THẦN THÔNG

 

LỜI PHẬT DẠY

“Ta quyết không bao giờ chỉ dạy Tỳ kheo tu tập niệm ra thần túc thông.

Ta chỉ dạy cho các đệ tử nên ở chỗ thanh vắng, yên lặng tư duy về đạo lý. Nếu có công đức nào thì tự che giấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối”.

 

CHÚ GIẢI:

Lời dạy trên đây của đức Phật đã xác định Đạo Phật là một tôn giáo dạy đạo đức, chứ không phải là một tôn giáo dạy thần thông, mang đầy tính chất huyền bí, ảo giác, trừu tượng, mê tín, thần thông, pháp thuật, như Đại Thừa, Mật Tông, v.v.. mà từ lâu người ta đã nghĩ. Do nghĩ sai về Phật giáo quá nhiều nên người ta các nhà Đại Thừa xây dựng Phật giáo thành một tôn giáo kỳ quái. Theo kinh sách phát triển Đại Thừa, mỗi khi đức Phật đăng đàn thuyết pháp thì nhập vào tam muội phóng hào quang rực rỡ đủ màu sắc, rồi hiện Phật hoá thân từ trên trời bay xuống.

Những lời dạy giàu tưởng tượng như vậy không đúng là lời Phật dạy. Vì bài kinh trên đây đã xác định điều đó. Phải không các bạn? Thế mà các Tổ dám bịa đặt chẳng có cơ sở.

Chúng tôi xin lập lại lời dạy trên đây của Phật, để xác định cho các bạn thấy rằng: Phật giáo thiết thực, cụ thể, không có dạy những điều mê tín, mơ hồ, trừu tượng v.v.. mà lời nói của Ngài rất quả quyết và nhất định không có dạy thần thông. Cho nên, các bạn đến với Đạo Phật là đến với nền đạo đức nhân bản – nhân quả:“Ta quyết không bao giờ chỉ dạy Tỳ kheo tu tập niệm ra thần túc thông. Ta chỉ dạy cho các đệ tử nên ở chỗ thanh vắng, yên lặng tư duy về đạo lý.Nếu có công đứcnào thì tự che giấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối”.

Thưa các bạn! Các bạn có nghe chăng lời khuyên dạy này:“Nên ở chỗ thanh vắng tư duy về đạo lý” Nên ở chỗ thanh vắng tư duy về đạo lý là ý đức Phật muốn dạy chúng ta tu tập pháp môn nào?

Câu trên đây đức Phật dạy chúng ta tu tập Định Vô Lậu. Định Vô Lậu tức là sự tư duy về đạo lý. Do người nào biết tu tập Định Vô Lậu thì cuộc sống ở thế gian chính là đang ở Thiên đàng, Cực Lạc, v.v..

Câu kế đức Phật dạy:“Nếu có công đức nào thì tự che giấu, nhưng có lỗi lầm nào thì phải tự mình bày tỏ sám hối”. Lời dạy này quá tuyệt vời. Khi tu tập có kết quả thì không được nói ra, vì nói ra là do tâm ngã mạn. Tâm ngã mạn khiến cho sự tu hành càng thêm dục. Thay vì ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm thì lại nuôi lớn bản ngã và dục. Tu hành khi có công đức nào thì chỉ có trình cho vị Thầy hướng dẫn mình để Người xác định những công đức đó đúng hay sai, ngõ hầu tránh sự tu sai cho mình.

Còn thấy mình tu tập có lỗi lầm nào, thì phải tự mình bày tỏ sám hối với vị Thầy để Người khuyến cáo vàsách tấn giúpmình có nghị lực khắc phục những ác pháp ấy cho bằng được. Nhờ đó, con đường tu tập mỗi ngày mỗi tiến về phía trước hơn.