CHÁNH ĐẠO, TÀ ĐẠO

 

LỜI PHẬT DẠY

            “Lành thay, Vàsettha những Bà La Môn tinh thông ba tập Vedà không biết, không thấy con đường đưa đến cộng trú Phạm Thiên mà thuyết dạy: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm Thiên cho những ai thực hành theo. Thật không có sự kiện ấy”.

(Kinh Trường Bộ tập I, kinh Tevija trang 414)

 

 

 

 

CHÚ GIẢI:

Sự lầm lạc rất lớn trong tư tưởng của những kinh sách phát triển sau này là các học giả thường cho rằng tất cả các pháp môn đều là những phương tiện di chuyển, điều này rất sai. Trong kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy: “Những Ba La Môn đều chấp nhận giáo pháp của mình: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm Thiên cho những ai thực hành theo”. Hiện giờ, các nhà học giả tưởng giải cũng giống như các Bà La Môn ngày xưa, tin tưởng một cách mù quáng nơi pháp môn tu học của mình, trong khi họ chưa chọn được cho mình một vị Thầy chứng đạt chân lý, cứ dựa vào những kinh sách phát triển sau thời đức Phật, những kinh đó chỉ dạy sao thì họ tin như vậy, không chịu suy tư quán xét coi có đúng như thật hay không? Trong khi đức Phật dạy: “Chớ có tin vào kinh tạng”. Trước khi tin vào một pháp môn nào thì phải chọn cho mình một vị Thầy chứng đạt chân lí, nhờ vị thầy ấy khai thị cho mình giác ngộ chân lí. Giác ngộ được chân lí thì lòng tin của các bạn không còn mù quáng. Nếu các bạn chưa giác ngộ chân lí mà chỉ dựa vào những lời trong kinh sách phát triển sau này rồi dán nhãn mác của đức Phật liền các bạn tin tưởng, thì lòng tin của các bạn không phải là chánh tín. Trong khi đó đức Phật thường nhắc nhở các bạn: “Chớ có tin vào kinh tạng”.

Cho nên, các bạn muốn tu hành thì hãy cẩn thận tìm một vị Thầy sống đúng giới luật, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật, luôn thân cận tìm hiểu một vị Thầy tâm đã diệt trừ tham pháp, sân pháp, si pháp. Chọn được một vị Thầy như vậy giúp đỡ các bạn sẽ giác ngộ được chân lí không có khó khăn, không có mệt nhọc. Giác ngộ được chân lí thì lòng tin của các bạn bấy giờ không còn là lòng tin mù quáng nữa các bạn ạ! Khi giác ngộ được chân lí là nhờ một vị Thầy đã chứng đạt chân lí khai thị, từ đó các bạn có thể mạnh dạn bảo rằng: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Còn khi các bạn chưa tìm được một vị Thầy chứng đạt chân lí chỉ dạy thì các các bạn đừng dựa vào kinh sách suông mà nói lời trên, đó là các bạn sai. Bởi vì các bạn chưa giác ngộ chân lí. Các bạn có nhớ mười điều không nên tin mà đức Phật đã nhắc nhở mọi người không? Khi đức Phật dạy: “Chớ có tin vào kinh tạng”. Vì tin vào kinh tạng là tin mù quáng các bạn ạ! Do tin mù quáng, nên mới bảo rằng: “Các pháp môn là phương tiện di chuyển để đi đến một địa điểm cứu cánh nhất định”.

Thưa các bạn! Chúng ta sinh ra từ nhân quả, cho nên con người của chúng ta là con người của nhân quả, con người của nhân quả là con người của tham, sân, si. Con người tham, sân, si là con người đau khổ. Vậy muốn thoát ra mọi sự đau khổ này thì phải có phương pháp giáo dục đào tạo và uốn nắn làm cho con người nhân quả thiện, ác trở thành con người toàn thiện. Cho nên pháp của Phật dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Khi diệt hết ác pháp thì con người nhân quả thiện ác đã chuyển biến trở thành con người toàn thiện.

Kính thưa các bạn! Sự hiểu biết về những pháp môn giáo dục đào tạo con người của Phật giáo sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người mà các nhà học giả hiểu nó như là một phương tiện để di chuyển thì các bạn nghĩ sao? Có đúng không các bạn? Thật là một sự hiểu biết không đúng nghĩa, hiểu biết như vậy thật là quá sai lầm. Kinh sách Phật là một chân lí của loài người thì không thể nào là một phương tiện di chuyển được. Cho nên, các kinh sách phát triển sau này xác định những pháp môn tu tập và rèn luyện của Phật giáo như là phương tiện di chuyển như một cỗ xe thì điều đó chúng tôi không chấp nhận, đây là một sự sai lầm quá lớn trong giáo lý của Phật giáo phát triển (Bắc Tông).

Kính thưa các bạn! Giáo pháp tu hành của Phật giáo là giáo pháp dạy đạo đức làm Người, làm Thánh, thì làm sao gọi là phương tiện di chuyển như một chiếc xe được. Phải không các bạn? Giáo pháp dạy những hành động đạo đức về thân, về khẩu, về ý, để làm người có đạo đức, để làm Thánh thoát khỏi kiếp luân hồi sanh tử. Giáo pháp ấy là những bài kinh giảng dạy học tập để cho mọi người thông hiểu những hành động đức hạnh (Giới hành, Giới hạnh, Giới đức) cao thượng và làm lợi ích rất lớn cho kiếp sống của loài người. Giáo pháp của Phật là một chân lí chân thật không có mơ hồ, hư ảo. Chân lí chân thật ấy là một sự thật của con người thì làm sao gọi giáo pháp đó là phương tiện di chuyển được!?

Nếu các bạn có hiểu biết đúng như vậy thì hằng ngày các bạn mới rèn luyện tu sửa những hành động thân, khẩu, ý sai quấy của mình để trở thành những hành động có đạo đức, nhờ hằng ngày tu sửa mới thấm nhuần để trở thành những thói quen đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.

Bởi vì chúng ta là những con người còn đang sống trong vô minh, màn vô minh đã che phủ dày đặc, khiến cho sự hiểu biết của chúng ta rất mù mờ, không rõ ràng, thường lấy giả làm thật, lấy sai làm đúng, lấy khổ làm vui... nên hằng ngày sống chung với mọi người thường có những hành động vô tình đã làm khổ người, khổ mình và khổ tất cả chúng sanh. Đó là những hành động thiếu đạo đức nhân bản – nhân quả. Cho nên thường sống trong ác pháp, vì thế, phải chiu khổ vô cùng vô tận, từ đời này sang đời khác.

