7- An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra. Khi tâm chúng ta đang bị động mà không có cách nào làm cho nó an được, thì chúng ta sử dụng ngay đề mục này bằng phương pháp như lý tác ý: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở”. Cứ mỗi lần tác ý như vậy là chúng ta cảm nhận như tâm chúng ta có một sự an ổn trong im lặng và mỗi lần hơi thở ra, vô là tràn ngập sự an ổn của thân và tâm. Nếu kết quả này kéo dài từ một giờ đến 2 giờ là chúng ta đã hoàn thành đề mục này.
Khi thực hành đề mục “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra” là mục đích làm cho tâm thanh tịnh an ổn không còn vọng niệm tuôn trào loạn tưởng) khi tác ý một hay hai lần là đã có trạng thái an tịnh của tâm liền đó là đạt kết quả an tịnh tâm hành. Tâm an tịnh có trạng thái an lạc, hoan hỉ. Lúc bấy giờ nhận ra cái tâm là nhận ra sự hoan hỉ đó. Nhưng khi tác ý đề mục “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô; cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra” thì mới thấy rõ cái an lạc, cái hoan hỉ của tâm. Khi quý Phật tử tác ý và nhận ra niềm hoan hỉ này rõ ràng là đạt kết quả từ đề mục 6 và đến đề mục 7 “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Cảm nhận tâm an tịnh và hoan hỉ này nó sẽ đẩy lùi các cảm thọ chướng ngại trên tâm, vì vậy trên thân tâm chỉ còn lại một trạng thái thoái mái và an ổn
Khi đã có trạng thái thoái mái và an ổn trên thân tâm rõ ràng thì quý Phật tử tác ý nhắc đề mục 7 “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra” thì tâm im phăng phắc ở trong một trạng thái đặc biệt. Cứ mỗi lần tác ý chúng ta cảm nhận như tâm có một sự an ổn trong im lặng và mỗi hơi thở ra vô tràn ngập sự an ổn thân và tâm. Chính trạng thái tâm an tịnh này tạo nên năng lực đẩy lui các cảm thọ trong tâm dễ lắm, không còn tạp tưởng, dù có những tư tưởng mạnh như thế nào đi nữa cũng đẩy lui được hết.