Được mọi người chỉ cho, đức Phật đến gặp một số tu sĩ ngoại đạo đang tu tập khổ hạnh để làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Ngài nhập vào nhóm tu sĩ tu khổ hạnh, bền chí tu tập suốt 6 năm. Vì ăn quá ít nên cơ thể Ngài kiệt quệ, Ngài không còn đứng dậy đi tới lui như bình thường được, chỉ nằm thở thoi thóp chờ chết.
Một cô bé chăn dê trông thấy thương hại nên vắt một bát sữa đem cúng dường, đổ cho đức Phật uống, nhờ bát sữa mà đức Phật hồi phục sức khỏe. Khi sức khoẻ hồi phục, Ngài tư duy suy nghĩ: Khổ hạnh không mang lại sự giải thoát mà còn làm thêm khổ đau. Từ sự suy nghĩ này, bắt đầu đức Phật từ bỏ khổ hạnh, rời xa nhóm tu sĩ khổ hạnh và hướng về dòng sông Ni Liên tìm nơi yên tịnh tu hành một mình.
Dưới cội bồ đề trước mặt là dòng sông Ni Liên, mặt nước lẳng lờ trôi về một chân trời vô định. Tìm được cội bồ đề, Ngài thấy đây là nơi tu hành rất lý tưởng, vì thế Ngài phát đại nguyện vĩ đại: “Nếu không thành đạo thà nát xương dưới cội bồ đề này”. Khi phát nguyện xong Ngài âm thầm lặng lẽ một hình một bóng tu tập theo sự tư duy của mình, mà không cần nương tựa vào giáo pháp của ngoại đạo.
Mỗi lần muốn ly dục ly ác pháp thì Ngài lại tư duy cách thức tu tập như thế nào để không ức chế ý thức, vì pháp tu tập của ngoại đạo đều bị ức chế ý thức. Do tư duy suy nghĩ như vậy nên Ngài tự nghĩ ra pháp tu tập ngăn ác và diệt ác pháp, sinh thiện và tăng trưởng thiện pháp. Nỗ lực tu tập hằng ngày không biếng trễ, vì thế Ngài cảm thấy tâm mình ly dục ly bất thiện pháp rất nhiều, nên Ngài tiếp tục tu tập cho đến khi tâm rất tự nhiên bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Do kết quả này và cộng với sự siêng năng cần mẫn tu tập nên Ngài đặt tên phương pháp tu tập này là TỨ CHÁNH CẦN, tức là bốn pháp chân chánh cần phải tu tập hằng ngày.
Bởi vậy giáo pháp của đức Phật do Ngài tu tập theo sự suy nghĩ tư duy của Ngài mà sản sinh ra các pháp. Các pháp này do chính từ Ngài là cha đẻ của nó nên chúng tôi nói rằng: “Phật giáo có đường lối riêng, không bị ảnh hưởng hay vay mượn bất cứ một giáo pháp nào của ngoại đạo”.