CÓ SÁU OAI NGHI NGƯỜI TU SĨ CẦN PHẢI GIỮ GÌN VÀ TU TẬP

 

LỜI PHẬT DẠY

“Người tu sĩ mới vào phải tu tập:

1/ Khi đi biết mình đi.

2/ Khi đứng biết mình đứng.

3/ Khi liếc ngó hai bên.

4/ Khi co duỗi cúi ngước.

5/ Khi đắp y, mang bát.

6/ Khi ăn uống thuốc men đều phải nhẹ nhàng phù hợp với oai nghi, phải khéo tìm phương tiện từ bỏ năm ấm cái, cho đến đứng, ngồi, nằm, thức, ngủ, nói năng hay im lặng đều phải nhiếp tâm không cho tán loạn. Ấy là những oai nghi mà các thầy Tỳ Kheo cần phải giữ gìn đầy đủ’’.

 

 

 

CHÚ GIẢI:

Oai nghi tế hạnh của một người tu sĩ Phật giáo rất cần thiết cho đời sống phạm hạnh và chính những oai nghi tế hạnh ấy đã giúp cho người tu sĩ tỉnh thức hơn để ly dục ly ác pháp, để ngăn và diệt tất cả tham ưu trên thân, thọ, tâm và pháp. Do tu tập oai nghi tế hạnh để ly dục ly ác pháp, tâm mới được hoàn toàn thanh tịnh, vì thế nó mới được gọi là tu tập thiền xả tâm. Muốn tu tập thiền xả tâm thì phải nương vào những oai nghi mà đức Phật đã dạy như dưới đây:

Oai nghi thứ nhất đức Phật dạy:Khi đi biết mình đi”. Vậy oai nghi thứ nhất đi biết mình đi như thế nào?

Đi phải biết mình đi, nhưng nếu biết mình đi suông thì không có ý nghĩa gì của sự giải thoát mà đi trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, tức là đi trong thiện pháp. Vậy đi trong thiện pháp là đi như thế nào?

Đi trong thiện pháp là đi không dậm đạp lên chúng sanh, là đi trong tâm ly dục ly ác pháp. Đi như vậy mới gọi là đi biết mình đi.

Đi biết mình đi là biết từng bước đi của mình, biết rõ ràng khi dỡ chân lên cũng như lúc để chân xuống, tâm tỉnh thức theo dõi từng hành động của chân bước. Bước đi phải nhẹ nhàng thoải mái không chậm lắm, nhưng cũng không nhanh, đi vừa kịp tâm chú ý bước chân đi, đi khoan thai như người vô sự, đi như người đi nhàn du nhưng đều biết rất rõ bước đi.

Người đệ tử Phật dù tu sĩ hay cư sĩ khi đi đều phải tỉnh thức trên bước đi. Đi biết mình đi rất rõ ràng. Đó là phương pháp tu tập tỉnh thức để tâm được tỉnh thức. Tâm được tỉnh thức là có lợi ích rất lớn. Nhờ tu tập tỉnh thức đi mình biết mình đi, đó là hành động đi nhưng tỉnh thức trên hành động đi được thì sẽ tỉnh thức từng tâm niệm được. Tỉnh thức từng tâm niệm được thì xả bỏ tất cả ác pháp và tâm tham, sân, si dễ dàng.

 Tỉnh thức là pháp tu tập đầu tiên của đạo Phật:Khi đi biết mình đi”.Đó là Chánh niệm tỉnh giác định, một loại định tâm trên bước đi; một loại định phá hôn trầm, thùy miên, vô ký rất tuyệt vời, nếu người nào chịu khó siêng năng tu tập hằng ngày thì sức tỉnh thức càng ngày càng gia tăng, sự tu tập càng ngày càng tiến bộ, sự ly dục ly ác pháp càng ngày càng xả ly rất nhiều. Nhờ đó, tâm thanh thản, an lạc và vô sự càng lúc càng chứng đạt, trạng thái ấy càng chiếm nhiều thời gian dài hơn.

Muốn tu tập chứng đạt giải thoát thì không gì hơn là lo tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác như đức Phật đã dạy: Khi đi biết mình đi”.

Oai nghi thứ hai đức Phật dạy: “Khi đứng biết mình đứng”. Vậy đứng biết mình đứng như thế nào?

Đứng biết mình đứng, tức là đứng ngay thẳng biết mình đứng ngay thẳng, đứng cong vòng biết mình đứng cong vòng, đứng một chân biết mình đứng một chân hay đứng nghiêng biết mình đứng nghiêng, hoặc đứng ẹo biết mình đứng ẹo v.v.. Đứng ở vị trí nào biết vị trí ấy.