Vốn loài người chưa rõ đạo đức nhân bản – nhân quả, nhờ đức Phật tu hành chứng đạo, thấu rõ lí nhân quả, nên Ngài chỉ dạy đạo đức này cho con người, để họ tự chuyển hoá ác thành thiện, khổ thành vui.

Bài pháp đầu tiên của đức Phật, Ngài đã đưa ra bốn chân lí của loài người để xác định nhân quả ác pháp và thiện pháp. Xác định nhân quả ác pháp và thiện pháp tức là xác định sự thọ khổ và thọ vui của con người. Ngài còn chỉ rõ cho chúng ta biết: Con người sinh ra vốn là đau khổ, nên chân lí đầu tiên của Ngài chỉ thẳng cho loài người biết con người là một khối khổ (Khổ Đế). Nhưng cái khối khổ đó phải từ nguyên nhân nào sinh ra?

Cho nên, tiếp đến chân lí thứ hai đức Phật đã xác định và chỉ thẳng rõ ràng nguyên nhân sinh ra đau khổ là lòng ham muốn của mọi người (Tập Đế). Lòng ham muốn của mọi người (Tập Đế) là nơi tập họp mọi sự đau khổ. Đó là một điều chắc chắn không còn ai phủ nhận được. Vì thế, nó mới được gọi là chân lí thứ hai của Phật giáo.

Tại sao chúng tôi thường hay nhắc đến bốn chân lí này rất nhiều lần?

Kính thưa các bạn! Chúng tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần những chân lí này là vì muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của nó mà những đệ tử của Phật không thể lầm lạc được. Bốn chân lí này rất quan trọng cho đời sống tu hành của các bạn. Cho nên càng nhắc nhở nhiều thì các bạn càng lưu ý bốn chân lí này nhiều hơn. Nếu giáo pháp nào không có bốn chân lí này thì các bạn đừng tin, vì nó không phải là pháp môn cứu cánh giải quyết mọi sự khổ đau của các bạn.

Nguyên nhân sinh ra đau khổ chính là lòng dục, dục là gốc của các ác pháp, mà mỗi người ai ai cũng không thoát ra khỏi sự trói buộc của vòng tay nó. Nó thực hiện theo qui luật nhân quả, có thể nói con người là “Thừa tự của nhân quả” sinh ra từ nhân quả, ngoài nhân quả ra không có con người. Vì thế, thân tâm của con người thường hành động theo nhân quả. Như vậy, các bạn đã biết rõ thân tâm con người vốn là gốc dục. Mà dục là nguyên nhân sinh ra muôn ngàn ác pháp và khổ đau.

Đức Phật biết rất rõ điều này, nên khi thuyết giảng bài pháp đầu tiên như trên đã nói, Ngài đã nói bốn chân lí của loài người “Khổ, Tập, Diệt, Đạo”. Muốn cho loài người thoát kiếp khổ đau thì giáo pháp của đạo Phật phải là đạo đức nhân bản - nhân quả như trên đã nói, để hướng dẫn và giáo dục cho mỗi người sống không làm khổ mình, khổ người. Vì thế, mới có tám lớp (Bát Chánh Đạo) tu học đạo đức nhân bản - nhân quả ra đời. Trong tám lớp này được chia làm ba cấp (Giới, Định, Tuệ).

Nhờ có đạo đức nhân bản - nhân quả mới diệt hết lòng dục. Diệt hết lòng dục thì con người mới hết khổ. Cho nên, diệt dục tức là diệt mọi sự khổ đau. Diệt hết mọi sự đau khổ của con người tức là sống không làm khổ mình, khổ người. Sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, đó là một trạng thái giải thoát; là bất động tâm; là tâm không còn tham, sân, si; là tâm không phóng dật... Cho nên, Diệt Đế là một trạng thái của thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Trạng thái ấy là một sự thật của mọi người, nếu ai chịu khó ngồi lại lắng tâm nghe trạng thái ấy thì thấy ngay liền, nhưng nếu chỉ còn có một niệm tham, sân, si, mạn, nghi khởi lên thì ngay tức khắc trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự đó liền mất.

Bởi vậy ba cấp và tám lớp tu học của Phật giáo giúp cho mọi người ly dục, từ bỏ ác pháp, diệt tâm tham, sân, si, mạn, nghi để dẫn đến trạng thái Diệt Đế như trên đã nói.

Kính thưa các bạn! Ba cấp tám lớp tu học của Phật giáo là chân lí thứ tư (Đạo Đế), là con đường dẫn đến cứu cánh giải thoát khỏi mọi sự đau khổ của kiếp làm người, là con đường dẫn đến Phạm thiên mà các vị Bà La Môn từng mơ ước. Và chỉ có duy nhất đây là con đường độc lộ, không còn một con đường nào khác hơn dẫn đến sự giải thoát hoàn toàn, dẫn đến sự làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi tái sanh.

Đạo Đếlà một chương trình giáo dục đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả, giúp cho con người vượt ra khỏi qui luật nhân quả (Vô Lậu) và làm chủ kiếp sống của chính mình. Ở đây các bạn phải hiểu: “Chỉ đây là con đường duy nhất, vì nó là chân lí của loài người’’. Cho nên, tất cả các tôn giáo khác đều không có chân lí này. Nhưng vì vô minh từ các hệ phái Thầy Tổ xa xưa truyền thừa cho đến Thầy Tổ hôm nay đều tưởng rằng: Chỉ có giáo pháp  của họ là trực đạo, là chánh đạo hướng đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, Cực Lạc và Thiên Đàng.

 Đây, các bạn hãy lắng nghe hai vị Bà La Môn Bà Tất Sá (Vasettha) và Bà La Môn Bạc La Đà Phạn Xà (Baharadvaya) đều nói: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”. Đó là con đường do Bà La Môn Pokkharasàti giảng dạy. Còn thanh niên Bà La Môn Bạc La Bà Phạn Xà nói: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”, đó là con đường do Bà La Môn Tarukkha giảng dạy”.

Hai vị Bà La Môn này đều cho giáo pháp của Thầy mình là chánh đạo dẫn đến cứu cánh.

Cuộc tranh luận bất phân thắng bại này đã dẫn đến đức Phật giải quyết. Đức Phật bảo: “Này Vàsettha, người nói như vậy phải không? Đây là chánh đạo, đây là trực đạo, hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”, đó là con đường do Bà La Môn pokkharasàđi giảng dạy. Còn thanh niên Bà La Môn Bharadvàja nói như vậy có phải không? “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”, đó là con đường do Bà La Môn Tàrukkha giảng dạy. Này Vàsettha, ở nơi đây tranh biện về vấn đề gì? Luận chấp vấn đề gì? Và bất đồng ý kiến về vấn đề gì?

