Điều ước nguyện thứ năm là điều ước nguyện cho mình làm chủ được dục lạc, dục khổ, không để cho dục lạc, dục khổ làm chủ mình. Muốn ước nguyện được như vậy thì các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nhiếp phục lạc và bất lạc, chứ không phải lạc và bất lạc nhiếp phục ta. Mong rằng ta sống luôn luôn nhiếp phục lạc và bất lạc được khởi lên!”, Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên) trú xứ không tịch”.
Trong cuộc sống của mọi người trên thế gian này hiện giờ ai ai cũng bị thọ lạc, thọ khổ nhiếp phục, nghĩa là chúng ta đang làm nô lệ cho thọ lạc và thọ khổ. Vậy thọ lạc và thọ khổ là gì?
Kính thưa các bạn! Thọ lạc là chạy theo dục lạc thế gian như ăn uống, ngủ nghỉ phi thời, chạy theo tâm dâm dục, lấy của không cho, không từ bỏ vọng ngữ, không từ bỏ thuốc lá, rượu men, không từ bỏ trang điểm, ca hát, không nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng, không sống cho riêng mình bằng hạnh độc cư. Đó là chạy theo thọ lạc. Còn thọ khổ như thế nào?
Thọ khổ có hai phần:
- Thứ nhất thuộc về tâm. Tâm phiền não, sợ hãi, buồn rầu, lo lắng, tức giận, ganh tỵ, ghen ghét, căm thù v.v.. Đó là thọ khổ thuộc về tâm.
- Thứ hai thuộc về thân. Thân bị bệnh đau, nhức, tật nguyền v.v.. Đó là thọ khổ thuộc về thân.
Như lời dạy trên rất rõ ràng: “Mong rằng ta nhiếp phục thọ lạc và thọ bất lạc, chứ không phải lạc và bất lạc nhiếp phục ta”. Người sống trong đời thường bị hai cảm thọ này chi phối thân tâm khiến cho họ phải chịu nhiều sự khổ đau. Muốn thoát ra những sự đau khổ này thì giới luật chúng ta phải chấp nhận nghiêm chỉnh, có nghĩa các bạn phải chấp nhận và sống một đời sống giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Mọi người ai cũng biết do giới luật mà các bạn ly dục ly ác pháp, do ly dục ly ác pháp các bạn không còn chạy theo (dục) sự ham muốn, không còn chạy theo sự ham muốn tức là các bạn nhiếp phục được thọ lạc. Nhưng khi các bạn đã nhiếp phục được thọ lạc thì cũng phải nhiếp phục được thọ khổ và thọ bất lạc bất khổ. Như trên đã nói thọ khổ tức là thân bị bệnh đau hay nhức nhối khổ sở do bệnh tật. Thế mà ta giữ giới luật nghiêm chỉnh thì cũng nhiếp phục được tất cả bệnh khổ nơi thân. Đây các bạn có nghe thấy và hiểu biết sự lợi ích của giới luật chưa?
Tóm, lại muốn nhiếp phục được tâm tham dục cũng như bệnh tật khổ đau thì ta phải sống đúng lời dạy của Đức Phật, phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh như trên đã nói thì cuộc sống của chúng ta sẽ nhiếp phục được mọi sự khổ đau. Đó là sự lợi ích thứ năm trong giới luật của Phật. Xin các bạn nên lưu ý và cố gắng giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh, đừng để vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì bệnh tật của các bạn sẽ chấm dứt.