BẰNG LÒNG là một đức hạnh xả tâm cao nhất trong Phật giáo, vì có BẰNG LÒNG tâm mới có an vui. Bằng lòng tức là vui lòng chứ không phải bằng mặt, nghĩa là vui lòng trước mặt mà sau lưng thì không vui.
BẰNG LÒNG ở đây là vui lòng chấp nhận mọi ý kiến và việc làm của người khác không có chút gì còn chướng ngại trong lòng. Bằng lòng tức là chấp nhận và vui vẻ.
Một người luôn luôn giữ gìn được tâm BẰNG LÒNG thì người ấy sống không còn chút gì đau khổ trong lòng. Cho nên cuộc sống chung đụng với mọi người mà người biết sống với đức hạnh BẰNG LÒNG thì người ấy không còn bị những ác pháp làm đau khổ, không còn bị các chướng ngại pháp làm khổ đau.
Tóm lại, trong xã hội loài người mà mọi người, ai ai cũng đều biết sống đối xử với nhau bằng những hành động thân, miệng, ý luôn luôn thể hiện đức hạnh: NHẪN NHỤC, TÙY THUẬN và BẰNG LÒNG thì thế gian này yên vui và hạnh phúc biết bao!!!
Thấy biết rõ ba đức hạnh NHẪN NHỤC, TÙY THUẬN và BẰNG LÒNG này sẽ đem lại sự lợi ích rất lớn cho loài người. Cho nên chúng tôi thường ước nguyện sao cho mọi người thấu hiểu sự sống của mọi người quý báu vô cùng, ước mong mọi người hãy vì sự sống chung nhau trên hành tinh này mà diệt trừ lòng ích kỷ nhỏ hẹp của mình để sống vì mọi người, sống vì mọi người không phải là lời nói suông mà bằng cả hành động.
Sống vì mọi người là sống vì sự sống của mình và của những người khác, để cùng nhau xây dựng một xã hội bình an, yên ổn bằng tình thương cho nhau chân thật.
Ba đức hạnh này là ba đức hạnh của người tại gia, xin quý vị cố ghi khắc trong tim, vì những lời dạy này là để cho những người tại gia có một lối sống cao thượng, sống vì yêu thương mình và mọi người.
Đạo Phật làm một tôn giáo dạy đạo đức cho con người, sống như thế nào để được bình an, yên vui và hạnh phúc, chớ không phải dạy thần thông biến hóa, tàng hình, kêu mưa, gọi gió v.v… mà cũng không phải dạy cầu cúng, tụng kinh, niệm chú hoặc niệm Phật cầu tha lực. Cho nên mục đích của đạo Phật ra đời là dạy cho con người sống sao cho xứng đáng làm con người, nhất là những người còn sống tại gia đình, phải đối xử với ông bà, cha mẹ, cô bác, anh chị em v.v… như thế nào để không làm khổ mình khổ người và chúng sinh. Tức là phải biết đem sự sống đạo đức hòa hợp cùng mọi người, phải biết nhẫn nhục, tuỳ thuận và bằng lòng trong mọi nghịch cảnh.
Còn riêng phần người xuất gia thì hãy xem phần tiếp nối sau đây chúng tôi sẽ giảng dạy từng pháp môn tu tập oai nghi chánh hạnh trong giai đoạn mới bắt đầu từ người tại gia ra khỏi nhà thế tục để rồi trở thành người xuất gia.
Bởi vậy bắt đầu vào chùa trước khi xin xuất gia thì phải tu học pháp nào trước, pháp nào sau. Trong khi đó phải được một vị thầy tu chứng đạo hướng dẫn và phải cố gắng siêng năng lần lượt tu tập.
Tu tập phải đạt kết quả ở pháp này xong thì mới tu tập ở pháp khác, nếu chưa có kết quả thì tu tập chừng nào có kết quả mới tu tập pháp môn cao hơn.
Về giới luật cũng vậy, khi giới luật đức hạnh này giữ trọn vẹn thì mới giữ gìn giới luật đức hạnh khác, chứ không phải ôm đồm tất cả giới luật mà giới nào cũng vi phạm. Pháp tu tập cũng vậy, pháp nào phải tu cho xong pháp nấy chớ không phải pháp nào cũng tu tập. Pháp nào cũng tu tập là tu tập chung chung. Tu như vậy chẳng có kết quả gì rất uổng công tu tập mà còn phí thời gian vô ích.