 – Kính thưa Tôn giả Gotama, về chánh đạo và tà đạo. Trong đó có Tôn giả Gotama và nhiều Bà La Môn thuyết dạy nhiều con đường sai khác như các vị Bà La Môn Addhariỳa, các vị Bà La Môn Tittiriya, các vị Bà La Môn Chandokà, các vị Bà La Môn Chanda và các vị Bà La Môn Bràhmacariỳa đều cho rằng tất cả con đường này hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo.

 – Kính thưa Tôn giả Gotama, như ở gần làng hay ở gần thị trấn có nhiều con đường sai khác, nhưng tất cả con đường này đều dẫn đến làng, cũng vậy, pháp môn của Tôn giả Gotama, của nhiều Bà La Môn, tất cả pháp môn này sai khác nhưng đều dẫn đến, hướng đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo.

Nghe xong đức Phật hỏi: “Này Vàsettha, có phải người nói chúng dẫn đến?”.

 – “Thưa Tôn giả Gotama! Vậy con nói chúng dẫn đến”.

 – Đức Phật lập lại một lần nữa, và cho đến đúng ba lần một câu hỏi này. “Này Vàsettha, có phải Ngươi nói chúng dẫn đến không?”.

 – “Kính thưa Tôn giả Gotama! Vậy con nói chúng dẫn đến”.

Kính thưa các bạn! Tại sao đức Phật gặng hỏi ba lần như vậy, các bạn có biết không? Đức Phật gặng hỏi cặn kẽ kỹ lưỡng như vậy để làm gì? Đó là một nguyên nhân mà các bạn cần nên lưu ý.

Các bạn có thấy không? Hiện giờ các tông phái của Phật giáo đều cho rằng “tất cả pháp môn đều hướng đến và dẫn đến một mục đích giải thoát như nhau”. Những tư tưởng này ngày nay đã lập lại đúng những tư tưởng của Bà La Môn ngày xưa. Nếu xét kỹ các bạn sẽ thấy không sai khác chút nào cả.

Vấn đề này rất quan trọng, và những tông phái này đều dùng những lý luận này rồi gán lên là kinh của đức Phật nói, các bạn có thấy không? May mắn trong đời chúng ta còn có những bài kinh của đức Phật đã xác định và quét sạch những tư tưởng cho rằng giáo pháp của Phật là chiếc bè sang sông; là ngón tay chỉ mặt trăng; là mọi ngả đường đều dẫn đến về một mục đích giải thoát; là những phương tiện di chuyển để đến nơi cứu cánh Niết Bàn.

Sau khi gặng hỏi Bà La Môn Vàsettha ba lần như vậy để đưa Bà La Môn Vàsettha vào thế không còn chối cãi được nữa. Bấy giờ đức Phật đưa ra những câu hỏi để quét sạch những tư tưởng tà giáo này. Các bạn hãy lắng lòng nghe kỹ:

“Thế nào Vàsettha? Có Bà La Môn trong những Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà tận mắt đã thấy Phạm thiên chưa?

Bà La Môn Vàsettha trả lời:

- Thưa Tôn giả Gotama, không có vị nào”.

Đọc đoạn kinh này các bạn nghĩ gì về các tông phái Phật giáo phát triển sau thời đức Phật cho đến hiện giờ? Đã biết bao cao Tăng hiền đức có những học vị bằng cấp cao đã làm Pháp sư, giảng sư tại các trường Phật học nổi tiếng trên thế giới, nhưng có vị nào biết được cõi Cực Lạc chưa? Biết được cảnh giới Niết Bàn chưa? Và đã có vị nào làm chủ được sanh, già, bệnh, chết chưa? Khi chết biết có mình đi về nơi nào chưa ???

Như vậy Thiên Đàng, Địa ngục, Cảnh giới Niết Bàn, cõi Cực Lạc Tây Phương v.v.. đều là cõi tưởng. Phải không các bạn?

Vậy các bạn hãy nghe tiếp lời đức Phật dạy năm xưa mà ngày nay các bạn thấy nó không xa lạ với chúng ta chút nào:

“Thế nào, Vàsettha? Có tôn sư nào của các Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà đã tận mắt thấy Phạm thiên chưa?

Bà La Môn Vàsettha trả lời:

- Thưa Tôn giả Gotama, không có vị nào”.

Đây là câu hỏi lần thứ hai về các bậc thầy của Bà La Môn. Vậy chúng tôi sẽ hỏi các bạn. Các bạn vui lòng hãy trả lời cho chúng tôi biết nhé:

Các bậc danh Tăng thạc đức thông suốt tam tạng trước tác kinh luận để lại chỉ dẫn đời sau tu tập tới cảnh giới Cực Lạc, Thiên Đàng. Nhưng thử hỏi đã có vị nào biết cõi Cực Lạc, Thiên Đàng chưa? biết cõi Niết Bàn chưa? Và đã biết được phương pháp nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết chưa? Có biết khi chết đi về đâu chưa?

Chắc chắn điều này các bậc tôn túc hữu học ấy chưa bao giờ biết. Phải không các bạn?

Các bạn hãy lắng nghe đức Phật hỏi một lần nữa: “Thế nào, này Vàsettha, có Bà La Môn nào cho đến bảy đời tôn sư và đại tôn sư của những vị Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà đã tận mắt thấy Phạm thiên chưa?

Bà La Môn Vàsettha trả lời:

- Thưa tôn giả Gotama, không có vị nào”.

Thưa các bạn! Các bạn có nghe lời đức Phật dạy không? Đức Phật đã xác định dù cho các vị Tổ đã viết ra kinh sách Vệ Đà cũng vẫn chưa biết Phạm thiên. Đó là điều thiết thực, cụ thể các bạn ạ!

Như vậy, những vị nào soạn thảo biên tập những kinh sách ảo tưởng mê tín, tụng niệm, chú thuật, dạy thiền ảo giác để kiến tánh thành Phật, cúng sao, giải hạn, tế lễ cầu phước, cầu tự, cầu an, cầu siêu, trai đàn chẩn tế, cúng vong, tiễn linh, đốt tiền vàng mã v.v.. từ xưa đến nay, những việc làm này của Phật giáo có phải là mê tín ảo tưởng không? Cho nên, từ xưa tới nay chưa có người nào tu hành làm chủ được sinh, già, bệnh, chết, và chấm dứt luân hồi tái sanh, thì làm sao gọi là 84 ngàn pháp môn là chánh đạo, trực đạo hướng dẫn đi đến cứu cánh được?

