Điều ước nguyện thứ mười lăm là điều ước nguyện cho tâm mình biết đến nhiều đời quá khứ của mình như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp, chúng ta lại còn biết sinh tại chỗ kia, chỗ này, lại còn có tên như thế này, như thế khác, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng đến mức như thế này, sau khi chết tại chỗ kia là được sanh chỗ nọ. Tại chỗ ấy các bạn có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng đến mức như thế này, sau khi chết tại chỗ nọ, chúng ta được sinh ở chỗ đấy. Đây là Túc Mạng Minh, một trí tuệ thấy biết như thật trong nhiều đời quá khứ. Nếu giới luật không nghiêm chỉnh thì sự tu hành của các bạn cũng chẳng bao giờ có trí tuệ này. Một trí tuệ không có không gian và thời gian; một trí tuệ tuyệt vời do giữ gìn giới luật mà có. Vậy các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nhớ đến các đời sống quá khứ như: một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp nhiều thành kiếp, nhiều hoại và nhiều thành kiếp ta nhớ rằng: Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, thọ mạng đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây!”. Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên) trú xứ không tịch”. Những lời dạy trên đây là một sự xác định chắc chắn của đức Phật. Ngoài giới luật ra, dù các bạn có tu tập pháp môn nào thì cũng chẳng bao giờ có Túc Mạng Minh cả. Xem thế các bạn mới biết con đường tu tập theo Phật giáo chỉ có giới luật là pháp môn hàng đầu và nó là một nền tảng đạo đức nhân bản – nhân quả vững chắc cho những ai quyết tâm tìm tu giải thoát theo Phật giáo.
Kính thưa các bạn! Theo chúng tôi nghĩ chỉ có Phật giáo mới thật sự có trí tuệ Tam Minh. Vì sao?
Vì Phật giáo xây dựng trí tuệ Tam Minh trên nền tảng đức hạnh đạo đức nhân bản – nhân quả.