“KHÔNG NÓI PHẢN LẠI ĐỐI VỚI ĐỜI”là một hành động đạo đức làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, có tôn giáo hay không tôn giáo đều cần phải học hiểu và sống đúng đức hạnh này. Chính đạo đức này sẽ mang lại sự an vui cho bản thân, gia đình và xã hội, vì chúng ta không tiêu cực yếm thế, mà lúc nào cũng làm tốt cho đời như trong giới luật này đã dạy: “KHÔNG NÓI PHẢN LẠI ĐỐI VỚI ĐỜI”.
GIỚI ĐỨC VÀ GIỚI HẠNH KHÔNG NÓI PHẢN LẠI ĐỐI VỚI ĐỜI
Không nói phản lại đối với đời, nghĩa là đời sống như thế nào là phải nói đúng như thế nấy.
Người nói không đúng sự thật của cuộc đời là nói phản lại cuộc đời. Đời đau khổ mà nói rằng đời không đau khổ, đời không có chi là hạnh phúc mà nói rằng đời là hạnh phúc, đó là nói phản lại cuộc đời.
Ví dụ 1: Người nào cho thân ngũ uẩn này là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì người ấy nói phản lại cuộc đời, người ấy nói sai, nói không đúng sự thật. Người nói không đúng sự thật là người nói dối. Người nói dối phải chịu qui luật nhân quả, cho nên người nào nói dối là người sẽ chịu nhiều đau khổ.
Người nào không nói phản lại cuộc đời là nói thân ngũ uẩn này không phải là ta, không phải của ta, không phải bản ngã của ta. Người nói như vậy là nói đúng như thật, không nói sai, người nói như vậy không bao giờ có đau khổ.
Ví dụ 2: Người nào cho rằng không có luật nhân quả là người nói phản lại cuộc đời, người nói như vậy là người sẽ chịu nhiều sự khổ đau trong cuộc đời này, ngược lại người nào nói có luật nhân quả và thấy biết mọi sự việc xảy ra đều do nhân quả thì người ấy thoát khổ.
Ví dụ 3: Người nói không phản lại cuộc đời là người nói đúng sự thật. Nói đúng sự thật là phải nói thân ngũ uẩn này là vô thường, là vô ngã, là khổ đau, nhưng nói rằng thân này là thường hằng, là có linh hồn, là có Phật tánh, là thường lạc ngã tịnh là nói sai, nói không đúng sự thật là nói phản lại cuộc đời. Do nói phản lại cuộc đời mà phải chịu nhiều khổ đau.
Ví dụ 4: Người nào cho thân này không phải là thân nhân quả là người nói phản lại cuộc đời, nói sai sự thật. Bởi vì thân này, động dụng một chút xíu là tạo nhân tạo quả ngay liền tức khắc, cho nên nói thân này là thân nhân quả, là nói đúng không nói sai. Thân nhân quả là thân có phiền não đau buồn, giận hờn ganh tỵ, ghen ghét, tỵ hiềm, thường bệnh đau, khổ sở, nhức mỏi, mệt nhọc, vui mừng, an lạc, hạnh phúc, yên vui...
Ví dụ 5: Người nói cho thân này thanh tịnh trong sạch là nói sai sự thật, là nói phản lại cuộc đời, chính vì thân này là thân bất tịnh, uế trược, hôi thối, dục lạc ham thích mùi tục lụy nên chịu nhiều khổ đau.
Ví dụ 6: Không có thế giới siêu hình mà bảo rằng có thế giới siêu hình là nói phản lại cuộc đời. Nói phản lại cuộc đời là nói sai sự thật, nên những người nói phản lại cuộc đời là những người lạc hậu, mê tín, ngu si, dại khờ đem tiền cho người khác ăn mà tai hoạ bệnh tật vẫn đến với mình (tiền mất tật mang).
Cho nên, giới đức không nói phản lại cuộc đời là một đức hạnh nhân bản – nhân quả không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai.
Người nói phản lại cuộc đời là người phạm giới, phá giới, là người tội lỗi. Người tội lỗi là người phải chịu nhiều sự đau khổ cho cuộc đời này.
GIỚI HÀNH KHÔNG NÓI PHẢN LẠI ĐỐI VỚI ĐỜI
Giới không nói phản lại đối với cuộc đời là một giới hành tuyệt vời, khi các bạn biết những gì đúng sự thật trong cuộc đời thì các bạn mới nói, còn chưa biết thì nhất định không nói. Vì nói ra sẽ phạm giới, phạm giới sẽ bị khổ đau và còn làm liên lụy đến những người khác. Đây là một giới hành để giúp các bạn thấy sự thật cuộc sống thế gian này là do các duyên họp lại mà thành ra muôn vật, chứ không có vật nào là có thật. Một cuộc sống thế gian đầy khổ đau chỉ vì các bạn không dám nhìn sự thật, không phản tỉnh lại cuộc đời, thường thấy không đúng sự thật của cuộc đời, nên phải chịu khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác.
Nói phản lại cuộc đời như ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn xôn xao”
Nói phản lại cuộc đời là tiêu cực, yếm thế, ngược lại đạo Phật biết đời khổ như thật, nhưng không tiêu cực, yếm thế, cho nên từ trong đau khổ vượt lên để thoát ra mọi sự đau khổ của cuộc đời, chứ không phải tránh né trốn chạy như Trạng Trình, nên đức Phật dạy: “Đứng lại thì chìm xuống, tiến tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua”. Như vậy, các bạn biết rằng đạo Phật là đạo đức của loài người, nên nó không bi quan, yếm thế, luôn luôn tích cực xây dựng cho mình một đạo đức để cải đổi thế gian này thành cảnh giới an lạc và hạnh phúc cho mình cho người.
Xin các bạn hãy lưu ý giới hành không nói phản lại cuộc đời là đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai; là bổn phận trách nhiệm của mỗi con người đang có mặt trên hành tinh này thì các bạn mới giữ gìn những giới luật này nghiêm chỉnh.
Muốn sống nghiêm chỉnh giới hành không nói phản lại cuộc đời thì các bạn nên thường xuyên tác ý: “Không được nói sai sự thật trong cuộc đời này. Nói sai sự thật là nói phản lại cuộc đời. Nói phản lại cuộc đời là đem lại sự đau khổ cho mình, cho người, cho cả hai”.
Tóm lại, bảy giới này là bảy đức hạnh về ngôn ngữ của mọi người sống trên hành tinh này không riêng cho những Phật tử mà cho tất cả mọi người, có tôn giáo hay không có tôn giáo đều phải chấp nhận đó là đạo đức nhân bản - nhân quả của loài người, do từ khẩu hành của mọi người tạo ra một sức sống mãnh liệt của những tâm hồn cao thượng biết thương mình, thương người và thương cả hai.