Tại sao chúng ta biết được các vị đó chưa đi đến cứu cánh giải thoát?

Chúng ta biết được như vậy là nhờ căn cứ vào những kinh sách do các Ngài biên soạn mà không có pháp tu làm chủ sự sống chết thực tế, cụ thể, thường các pháp tu tập mơ hồ, không rõ ràng, phần nhiều dạy tu tập ức chế tâm, pháp hành không nhất quán, lúc niệm tụng, cầu khẩn; lúc cúng te sám hối; lúc thì ảo huyễn, mơ mộng trong cảnh giới tưởng Cực Lạc, Thiên Đàng, Niết Bàn, Phật tánh, Bản thể Chân không diệu hữu, Bát Nhã Chân Không v.v.. đều là những cảnh giới tưởng tri ảo ảnh, mơ hồ không thật.

 Đó là lối lí luận tưởng tri trong kinh sách của các Ngài biên soạn, nhưng xét lại những Phạm hạnh giới luật để liơ dục, li ác pháp, để sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh thì chẳng bao giờ nói đến. Như vậy, rõ ràng những pháp môn tưởng giải từ các vị đầu tiên cũng chưa biết được con đường giải thoát và giải thoát như thế nào? Mà vẫn kéo dài tồn tại cho đến ngày nay cũng chưa biết được con đường giải thoát và trạng thái giải thoát như thế nào? Nhờ xét qua kinh sách của các Ngài, mà chúng ta biết chắc rằng các Ngài chưa cộng trú với trạng thái giải thoát như đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta rất rõ ràng và cụ thể.

Đây, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật hỏi Bà La Môn Vàsettha: “Thế nào, này Vàsettha. Những vị tu sĩ thời cổ trong các Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà, những vị sáng tác các thần chú, những vị trì tụng thần chú mà xưa kia những thần chú được hát lên, được trì tụng, được ngâm vịnh và ngày nay những vị Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà cũng hát lên, cũng trì tụng và ngâm giảng như các vị Atthaka (A sá ca), Vàmaka, Bàma, Vàmadeva, Bà Ma Đề Bà, Anginasa, Ương Kỳ La, Bhagu, Bà Cữu, những vị này có nói chúng tôi biết, chúng tôi có thấy chỗ ở Phạm thiên, chỗ đến Phạm thiên, chỗ đi Phạm thiên?

- Thưa Tôn giả Gotama, không có vị nào”.

Các bạn có nghe đoạn kinh này không? Câu hỏi của đức Phật rất cụ thể và thực tế để xác định một sự lợi ích lớn cho loài người. Bởi vì con người đang bị những tôn giáo dùng những pháp môn ảo tưởng, trừu tượng, mê tín đang bành trướng lừa đảo, lường gạt mọi người bằng một lối lý luận xa lìa thực tế, rất mơ hồ, thường tạo ra bằng những năng lực thần huyền do tưởng uẩn lưu xuất, nhờ những năng lực đó lại dễ bề lường gạt người nhiều hơn. Chỉ vì ý thức hiểu biết của con người còn đang bị hạn chế trong không gian và thời gian. Vì thế, họ không làm sao hiểu rõ những năng lực kỳ lạ ấy của tưởng uẩn, nên họ dễ bị lường gạt.

Họ cho ‘‘các tôn giáo và các pháp môn đều có thể đưa con người đến một mục đích giải thoát như nhau’’, nếu con người chịu tu tập theo pháp môn đó. Họ khéo thiện xảo dùng những danh từ rất kêu: “Tất cả các tôn giáo cũng như tất cả các pháp môn đều trở về quy nguyên một chỗ’’. Lời nói lừa đảo này đã có từ xưa rồi, các nhà học giả sau này vẫn bắt chước mà thôi. Đến nay chưa có ai dám lột mặt nạ của họ.

Xưa đức Phật đã lột mặt nạ tà giáo ngoại đạo Bà La Môn. Đến khi đức Phật nhập diệt thì các học giả không tu chứng lại lạc vào ảo giác tưởng tri của Bà La Môn lại bắt chước lối lý luận này, đã lường gạt mọi người từ hơn 2000 năm. Đến nay chúng tôi quyết định dựng lại Phật giáo, vạch trần sự giả dối của đa thần giáo Bà La Môn mê tín dán vào “Nhãn mác Đạo Phật” để các bạn thấu rõ âm mưu của tà giáo ngoại đạo lúc nào cũng tìm cách dìm Phật giáo.

Xin các bạn nghe tiếp đoạn kinh này thì sẽ rõ: “Này Vàsettha như vậy người nói không có một Bà La Môn nào trong những vị tinh thông ba tập Vệ Đà đã tận mắt thấy Phạm thiên, không có một tôn sư nào của Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà đã tận mắt thấy Phạm thiên, không có một đại tôn sư nào của các Bà La môn tinh thông ba tập Vệ Đà tận mắt thấy Phạm thiên, không có một Bà La Môn nào cho đến 7 đời đại tôn sư, tôn sư của những Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà đã tận mắt thấy Phạm thiên trong những tu sĩ thời cổ… Như vậy các Bà La Môn tinh thông ba tập kinh Vệ Đà đã nói, chúng tôi không biết, chúng tôi không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên. Nhưng chúng tôi thuyết dạy cho mọi người con đường ấy: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo, hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo’’.

- Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào, sự kiện và như vậy thời có phải lời nói của những Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà là không chính xác hợp lý?

-Thưa tôn giả Gotama, sự kiện là như vậy, thì lời nói của những Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà là không chính xác, hợp lý”.

Đọc đoạn kinh này chúng ta thấy có sự xắp xếp cho thuận lý, hợp lẽ, nghe xuôi tai, chứ thực tế không phải vậy. Bà La Môn là những tu sĩ không phải vừa.

Tuy rằng, họ không biết Phạm thiên thật sự, nhưng họ vẫn có những lý luận chống trái lại câu hỏi của Phật, chứ không phải họ chịu thua và tôn kính Phật như ở đoạn kinh này.

Ở đây, chúng ta phải thành thật công nhận một sự thật là chưa có một người nào đến cõi Trời Phạm thiên, cõi Cực Lạc, cõi Niết Bàn v.v.., và cũng chưa có ai thấy được các vị Phật quá khứ hình dáng ra sao? như Phật Tỳ Lô Giá Na cho đến Phật Cổ Nhiên Đăng cũng chẳng mấy ai thấy biết hình dáng mặt mày của những vị Phật này, thậm chí như đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng chưa ai thấy mặt mày hình dáng ra sao? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là con người thật trên hành tinh có lịch sử hẳn hoi thế mà hiện giờ có ai gặp và thấy Phật Thích Ca Mâu Ni chưa? Cho đến những giáo pháp duy nhất của Ngài dẫn đến cứu cánh giải thoát thực tế, cụ thể như vậy. Ngoài pháp này ra không còn một pháp môn nào nữa. Thế mà hiện giờ có một số người bắt chước nhai lại bã mía của tưởng tri Đa Thần giáo cho nên mới bảo rằng: “pháp môn nào cũng dẫn đến cứu cánh như nhau”. Lối xác định như vậy thật là vô lí, nó không chính xác và không hợp lí. Có đúng như vậy không các bạn?

