GIỚI ĐỨC SA DI THỨ SÁU: KHÔNG TRANG ĐIỂM

Không trang điểm là một “ĐỨC THÁNH TỰ NHIÊN”.Người xuất gia cũng như người tại gia cần phải học hiểu và sống đúng đức hạnh này.

Bản chất của con người dù nam hay nữ đều thích làm đẹp, nhất là phái nữ, dù là một người rất xấu, nhưng họ vẫn cố trang điểm làm cho đẹp, vì thế mà các mỹ viện mọc lên rất nhiều.

Mục đích trang điểm làm đẹp là do tâm ái dục, tâm ái dục luôn muốn cho mọi người phải để ý và mê mệt với mình. Đó là nguyên nhân ngấm ngầm bên trong thân và tâm của mình để thể hiện tâm sắc dục, tâm sắc dục tức là tình dục, khi mắt thấy sắc của người khác phái thì tình dục khởi lên. Vì mục đích này giới nữ thường ăn mặc hở hang. Muốn khiêu dâm gợi dục, hiện nay phái nữ thường ăn mặc bày da bày thịt theo người Tây Phương là để khiêu gợi tâm sắc dục của người khác phái và cũng chính khiêu gợi tâm sắc dục của mình. Đối với Đức Phật, Ngài rất hiểu rõ điều này, nên cấm đệ tử của mình, nhất là giới tu sĩ: “không cho trang điểm làm đẹp”. Không cho làm đẹp là để diệt trừ tâm sắc dục. Trong kinh Tăng Chi tập 1 trang 9 thuộc đại tạng kinh Việt Nam, đức Phật dạy: “Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỳ Kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà… Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỳ kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như sắc người đàn ông…”. Đối với đạo Phật tâm sắc dục là một trong những tâm ái dục, nó là con đường sinh tử luân hồi; nó là con đường khổ đau; là nguyên nhân sinh ra muôn vàn đau khổ của con người. Vì thế, trong bốn chân lý của đạo Phật, nó là chân lý thứ hai gọi là “Tập đế”. Tập đế có nghĩa nơi tập họp mọi sự khổ đau, hay nói cách khác là nguyên nhân sinh ra mọi khổ đau của kiếp sống làm người.

Muốn xa lìa tâm sắc dục, mà còn trang điểm, làm đẹp thì không bao giờ xa lìa tâm sắc dục ấy được.

Tóc râu đã cạo bỏ, còn gì là đẹp đẽ nữa đâu, thế mà các Thầy tuy cạo bỏ râu tóc nhưng còn sửa sang làm đẹp, cạo râu, cạo tóc thường xuyên, quần áo chải chuốt, ủi là láng bóng. Sang đẹp có nghĩa là y áo phải may bằng vải hàng nhập, loại hàng tốt nhất, may y áo phải vừa vặn, không rộng, không chật, thường dùng gương soi mặt, ngắm trước, ngắm sau khi đi... Những hành động trang điểm làm đẹp như vậy là nuôi tâm sắc dục, ưa thích tâm sắc dục.

Người còn tâm ưa thích sắc dục thì còn trang điểm, còn làm đẹp thì tu hành chỉ hoài công vô ích.

Đạo Phật muốn đào tạo những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni A La Hán nên giới luật cấm trang điểm làm đẹp là để tâm ly dục lìa ác pháp. Có ly dục lìa ác pháp thì Đức Hạnh Tự Nhiên Thánh Sa Di này mới sống đúng và giữ trọn vẹn. Ai theo đạo Phật tu hành mà còn trang điểm làm đẹp thì không phải là Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh Sa Di nữa mà là Ma trong đạo Phật, đội lốt Phật giáo để giết Phật giáo. Bởi vậy, những tín đồ Phật giáo cũng như những người ngoài Phật giáo, khi thấy một vị tu sĩ ăn mặc sang đẹp chải chuốt làm đẹp thì nên biết đó không phải là tu sĩ Phật giáo, mà là Ma đội lốt tu sĩ Phật giáo.

Xưa đức Phật lượm vải bó thây ma, vải bỏ của người khác về giặt sạch làm y áo của mình. Y áo ấy gọi là áo cà sa (Y phấn tảo), còn bây giờ y áo của tu sĩ Phật giáo rất là sang đẹp và đắt tiền, như vậy là đi ngược lại chủ trương đời sống của đạo Phật “Ba y một bát thiểu dục tri túc”. Ba y một bát tức là hạnh ly dục ly ác pháp. Một tu sĩ mà không sống được Phạm hạnh này thì không bao giờ tìm thấy sự giải thoát.

Người cư sĩ đem cúng dường y áo cho tu sĩ bằng những hàng lụa đẹp sang là cúng dường sai pháp, khiến cho tu sĩ trở thành phú Tăng, chứ không còn là bần Tăng.

