GIỚI ĐỨC THIỆN NGỮ THỨ NHẤT: TỪ BỎ NÓI LỜI ĐỘC ÁC

 “TỪ BỎ NÓI LỜI ĐỘC ÁClà một hành động đạo đức ngôn ngữ làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, nếu muốn làm Người, làm Thánh đều cần phải học hiểu cho thông suốt và sống đúng đức hạnh này.

Đây là một giới luật dạy về đức hạnh ngôn ngữ để sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Đó là những đức hạnh làm Người, làm Thánh như trên đã nói, các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này để đem lại sự sống yên vui và hạnh phúc cho nhau. Có sống được như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Còn sống ngược lại những đức hạnh ngôn ngữ này thì các bạn sẽ gặp muôn vàn khổ đau, biến cuộc sống thế gian này thành cảnh con người chà đạp giết hại lẫn nhau, tranh giành từng miếng ăn để sống, biến cảnh giới thế gian này thành địa ngục trần gian.

GIỚI ĐỨC VỀ NGÔN NGỮ TỪ BỎ NÓI LỜI ĐỘC ÁC

Từ bỏ nói lời độc ác là một giới đức dạy về ngôn ngữ. Cho nên muốn làm người thật là con người thì các bạn phải cố gắng giữ gìn đức hạnh này. Nhất là vì sự sống của mọi người các bạn phải chấp nhận đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người thì các bạn nên lưu ý về những lời nói của chính mình trước khi nói ra.

Xin thưa cùng các bạn! Lời nói của con người ác độc hơn loài thú dữ, hơn loài quỉ dữ, sắc bén hơn thư hùng kiếm. Khổng Minh dùng lời nói mà Chu Du phải chết. Trước khi chết Chu Du than rằng: “Trời sinh Chu Du sao lại sinh Gia Cát Lượng”. Trương Lương dùng tiếng tiêu diệt tan quân Sở Bá Vương Hạng Vũ. Vậy lời nói ác độc như thế nào? Lời nói ác độc có nhiều loại:

1- Chửi mắng, mạ lị, mạt sát người khác, đó là lời nói ác độc.

2- La lớn tiếng, nạt nộ khiến cho người khác sợ hãi, đó là lời nói ác độc.

3- Nói châm biếm, chế giễu người, khiến cho người ta xấu hổ đau khổ, đó là lời nói ác độc.

4- Nói vu khống người, nói oan ức cho người, người ta không làm điều xấu, mình nói người ta làm điều xấu, đó là lời nói độc ác.

5- Nói lưỡi hai chiều, đó là nói lời độc ác.

6- Xưng hô gọi nhau bằng: mày, tao, mi, tớ, v.v.. đó là nói lời độc ác.

7- Nói tục tỉu, chửi thề, đó là nói lời độc ác.

8- Nói mắng mỏ với nhau, đó là nói lời độc ác.

9- Khi nói đến một người nào mà gọi là “đồ đó” hay “thứ đó”, đó là nói lời độc ác.

10- Hù dọa hâm he khiến cho người khác sợ, đó là lời nói độc ác.

Xét qua những lời nói độc ác trên đây của một người nào thì các bạn biết ngay người đó đã tự biến mình thành một con thú độc ác và hung dữ; một con quỉ dạ xoa, một con người mà ai nghe thấy cũng sợ hãi và tránh xa.

Thường con người sinh ra mang nghiệp cũ hung ác, tức thói quen, vì thế bản chất con người rất hung dữ, hung dữ hơn loài ác thú, ác quỉ. Vì thế, các bạn muốn trở thành một người tốt, một người có đạo đức thì ngay từ bây giờ các bạn hãy từ bỏ những lời nói độc ác như trên đã dạy.

Kính thưa các bạn! Các bạn nên hiểu: mười loại lời nói trên đây là những lời vô văn hóa, kém đạo đức. Một người đã biết những lời nói này vô văn hóa và kém đạo đức mà không chịu từ bỏ, luôn luôn sử dụng những ngôn ngữ ấy thì họ có khác gì là một con thú vật. Một người vô giáo dục đạo đức cũng vậy, họ là một người vô minh. Họ là một người không đáng để cho mọi người cung kính, tôn trọng và làm bạn.