Kính thưa các bạn! Hiện giờ nhiều tu sĩ của nhiều hệ phái Phật giáo trên thế giới họ sinh sống cũng giống như tu sĩ Bà La Môn trong thời đức Phật còn tại thế. Họ đã học và lập lại lý luận của Bà La Môn: “đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến giải thoát làm chủ sanh, già, bệnh, chết và châm dứt luân hồi cho những ai thực hành theo”.Nhưng với những pháp môn tu học của họ không chính xác, không hợp lý toàn là pháp môn ảo tưởng.

Đây các bạn hãy nghe tiếp đức Phật kết luận bài kinh này: “– Này Vàsettha, những Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà không biết, không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo, hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”. Thật không thể có sự kiện ấy. Này Vàsettha, ví như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cũng không thấy, như vậy, này Vàsettha, lời nói của những Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà người đầu không thấy, người giữa không thấy, người cuối cũng không thấy giống như lời nói mù quáng. Lời nói của Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà như vậy là lời nói đáng chê cười, là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng…”.Đem so sánh đoạn kinh này với kinh sách tưởng giải thì không có khác điều chi cả. Phải không các bạn?

Lời nói trong kinh sách phát triển tưởng giải là lời nói đáng chê trách, là lời nói suông, là lời nói ảo tưởng, là lời nói trống rỗng, nói trong sự hư ảo, tưởng giải, thiếu thực tế, không cụ thể v.v..

Trong Phật giáo có đường lối tu tập rõ ràng và cụ thể. Đường lối tu tập đó đã xác định bằng bốn chân lí của loài người: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO.Khổ, tập, diệt, đạo là một cái nhà lầu có bốn tầng, và như vậy chúng ta có thể làm một cây thang cao 4 tầng để bắc lên cái nhà lầu 4 tầng, như vậy mới chính xác và hợp lý. Phải không các bạn?

Bởi vì bốn tầng lầu này ai cũng nhận biết một cách rõ ràng:

- Từng thứ nhất là Khổ Đế,vậy làm người có ai không biết cái khổ này không?

- Từng thứ hai là Tập Đế, đó là nguyên nhân sinh ra muôn thứ đau khổ. Điều này không ai dám chối cãi và phủ định được, nó thực tế, không mơ hồ trừu tượng mà mọi người khi nghe nói đến nguyên nhân sinh ra đau khổ là do lòng tham dục thì ai cũng biết rõ và chấp nhận (Tập Đế) là đúng như thật, đúng 100% phải không các bạn?

- Tầng thứ ba là Diệt Đế, diệt đế là một trạng thái ly dục, ly ác pháp; là một trạng thái tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ; là một trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Trạng thái tâm này ai ai cũng biết, dù là người chưa có tu tập một ngày nào, họ cũng nhận ra được, chứ không phải đợi tu tập rồi mới biết. Cho nên, khi có ai nói đến tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì mọi người nhận ngay liền là một trạng thái giải thoát. Dù bất cứ một người nào cũng vẫn nhận ra được nó một cách rõ ràng và cụ thể, chứ không mơ hồ trừu tượng như cõi Thiên đàng, Cực lạc, Niết bàn, Phật tánh, Bản lai diện mục, Chân không diệu hữu, Tánh thấy, Tánh nghe, Tánh biết, Tánh không và Trí Tuệ Bát Nhã... của các học giả tưởng tri đã nói.

Toàn bộ những cảnh giới và trạng thái trong các kinh sách tưởng tri đều là ảo tưởng không thật có. Cho nên việc tu hành của họ không thực tế, cụ thể chỉ toàn là mục đích ảo tưởng, trừu tượng, ảo giác. Nên chưa có ai thực hiện giải thoát được như đức Phật đã dạy ở đoạn kinh trên. Vì thế, khi thực hành không mang lại kết quả diệt trừ tâm tham, sân, si mà tâm tham, sân, si lại còn to lớn hơn.

Phật giáo Nguyên Thủy lại khác. Ngay trên tâm tham, sân, si dùng mọi pháp diệt trừ nó để bảo vệ chân lí thứ ba. Vì thế chân lí thứ tư là “Đạo Đế” ra đời. Đạo đế là một chương trình giáo dục đào tạo những bậc Thánh A La Hán vô lậu gồm có tám lớp:

1-        Lớp Chánh kiến

2-        Lớp Chánh tư duy

3-        Lớp Chánh ngữ

4-        Lớp Chánh nghiệp

5-        Lớp Chánh mạng

6-        Lớp Chánh tinh tấn

7-        Lớp Chánh niệm

8-        Lớp Chánh định

Tám lớp này được chia ra làm ba cấp. Trong ba cấp này gồm có:

1-  Cấp GIỚI

2-  Cấp ĐỊNH

3-  Cấp TUỆ

Bởi vậy đạo Phật có chương trình giáo dục, đào tạo hẳn hoi, có bài vở tu học theo thứ lớp từ lớp thấp đến lớp cao hơn. Mỗi bài vở học và tu tập được trau dồi và rèn luyện thân tâm một cách cụ thể, rõ ràng. Vì nó là những bài học rèn luyện và tu tập cụ thể để đối trị tâm tham, sân, si. Cho nên, bốn chân lí như cái nhà có bốn tầng lầu. Còn Đạo Đế như cây thang để leo lên bốn tầng của ngôi nhà lầu.

Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Vàsettha, như có một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên một ngôi nhà lầu, nhưng có người hỏi: “Này bạn, ông muốn xây một cái thang để leo lên một ngôi nhà lầu, vậy ông có biết ngôi nhà lầu ấy ở về hướng Đông hay ở về hướng Tây, hay ở về hướng Bắc hay ở về hướng Nam, ngôi nhà lầu ấy cao hay thấp hay trung bình? Được hỏi như vậy người ấy trả lời không biết”.

“Lại có người hỏi: “Này bạn, như vậy có phải ông xây một cái thang để leo lên một ngôi nhà lầu mà ông không biết, không thấy? Hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Vàsettha, Người nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thời có phải lời nói của người kia không chính xác, hợp lí?”.