Ví dụ: Đứng trước cổng nhà người biết đứng trước cổng nhà người hay đứng trước gian hàng người ta buôn bán thì biết đứng trước gian hàng người ta buôn bán, hay đứng ở chỗ có người khác phái, đứng chỗ người điên, người hung dữ, chó dữ, bò dữ v.v.. đều biết rất rõ ràng.

Cho nên, khi đứng biết mình đứng, đứng đúng chỗ, đúng nơi, đúng lúc v.v.. Khi đứng yên biết thân mình đứng yên, biết thân mình đứng ngay thẳng, mắt nhìn xuống cách chỗ đứng 2m50, biết thân mình rung động theo từng nhịp hơi thở ra vào rõ ràng.

Khi đứng yên mắt không nhìn qua, nhìn lại, không liếc dọc, liếc ngang chỉ nhìn về phía trước, chỉ đứng biết mình đứng, đứng trong sự thân rung động của hơi thở. Người tu sĩ hay người cư sĩ Phật giáo mà đứng được như vậy thì mới gọi đứng biết mình đứng.

Oai nghi thứ ba đức Phật dạy: “Khi liếc ngó hai bên biết mình liếc ngó hai bên”.Như quý vị đã biết oai nghi thứ nhất đức Phật dạy về thân hành hai chân của quý vị là đi và đứng mà quý vị đã được học xong. Còn oai nghi thứ ba đức Phật dạy thân hành mắt của quý vị. Khi quý vị nhìn hay liếc ngó hai bên thì phải biết mình liếc ngó hai bên. Như vậy nhìn liếc ngó hai bên biết mình nhìn liếc ngó hai bên để làm gì?

Nhìn liếc ngó hai bên biết mình nhìn liếc ngó hai bên tức là tỉnh thức trong từng hành động của mắt, mắt nhìn mắt liếc đều biết rất rõ mắt nhìn, mắt liếc trong chánh niệm, tức là nhìn liếc ngó một cách ngay thẳng chánh trực, không nhìn chăm chăm vào mặt người khác làm cho họ ngại ngùng, không liếc xéo liếc ngang người làm cho người khác khó chịu. Cho nên, một người tu theo Phật giáo bao giờ cũng giữ mắt trong chánh niệm, liếc ngó nhìn vật khác người khác đều mang lại một ánh mắt hiền dịu với một lòng yêu thương và tha thứ những lỗi lầm của người khác.

Muốn được tỉnh thức trong từng cái nhìn, cái ngó, cái liếc thì chúng ta phải tu tập tỉnh thức với đôi mắt. Mắt làm điều gì chúng ta nên biết mắt đang làm điều đó. Đó là chúng ta đang tu tập tỉnh thức của mắt. Tập tỉnh thức của mắt tức là tu tập tỉnh giác. Nhờ tu tập tỉnh giác như vậy nên khi nhìn mọi vật chúng ta không bị dính mắc chấp đắm, không bị lôi cuốn vào ác pháp và lòng ham muốn; nhờ tu tập tỉnh thức như vậy nên tâm chúng ta luôn luôn được thanh thản, an lạc và vô sự. Vì thế, chúng ta nhớ ghi lời dạy này để áp dụng vào đời sống của chúng ta hằng ngày: “Khi liếc ngó hai bên biết mình liếc ngó hai bên”.

Oai nghi thứ tư đức Phật dạy: “Khi co, duỗi, cúi, ngước”. Vậy khi co, duỗi, cúi, ngước là những hành động gì của thân?

Ở đây đức Phật dạy về thân hành: co là co tay, co chân; duỗi là duỗi tay, duỗi chân; cúi là cúi đầu, cúi cổ; ngước là ngước đầu, ngước cổ.

Ở đây đức Phật dạy tỉnh thức trong mỗi thân hành từ cái co tay cũng phải biết co tay; từ cái co chân cũng phải biết co chân, biết rất rõ ràng và cụ thể từng hành động của thân không được bỏ sót, không được quên hành động nào. Khi duỗi tay duỗi chân cũng đều biết rất rõ ràng. Đây là phần hoạt động của tay chân còn về phần đầu cổ thì đức Phật dạy cũng không bỏ sót một hành động nào, khi cúi đầu cúi cổ cũng như khi ngước đầu ngước cổ đều phải tỉnh thức không được quên, phải luôn luôn nhớ từng hành động cúi ngước. Bởi co, duỗi, cúi, ngước là những hành động của thân nên đức Phật gọi là pháp Thân Hành Niệm tức là lấy hành động của thân làm niệm để tu tập tỉnh thức, để tu tập định tỉnh, để tu tập Tứ Thần Túc.