Kính thưa các bạn! Là một con người cần phải sống có đạo đức nhân bản - nhân quả thì những lời nói độc ác vô văn hoá, kém đạo đức như trên đây thì các bạn phải từ bỏ ngay tức thời, nhất định không bao giờ nói những lời nói đó nữa. Những lời nói ấy đã không lợi ích cho các bạn mà còn có hại cho các bạn nữa.

Cho nên muốn trở hành một con người thật là con người thì các bạn hãy từ bỏ những lời nói độc ác. Nó là những lời nói không hay ho gì các bạn ạ!.

Người Phật tử tu theo Phật muốn cho khẩu nghiệp được thanh tịnh hoàn toàn thì các bạn đừng bao giờ nói những lời nói này.

Các bạn nên lưu ý khi các bạn nói ra những lời nói trên đây, người có trí, có đạo đức, họ sẽ không tha thứ các bạn, họ xem các bạn là những người xấu, người ác độc các bạn có biết không?

GIỚI HẠNH VỀ NGÔN NGỮ TỪ BỎ NÓI NHỮNG LỜI ĐỘC ÁC

Hành động từ bỏ nói những lời độc ác là những oai nghi tế hạnh về ngôn ngữ của một người có đạo đức, một người đáng khen, đáng ca ngợi và đáng làm gương cho mọi người soi. Bởi vì khi từ bỏ nói những lời độc ác là phải nói những lời êm dịu, hiền hoà, ngọt ngào v.v..

Kính thưa các bạn! Làm người các bạn nên sống có oai nghi tế hạnh, về ngôn ngữ dù các bạn có giận dữ đến đâu thì các bạn cũng nên ôn tồn nhã nhặn, giữ gìn từng lời nói cho ngọt ngào êm dịu chứ đừng quá thô lỗ dùng những lời nói quá độc ác.

Các bạn hãy nhìn xem một người đi đến người này nói xấu người kia, thì con người ấy có ra gì, phải không các bạn?

Trong cuộc đời ai cũng muốn mình tốt, mình có đạo đức, chứ có ai muốn mình xấu ác bao giờ; chứ có ai muốn mình là kẻ hung bạo, ác độc, dữ tợn, tàn nhẫn, v.v.. Nhưng các bạn không lưu ý đến những lời nói độc ác của các bạn thì nó sẽ tố cáo và xác định các bạn là những người độc ác hung dữ, cho nên kẻ nói xấu người khác là kẻ ác độc, hung dữ, là người không tốt, là người sống không có đức hạnh, vô văn hoá, kém đạo đức về ngôn ngữ thì chúng ta không nên thân cận với những người ấy.

GIỚI HÀNH TỪ BỎ NÓI LỜI ĐỘC ÁC

Kính thưa các bạn! Như các bạn đã biết lời nói độc ác là lời nói vô văn hóa, kém đạo đức. Vì thế, hằng ngày các bạn nhớ tác ý: “Miệng không được nói những lời độc ác, nói những lời độc ác là làm khổ mình, khổ người, phải chấm dứt từ bỏ nói những lời độc ác” hoặc các bạn tác ý ngắn ngọn hơn: “Phải chấm dứt từ bỏ ngay lời nói xấu người khác”.

Hằng ngày, các bạn siêng năng tác ý như vậy thì các bạn sẽ không bao giờ dụm năm, dụm ba nói xấu người khác, hoặc dùng những ngôn ngữ thô lỗ vô văn hoá, kém đạo đức v.v..

Muốn trở thành người có ngôn ngữ tốt, có đạo đức, có văn hóa thì cần phải siêng năng tác ý như trên đã dạy thì chắc chắn khẩu nghiệp của các bạn sẽ thanh tịnh vô cùng, lời nói của các bạn sẽ có đầy đủ uy tín đối với mọi người.