Khi nghiên cứu chúng ta phải bắt đầu từ chân lí thứ nhất. Chân lí thứ nhất đã xác định con người là một khối đau khổ, điều này không ai dám phủ nhận được.
Cho nên con người khổ đau từ lúc nằm trong bụng mẹ cho đến khi chết, rồi lại tiếp tục tái sinh vào bụng mẹ nữa, và như vậy sự khổ đau mãi mãi không bao giờ dứt, từ đời này kế tiếp đời khác như một vòng tròn khổ đau không có lối thoát ra.
Nhưng may mắn thay chúng ta đã nhờ ơn đức Phật, Người chỉ dạy đường lối tu tập để con người thoát ra khỏi vòng tròn đau khổ này. Nhưng có mấy ai đã hiểu biết như vậy và cố gắng thoát ra khỏi vòng tròn đau khổ. Con người ai cũng sợ khổ, ai cũng muốn thoát khổ, những họ không muốn lìa dục, không muốn xa ác pháp. Vì thế họ luôn luôn cứ làm ác sống trong ác thường làm khổ mình khổ người và khổ chúng sinh.
Dục chính là nguyên nhân sinh ra muôn vạn sự đau khổ, vì thế con người tu tập thì có tu tập mà cứ mải mê ôm dục khư khư trong lòng không muốn lìa dục. Tu như vậy làm sao giải thoát được hỡi quý vị?
Tu mãi không đoạt được kết quả giải thoát rồi cho đó là con đường của đạo Phật khó tu. Sự thật con đường giải thoát của đạo Phật không phải khó tu mà khó hay dễ đều là do con người, nếu những ai muốn thoát khổ thì tu hành rất dễ dàng thoát khổ, họ chỉ cần ly dục ly ác pháp trong tâm của mình thì ngay đó là có giải thoát liền, chứ đâu phải ngồi lim dim như con cóc không niệm khởi như Thiền Tông Trung Quốc.
Cho nên những ai không muốn sống ly dục ly ác pháp là những người còn ham muốn sống trong đau khổ. Những người còn ham muốn sống trong dục thì rất khó tu tập theo đường lối của đạo Phật, dù có tu tập cũng không giải thoát. Bởi chính họ còn ưa thích dục.
Chân lí thứ nhất đức Phật đã xác định rõ ràng con người là một khối đau khổ như trên đã nói. Nếu người nào còn thích sống trong đau khổ, không muốn buông bỏ mọi sự đau khổ thì con đường đạo Phật họ không thể đi được. Và như vậy dù đạo Phật có đến với họ vẫn là vô ích.
Có người hỏi:
Con người là một khối khổ như thế nào xin chỉ rõ cho chúng con hiểu?
Xin quý vị hãy lắng nghe:
- Cái khổ thứ nhất: Thân con người là một khối khổ. Khổ từ khi còn nằm trong bụng mẹ, còn là một bào thai.
Bụng mẹ giống như một nhà tù và chỗ thai nhi nằm như một chuồng cọp trong nhà tù rất chật chội, vì vậy thai nhi xoay trở rất khó khăn, nhất là nơi thai nhi nằm toàn là nước nhờn nhớt bẩn thỉu uế trược. Đó là nơi bất tịnh nhất trên trần gian này, thế mà con người trước khi sinh ra không ai tránh khỏi bị giam mình trong ao tù bất tịnh này, đó là cái khổ thứ nhất.
- Cái khổ thứ hai: Khi xuất thai phải chui qua một cái cửa quá chật hẹp, thân người phải kéo nhẳn dài ra và nhờ người đỡ đẻ (bà mụ) kéo ra, cho nên khi qua cửa này đau đớn vô cùng, một còn mười mất. Đó là cái khổ thứ hai.
- Cái khổ thứ ba: Khi ra khỏi bụng mẹ, miệng mũi đều đầy nhớt nhao nên bà đỡ phải móc miệng, mũi làm cho sạch đờm nhớt nên rất đau khổ, thai nhi la khóc thét lên. Đó là cái khổ thứ ba.