“- Vâng phải, kính bạch Thế Tôn sự kiện là như vậy, thời lời nói của người kia là không chính xác, hợp lý?”.

Ở đây, đức Phật đã cho một ví dụ cho các bạn dễ hiểu, dễ nhận ra cái sai của các pháp môn tưởng giải: Cây thang và ngôi nhà lầu.

Cây thang dụ cho pháp, ngôi nhà lầu, dụ cho mục đích giải thoát. Mục đích giải thoát mà biết không rõ, không thấy rõ thì giáo pháp tu tập làm sao có kết quả thực tế được. Phải không các bạn?

Thế mà các nhà học giả tưởng ra cây thang, thì làm sao để leo lên được ngôi nhà lầu. Cây thang tưởng đó không dùng được và như vậy giáo pháp đó không thể đưa đến cứu cánh, cho nên kinh sách của các học giả biên soạn là kinh sách tưởng, không phải Phật thuyết.

Diệt Đếlà chân lí của đạo Phật rất cụ thể, rõ ràng, không mơ hồ, trừu tượng. Một trạng thái giải thoát thật sự mà mọi người ai cũng nhận ra được bằng ý thức của mình.

Kính thưa các bạn! Chân lí của Phật giáo đã xác định rõ ràng điều này. Khổ ĐếTập Đế là hai chân lí đầu tiên đã chỉ rõ đời sống thế gian là một đời sống dẫy đầy sự khổ đau vô cùng tận. Những chân lí này đã xác định như vậy thì không còn ai phủ nhận được. Còn chân lí thứ ba là Diệt Đế. Diệt đế là chỉ cho tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ; là một đời sống bình an và hạnh phúc không còn khổ đau nữa. Đó chính là mục đích giải thoát của Phật giáo rõ ràng và cụ thể, nên không ai có thể cho nó mơ hồ ảo tưởng được.

Chân lý thứ tư như các bạn đã biết nó là chương trình giáo dục đào tạo bằng những giáo pháp tu tập rèn luyện đưa đến không còn khổ đau nữa tức là đạt đến mục đích giải thoát hoàn toàn mà trong kinh đức Phật đã cho ví dụ như một cây thang bắc lên ngôi nhà lầu.

Đọc trong bài kinh này chúng ta thấy tất cả các vị Bà La Môn từ đại tôn sư biên soạn viết ra kinh sách Vệ Đà cho đến các vị Bà La Môn hiện nay đang hành trì theo giáo pháp này. Người nào cũng không xác định được cảnh giới giải thóat cụ thể rõ ràng. Phần nhiều các vị Bà La Môn chỉ nói hay lý luận trong mơ hồ, trừu tượng, ảo tưởng v.v.. Điều đó cho biết các Bà La Môn này chắc chắn là không biết, không thấy. Vậy mà họ bảo rằng: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên, nếu ai tu theo nó. Lời dạy này không chính xác và không hợp lí, xin các bạn lưu ý: Những loại kinh sách tưởng giải nầy trong Đạo Phật ở thời đại chúng ta vẫn phát triển nhiều lắm.

Ví dụ ngôi nhà lầu và cây thang là ý đức Phật không chấp nhận những cảnh giới siêu hình, những loại thiền tưởng, ức chế tâm sinh ra những trạng thái mơ hồ, trừu tượng...

Mục đích cứu cánh giải thoát là phải cụ thể rõ ràng, mọi người đều nhận ra bằng ý thức một cách dễ dàng, có đúng như vậy mới tin còn không đúng như vậy mà tin là tin mù quáng.

Giáo pháp tu tập của Phật giáo là đức hạnh sống của con người, vì thế chứng đạt được mục đích không có khó khăn. Giáo pháp của Phật không phải là thứ giáo pháp mơ hồ, trừu tượng như kiểu kinh sách tưởng giải: Kiến tánh thành Phật, Chẳng niệm thiện niệm ác là bản lai diện mục hiện tiền hay Tham thoại đầu, Khán công án, hay Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm hoặc Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách… rồi thõng tay vào chợ, tự tại vào chốn thanh lâu tiểu điếm, vô ngại ăn thịt chó uống rượu để độ sanh, hoặc còn Chăn trâu, Giữ ông chủ hay biết vọng liền buông, hay đói ăn khác uống mệt đi ngủ v.v..

Kính thưa các bạn! Cách thức tu tập như vậy không có thực tế, còn nô lệ cho lòng dục của mình rồi biện minh đủ điều, không đoạn diệt tâm tham, sân, si…

Đây các bạn hãy nghe đức Phật dạy tiếp: “Này Vàsettha, như sông Aciravati này đầy tràn đến bờ khiến con quạ có thể uống được. Có người đến, có sự việc bên bờ kia, tìm đến bờ bên kia, hướng đến bờ bên kia và muốn lội qua bờ bên kia. Người đứng bờ bên này kêu bờ bên kia và nói: “Bờ bên kia hãy lại đây! Bờ bên kia hãy lại đây!”. Này Vàsettha người nghĩ thế nào? Có phải vì người kia kêu gọi bờ bên kia, vì cầu khẩn, vì hy vọng, vì tán thán mà bờ bên kia của sông Aciravati đến bờ bên này không?”.

Đức Phật cho một ví dụ điển hình cho chúng ta thấy pháp môn Tịnh Độ, pháp môn Pháp Hoa là những pháp môn cầu khẩn, cúng bái, sám hối v.v.. mà từ bấy lâu nay đã truyền thừa bao thế hệ với những điều mê tín bằng sự cầu khẩn, tán thán, hy vọng hay sám hối, cầu an để được tiêu tai giải trừ nghiệp ác. Những hành động tu tập của những giáo pháp này cũng giống như người đứng ở bờ bên này mà gọi bờ bên kia để bờ bên này sang sông. Một việc làm mơ mộng không thực tế chút nào, một sự tu hành như vậy không thể có sự giải thoát được.

Đây là một bài kinh mà đức Phật đã làm sáng tỏ cái sai của kinh sách nương vào tha lực ảo tưởng. Nhờ bài kinh này mà chúng ta thấy những kinh sách ảo tưởng là sau này biên soạn chứ không phải giáo pháp của đức Phật thuyết.

Sự cầu khẩn, sự cúng tế, sự lễ lạy sám hối, sự niệm hồng danh chư Phật, sự niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc Tây phương cũng giống như người đứng ở bờ sông bên này mà kêu gọi bờ sông bên kia “Bờ bên kia hãy lại đây! Bờ bên kia hãy lại đây!”.Những việc làm vô vọng, những sự tu hành như vậy thật là hoài công, vô ích, chỉ uổng cho một đời tu tập.