Các pháp môn tu hành theo Phật giáo phần nhiều là lấy thân hành làm pháp tu tập cho nên, co duỗi cúi ngước đều là pháp môn tu hành của Phật giáo. Vì vậy, người nào quyết tu để làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi ngoài niệm Thân Hành thì chẳng có pháp nào niệm hơn được. Cho nên hành động cúi, ngước, co, duỗi là pháp môn tu hành của quý vị. Quý vị hãy nhớ kỹ đừng quên pháp môn này, nó là chiếc phao đưa quý vị qua bờ bên kia. Vì thân hành lúc nào cũng có, nên sự tu tập của quý vị sẽ được liên tục không có gián đoạn, nhờ thế sức tỉnh của quý vị rất cao. Sức tỉnh giác rất cao giúp quý vị xả tâm ly dục ly ác pháp dễ dàng. Tâm ly dục ly ác pháp sạch thì quý vị chứng đạt chân lí. Cho nên, Thân Hành Niệm là pháp giúp quý vị từ bắt đầu vào đạo cho đến khi chứng đạo.

Oai nghi thứ năm đức Phật dạy: “Khi đắp y, mang bát”. Đắp y, mang bát nghĩa là gì?

Đắp y tức là mặc áo cà sa, áo vấn theo người Ấn Độ mặc; mang bát tức là mang một cái thố có nắp đậy dùng để đựng cơm và thực phẩm. Cái thố này được đặt trong một cái túi bằng vải nên khi có đi đâu thì mang đi. Nghĩa của câu này là khi mặc áo phải biết rõ từng hành động đang mặc áo; khi mang bát đi xin cơm cũng vậy đều phải biết rõ ràng từng hành động mang bát từ bắt đầu đi khất thực cho đến khi ngồi lại ăn cơm không được quên, không được nhớ chuyện khác chỉ nhớ rõ từ hành động của thân mang bát đi khất thực cho đến lúc về ăn cơm như trên đã nói.

Đây là một phương pháp tu tập tỉnh thức trên thân hành niệm của quý vị. Quý vị phải siêng năng tập ngay trên thân hành mặc y mang bát, có nghĩa là quý vị đừng quên những hành động nhỏ nhặt nào trên thân của quý vị. Quý vị đều phải tu tập trên đó. Nhờ tu tập trên thân hành đó sức tỉnh thức của quý vị càng lúc càng tăng. Sức tỉnh thức của quý vị càng tăng thì xả tâm càng rốt ráo. Xả tâm càng rốt ráo thì con đường tu tập của quý vị sẽ đến nơi đến chốn.

Như vậy tu theo Phật giáo chỉ có tu theo thân hành niệm của mình mà thôi, nhờ có thân hành niệm mà thân hành niệm lúc nào cũng có trong thân nên sự tu tập tỉnh thức rất dễ dàng không có khó khăn không có mệt nhọc. Sức tỉnh thức đạt được thì tâm định tỉnh đâu còn khó khăn. Tâm định tỉnh đạt được thì thiền định có khó gì mà không nhập được.

Oai nghi thứ sáu đức Phật dạy: Khi ăn, uống thuốc men đều phải nhẹ nhàng, phù hợp với oai nghi, phải khéo tìm phương tiện từ bỏ năm ấm cái, cho đến đứng, ngồi, nằm, thức, ngủ, nói năng hay im lặng đều phải nhiếp tâm không cho tán loạn. Ấy là những oai nghi mà các thầy tỳ kheo cần phải giữ gìn đầy đủ”. Lời dạy thứ sáu này rất rõ ràng trong tất cả thân hành của mình, luôn luôn phải tỉnh thức từng hành động trong sinh hoạt hằng ngày của sự sống.

Cho nên, phải lưu ý từ hành động ăn uống hằng ngày đến uống thuốc thang trị bệnh đều phải nhẹ nhàng vén khéo, ăn không chậm lắm mà cũng không nhanh lắm, ăn như thế nào để vừa đủ quan sát từng hành động nhai nuốt một cách cụ thể rõ ràng mà không bỏ sót hành động nhai nuốt nào cả. Đó là ăn uống trong oai nghi tế hạnh của người tu sĩ, tức là ăn uống trong phạm hạnh. Ăn uống trong phạm hạnh tức là ăn uống luôn luôn loại trừ năm ấm cái không để năm ấm cái chi phối tâm mình.

Ví dụ: Ăn uống còn lo cho thân được đủ chất bổ dưỡng, được đầy đủ dưỡng chất vitamin A, B, C, D, E... đó là ăn uống bị năm ấm cái chi phối. Vì thế đức Phật dạy: “ăn uống phải khéo tìm phương tiện từ bỏ năm ấm cái”. Trong vấn đề ăn uống chúng ta quên lời Phật dạy nên ăn uống đều lo bảo dưỡng thân ngũ ấm cho mập cho khỏe là sai. Trên bước đường tu hành chúng ta rất tâm đắc lời dạy này: “Khi ăn, uống thuốc men đều phải nhẹ nhàng, phù hợp với oai nghi, phải khéo tìm phương tiện từ bỏ năm ấm cái”. Không phải vì cái thân bổ khoẻ; không phải uống thuốc vì cái thân hết bệnh. Ăn uống và thuốc thang là để giúp cho thân bình an, nhờ có cái thân bình an mới tu tập đúng chánh pháp của Phật, nhờ tu tập đúng chánh pháp của Phật mới thoát khỏi kiếp sanh tử luân hồi đầy muôn vàn sự khổ đau. Cho nên, lời dạy này quý vị hãy gắng ghi vào trong lòng đứng quên.