Ăn mặc sang đẹp là một cách trang điểm làm đẹp; còn trang điểm làm đẹp là phạm giới, là không ly dục ly ác pháp; không ly dục ly ác pháp thì làm sao được gọi là Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh cư sĩ, đệ tử của đức Phật?

Muốn làm chủ sanh tử luân hồi, mà hành động trang điểm làm đẹp không từ bỏ thì làm sao chấm dứt sanh tử luân hồi được?

Mục đích xa lìa tâm ái dục nên phải xa lìa sự trang điểm, làm đẹp, cho nên những tu sĩ đạo Phật, dù nam hay nữ, đều phải cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, (áo vải thô xấu, vải liệm thây ma, v.v..), đi chân đất, đầu trần không đội nón.

Người tu sĩ của Phật giáo hình dáng phải làm cho xấu xí thì càng dễ tu. Đó cũng là phương pháp ly dục ly ác pháp. Còn trang điểm làm đẹp là phương cách nuôi tâm dục và ác pháp.

Xưa ông A Nan vì quá đẹp trai nên sự tu tập của ông phải gian nan với người khác phái.

Có thân hình đẹp đẽ là hình dáng dễ gợi lòng yêu thương, ái dục, khiến cho chúng ta khó xa lìa tâm ái dục.

Có một cô gái người Nhật Bản vào chùa xin tu, nhưng vị trụ trì từ chối không chấp nhận và bảo cô rằng: “Cô không tu được”.

- Tại sao vậy?.

- Vì cô quá đẹp.

Sau khi hủy hoại sắc đẹp xong, cô trở lại chùa xin tu, lúc bấy giờ cô được nhận làm đệ tử.

Qua câu chuyện trên cho thấy sắc đẹp làm cản trở sự tu tập của chúng ta rất lớn, vì thế chúng ta là tu sĩ Phật giáo không nên trang điểm, phải giữ gìn giới luật Thánh Đức Tự Nhiên không trang điểm làm đẹp này nghiêm chỉnh.

Có ý chí quyết tâm xa lìa tâm ái dục nên cô gái này đã diệt sắc đẹp của mình tức là cô đã diệt tâm ái dục của mình, nhờ đó trên đường tu hành theo Phật giáo cô đã chứng quả Thiền Tông.

Như vậy, hiện nay đúng theo giới luật Phật như quý vị đã biết, người tu sĩ đạo Phật phải luôn luôn cạo bỏ râu tóc, ăn mặc áo quần thô xấu. Đó là một hình thức rất cần thiết để xa lìa tâm ái dục và ác pháp.

Không trang điểm làm đẹp là một Thánh đức tự nhiên lìa xa tâm ái dục mà người tu sĩ cần nên học và cố gắng khắc kỷ mình để thực hiện cho bằng được Thánh hạnh này. Nhờ đó con đường tu tập mới có hiệu quả hơn.

Kính thưa các bạn đồng tu Phạm hạnh! Thánh đức tự nhiên xa lìa tâm ái dục, các bạn có giữ trọn hay không, đó là còn tùy ở các bạn. Nếu các bạn giữ trọn trước mặt cũng như sau lưng thì các bạn đã tự biết mình lìa xa tâm sắc dục. Xa lìa tâm sắc dục rất có lợi cho các bạn, nó giúp cho thân tâm của các bạn thanh tịnh, nhờ thế các bạn mới dễ dàng tu tập thiền định mà không sợ lạc vào tà thiền.

Nếu Phạm hạnh này không giữ trọn vẹn được thì các bạn tu hành phí công vô ích mà thôi.

Mỗi giới Đức Phạm Hạnh Thánh Sa Di là hiện thân của sự giải thoát trong Phật giáo.Vì thế, Mười Giới Đức Thánh Sa Di càng giữ gìn nghiêm chỉnh thì thân tâm càng lúc càng thanh tịnh; thân tâm càng lúc càng thanh tịnh thì đời sống càng đơn giản; đời sống càng đơn giản thì sự giải thoát gần kề. Sự giải thoát có được là nhờ sống đơn giản, tự nhiên. Cho nên đời sống đơn giản tự nhiên trước mặt cũng như sau lưng là xác định cụ thể cho người tu chứng. Người tu chứng hay không tu chứng là ở chỗ những giới đức Thánh này, chứ không phải ở chỗ ngồi thiền nhập định 7, 8 ngày hay thị hiện thần thông, phóng hào quang, độn thổ, tàng hình, biến hóa, v.v..

 Đối với Thánh hạnh không cần sửa sang trang điểm làm đẹp, mà thân tướng lại đẹp đẽ trang nghiêm một cách đơn giản tự nhiên thì đó mới thật sự là Thánh Đức Hạnh Tự Nhiên, đó mới thật sự là cái đẹp tự nhiên của một vị Thánh Tăng, Thánh Ni.

Thánh đức tự nhiên ly ái dục là để cho người tu hành có một dung nghi đẹp đẽ hồn nhiên, trong sáng rất tự nhiên. Đó là vì thân tâm thanh tịnh không còn ô nhiễm nên không cần trang điểm làm đẹp theo kiểu nhân tạo thế tục.

