ĐƯA ANH TRỞ LẠI QUÊ NHÀ

Thiết nghĩ trong cuộc đời của một con người ai mà chẳng có không ít những niềm vui mênh mông và có cả những nỗi buồn vô tận. Nhất là đối với những gia đình trong những năm tháng đất nước có chiến tranh, hình ảnh người vợ trẻ ôm đứa con bé bỏng đưa tiễn chồng ra mặt trận... họ lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, dành cho ngày gặp lại. Và sau bao năm, chiến tranh đã lùi xa - người vợ trẻ ngày nào, bây giờ trên mái tóc đã bạc - người ra đi mãi chẳng thấy về?!

Đó là trường hợp của gia đình chị Trần Thị Nghĩa ở xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình - giữa những ngày giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ở cả hai miền Nam, Bắc (1965) - anh Đoàn Văn Cờ, chồng của chị - một bộ đội phục viên đã nhanh chóng trở lại quân ngũ. Ngày anh lên đường, chị Nghĩa hai tay ẵm đứa con gái nhỏ tiễn chân anh... và rồi có ai ngờ cho mãi đến khi cả hai miền đất nước tràn ngập niềm vui đại thắng, chị Nghĩa mới biết tin chồng qua mảnh giấy báo tử: anh Đoàn Văn Cờ, chồng chị đã hy sinh ngày 13 / 8 / 1986 tại... “mặt trận phía Nam” (!).

Trước nỗi đau tử biệt, chị Nghĩa chỉ còn biết âm thầm lặng lẽ đau xót phận mình và thương cho đứa con côi, suốt bao năm ròng mong gặp mặt cha.

Giống như nhiều gia đình có người thân còn “nằm” lại trên các chiến trường, dù xa xôi cách trở, chị Nghĩa đã cùng các anh chị em trong nhà và nhất là sự quyết tâm của cháu Hoa - con gái duy nhất của liệt sỹ, đã bằng mọi cách liên hệ với các đồng đội cũ của anh còn sống để thăm dò nơi chôn cất di hài. Các bác, các chú và cả các cô đã cùng cháu Hoa lần dò đến nhiều nơi. Song tất cả chỉ là “mò kim đáy biển”. Mãi năm 1994, gia đình mới nhận được tin báo của Ban chính sách Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum - thì nỗi buồn lại càng thêm sâu nặng! Bởi đó là những lời an ủi, vì chính họ cũng không biết phần mộ liệt sỹ Cờ hiện giờ đang “yên nghỉ” ở nơi đâu!? Chốn trận địa năm nào, gió núi vẫn ào ào, mưa rừng vẫn ngày đêm xối xả...

Cho mãi cuối năm 2003, tức là sau 34 năm ngày liệt sỹ Đoàn Văn Cờ hy sinh, cháu Thiêm - người cháu cùng huyết tộc mới gặp cô Năm Nghĩa - một nhà ngoại cảm có uy tín, được báo chí ca ngợi có khả năng tìm mộ liệt sỹ thất lạc. Cô Năm Nghĩa đã dùng phương pháp đặc biệt của mình để tiếp nối thông tin với những người đã khuất. Qua cô Năm Nghĩa - liệt sỹ Cờ đã chỉ cho người thân trong gia đình, rằng mộ của anh nằm trên một bìa rừng, phải đi qua Huyện Đắc Tô: đây là cầu, đoạn kia là cống và quãng xa xa là khu vực nhà rông... Liệt sỹ còn chỉ rõ mộ của mình nằm ở phía Tây cách 20 mét của một con suối, đầu quay về phía núi. Phần bên trên, sau 35 năm trên mồ không còn dấu vết. Tỉ mỉ hơn, nay trên mộ có những cây mắc cỡ (xấu hổ) trổ hoa màu tím. Tấm vải bạt mà đồng đội cuộn xác để chôn, hiện có góc đã bị trồi lên trên mặt đất. Mộ của anh ở vị trí đầu tiên, kế đó phía bên trái là mấy ngôi mộ nữa là của những chiến sỹ quê miền Nam (có kèm theo tên tuổi và địa chỉ là các liệt sỹ Nguyễn Đức Tâm, vợ là Bùi Thị Ngoạt ở phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa; liệt sỹ Bùi Văn Trọng, có con là Hoàng Văn Thọ ở thị trấn Bình Ba, Bà Rịa...). Cuối cùng liệt sỹ Cờ thúc giục:

“Các em hãy nhanh chóng đưa anh về, kẻo mùa mưa này chắc các anh không còn trụ nỗi...”.

Qua bước đầu “nắm” được thông tin coi là hệ trọng, những người thân trong gia đình liệt sỹ hẳn còn niềm vui dào dạt nào vui hơn? Và chặng đường thực hiện, dù khó khăn đến mấy, nhưng đã có cô Năm cùng đi và đến đâu cũng gặp người dẫn đường chỉ lối - mọi trở ngại cũng đã qua đi. Mấy gia đình của liệt sỹ Nguyễn Đức Tâm; Bùi Văn Trọng... cùng đi tìm mộ đã toại nguyện niềm mong đợi.

