Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sinh

Thấy mình không có duyên giáo hóa chúng sanh, nên Thầy muốn thị hiện NIẾT BÀN để gây niềm tin cho mọi người rằng: Thời mạt pháp vẫn có thể tu chứng. Việc lợi ích chúng sinh của Thầy chỉ như vậy, chỉ là gây niềm tin cho mọi người bằng hình ảnh NIẾT BÀN của mình. Thầy cất một cái nhà sàn định dùng làm giàn hỏa thiêu. Nhưng Thầy thấy chúng sanh còn quá khổ, bỏ đi sao đành, con đường tu hành theo Phật giáo để được giải thoát thì bị kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Đông Độ dìm mất, còn mình thì không có duyên làm sao cứu họ đây. Thầy suy tư rất nhiều để tìm mọi cách độ chúng sanh. Rồi Thầy lại nhớ ngày xưa đức Phật còn hóa duyên độ chúng sanh thì Thầy bây giờ cũng vậy. Phải hóa duyên độ chúng sanh, nhưng phải bằng cách nào?

Rồi Thầy tự trả lời câu hỏi: Phải tạo duyên mới chớ sao? Nhưng tạo duyên mới như thế nào? Người nào? Ở đâu?

Để trả lời những câu hỏi này Thầy dùng trí tuệ tu chứng quan sát khắp nơi: Chỉ thấy có Sư phụ (Hòa Thượng THANH TỪ) là nơi tạo duyên hóa độ chúng sanh dễ dàng.

            Sư phụ người đã dạy bảo, đã khích lệ mình mới có sự tu chứng như ngày hôm nay, Thầy tìm về núi cũ để thăm Sư phụ và tạo duyên giáo hóa chúng sanh.

Cảnh vật nơi CHÂN KHÔNG thay đổi nhiều quá, đường lên núi được lát đá sắp cấp dễ đi hơn nhiều. Hai bên đường là những am thất sang trọng, Thầy PHƯỚC HẢO bỡ ngỡ nhìn ông già xa lạ từ đâu đi đến tự xưng là THÔNG LẠC. Thầy THÔNG LẠC nói:

- Thầy nhớ tôi không? Tôi là THÔNG LẠC đây!

Thầy PHƯỚC HẢO không tin người đứng trước mặt mình là người huynh đệ THÔNG LẠC ngày xưa. THÔNG LẠC ngày xưa đẹp đẽ nho nhã bao nhiêu thì ông già này tiều tuỵ già cỗi bấy nhiêu, mái tóc dài lõa xõa, chòm râu bạc lơ thơ răng chiếc còn, chiếc mất làm sao THÔNG LẠC được.

Nhưng dù sao Thầy PHƯỚC HẢO cũng nhận ra được và huynh đệ rất mừng tay nắm tay. Sau khi uống nước xong Thầy Phước Hảo giới thiệu lên Sư phụ. Đi vòng qua THIỀN ĐƯỜNG uy nghi mát mẻ, qua tăng đường chỉ còn trơ lại nền đất, lên dốc ĐẠI MAI uốn quanh, khỏi cốc Thầy KIẾN THIỆN là phương trượng Sư phụ. Sư phụ nhận ra thầy THÔNG LẠC liền. Thầy THÔNG LẠC thưa:

- Thưa Thầy! Sau bao năm xa Thầy, giờ đây con đã có trí tuệ và nhập định một cách dễ dàng.

Sư phụ bảo:

- Chú nói chú có trí tuệ, bây giờ tôi hỏi mà chú đáp được thì tôi công nhận.

Thầy THÔNG LẠC nói:

-          Thỉnh Thầy hỏi.

Sư phụ đưa ra một công án thiền.

-   Có một thiền sư hỏi thiền khách: “Phật là gì?”. Thiền khách đáp mãi mà Thiền sư không đồng ý. Bây giờ tôi hỏi chú:

- Phật là gì?

Như trái banh nổi trên nước, đụng là xoay, đẩy là chạy, Thầy THÔNG LẠC liền đáp:

·                    - Thầy có thấy lá cây rung trước gió chăng?

·                    Sư phụ gật đầu và đưa ra một công án khác:

Có một Thiền khách hỏi Động Sơn:

- Thế nào là đại ý Phật pháp.

Động Sơn đáp:

- Ba cân gai.

Vậy tôi hỏi chú:

- Ba cân gai là gì?

Thầy THÔNG LẠC đáp nhanh như gió không cần suy nghĩ:

·                    - Đạo không lìa đời.

Sư phụ gật đầu đọc một đoạn trong kinh LĂNG GIÀ để ấn khả chỗ đến của Thầy THÔNG LẠC, tức là Thầy đã kiến tánh hoàn toàn. Theo Thiền Tông Kiến tánh thành Phật. Người thông suốt 1.700 công án thiền là trí, chứ không còn là thức phàm phu nữa.

Sư phụ có bảo:

- Nếu chú có ở gần tôi, chú đã đến chỗ này sớm hơn.

Thầy THÔNG LẠC lại thưa:

- Thưa Thầy cho phép con nhập NIẾT BÀN.

- Năm nay chú bao nhiêu tuổi?

- Dạ, hơn năm mươi tuổi!

- Chú, hãy còn trẻ lắm, hãy ở gần tôi thêm lợi ích và trợ duyên tôi giáo hoá.

Duyên đã tạo ra được, từ đây Thầy THÔNG LẠC bình thản ở lại và tìm mọi cách dựng lại Chánh pháp của Phật. Sư phụ lại đưa cho Thầy nhiều kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông để mở mang kiến thức.