Bài kinh trên đây đã xác định cho các bạn thấy rằng: chỉ có một con đường duy nhất đưa đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, đó là Đạo Đế. Đạo đế là một chương trình giáo dục và đào tạo đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, có tám lớp và ba cấp như đã nói ở trên. Cho nên, người mới vào tu tập là phải vào cấp một, tức là cấp giới luật. Sau khi tốt nghiệp cấp giới luật xong mới lên cấp hai, cấp hai là cấp tu tập thiền định. Sau khi tốt nghiệp cấp thiền định xong, thì mới lên cấp ba là cấp tuệ. Sau khi tốt nghiệp xong cấp tuệ là đã học xong chương trình đào tạo đức hạnh làm Người, làm Thánh. Ngoài Đạo Đế này ra thì không có pháp môn nào hướng đến, dẫn đến cứu cánh giải thóat được. Cho nên, các bạn có nhớ lời Phật dạy không? Phật dạy: Đừng có tin! Đừng có tin!!!

1.       “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết.

2.       Chớ có tin vì nghe truyền thống.

3.       Chớ có tin vì nghe nhiều người nói đến.

4.       Chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng.

5.       Chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình.

6.       Chớ có tin vì đúng theo một lập trường.

7.       Chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dự kiện.

8.       Chớ có tin vì phù hợp với định kiến của mình.

9.       Chớ có tin nơi xuất phát có uy quyền.

10.   Chớ có tin vì bậc Sa Môn là Đạo sư của mình v.v..”.

Có 10 điều đức Phật đã dặn bảo mọi người đừng có tin những điều giáo pháp dạy không thực tế, không cụ thể, không rõ ràng, đối với sự cứu cánh giải thoát.

Kinh sách tưởng giải đã không xác định mục đích giải thoát cụ thể rõ ràng như chân lí Diệt Đếcủa Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Mà chỉ dùng những từ mơ hồ, trừu tượng, hư tưởng, không cụ thể, không thực tế như: Phật Tánh, Tánh Giác, Tánh Thấy, Tánh Nghe, Tánh Biết v.v..

Con người khổ là vì năm pháp dục tăng thịnh lẫy lừng; vì năm triền cái được gọi là chướng ngại pháp; và vì thập thất kiết sử v.v.. Sự kiến tánh thành Phật; sự niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc Tây Phương; sự niệm chú có thần thông của Mật Tông thì đâu có đối trị và đoạn diệt được năm dục tăng trưởng, thập thất kiết sử và năm triền cái. Cho nên, tu theo ảo tưởng sẽ dẫn đến một hướng khác, hướng ảo tưởng. Vì thế, đối với năm dục trưởng dưỡng và năm triền cái càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn, nên cuộc sống của họ tiện nghi đầy đủ, chùa to Phật lớn chứng minh cho các bạn biết những tu sĩ này đang chạy theo dục lạc thế gian danh lợi, ăn ngủ phi thời, họ sống chẳng khác như người thế tục, chỉ có y áo và chiếc đầu cạo trọc.

Vậy các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Vàsettha, có năm pháp khiến dục lạc tăng thịnh, năm pháp này được xem là sợi dây chuyền, sợi dây thắng trong giới luật của bậc Thánh. Thế nào là năm? Những sắc pháp do mắt thấy cảm nhận khả ái, mỹ miều, thích thú, hấp dẫn, câu hữu với dục, ái lạc; những tiếng do tai cảm nhận..., những vị do lưỡi cảm nhận..., những xúc do thân cảm nhận, khả ái mỹ miều, thích thú, hấp dẫn, câu hữu với dục, ái dục. Này Vàsettha. Năm pháp khiến dục lạc tăng thịnh ấy, được xem là sợi dây chuyền, sợi dây thắng trong giới luật của bậc Thánh. Này Vàsettha, năm pháp khiến dục lạc tăng thịnh ấy. Các Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà vẫn chấp trước mê đắm bị trói buộc, không thấy nguy hiểm của chúng, không nhận thức sự không thoát ly của chúng, đã tận hưởng năm pháp ấy”.

Đọc đoạn kinh này các bạn nên đem các tu sĩ hiện giờ ra so sánh với các tu sĩ Bà La Môn trong thời đức Phật thì các bạn thấy rất rõ những tu sĩ hiện giờ đâu có khác gì những tu sĩ Bà La Môn, mặc dù trong số họ có nhiều người đạt học vị cao, thông tam tạng kinh điển, nhưng họ đều bị năm dục trưởng dưỡng tăng thịnh đã xỏ mũi. Vì thế, họ chạy theo danh lợi, dục lạc, luôn luôn bị năm triền cái tác động làm chướng ngại pháp, khiến cho họ khổ sở vô cùng, vô tận, không bao giờ dứt như đoạn kinh trên đã dạy.

Đây, các bạn hãy lắng nghe đức Phật quở trách các vị Bà La Môn trong thời ấy: “Này Vàsettha, những Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà loại bỏ những pháp tác thành người Bà La Môn, tuân theo những pháp không tác thành người Bà La Môn, chấp trước mê đắm, bị trói buộc không thấy nguy hiểm của chúng, không nhận thức sự không thoát ly của chúng, tận hưởng chúng bị trói buộc bởi sự trói buộc của dục lạc, sau khi thân hoại mạng chung sẽ cộng trú với Phạm thiên, thật không có sự kiện ấy”.

Kính thưa các bạn! Đọc đến đoạn kinh này các bạn thấy rất rõ những tu sĩ hiện giờ không khác gì những tu sĩ Bà La Môn. Họ đã ném bỏ giáo pháp của đức Phật, để rồi kiến giải Phật pháp theo kiểu học giả, và chap nhận giáo pháp của ngoại đạo, còn gọi giáo pháp đó là pháp môn Tối thượng thừa. Do đó, các bạn thấy chùa to Phật lớn mọc lên như nấm khắp nơi, làm hao tốn tiền của Phật tử biết bao nhiêu, kể sao cho hết. Họ sống chạy theo danh lợi, dục lạc thế gian, ăn ngủ phi thời. Họ là những tu sĩ phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới. Sau khi thân hoại mạng chung họ thọ lấy sự khổ đau vô cùng, vô tận, vì thế họ làm sao cộng trú với trạng thái giải thoát cho được.

