Đạo đế là một chương trình giáo dục đào tạo người tu chứng quả VÔ LẬU. Nó có tên riêng gọi là BÁT CHÁNH ĐẠO, tức là tám lớp tu học. Tám lớp tu học như sau:
1- Chánh Kiến
2- Chánh Tư Duy
3- Chánh Ngữ
4- Chánh Nghiệp
5- Chánh Mạng
6- Chánh Tinh Tấn
7- Chánh Niệm
8- Chánh Định
Tám lớp tu học này được phân chia ra làm ba cấp như sau:
- Cấp 1 tu học giới luật gồm có năm lớp, từ lớp Chánh Kiến đến lớp Chánh Mạng.
- Cấp 2 tu học thiền định gồm có hai lớp, từ lớp Chánh Tinh Tấn đến lớp Chánh Niệm.
- Cấp 3 tu học tuệ Tam Minh gồm có một lớp Chánh Định.
Như trên đã trình bày, ĐẠO ĐẾ là một chương trình giáo dục đào tạo những bậc tu chứng thánh quả A La Hán. Đó là một sự thật chớ không dùng lời dối người.
Xin quý vị đừng nghĩ quả A La Hán là cao siêu vi diệu, nó chỉ là một trạng thái tâm vô lậu. Cho nên người tu chứng quả A La Hán không khác gì mọi người, nhưng tâm họ thì khác hơn, vì họ không còn ham muốn bất cứ một vật gì trên thế gian này, nhất là họ không phiền giận bất cứ một người nào. Tất cả ác pháp đến với họ không còn làm cho họ giao động tâm, họ sống rất thanh thản, an lạc và vô sự, lúc nào cũng có một niềm vui trong lòng, nhất là thể hiện nụ cười qua khóe mắt, trên môi.
Chân lí thứ tư của Phật giáo là một sự thật. Vì thế những pháp môn nào tu học không ở trong chân lý thứ tư, tức là ngoài chương trình giáo dục đào tạo của Bát Chánh Đạo này là pháp môn của ngoại đạo.
Xin quý vị lưu ý, ngày nay giáo pháp của đức Phật đã bị pha trộn rất nhiều giáo pháp của ngoại đạo, nếu quý vị không cẩn thận sẽ rơi vào các pháp tưởng giải của các vị tổ sư thiền Đông Độ Trung Quốc. Các Ngài tu hành chưa đến nơi đến chốn, vì danh lợi mà đem ra dạy người tu tập, nhưng kết quả chẳng đi đến đâu, thành ra vô tình mà lừa đảo người khác.
Như quý vị ai cũng biết, Đại Thừa dạy tu tập nhất tâm bất loạn, còn thiền tông dạy biết vọng liền buông. Xét cách thức tu tập của các pháp này rõ ràng là ức chế ý thức, trong khi đức Phật dạy: “Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”. Thế mà Đại Thừa và Thiền Tông lại dạy ngược lời của đức Phật, và bảo rằng đó là lời dạy vô ngôn của Phật, “Niêm hoa vi tiếu”. Vậy chúng ta tu theo Phật nên tin Phật hay tin các tổ sư Trung Quốc?
Từ khi Phật giáo Trung Quốc truyền sang qua Việt Nam, làm cho Phật giáo Việt Nam không còn Phật giáo Việt Nam nữa, những việc cúng bái tế lễ đến những việc tu tập thiền định đều rập khuôn theo Phật giáo Trung Quốc. Vậy mà các tu sĩ Phật giáo Việt Nam lại hãnh diện.