KHI TỎ NGỘ CHÁNH PHÁP CÔ LÀM GÌ TRONG 24 TIẾNG

Câu hỏi của Minh Pháp

Hỏi:Khi tỏ ngộ chánh pháp, năng khiếu trỗi dậy, lúc nghịch cảnh đến Cô làm chủ cái ý có khác lúc chưa tỏ ngộ như thế nào? Mỗi ngày Cô làm gì trong suốt 24 tiếng?

 Đáp: Khi đã hiểu được Phật pháp, lúc gặp nghịch cảnh thì có khác hơn nhiều:

1-                Tỉnh thức ngay đối tượng (mới đầu còn chậm lắm), nhưng sau khi có được tỉnh thức thì lại nhanh hơn.

2-                Khi có sự tỉnh thức muốn làm chủ được ý thì phải chủ động điều khiển tâm, là phải ý thức xem cái ý của mình nó khởi lên ham muốn cái gì ác hay là thiện, vui hay là buồn, khi nhận định xong thì dùng câu như lý tác ý để đánh bạt nó xuống. Ví dụ: ý nôn nóng muốn khởi đi tu để không mất thời gian, vì sự vô thường không chờ đợi ai .

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng

Tấc vàng tìm được không gì khó

Tấc bóng thời gian khó hỏi han

Lúc bấy giờ các Chú phải thấy được bổn phận và trách nhiệm đạo đức làm người của mình thì các chú phải khởi niệm : “Bổn phận đạo đức làm người không làm khổ mình khổ người. Trong lúc con mình còn nhỏ, vợ thì yếu đuối biết có đủ sức nuôi con dạy con cho đến lớn khôn nên người hữu dụng cho xã hội không? Nếu Ta bỏ đi tu như vậy, ta là người thiếu đạo đức không làm tròn bổn phận làm người, phỏng chừng ta vào chùa có ngồi được yên tu tập được không? Hay duyên nhân quả này phá hạnh độc cư. Hiện giờ đạo đức nhân quả chưa cho phép ta xuất gia thì ta hãy tu tại gia đình, lo xả tâm dục và ác pháp còn chưa xong huống hồ vô chùa làm gì cho khổ vợ con, chừng nào con cái lớn khôn ta hãy vào chùa tu hành Tứ Thánh Định, không muộn màng gì ?” Đó là khởi niệm quán xét cân nhắc để dừng lại sự nông nổi và tất cả những nghịch cảnh xảy ra đều phải khởi niệm quán xét thì mới làm chủ được cái ý.

Khi các chú gặp nghịch cảnh thì các chú phải xem lại lỗi tại ai, nếu biết mình lỗi thì tâm sẽ xả ngay liền, còn người khác lỗi thì mình phải mở lòng tha thứ, còn nếu mình không tha thứ được thì phải quán nhân quả: “Ai gieo nhân ác thì phải gặt lấy quả khổ, ai gieo nhân thiện thì phải hưởng phước báo, ta dại gì mà gieo nhân ác để phải thọ quả khổ, họ chửi mạ nhục ta là họ gieo nhân ác họ làm sao tránh khỏi quả người khác sẽ chửi và mạ nhục họ lại, ta là người đang trả quả của tiền kiếp, vậy ta không nên buồn mà hãy vui để trả quả cho xong, nếu ta buồn giận là ta trả không hết nghiệp mà ta còn nuôi dưỡng ác pháp trong ta, như vậy ta là người ngu si, ôm khổ vào lòng mà không biết”.

Họ chửi và mạ nhục ta là họ nhắc nhở ta chỉ có một phần nhỏ còn ta làm nhiều điều khác ác độc hơn nhiều.

Nếu ta dùng trí quán xét nhân quả  không đẩy lui được chướng ngại pháp trong tâm ta thì ta nên khởi ý làm việc không để cho ý rảnh rang, nhờ thế ý tránh được sự đau khổ, phiền não.

Khi hiểu được Phật pháp suốt trong 24 tiếng, lúc  nào cũng tỉnh thức, nên khi tâm khởi lên niệm thiện vui thì Út biết rõ và liền tác ý: “Tâm không được vui lắm phải thanh thản, bình thường”, còn có những niệm xấu ác khiến tâm buồn phiền khổ đau thì Út hát lên những câu hát để đẩy lui hay nói cách khác là quên đi sự ưu phiền đó, còn đẩy lui không được thì Út dùng câu trấn tĩnh để an thân phận mình: “Thân phận mình là người giúp cho Thầy ai khen chê nói xấu gì mặc, mình là người phụ giúp thì phải lo hết bổn phận thôi chớ có buồn phiền, khổ tâm làm gì cho mệt”

Luôn luôn lúc nào Út cũng sẵn sàng tác ý tất cả việc gì xảy đến thì phải đánh bạt, đẩy lui nó ra liền để tạo cho mình một cảnh sống an vui thật thụ.