Nhìn qua Phạm hạnh Thánh đức tự nhiên của một vị tu sĩ Phật giáo là chúng ta nhận biết vị này là Thánh Tăng thật hay Thánh Tăng giả.

Thánh Tăng giả thì trang điểm ăn mặc sang đẹp, xe cộ lộng lẫy, cái đẹp ấy là cái đẹp nhân tạo, cái đẹp nhân tạo là cái đẹp của tâm dục và ác pháp. Cho nên, giới luật Phật cấm trang điểm làm đẹp giả tạo không chân thật. Làm đẹp giả tạo không chân thật có hai điều tội lỗi:

1- Tội lừa đảo người.

2- Tội thiếu chân thật với mình.

Lừa đảo người bằng tướng tốt, ăn mặc sang đẹp. Ảnh hưởng Bà La Môn giáo cho rằng người tu hành phải có tướng tốt, cho các vị tu sĩ nào có thân tướng mập béo, bệ vệ trong bộ y áo sang đẹp là tướng tốt, là tu chứng đạo, theo Phật giáo chúng tôi nghĩ rằng thân tướng ăn mặc như vậy không đúng lắm, vì thân tướng mập béo, trong y áo sang đẹp là tướng của dục lạc. Vẽ vời đức Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là để loè mọi người theo kiểu kinh sách Bà La Môn thì chúng tôi nghĩ rằng đức Phật có một thân hình quái dị, chứ không phải thân hình của một con người.

Trang điểm là phương cách làm đẹp giả tạo, đó là thiếu chân thật với mình với người. Vì thế mà Giới Đức Thánh Tự Nhiên không trang điểm ra đời để giúp chư Tăng, Ni sống tự nhiên mà có vẻ đẹp đẽ hồn nhiên.

Tóm lại, một tu sĩ còn trang điểm làm đẹp là chứng tỏ tâm ly dục ly ác pháp chưa có. Điều quan trọng là tâm sắc dục chưa lìa thì con đường đạo khó thấy.

Nếu tu theo đạo Phật mà còn trang điểm làm đẹp là không thể tu theo đạo Phật được, đó là một điều xác định chắc chắn báo trước cho quý vị biết.

Muốn tìm tu giải thoát theo đạo Phật thì Giới Đức Thánh Tự Nhiên phải chấp nhận thực hành. Sống nghiêm chỉnh không hề vi phạm thì Thánh hạnh này mới có thể hiện rõ trong mọi oai nghi của quý vị.

Thánh Đức Tự Nhiên của một cơ thể đã lìa tâm sắc dục thì rất thanh tịnh. Tâm sắc dục lìa xa được, thì thân tâm của quý vị mới thật sự thanh tịnh. Thân tâm có thanh tịnh thì quý vị mới nhập được chánh định, còn thân tâm chưa thanh tịnh mà nhập định thì chỉ là nhập tà định. Do điều kiện này mà đức Phật chỉ dạy cho chúng ta: “giới sanh định” là vậy. Cho nên một người tu mà xem thường giới luật thì người ấy sẽ không bao giờ tu tập thấy được sự giải thoát của đạo Phật như thật.

Giới là pháp môn giúp cho tâm ly dục ly ác pháp, còn tà định là pháp môn ức chế tâm khiến cho tâm không bao giờ ly dục ly ác pháp được. Cho nên, giới không tu tập nghiêm chỉnh thì oai nghi chánh hạnh không bao giờ có, oai nghi chánh hạnh không có mà tu tập thiền định thì thiền định đó không bao giờ có giải thoát.

Đạo Phật lấy giới luật làm khuôn pháp tu tập hàng đầu, khiến thân tâm thanh tịnh, oai nghi chánh hạnh rõ ràng, người người nhìn vào đều kính mến và tôn trọng, không ai mà không thừa nhận.

Tà Giáo ngoại đạo bỏ giới luật lấy ý thức vô niệm làm tâm, cho tâm đó là Phật tánh. Do đó tu tập bị ức chế tâm, rơi vào định tưởng, khiến cho người tu hành không biết đường tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Lúc bấy giờ lại còn lạc vào mê hồn trận của tưởng mà không biết, cứ cho đó là định tướng của thiền định. Trong sách Thiền Quan Sách Tấn các Tổ thuật lại công phu tu tập của mình rất là gian khổ. Ba, bốn chục năm mà chứng những trạng thái tưởng, thật là phí uổng công cả một đời tu tập.

Người tu hành theo đạo Phật phải nhớ kỹ lời dạy này: “các pháp ác không nên làm và nên làm các pháp thiện”. Đó là lời dạy về giới luật của Phật.

Người phạm giới là người làm các pháp ác, người nào không phạm giới là người làm các pháp thiện. Người sống trong thiện pháp là người sống trong Thánh hạnh.