Đức Phật nhắc tiếp những hành động oai nghi về thân hành trong sự tu tập hằng ngày: Cho đến đứng, ngồi, nằm, thức, ngủ, nói năng hay im lặng đều phải nhiếp tâm không cho tán loạn”. Quý vị có nghe lời dạy này không?

Khi đứng biết mình đứng, đứng đúng vị trí đứng rất tỉnh thức, biết rất rõ. Ngồi biết rất rõ tư thế mình đang ngồi, ngồi trên ghế hay ngồi xếp bằng, ngồi bán già hay kiết già, ngồi thẳng chân dưới đất hay ngồi trên giường, ngồi dựa lưng trong vách hay ngồi không dựa lưng trong vách đều biết rất rõ, ngồi có thoải mái hay không thoải mái v.v.. Nằm cũng vậy, nằm ngữa, nằm nghiêng, nằm sấp, nằm kiết tường gối tay mặt hay gối tay trái đều biết rất rõ cách thức nằm. Người tu sĩ Phật giáo chỉ chọn cách nằm kiết tường là tốt nhất, vì xưa kia đức Phật gọi nằm kiết tường là nằm dáng con sư tử. Người nằm biết mình nằm, biết rõ mình nằm với tư thế nào, đó là tỉnh thức trên sự nằm, còn quên không biết là thiếu tỉnh thức.

Khi thức phải biết mình thức, thức đang nghĩ ngợi những điều gì hay không nghĩ ngợi, đều phải biết rất rõ ràng, đó mới gọi là thức. Thức mà không biết tâm mình đang nghĩ một điều gì thì người ấy chưa phải là người đang thức mà người đang mê hay nói cách khác là người ấy đang chạy theo dục lạc, danh, lợi, sắc, thực, thùy của thế gian. Cho nên thức phải tỉnh thức hoàn toàn biết từng tâm niệm, từng cảm thọ khi xảy ra đều biết ngay liền.

Ngủ phải biết mình đang ngủ, hầu hết mọi người khi ngủ không biết mình đang ngủ, chỉ khi thức dậy mới biết mình đang ngủ, đó là mê, vì vậy tu tập như thế nào ngủ mà biết mình đang ngủ thì đó mới là hết mê. Có đúng như vậy không quý vị?

Ngủ mà biết mình đang ngủ là một điều khó, người không tu tập theo Phật giáo thì không làm được điều này. Không làm được điều này là người chưa đủ sức tỉnh thức. Cho nên, người tu tập theo Phật giáo thường tác ý câu: “Thân ngủ tâm phải tỉnh thức”, nhờ có tác ý câu này nên thân nằm yên ngủ mà tâm vẫn tỉnh thức biết rõ thân đang ngủ.

Khi nói năng mình phải biết mình đang nói năng điều gì. Nói thiện hay nói ác, nói lời ôn tồn, nhã nhặn, êm dịu hay nói lời hung dữ chửi mắng, mạt sát, mạ lị người. Biết rất rõ từng lời nói khi mình phát ngôn, nên khi phát ngôn không có phát ngôn bừa bãi. Luôn luôn sử dụng lời nói ái ngữ đến với mọi người. Sống được với ngôn ngữ như vậy mới gọi nói năng biết mình nói năng.

Khi im lặng biết mình im lặng nghĩa là phải tỉnh thức hoàn toàn lúc nào cần im lặng thì im lặng và lúc nào cần nói thì nói, không thì im lặng, đáng nói thì nói, không đáng nói thì im lặng. Đó là sự tỉnh thức trong sự im lặng mà đức Phật đã dạy: Nói năng hay im lặng đều phải nhiếp tâm không cho tán loạn. Ấy là những oai nghi mà các thầy tỳ kheo cần phải giữ gìn đầy đủ”.Đúng vậy, người đệ tử của Phật phải tu tập tỉnh thức trong các oai nghi như: đi, đứng, nằm, ngồi, liếc, ngó, co, duỗi, mặc y, mang bát, ăn uống, nói nín, im lặng v.v.. đều phải trong chánh niệm, có tỉnh giác như vậy mới gọi là đầy đủ oai nghi tế hạnh của một vị đệ tử Phật.