xong ta mới thở ra và phải sáng suốt tỉnh giác theo HƠI THỞ ra. Cứ như vậy mà tu tập 1 phút. Nếu tu tập 1 phút sức tỉnh giác rất tốt không quên HƠI THỞ nào, có nghĩa là trong một phút không bao giờ ta quên HƠI THỞ, mà cũng có nghĩa là trong một phút không có một niệm vọng tưởng nào xen vào được.
Nếu một phút tu tập tốt, ta tăng lên 2 phút, rồi 3 phút, rồi 4, 5 phút. Sau khi đạt được 5 phút rất tỉnh giác HƠI THỞ ra vô, ta tăng 6, 7, 8, 9, 10. Sau khi tăng lên 10 phút ta xét xem lại toàn bộ cơ thể có xảy ra trạng thái gì không ?
Ví dụ: nặng đầu, nặng mặt, choáng váng, chóng mặt, v.v... Khi có những trạng thái như vậy xảy ra thì nên báo cho Thầy biết để kịp thời sửa lại cho đúng cách tu tập để không bị ức chế tâm khiến thân không rối loạn cơ bắp và thần kinh, v.v...
Trong giới hành về hơi thở vô, hơi thở ra có 19 đề mục tu tập. Mười chín đề mục Định Niệm Hơi Thở được chia ra làm hai phần:
1- Bảy đề mục đầu nhiếp tâm và an trú tâm.
2- Mười hai đề mục sau đẩy lùi các ác pháp.