Sơ Thiền dưới cội Bồ Đề

Khi đức Phật tu hành khổ hạnh không tìm ra được sự giải thoát, nên Ngài từ bỏ khổ hạnh và rời bỏ các vị ngoại đạo tu khổ hạnh, vì khổ hạnh không mang đến sự giải thoát mà còn gây tạo ra sự đau khổ nhiều hơn, nhưng lợi dưỡng thì chạy theo dục, mà chạy theo dục thì bao đời hết khổ. Do tư duy như vậy nên Ngài bỏ đi và tìm đến một cội cây bồ đề. Dưới cội cây bồ đề mát mẻ, có một phiến đá to, mặt hướng ra sông Ni Liên, thật là nơi tu hành lý tưởng. Chọn nơi tu hành yên tĩnh xong, Ngài quyết định sống ở đây cho đến khi tu hành thành chánh quả. Khi có chỗ ở tốt cho sự tu hành, Ngài mới suy tìm một phương pháp nào tu tập để được giải thoát hoàn toàn.

Ngài nhớ lại lúc còn bé theo vua cha làm lễ hạ điền, ngồi dưới cội cây hồng táo bắt chước vua cha tu tập Sơ Thiền.

Bấy giờ Ngài cũng lấy phương pháp Sơ thiền đó ra tu tập, nhưng Ngài lại tư duy: Tu tập Sơ thiền ly dục ly ác pháp như vậy là ức chế tâm, cố gắng giữ gìn tâm không vọng niệm thì làm sao ly dục ly ác pháp được?

Tự đặt ra câu hỏi rồi Ngài lại tiếp tục tư duy suy nghĩ: “Dục là lòng ham muốn của mình, mà lòng còn ham muốn là còn đau khổ, cho nên phải dứt trừ lòng ham muốn. Dứt trừ lòng ham muốn bằng cách nào?

Câu hỏi được đặt ra nhưng câu trả lời chưa có, nên Ngài lại tiếp tục tư duy: Trong tâm ta thường hay bị chướng ngại do các ác pháp bên ngoài tác động vào làm cho nó khổ đau. Những đối tượng bên ngoài phần đông là ác pháp, nên khi chúng tác động vào thân hay tâm là chúng ta thấy bất an liền. Như vậy mục đích ly dục ly ác pháp có nghĩa là ngăn ngừa lòng dục bên trong, tức là không cho khởi lên lòng ham muốn, nếu nó có khởi lên lòng ham muốn thì phải quán xét tư duy diệt nó ngay liền. Như vậy ta mới có pháp tu tập ly dục ly ác pháp, chớ nói ly dục ly ác pháp chỉ là lời nói suông thì đâu có pháp hành. Cho nên nói LY DỤC LY ÁC PHÁP mà không có pháp tu tập thì biết ly dục ly ác pháp như thế nào?

Một câu hỏi mà ngoại đạo không thể trả lời, mà chỉ có ú, ớ và bảo rằng: “Thầy Tổ xưa nay đều dạy sao thì tu tập vậy. Như Thầy Tổ dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”, “Biết vọng liền buông”, “Biết vọng không theo”, “Tham thoại đầu”, “Tham công án”, “Niệm Phật nhất tâm”, “Sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh” v.v... Đó là những phương pháp xưa nay do Thầy Tổ từng dạy các đệ tử tu tập như vậy là ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp như vậy làm sao ly dục ly ác pháp được; làm sao đúng pháp hành của Phật giáo được.

Bởi vậy, khi đức Phật ngồi dưới cội cây bồ đề tư duy về các vị thầy ngoại đạo dạy tu tập Sơ thiền đều nói ly dục ly ác pháp, nhưng kỳ thực là không có pháp ly dục ly ác pháp, mà chỉ có pháp ức chế ý thức khiến cho ý thức không còn niệm khởi. Vì thế, tâm tham, sân, si, mạn, nghi không bao giờ ly và diệt nó được. Cho nên kinh sách Đại Thừa và kinh sách Thiền Tông dạy không bao giờ tu tập chứng đạo làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.

Khi quý vị nghiên cứu kỹ lại thì giáo pháp của Phật dạy ly dục ly ác ác pháp có pháp môn tu tập hẳn hoi.

GIỚI, ĐỊNH, TUỆ là phương hướng xác định đường lối tu tập theo Phật giáo từ thấp đến cao, nếu ai chưa tu GIỚI mà tu ĐỊNH là tu sai pháp của Phật.

Nếu ai chưa nhập được ĐỊNH mà bảo mình có trí TUỆ là người này lừa đảo người khác.

Căn cứ vào GIỚI, ĐỊNH, TUỆ mà chúng ta biết được người tu đúng hay tu sai pháp Phật; biết được người tu theo pháp Phật hay tu theo pháp ngoại đạo. Đó là chúng ta chỉ căn cứ vào GIỚI, ĐỊNH, TUỆ mà còn biết sai đúng như vậy, huống là chúng ta căn cứ vào BÁT CHÁNH ĐẠO thì pháp môn ngoại đạo không thể lừa phật tử được.

Nhờ đó kinh sách Đại Thừa và kinh sách Thiền Tông không còn dối trá lừa người khác được.

Kinh sách Đại Thừa và kinh sách Thiền Tông rất khôn ngoan, muốn biến kinh sách của mình thành những lời Phật thuyết nên chúng dựng lên bộ sử 33 vị Tổ Sư Ấn Độ và Trung Hoa.

Trước giờ thị tịch đức Phật chỉ di chúc: “CÁC THẦY TỲ KHEO! SAU KHI TA TỊCH HÃY LẤY GIỚI LUẬT CỦA TA LÀM THẦY, ĐỪNG LẤY AI LÀM THẦY”.

May mắn thay cho đời sau, nhờ có lời dạy của đức Phật như vậy mà quý phật tử không bị lầm mưu kế gian xảo của Đại Thừa và Thiền Tông Trung Quốc.

Vào đầu kinh sách Đại Thừa, cuốn nào cũng có câu này giới thiệu: “NHƯ THỊ NGÃ VĂN NHẤT THỜI PHẬT TẠI XÁ VỆ QUỐC KỲ THỌ CẤP CÔ ĐỘC VIÊN DỮ KỲ ĐÀ…”

Đọc câu này ít ai để ý, nên cứ lầm tưởng kinh sách này do Phật thuyết. Cho nên từ xưa đến nay còn biết bao nhiêu người học tu theo các tổ Trung Quốc mà cứ ngỡ mình tu theo Phật. Thật là tội nghiệp.