Trước tiên, một người muốn tu theo Phật giáo còn trong chiếc áo người cư sĩ thì hằng ngày phải tu tập đức hạnh nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
Muốn sống đạo đức như vậy thì nên lấy năm đức của Phật giáo mà làm nền tảng cho sự sống:
1- Đức Hiếu Sinh
2- Đức Ly Tham
3- Đức Chung Thủy
4- Đức Thành Thật
5- Đức Minh Mẫn
Khi muốn sống đúng được năm đức hạnh này thì phải học tập để biết cách sống với mọi người bằng sự thể hiện đức hạnh NHẪN NHỤC. Bởi vì trong cuộc sống thường chung đụng với mọi người nên có nhiều ác pháp xảy ra. Ác pháp xảy ra thường mang đến sự khổ đau cho loài người.
Muốn ngăn chặn những sự đau khổ này thì phải diệt trừ ác pháp. Ác pháp đầu tiên thì chỉ có đức hạnh NHẪN NHỤC mới dẹp trừ được mà thôi. Khi ác pháp được dẹp trừ thì trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta mới có sự bình an, yên vui.
Trong cuộc sống dù gặp muôn vàn ác pháp như thế nào thì đức hạnh NHẪN NHỤC sẽ giúp cho quý vị thoát ra mọi nỗi khổ đau. Vì vậy, hạnh nhẫn là hàng đầu trong sự tu tập theo Phật giáo, nó là phong cách sống cao thượng hơn mọi người, quý vị cần nên nhớ điều đó.
Người sống với đức nhẫn nhục là sống không làm khổ mình, khổ người quý vị có thấy điều này không?
Ai sống được với đức nhẫn nhục là nâng cao sự sống của mình ngang hàng với những Thánh nhân. Bởi vậy muốn làm Thánh mà không sống được với đức nhẫn nhục thì không thể làm Thánh được. Những bậc Thánh hơn người là những người biết sống với đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng.
Trong cuộc sống này nếu ai biết sống nhẫn nhục là người biết sống đem lại sự an vui cho mình và mọi người, Vì đức hạnh nhẫn nhục luôn luôn không làm khổ mình khổ người.
Sống hạnh nhẫn nhục như thế nào?
1- Người ta chửi mình, mình không nên chửi lại. Đó là hạnh nhẫn nhục.
2- Người ta đánh mình, mình không nên đánh lại. Đó là hạnh nhẫn nhục.
3- Người ta nói dối không thật, nhưng mình không nên chỉnh sửa sai những điều đó, vì chỉnh sửa sai những điều đó người ta sẽ xấu hổ, sinh thù oán.
4- Người ta nói nặng lời với mình những lời nói thô lỗ, mình không nên nặng lời và dùng những lời nói thô lỗ với họ. Vì dùng những lời nói qua lại như vậy chẳng khác nào như chửi mắng nhau. Đó không phải là đức hạnh nhẫn nhục.
5- Người ta nói xấu mình nhưng mình không nói xấu lại. Đó là đức hạnh nhẫn nhục.
6- Người ta hay tranh luận hơn thua với mình thì mình nên tránh, không nên tranh luận hơn thua với họ, vì tranh luận hơn thua như vậy là thiếu đức nhẫn nhục.
7- Người nói đúng nói sai mình chỉ biết làm thinh, không nói đúng sai, nói phải, nói trái, mặc dù chúng ta biết rất rõ đúng sai phải trái nhưng không phê phán ai cả. Đó là hạnh nhẫn nhục.
8- Người ta cho mình ăn cái gì thì mình ăn cái nấy, không chê dở hay khen ngon. Đó là hạnh nhẫn nhục.