2- Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tối biết tôi thở ra dài. Đề mục này là đề mục vận dụng điều khiển hơi thở, nó có mục đích là làm giảm nhẹ nơi tập trung tâm và sức tập trung rất cao để đạt được chất lượng nhiếp tâm và an trú trong thời gian tu tập sẽ không bị tạp niệm xen vào. Đó là một phương pháp gom tâm đệ nhất. Nhưng quý Phật tử nên nhớ, tu theo Phật giáo không được tập trung tâm một chỗ, vì tập trung tâm một chỗ rất nguy hiểm có thể làm rối loạn các cơ và thần kinh gây ra bệnh tưởng, bệnh tẩu hỏa nhập ma, khiến con người mất trí.
Khi tu tập đề mục này thì chú ý vào hơi thở chậm và nhẹ, vì khi tác ý như vậy thì hơi thở bắt đầu thở chậm và nhẹ một cách tự nhiên, chứ không dùng các cơ vận dụng thở chậm và nhẹ. Dùng các cơ vận dụng thở chậm và nhẹ là sai. Ở đây chỉ cần tác ý hơi thở chậm nhẹ thì tự động hơi thở sẽ thở chậm nhẹ, lúc bấy giờ chúng ta chỉ cần tác ý theo đề mục đã trạch pháp câu: “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tối biết tôi thở ra dài”.
Cách ngồi:
Như trên đã dạy khi tu tập Định Niệm Hơi Thở thì phải ngồi kiết già (nếu chưa quen thì tạm thời ngồi bán già, nhưng phải tập ngồi kiết già cho được); giữ lưng ngay thẳng, không khòm, không nghiêng tới trước hay ngả sang bên cũng không rướn người quá cao, chỉ giữ ở mức thoải mái mà thẳng lưng. Lúc này quý Phật tử phải kiểm soát lưng cho thẳng sau mỗi vài phút. Đầu ngửng lên thẳng với lưng, không cúi tới trước, không nghiêng sang bên, quý Phật tử cũng phải kiểm soát giữ đầu thẳng sau mỗi vài phút. Mắt nhìn xuống phớt thấy chóp mũi, ý tập trung ở điểm giữa nhân trung để cảm nhận hơi thở đi vào và đi ra ngang qua điểm này.
Hai tay úp trên đầu gối, hay buông thỏng trước hai ống chân, hay để ngửa chồng lên nhau tựa sát bụng đặt trên hai gót chân, để tay đâu cũng được miễn sao cho thoải mái.
Sau khi ngồi đúng thế xong, không nhúc nhích động đậy nhưng không gồng cứng cơ bắp nào, giữ yên tỉnh toàn thân ít nhất vài phút, thoải mái cảm nhận toàn thân và cảm nhậnhơi thở vô ra tự nhiên, lưu ý và giữ sự tự nhiên này của hơi thở.
Chuẩn bị như thế xong, quý Phật tử tác ý nhắc tâm “Mắt nhìn chóp mũi, ý tập trung ở nhân trung”, nhắc xong thì tác ý trong khi nín thở: “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài; thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài”.
Nếu con cảm thấy nín thở tác ý câu dài này có khó chịu thì có thể tác ý theo một trong hai câu được cắt ngắn bớt như sau và khi đã chọn ổn định câu nào thì chỉ sử dụng câu đó cho sự tập luyện, không nên thay đổi tới lui.
“Tôi biết tôi hít vô dài; tôi biết tôi thở ra dài”
hay“Hít vô dài tôi biết, thở ra dài tôi biết”.
Hít dài, thở dài:
Tác ý xong đếm “Một” rồi theo dõi hơi thở đi vô từ lúc bắt đầu vô đến khi ngưng thở ra. Đếm “Hai” cho hơi thở kế, rồi “Ba”, “Bốn”, “Năm”. Mỗi lần đếm số xong quý vị theo dõi hơi thở đi vô từ lúc bắt đầu vô đến khi ngưng thở ra. Đó là cách đếm số trước mỗi hơi thở.
Quý vị có thể chọn cách đếm số sau mỗi hơi thở. Cứ hít vô vừa đủ thì thở ra vừa hết, đếm “một”, nghĩa là một hơi hít vô và một hơi thở ra xong đếm một số. Theo dõi kĩ hơi thở từ lúc bắt đầu hít vô cho đến khi ngưng thở ra. Và cứ như thế tiếp tục đếm lên tới hơi thở thứ năm là đủ 5 hơi thở vô ra.
Sau khi đã hít thở xong hơi thở thứ năm thì quý vị nín thở tác ý lại câu tác ý đã chọn.
Thời gian tập như vậy kéo dài trong 5 phút thì nghỉ xả 5 phút, rồi tập lại 5 phút khác. Cứ như vậy mà tập luyện cho hết thời gian đã chọn, nhưng tối đa cũng chỉ nửa giờ thôi, đừng lâu hơn. Trong lúc nghỉ xả giữa hai lần tập hít thở, quý Phật tử chỉ ngồi thoải mái, không làm gì khác cũng đừng suy nghĩ gì nhiều.
Lệnh “Thở”, thở ra vừa hết ngực. Đếm số “Hai”cho hơi thở kế, và cứ thế tiếp tục đếm tới hơi thở thứ năm, lại tác ý, lại ra lệnh và hít thở.
Quý Phật tử hãy tập cho đến khi nhiếp phục được tâm. Tập thời gian chỉ 5, 10 phút thôi. Tâm bám thật kĩ từng hơi thở để an trú trong hơi thở tức là nhiếp phục được tâm trong hơi thở, niệm vào trong hơi thở. An trú có nghĩa là không một niệm nào xen vào trong khi hít thở. Hãy nhớ kĩ vậy. Luôn luôn phải giữ ý thức. Đừng để mất ý thức. Phải rõ ràng tỉnh giác.