- Cái khổ thứ tư: Cơ thể chưa giao tiếp khí hậu bên ngoài nên người lạnh run rất là khổ sở. Đó là cái khổ thứ tư.
- Cái khổ thứ năm: Cơ thể mới sinh ra giống như một cục thịt để đâu nằm đó nên bài tiết một chỗ, cơ thể nằm trên nước tiểu và phân của chính mình rất là hôi thối, vì vậy ngứa ngáy rất khổ sở. Đó là cái khổ thứ năm.
- Cái khổ thứ sáu: Cơ thể mới sinh ra giống như một cục thịt không lăn lộn trườn bò được nên bị mỏi và đau nhức khó chịu. Đó là cái khổ thứ sáu.
- Cái khổ thứ bảy: Khi cơ thể trườn bò được, nếu không người trông nom thì khi trườn bò trên giường ván thường bị rơi xuống đất nên đau đớn vô cùng. Đó là cái khổ thứ bảy.
- Cái khổ thứ tám: Khi cơ thể mới biết đứng thì đứng lên té xuống liên tục mà mỗi lần té là đau đớn. Đó là cái khổ thứ tám.
- Cái khổ thứ chín: Khi cơ thể mới biết đi, đi được vài bước liền té và mỗi lần té đều bị đau đớn khổ sở. Đó là cái khổ thứ chín
- Cái khổ thứ mười: Mỗi lần mọc răng là cơ thể bị bệnh nóng sốt bất an khó chịu. Đó là cái khổ thứ mười.
- Cái khổ thứ 11: Cơ thể sinh ra bị tật nguyền, tay chân không bình thường hoặc mù mắt. Đó là cái khổ thứ mười một.
- Cái khổ thứ 12: Trí óc đần độn ngu si, không nhớ, thường quên trước quên sau, nên không được đến trường học hành. Đó là cái khổ thứ mười hai.
- Cái khổ thứ 13: Ham chơi không thuộc bài bị thầy cô giáo đánh phạt. Đó là cái khổ thứ mười ba.
- Cái khổ thứ 14: Theo bạn hư thân mất nết sinh ra trộm cắp đánh nhau nên bị tù tội. Đó là cái khổ thứ mười bốn.
- Cái khổ thứ 15: Khi lập gia đình hai vợ chồng thường hay cãi vã đánh nhau. Đó là cái khổ thứ mười lăm.
- Cái khổ thứ 16: Vợ chồng sinh con đẻ cái phải nuôi bồng ẵm. Đó là cái khổ thứ mười sáu.
- Cái khổ thứ 17: Khi con cái bệnh đau phải cho uống thuốc, ăn cháo, đi bác sĩ, đôi khi phải ở lại bệnh viện. Đó là cái khổ thứ mười bảy.
- Cái khổ thứ 18: Cơ thể già yếu đi đứng không vững vàng thường run rẩy. Đó là cái khổ thứ mười tám.
- Cái khổ thứ 19: Không tự ăn uống được, con cái phải đút từng muỗng cơm hay cháo. Đó là cái khổ thứ mười chín.
- Cái khổ thứ 20: Khi cơ thể sắp chết không chỗ nào không đau nhức. Đó là cái khổ thứ hai mươi.
Trên đây là 20 cái khổ khi có thân người, cho nên đức Phật dạy làm người khổ, chỉ khi nào chấm dứt không còn làm người, làm chúng sinh nữa thì mới hết khổ.
Nhưng muốn chấm dứt làm người, làm chúng sinh thì phải làm sao?
Phải theo đường lối Bát Chánh Đạo của Phật giáo tu tập thì mới chấm đứt mọi khổ đau này. Vậy xin mời quý vị hãy nghiên cứu tập sách “PHẬT GIÁO CÓ ĐƯỜNG LỐI RIÊNG” thì sẽ rõ.