Đó là một sự lầm lạc rất lớn của tu sĩ Phật giáo hiện nay, không khác gì sự lầm lạc của Bà La Môn trong thời đức Phật ngày xưa. Cho nên, bài kinh này đã xác định và vạch ra một sự thật để làm sáng tỏ sự sai lầm của một số kinh sách tưởng giải ngày nay, để nhắc nhở Tăng sĩ và mọi người cần phải cảnh giác khi bước vào đường tu. Vì nhân tu sai một ly thì đạo quả sẽ xa đi ngàn dặm!!!

Cho nên các bạn lưu ý: Đừng nghe những gì họ nói mà hãy thấy những gì của họ đã làm.

Đây, các bạn hãy nghe tiếp đức Phật dạy: “Này Vàsettha có năm triền cái được gọi là chướng ngại, cũng được gọi là triền cái, cũng được gọi là màn che, cũng được gọi là triền phược trong giới luật của bậc Thánh. Thế nào là năm? Dục ái, sân ái, hôn trầm, thùy miên ái, trạo hối ái, nghi ái. Này Vàsettha, các Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà bị chướng ngại, bị triền phược, bị che đậy v.v.. Bị trói buộc bởi năm triền cái này, sau khi thân họai mạng chung sẽ cộng trú với Phạm thiên. Thật không thể có sự kiện ấy xảy ra!”.

Đọc đoạn kinh này chúng ta thấy rất rõ đa số các vị tu sĩ thời nay đang bị trói buộc bởi năm triền cái này, vì vậy con đường tu hành giải thoát của họ làm sao có được. Phải không các bạn?

Bài kinh này đã xác định rõ ràng không thể ai phủ nhận được cái sai của họ. Bởi vì một sự thật hiển nhiên đang bày ra trước mắt mọi người. Cho nên, ai cũng chứng kiến thấy rõ ràng tu sĩ hiện giờ đang chạy theo dục lạc và hưởng thụ danh lợi thế tục.

Các bạn hãy nghe tiếp đoạn kinh này: “Này Vàsettha, Ngươi nghĩ thế nào? Ngươi có nghe những Bà La Môn niên cao lạp trưởng, tôn sư và đại tôn sư cùng nhau nói chuyện không? Phạm thiên có ái dục hay không ái dục?

- Thưa Tôn giả Gotama, không có ái dục.

- Có hận tâm hay không hận tâm?

-Thưa Tôn giả Gotama, không có hận tâm.

- Có sân tâm hay không sân tâm?

- Thưa Tôn giả Gotama, không có sân tâm.

- Có nhiễm tâm hay không nhiễm tâm?

- Thưa Tôn giả Gotama, không có nhiễm tâm.

- Có tự tại hay không có tự tại?

- Thưa Tôn giả Gotama, có tự tại.

- Này Vàsettha Ngươi nghĩ thế nào các Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà có ái dục hay không ái dục?”.

Đọc đoạn kinh trên các bạn thấy rất rõ ràng đức Phật đã nêu lên mục đích giải thoát cụ thể không có mơ hồ không có trừu tượng, không có ảo giác. Đó là “tâm không ái dục”. Như vậy ái dục là chân lý thứ hai của đạo Phật để xác định nguyên nhân sinh ra muôn sự đau khổ của chúng sanh nên gọi là “Tập Đế”. Tập đế là nơi tập hợp mọi sự khổ đau.

Đoạn kinh này cũng xác định rõ ràng đức Phật đã hết ái dục. Bà La Môn còn ái dục. Như vậy tu sĩ nào còn ái dục và sống phi Phạm hạnh, phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, sống như vậy thì làm sao cộng trú với Phạm Thiên, với sự giải thoát được. Phải không các bạn?

Cho nên, nói tất cả pháp đều dẫn về một mục đích giải thoát thì không thể có được, như trong bài kinh này đức Phật đã xác định, sống không đúng giới luật thì không bao giờ có sự giải thoát chân thật.

Muốn thấu rõ sự đúng sai của tu sĩ thời nay chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này Vàsettha, ở đời các Bà La Môn có tinh thông ba tập Vệ Đà, khi các vị ngồi (với sự tự tin) thật sự là đang chìm trong bùn lầy và khi đang chìm trong bùn lầy, phải sống trong thất vọng, lầm tưởng rằng đã đến cảnh giới an lạc hơn. Do vậy đối những Bà La Môn tinh thông ba tập Vệ Đà, sự tinh thông ấy được gọi là bãi sa mạc không có nước, sự tinh thông ấy được gọi là rừng rậm không có đường lối, sự tinh thông cũng được gọi là sự bất hạnh”.

Kính thưa các bạn! Đọc đoạn kinh trên đây, nó đã xác định cho chúng ta biết rằng: Các học giả thông suốt tam tạng kinh điển, thuyết giảng như gió thổi, mây bay, nhưng sự tinh thông ấy được gọi sa mạc không có nước, sự tinh thông ấy được gọi là rừng rậm không có đường lối, sự tinh thông ấy cũng được gọi là sự bất hạnh. Bởi vậy, kinh sách tưởng giải mà các vị ấy biên soạn ra là một thứ bánh vẽ, bánh giấy. Không giúp ích cho con người lợi lạc mà còn dẫn dắt con người vào thế giới ảo tưởng, sống mê tín lạc hậu. Có đúng như vậy không các bạn?

Tóm lại, trong thời đức Phật đã có những Bà La Môn cho tất cả pháp môn là mọi con đường đều dẫn đến một địa điểm cứu cánh, tư tưởng ấy đã được truyền thừa đến ngày nay và đang phát triển mạnh. Đó là kinh sách phát triển sau thời đức Phật (84.000 pháp môn của các hệ phái tưởng tri biên soạn…).

Ngày xưa, đức Phật đã dẹp bỏ những tư tưởng sai lầm này. Ngài đã vạch ra rất rõ ràng, nhưng từ khi Ngài mất các Tổ Bà La Môn đã khéo dìm mất những lời dạy này của Ngài rồi biến dần thành giáo pháp của Bà La Môn đa thần ảo tưởng.

Hôm nay đủ duyên chúng tôi dựng lại những gì của đức Phật đã dạy, để cho mọi người đến với đạo Phật mà không còn bị tà giáo ảo tưởng đa thần lừa đảo. Những tư tưởng ảo giác đều cho rằng tất cả giáo pháp tu hành là những chiếc bè sang sông, là phương tiện di chuyển, là mọi con đường dẫn đến một địa điểm, là ngón tay chỉ mặt trăng v.v.. thật là một sự hiểu biết lầm lạc rất đáng thương!!!

Chúng tôi tin rằng khi các bạn đọc xong lời chú giải này thì đối với những loại kinh sách tưởng tri như thế sẽ không còn có thể lừa đảo các bạn được nữa. Thân thương chào các bạn.

Kính ghi,

 Thích Thông Lạc