“NÓI NHỮNG LỜI CHÂN THẬT”là một hành động đạo đức làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, mà mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, có tôn giáo hay không tôn giáo đều cần phải học và hiểu biết cho rõ ràng.
Đây là một giới luật dạy về đức hạnh ngôn ngữ làm Người, làm Thánh mà các bạn cần phải tu tập, rèn luyện và sống đúng những đức hạnh này để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Có như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.
GIỚI ĐỨC NÓI NHỮNG LỜI CHÂN THẬT
Theo luật nhân quả kẻ nào nói láo sẽ gặt lấy quả nói láo. Quả nói láo là gì các bạn có biết không?
Quả nói láo đến với các bạn là làm mất lòng tin, không được tín nhiệm, người ta xem bạn như những phường láu cá, lưu manh, gian xảo... Người ta sẽ không thích thân cận với những người đó.
Khi chúng ta tiếp cận với những người nói quá nhiều thì chúng ta biết ngay họ là những người láu cá, người không thành thật, người gian xảo, người hay nói xấu kẻ khác, v.v..
Khi chúng ta đọc một bài văn nghị luận, lối viết văn lý luận loanh quanh trườn uốn như con lươn là biết ngay người viết bài văn này là người không thành thật, luận méo mó, không đúng sự thật, không nắm vững và hiểu rõ một sự việc cụ thể, chỉ tưởng tượng hoặc nhai lại bã mía của những người khác. Cũng giống như chúng ta đọc kinh sách Đại Thừa thì biết ngay là kinh ngụy tạo, kinh tưởng giải, ảo giác v.v.. Chỉ có những người không tu tập, tu chưa chứng đạo thì mới không hiểu biết, mới lầm lạc, mới bị lừa đảo cho rằng kinh sách Đại Thừa là Phật thuyết.
Những người không học giới luật đức hạnh khi cầm bút viết là hay ngụy biện lời nói của mình, thiếu tính thành thật, mới đọc thoáng qua thì thấy hay nhưng khi nghiệm xét lại từng câu, từng lời, từng ý, thì bài văn ấy mang tính ngụy tạo rất rõ ràng mà trong sách chúng tôi thường nói là tưởng giải.
“GIỚI ĐỨC NÓI NHỮNG LỜI CHÂN THẬT”dạy chúng ta nói những lời chân thật, khi cầm bút viết về vấn đề tôn giáo thì phải tu chứng do mắt thấy, tai nghe và tâm ý hiểu biết như thật thì viết như thật, chứ không thêm bớt một tí xíu nào cả thì đó là lời nói chân thật, lời nói chân thật thì bài viết chân thật. Bài viết chân thật thì đơn giản dễ hiểu tình cảm xúc tích khiến cho người đọc rất gần gũi, thân thương. Người thành thật thì văn thành thật, người xảo trá thì văn viết xảo trá, người hung dữ thì văn hung dữ. Cho nên xét qua lời nói, lời văn thì biết được tính chất của từng người.
“GIỚI ĐỨC NÓI NHỮNG LỜI CHÂN THẬT”dạy chúng ta nói những lời chân thật. Dạy nói những lời chân thật là dạy chúng ta sống thành thật, thành thật là một đức hạnh làm Người, làm Thánh. Cho nên, làm người phải giữ gìn đức hạnh này đừng để sơ sót nói lời không thành thật mà trở thành người vô đạo đức các bạn ạ!
Từ trong giới luật này suy ra một người thành thật sẽ viết bài thành thật, một người không thành thật sẽ viết bài không thành thật như trên đã nói. Cho nên, dựa theo ngôn ngữ chúng ta biết được người, vì thế, văn là người, người là văn.
Kinh sách Nguyên Thủy là kinh sách thành thật, không có sự dối trá lừa đảo lường gạt, còn kinh sách phát triển Đại Thừa thiếu sự thành thật thường dẫy đầy sự mâu thuẫn, dối trá gây mê tín ảo giác cho người đọc.
Cho nên, khi đọc kinh sách Nguyên Thuỷ chúng ta dễ phát hiện ra những câu hoặc những đoạn văn do các Tổ viết thêm vào. Những câu và những đoạn văn ấy thường thiếu chân thật, giàu tưởng tượng, phi đạo đức, thường mâu thuẫn với ý nghĩa của lời Phật dạy. Do đó, chúng ta nhận biết những đoạn kinh sách sai lệch không có khó khăn. Tư tưởng ảo giác của các Tổ đều nổi bật rõ nét thiếu chân thật đang rải rác trong bộ kinh Nguyên Thủy, nên chúng ta phân loại và loại trừ ra dễ dàng.
Kinh sách Nguyên Thủy dạy sự giải thoát chân thật thường dạy ngăn và diệt ác pháp, bằng sự tự lực của mỗi người. Còn kinh sách phát triển Đại Thừa dạy cầu cúng dựa vào sự hộ trì che chở của chư Phật, chư Bồ Tát. Do sự tín ngưỡng mê tín này đưa dần con người vào cảnh giới yếm thế, tiêu cực v.v.. Rồi từ đó dẫn con người mất sức tự chủ, đi đến tinh thần yếu đuối, bại liệt, tiêu cực, mất tự lực.
GIỚI HẠNH NÓI NHỮNG LỜI CHÂN THẬT
Cho nên, những oai nghi tế hạnh nói lời chân thật rất khó, vì thế phải có sự tu tập rèn luyện hằng ngày, phải có sự bền chí quyết tâm dứt bỏ, từ bỏ nói những lời nói không chân thật. Có như vậy các bạn mới thành người tốt, người có đức, có hạnh về ngôn ngữ. Và hơn nữa tâm của các bạn mới bất động trước các pháp và các cảm thọ.
“GIỚI HẠNH NÓI NHỮNG LỜI CHÂN THẬT”là oai nghi tế hạnh của ngôn ngữ tuyệt vời, dám nói thẳng, nói thật không hề sợ một ai. Chuyện có nói có, chuyện không nói không, chuyện sai nói sai, chuyện đúng nói đúng, dù lời nói ấy của các Tổ hay một vị Thầy nào nói sai thì nói sai, không bưng bít che đậy, luôn nói đúng sự thật. Cho nên, nói những lời chân thật là oai nghi tế hạnh của người tu sĩ Phật giáo chân chánh.
Ví dụ: Kinh sách Đại Thừa không phải Phật thuyết, kinh dạy những điều mê tín, ảo tưởng, phi đạo đức v.v.. thế mà từ xưa đến nay ít ai dám nói nó sai. Đó là không dám nói những lời chân thật. Người không dám nói những lời chân thật là người yếu đuối và nhút nhát.
GIỚI HÀNH NÓI NHỮNG LỜI CHÂN THẬT
Muốn nói những lời chân thật thì hằng ngày các bạn nên tác ý: “Làm người phải nói những lời chân thật, không được nói sai sự thật” hoặc tác ý như sau: “Thà chết nhất định không nói sai sự thật”.
“NÓI NHỮNG LỜI CHÂN THẬT”là nói những lời đẹp đẽ đầy đủ đức hạnh. Họ là những người dũng cảm, gan dạ.
Nhờ có tác ý như vậy các bạn sẽ đầy đủ nghị lực khi nói ra những lời chân thật mà không hề sợ ai.