LỜI PHẬT DẠY “Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A La Hán nói đến, và tôi đã được nghe: “Này các Tỳ kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Ngươi không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Tham, này các Tỳ kheo! Là một pháp các Ngươi hãy từ bỏ, Ta bảo đảm cho các Người không đi tái sanh”. (Kinh Thuyết Như Vậy,
|
CHÚ GIẢI:
Kính thưa các bạn! Đọc qua lời Phật dạy trên đây chúng ta có đặt trọn lòng tin nơi lời dạy này hay không?
Riêng chúng tôi khi tu tập Thiền Đông Độ bị bế tắc, không biết đường tiến tới nữa, nên đọc được lời dạy này chúng tôi nổ lực hằng ngày tu tập với câu tác ý: “Tâm như đất ly tham, sân, si cho thật sạch, vì tâm tham, sân, si là ác pháp, là đau khổ”. Khi tác ý mỗi lần như vậy nếu có điều gì khiến tâm khởi lên tham, sân, si là chúng tôi quyết định dừng lại một cách kiên cường dũng mãnh, không để một phút giây tham, sân, si trong tâm mình tác động. Do đặt trọn niềm tin nơi những lời Phật dạy, vì thế, chúng tôi nhiếp phục tâm mình một cách dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức.
Trong lời dạy này chỉ cần có “từ bỏ tâm tham” là chấm dứt tái sanh luân hồi. Nhớ lời dạy lời dạy ấy nhất là có sự quả quyết của đức Phật: “Ta bảo đảm cho các Ngươi”. Vì thế, sáu tháng trời chúng tôi chuyên cần tu tập từ bỏ tâm tham, sân, si, đúng pháp như lý tác ý, thế là chúng tôi đã thành tựu đạo giải thoát, làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi như lời đức Phật đã bảo đảm.
Bởi vay bài kinh này lấy tên là Tập Một Pháp trong Tập Kinh Phật Thuyết Như Vậy. Để bảo đảm lời dạy này, đức Phật đã đọc một bài kệ ngắn gọn:
“Với tham bị tham đắm
Chúng sanh đi ác thú (tái sanh)
Bậc thiền quán chánh trí
Từ bỏ tham ái ấy
Từ bỏ không bao giờ
Trở lại đời này nữa”
Kính thưa các bạn! Vậy tâm tham ái là gì?
Tham là sự tham lam, ham muốn, thường con người ai cũng có tâm tham lam và ham muốn: nhưng có người tham muốn nhiều, lại có người tham muốn ít. Muốn từ bỏ tâm tham muốn là các bạn nên lưu ý từng hành động nhỏ nhặt của các bạn như: ăn, uống, ngủ nghỉ, vui chơi, giao tiếp với bạn bè v.v.. khi muốn từ bỏ tâm tham muốn các bạn phải xem xét kỹ lưỡng từ cái ăn, cái mặc, cái vui chơi xem coi nó còn tham ăn, tham ngủ, tham nói chuyện không?
Ăn ngủ và nói chuyện là tướng tham sẽ hiện nơi đó. Khi tướng tham còn hiện nơi đó là tâm các bạn chưa thanh tịnh, tâm chưa thanh tịnh dù các bạn có muốn tu pháp nào đi nữa thì các bạn cũng đều là tu sai pháp, tu lạc đường cả. Do đó, sự tu tập của các bạn chỉ uổng công mà thôi.
Bởi vậy, khi tu tập từ bỏ tâm tham thì các bạn nên xem mình ưa thích ăn cái này, cái kia không? Nếu còn thích ăn cái này, cái kia thì tâm các bạn còn tham ái. Biết tâm còn tham ái thì các bạn phải cố gắng nhiếp phục tâm mình để từ bỏ tâm tham ăn, tham uống, tham ngủ nghỉ phi thời. Khi từ bỏ được tâm tham ăn là các bạn không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt, đúng giờ thì ăn, không đúng giờ thì không ăn. Và không bao giờ thèm ăn cái này hay thèm ăn cái kia. Như vậy các bạn đã lìa hay từ bỏ tâm tham ăn.
Trong giới luật Phật có giới cấm không ăn phi thời. Không ăn phi thời là đức hạnh ly tâm tham của một vị tu sĩ. Thế mà giới này các tu sĩ Phật giáo ngày nay đều vi phạm ăn uống phi thời, các thầy còn tâm tham ăn chưa từ bỏ. Chưa từ bỏ tâm tham ăn mà muốn kiến tánh thành Phật, thì Phật đó là Phật còn tham ăn ư! Vậy mà muốn sau khi chết được trực vãng Tây Phương Cực Lạc. Chả lẽ cõi Cực Lạc đó lại dung chứa những tâm tham dục ăn uống phi thời ấy sao? Những pháp môn này tu hành mong cầu tha lực ảo tưởng như vậy thì không bao giờ có giải thoát thật sự, phải không các bạn?
Bài kinh Tập Một Pháp đã xác định rõ ràng như vậy, không còn có một giáo pháp nào lừa đảo chúng ta được nữa. Không lìa tâm tham mà muốn chứng quả A La Hán, muốn kiến tánh thành Phật và muốn trực vãng Tây Phương Cực Lạc, thì đó là giấc mộng các bạn ạ!
Đây là con đường từ bỏ tâm tham đưa đến làm chủ sanh tử, chấm dứt luân hồi mà đức Phật đã thường nhắc nhở chúng ta: “Này Vàsettha, nay ở đời đức Như Lai xuất hiện là bậc A La Hán, Chánh kiến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn, đức Như Lai sau khi tự mình chứng ngộ với thượng trí, thế gian này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới gồm cả thế giới này với Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Người lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ, Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh”. (Trường Bộ Kinh tập 1, trang 425 kinh Tevija thuộc tạng kinh Việt Nam do Hòa Thượng Minh Châu dịch).
