GIỚI ĐỨC NGÔN NGỮ THỨ NĂM: NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNG

NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNG” là một hành động đạo đức thiện ngữ làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, nếu muốn làm Người, làm Thánh đều cần phải học và sống đúng đức hạnh này.

Đây là một giới luật dạy về đức hạnh ngôn ngữ để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, để đem lại sự sống yên vui và hạnh phúc cho nhau.

Có sống như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Còn sống ngược lại đức hạnh ngôn ngữ NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNGthì các bạn sẽ gặp muôn vàn sự phiền não, khổ đau. Biến cuộc sống thế gian này thành cảnh chà đạp giết hại lẫn nhau và tranh giành từng miếng ăn manh áo để sống. Từ đó, cảnh sống trên thế gian này thành địa ngục đầy rẫy đau khổ.

GIỚI ĐỨC NGÔN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNG

Làm người các bạn hãy cố gắng giữ gìn “GIỚI ĐỨC NGÔN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNG”. Vì lời nói rất quan trọng cho cuộc sống giao tiếp với nhau.

Kính thưa các bạn! Có những lời nói đem đến sự khổ đau và cũng có những lời nói đem đến sự hạnh phúc, an vui.

“GIỚI ĐỨC NGÔN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNG”là dạy các bạn nên nói những lời ái ngữ, êm dịu, nhẹ nhàng, ôn tồn, nhã nhặn v.v.. Lúc nào cũng phải cẩn thận không được phát ngôn bừa bãi, không được nói nghịch ý trái lòng mọi người, không được mắng chưởi mạ nhục người khác, không được to tiếng nạt nọ người khác, không được nói xấu người khác. Đó là đức hạnh về ngôn ngữ các bạn cần phải áp dụng hằng ngày vào đời sống, nó sẽ mang lại lợi ích cho các bạn và mọi người.

GIỚI HẠNH NGƠN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNG

Giới hạnh về ngôn ngữ nói những lời dễ thương là những oai nghi tế hạnh về những lời nói, khi nói ra khiến người nghe có cảm tình thương mến, tức là oai nghi tế hạnh truyền đạt ngôn ngữ làm cho người nghe dễ chịu có thiện cảm, có tình thương yêu chân thật. Muốn được vậy, các bạn nên cẩn thận dè dặt khi nói ra phải phản ảnh từng lời nói; khi nói ra phải là lời nói thân thiện, ái ngữ; khi nói ra phải tránh những lời nói chạm tự ái người khác; khi nói ra phải tránh xa những lời nói phách lối, kiêu căng tự đắc, tự phụ; khi nói ra không được nói xấu người khác, không được nói chuyện xấu của người khác; khi nói ra phải nói tốt người khác, nói chuyện tốt của người khác; khi nói ra không được nói thêu dệt, không được nói lật lọng; khi nói ra không được nói oan ức cho người khác, vu khống người khác; khi nói ra phải nói những lời chân thật, không dối trá gian xảo, đó là đức hạnh về ngôn ngữ mà làm người ai ai cũng phải học tập và rèn luyện những ngôn ngữ này để xứng đáng là một người có đạo đức.

Cho nên, khi nói ra phải nói đúng những tiêu chuẩn đã học và ngôn ngữ thiện không được nói theo định kiến, thành kiến hay tưởng kiến hoặc ảnh hưởng những kiến giải của người khác, của kinh sách phi đạo đức nhân bản, hoặc nói theo xu hướng của người khác, của xu hướng thời đại. Khi muốn nói ra một điều gì thì điều ấy phải phù hợp với tiêu chuẩn ngôn ngữ nói những lời dễ thương. Đó là những giới đức về ngôn ngữ nói những lời dễ thương.

GIỚI HÀNH NGÔN NGỮ NÓI NHỮNG LỜI DỄ THƯƠNG

Muốn có được oai nghi tế hạnh về ngôn ngữ lời nói dễ thương thì các bạn phải thường xuyên tác ý câu này: “Lời nói dễ thương là một hành động đạo đức cao quý về ngôn ngữ Ta phải nhớ sử dụng hằng ngày để đem lại sự an vui cho mình cho người, Ta không được quên”. Đó là giới hành thực hiện đạo đức về ngôn ngữ lời nói dễ thương thật là tuyệt đẹp. Xin các bạn ghi nhớ những giới hành này để áp dụng vào đời sống hằng ngày của các bạn thì các bạn sẽ thấy tâm mình ly dục ly ác pháp rất rõ ràng và cụ thể.