Riêng có liệt sỹ Đoàn Văn Cờ là người miền Bắc - theo lời kể lại của ông Nguyễn Minh Châu, em rể của liệt sỹ... “Ngày hôm ấy, từ bến xe Gia Lai, hai vợ chồng tôi mua 3 vé xe khách Bắc-Nam - trong đó có 1 vé dành riêng cho anh. Trên đường đón và cũng là đưa anh của chúng tôi về rất an toàn. Tới Phủ Lý, tại đây có khá đông đủ anh chị em cùng các cháu công tác và sinh sống ở Hà Nội, Hải Dương… Lại có cả vợ chồng con cái của cháu Thiêm từ Tp.Hồ Chí Minh... tất cả đang túc trực và chuẩn bị sẵn sàng xe cộ, rất trân trọng đón hài cốt của anh với một niềm vui hòa quyện trong nỗi buồn khôn ngăn giọt lệ… Trên đường về Thái Bình, qua cầu Tân Đệ khá hiện đại hôm nay, chúng tôi cố ý cho xe chầm chậm để anh được lắng nghe những âm thanh quá khứ của con phà năm xưa, khi anh cùng đồng đội sang sông thẳng tiến vào Nam.

Xe vừa xuống khỏi chân cầu, đây rồi! Cháu Hoa con gái của anh! Cháu Ngọc con rể của anh, các cháu Long và Linh, cháu của anh. Và còn đây, có không ít những người thân đang chờ, đang đợi. Chỉ tiếc rằng chị Nghĩa vợ anh hiện đang ốm nên đành phải ở nhà chờ anh nơi cổng, như những ngày nào.

Đó là lúc đông đủ anh em, bà con trong gia tộc, trong làng xóm đã có mặt đông đủ để đón nhận di hài của một người chiến sỹ ngày ấy đã ra đi… Trong những tiếng nghẹn ngào nức nở... tôi hiểu, với chị Nghĩa - ngày ấy tiễn chồng lên đường, chị đâu có mong sau này đón anh trở về trong niềm vinh dự được là vợ của một anh hùng liệt sỹ! Trước anh linh của người đã khuất - chúng em và các cháu xin được đôi chút tự hào là đi tìm được di hài của anh đem về trong nỗi ngóng trông gần suốt đời chị”.

Mộ của anh đã được nằm trong nghĩa trang liệt sỹ của huyện... Trong nỗi đau mất mát có lẫn niềm vui, mừng rằng sau 35 năm anh đã trở về với bao niềm thương nỗi nhớ.

Trần Ngọc Lân

(Viết theo lời kể của ông Nguyễn Minh Châu và tài liệu của Liên hiệp khoa học thông tin UIA).

 

ĐƯA ANH TRỞ VỀ làm cho mọi người có người thân đã hy sinh nằm xuống trên mảnh đất quê hương đã không cầm được những giọt nước mắt. Phải chúng ta khóc cho những người chưa được mang hài cốt về tận quê nhà và cũng không biết những hài cốt ấy hiện giờ còn ở đâu. Chẳng hạn như em trai của chúng tôi - Lê Văn Tân, xương cốt em ở đâu? Mẹ đã chết lâu rồi, khi còn sống mỗi khi nhắc đến em, mẹ không cầm được nước mắt, mỗi chiều tựa cửa nhìn về phía bước chân em đi mà nước mắt mẹ cứ tuôn trào không dứt.

Lúc bấy giờ, em biết sao không? Anh chỉ khuyên lơn mẹ: Mẹ đừng khóc nữa mẹ, mai mốt em con sẽ về, khi nhiệm vụ làm xong.

Lời an ủi mẹ như vậy, nhưng chính anh cũng không cầm được những giọt nước mắt của mình. Vì biết bao giờ nhiệm vụ giải phóng đất nước mới xong. Giặc thì ào ạt súng đồng đại bác, xe tăng thiếc giáp còn quân đội mình đánh giặc bằng tầm vông vạc nhọn. So hai lực lượng thì biết rằng đất nước muốn giải phóng thì phải hy sinh biết bao người con thân yêu của tổ quốc.

Ngày nay đất nước thống nhất, độc lập hòa bình, mọi gia đình có con em hy sinh thì rủ nhau đi tìm hài cốt qua các nhà ngoại cảm, họ đi khắp nơi trong nước, còn gia đình mình thì sao?

Gia đình mình đâu có người làm quan lớn thì biết dựa vào đâu mà tìm hài cốt em mình, nhiều khi người ta còn bảo em mình theo giặc chết. Thật là đau lòng. Những anh cán bộ làm tỉnh ủy viên Tây Ninh năm xưa họ đã đưa em tôi thoát ly gia đình vào chiến khu lập bộ đội để đánh giặc. Bây giờ lần lượt họ đã chết gần hết chỉ còn một vài anh chị em vì quá già nên phải hưu trí.

Nỗi đau của gia đình còn biết nói với ai bây giờ. Cha mất, mẹ mất anh em lần lượt cũng chết theo, những thế hệ con cháu về sau còn có ai biết không, nếu không có những trang sử gia đình thì ngày mai con cháu còn lấy đâu làm chứng cứ. Gia đình từ ông cha anh, em và chị em đều đem công sức và máu xương tô đắp cho quê hương xứ sở.

Để kết thúc tập sách này chúng tôi xin khẳng định LINH HỒN không có mà chỉ có TƯỞNG UẨN hoạt động mà thôi.

HẾT