Khi được nghe đức Phật dạy đạo đức làm Người, làm Thánh sống không làm khổ mình, khổ người tức là dạy sơ thiện, trung thiện, hậu thiện. Nghe dạy đạo đức như vậy ai mà không muốn tu. Phải không các bạn?
Chỉ có từ bỏ được tâm tham là các bạn đã chấm dứt được sanh tử luân hồi, chứng quả vô lậu A La Hán, quá dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức. Vậy mà mọi người chịu ảnh hưởng của kinh sách tưởng giải rồi nghĩ rằng quả A La Hán tu rất khó khăn.
Vậy các bạn hãy nghe tiếp lời đức Phật: “Người gia trưởng hay con vị gia trưởng hay một người sinh ở giai cấp hạ tiện nào nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp người ấy sinh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, vị ấy suy nghĩ: “Đời sống gia đình đầy những phiền trược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình”. Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, từ bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa và xuất gia từ bỏ gia đình, sống không nhà cửa!”.
“Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp, thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh. Mạng sống trong sạch giới hạnh đầy đủ, thủ hộ các căn, chánh niệm, tỉnh giác và biết tri túc”.
Đoạn kinh trên đây là chỉ cho con đường Phạm hạnh mà những ai muốn làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi đều phải đi con đường này, không thể còn có một con đường nào khác hơn được nữa. Nếu có con đường nào hơn khác nữa thì đó không phải là con đường của đạo Phật mà đó là con đường lừa đảo của tà giáo ngoại đạo lường gạt người. Xin các bạn nên lưu ý.
Các bạn hãy đọc kỹ lại đoạn kinh trên, vì trước khi tuyên bố con đường này đức Phật đã xác định cho chúng ta biết: “Bất cứ một người nào muốn đưa ra một giáo lý chỉ dạy con đường tu tập giải thoát sinh tử luân hồi thì phải là người chứng đạt được 10 danh hiệu như đoạn kinh trên đã nói:
1- Bậc A La Hán
2- Bậc Chánh Biến Tri
3- Bậc Minh Hạnh Túc
4- Bậc Thiên Thệ
5- Bậc Thế Gian Giải
6- Bậc Vô Thượng Sĩ
7- Bậc Điều Ngự Trượng Phu
8- Bậc Thiên Nhân Sư
9- Bậc Phật
10- Bậc Thế Tôn’’
Người chứng đạt được 10 danh hiệu này mới dám đưa ra con đường duy nhất cứu cánh giải quyết mọi sự khổ đau của kiếp người. Trong khi thực hành tu tập thì pháp hành rất thực tế, cụ thể qua những hành động sống đều được gắn liền trong đời sống bình thường hằng ngày, vì nó là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người. Cho nên, ngay trong cuộc sống bình thường hằng ngày mà tâm tham, sân, si đều đã được từ bỏ và đoạn diệt một cách tự nhiên. Bởi vậy, không còn có con đường nào khác hơn được nữa.
Xin các bạn lưu ý và đọc lại đoạn kinh trên để hiểu thấu suốt lời dạy của Phật, nó không phải là lời nói suông mà là một sự sống của những bậc Thánh A La Hán. Cho nên, các bạn đừng xem thường những lời dạy này. Đó là những lời dạy tâm huyết của đức Phật gửi lại cho đời sau một thông điệp nói về sự sống giải thoát mọi sự khổ đau của kiếp người mà đức Phật đã chỉ rõ mục đích của nó là tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, đó là tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Kính thưa các bạn! Con đường ấy là con đường Thánh thiện luôn luôn gắn liền với sự sống hằng ngày của mọi người rất chân thật, chứ không có mơ hồ, trừu tượng ảo giác chút nào, nó không giống như những con đường ảo tưởng của các tông phái các tôn giáo khác.
Đây các bạn hãy lắng nghe đức Phật chỉ dạy con đường giải thoát rất thực tế và cụ thể. Sự giải thoát ấy chính nơi trạng thái tâm của các bạn mà không ai không nhận ra được: “Này Vàsettha, Ngươi nói Tỳ kheo không có ái dục, Phạm thiên không có ái dục. Vậy giữa Tỳ kheo không có ái dục với Phạm thiên không có ái dục, có thể có một sự cọng hành, cộng trú không?
- Thưa Tôn giả Gotama, có thể được.
Lành thay! Này Vàsettha Tỳ kheo sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng trú với Phạm thiên. Thật có thể có sự kiện ấy”.
Đọc đoạn kinh này ai cũng biết con người thường đau khổ là vì tâm ái dục. Nếu tâm dục ái hết thì con người giải thoát, không còn đau khổ nữa. Có phải vậy không các bạn? Đó là một sự chân thật cụ thể không mơ hồ, trừu tượng mà không còn ai dám cho rằng đây là không đúng.
Muốn từ bỏ tâm dục ái thì chỉ có con đường duy nhất của đạo Phật như đoạn kinh trên đã dạy, ngoài con đường ấy ra, thì không còn có con đường nào khác nữa. Cho nên, Bà La Môn bảo rằng: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo. Mọi pháp môn đều dẫn đến nơi cứu cánh giải thoát”, đó là lời nói suông. Lời nói suông là lời nói không chỉ rõ mục đích giải thoát rõ ràng, cụ thể.