TỪ BỎ

 

LỜI PHẬT DẠY

“Cái gì không phải của các ông các ông hãy từ bỏ, từ bỏ sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các ông”.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không phải của các ông, hãy từ bỏ thân ngũ uẩn này, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc cho các ông”.

 

CHÚ GIẢI:

Thân ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Theo như lời đức Phật dạy:“Hãy từ bỏ thân ngũ uẩn này, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc”. Đúng vậy, do thân ngũ uẩn này mà chúng ta thường chịu nhiều sự khổ đau.

Vậy muốn từ bỏ thân ngũ uẩn này phải từ bỏ bằng cách nào? Rất nhiều pháp môn tu tập để từ bỏ thân ngũ uẩn này,nhưng có một pháp môn hay nhất. Đó là pháp Như lý tác ý. Tác ý cái gì?

Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy tác ý:“Sắc, này các Tỳ Kheo, là vô thường, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật thấy với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thọ… Tưởng... Các hành… Thức là vô thường...

Này các Tỳ Kheo, do thấy vậy, bậc Đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc... đối với thọ... đối với tưởng... đối với các hành... đối với thức.

Do nhàm chán nên ly tham. Do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc làm nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Này các Tỳ Kheo, cho đến hữu tình, cho đến tột đảnh của hữu, những bậc ấy là tối thượng, những bậc ấy là tối thắng ở trong đời, tức là các bậc A La Hán”.

Theo như những lời dạy trên, chứng quả A La Hán rất đơn giản. Phải không các bạn?

Qua lời dạy này, chúng ta chỉ cần biết như thật sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là khổ, không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta, thì ngay đó là chứng quả A La Hán. Nói thì dễ, nhưng tác ý để biết như thật thì phải có thời gian tu tập không phải là ít.