Một số câu hỏi của Nguyên Thanh
Sau khi đọc “Giới Bổn Khất Sĩ Tân Tu” (The Revised Pratimoksha) (Tác giả là một vị Thiền Sư nổi tiếng của Làng Hồng ở bên kia đại dương) con có vài nghi vấn và thắc mắc. Con thành kính xin được thưa hỏi lên Thầy.
Hỏi: Kính thưa Thầy! Theo giới bổn của các Tổ biên soạn Ba La Mộc Xoa Đề thì sau 13 năm từ khi chứng đạo Đức Phật mới chế giới. Còn bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu thì cho biết sau năm năm từ ngày thành đạo thì Đức Phật mới chế giới. Vậy ở đây thời gian chế giới của Đức Phật có sai khác, chúng con không biết thời gian nào đúng, thời gian nào sai. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được hiểu.
Đáp: Khi biên soạn giới bổn Ba La Mộc Xoa Đề các Tổ dựa vào những truyền thuyết, chứ không có căn cứ vào lịch sử, vì trong thời Đức Phật lịch sử không có ghi lại rõ ràng cụ thể, nên mạnh ai cứ dựa vào chỗ nào theo kiến tưởng giải của mình cho là đúng, rồi cứ thế biên soạn. Các Tổ cho rằng 13 năm sau khi Đức Phật thành đạo, còn bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu cho rằng 5 năm sau khi Phật thành đạo mới chế giới. Bộ giới luật này không biết căn cứ vào truyền thuyết nào, bộ sử nào mà dám xác định thời gian như vậy. Chúng tôi xin nhường lại cho những nhà sử học xác định.
Theo chúng tôi nghĩ khi muốn biên soạn nói một điều gì về lịch sử của một bậc vĩ nhân thế giới như Đức Phật thì không nên ghi một cách bừa bãi như vậy cần phải căn cứ vào kinh sách nào, lịch sử nào?
Cho nên thời gian 13 năm chế giới của các Tổ và thời gian 5 năm của bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu còn là một nghi vấn chưa xác định thời gian cụ thể về chính sử và chính kinh. Vì vậy thời gian 13 năm và 5 năm chế giới luật là một giả thuyết chúng ta chớ nên tin.
Theo kinh sách Nguyên Thủy thì hai giả thuyết thời gian chế giới của các Tổ và bộ Giới Luật Khất Sĩ Tân Tu là sai sự thật.
Chúng tôi thiết nghĩ, mặc dù lịch sử không có ghi thời gian Phật chế giới luật năm nào, ngày nào, nhưng chúng tôi căn cứ vào những kinh sách Nguyên Thủy do Phật Thuyết thì Đức Phật không có chế giới luật mà giới luật đã có sẵn trước khi Đức Phật thành đạo, xin các bạn đọc lại kinh Trường Bộ tập 1 bài kinh Sonadanda thuộc Tạng Kinh Việt Nam.
Trong bài kinh ấy Bà La Môn Sonadanda có nêu ra 5 điều kiện của một Bà La Môn:
1- Đẹp trai, tướng tốt (32 tướng tốt 80 vẻ đẹp).
2- Bảy đời liên tục là Bà La Môn.
3- Chú thuật, tụng niệm và thông suốt ba bộ kinh Vệ Đà.
4- Tri kiến.
5- Giới luật.
Trong năm điều kiện này Đức Phật chỉ chấp nhận giới luật và tri kiến còn ba điều kia Đức Phật không chấp nhận bằng một lý luận sắc bén bẻ gãy những luận thuyết khiến cho Bà La Môn Sonadanda phải chấp nhận. Trong bài kinh ấy Đức Phật kết luận một câu rất tuyệt vời:“Giới luật ở đâu là tri kiến ở đó, tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”.
Bài kinh này đã xác định giới luật có trước Đức Phật vì đạo Bà La Môn có trước Đạo Phật.
Đọc bài kinh này chúng ta nhận xét các Tổ và những người sau này không lo tu tập, không chịu khó nghiên cứu kinh sách Nguyên Thủy mà cứ dựa theo kinh sách và giới luật phát triển của Đại Thừa, đó là những kinh sách chịu ảnh hưởng của tà giáo ngoại đạo, cho nên thời gian chế giới của đức Phật trong các bộ sách này là sai sự thật.
Trong kinh sách Nguyên Thủy thường hay nhắc đến Phạm hạnh. Như đoạn kinh dạy:“Sanh đã tận Phạm hạnh đã thành, những việc làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa”.
Phạm hạnh là giới luật, xin các bạn hãy đọc lại đoạn kinh Kandaraka trong tập II kinh Trung Bộ, tạng kinh Việt Nam: “Ở đây này Pussa lại có người vừa không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người. Người ấy không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, không làm khổ người không chuyên tâm làm khổ người, hay trong hiện tại không tham dục, tịch tịnh cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ tự ngã trú vào Phạm thể. Này Pessa, bốn hạng người này, hạng người nào được tâm ông thích nhất?”.
Như trong đoạn kinh này dạy: “Người không làm khổ mình, khổ người là người trú vào Phạm thể”. Vậy Phạm thể là gì? Phạm thể là đức hạnh của Phạm Thiên. Cho nên đức hạnh của Phạm thiên là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai. Đức hạnh không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai là giới luật. Do căn cứ vào những bài kinh Sonandanda và kinh Kandaraka chúng ta quyết chắc giới luật đã có trước Đức Phật. Đức Phật không có chế giới mà chỉ loại trừ những giới luật phi đức hạnh của Bà La Môn. Vì giới luật là đạo đức của con người, là hành động không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai như trên đã nói. Người nào có những hành động làm khổ mình khổ người và khổ cả hai là người phạm giới, phá giới. Vả lại giới luật là thiện pháp. Người sống trong thiện pháp là người không phạm giới, người sống trong ác pháp là người phạm giới.
Hạnh Phạm Thiên dạy sống ly dục ly ác pháp mà chúng ta sống không ly dục ly ác pháp là sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới làm cho Phật Giáo suy đồi, dìm mất đạo đức nhân bản - nhân quả, tội ấy rất nặng.
Ví dụ: Lấy của không cho, nói láo dâm dục, giết hại và ăn thịt chúng sanh, ăn uống phi thời, ở trong chùa to Phật lớn, đó là sống trong ác pháp. Mà đã sống trong ác pháp là phạm giới.
Ăn uống phi thời ngày ăn hai ba bữa, là phạm giới, vì không làm ra của cải tài sản ăn nhiều quá phí phạm mồ hôi nước mắt của đàn na thí chủ. Đó là phạm giới không ly dục.
Ở chùa to Phật lớn là phạm giới không thanh bần, không xứng hạnh tu hành giải thoát của người tu sĩ Phật Giáo “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”.
Cho nên giới luật là Phạm hạnh, người nào sống không đúng Phạm hạnh là phạm giới.
Giới luật là đạo đức, người nào sống không đúng đạo đức là phạm giới.
Giới luật đâu cần phải chế. Chế giới luật là bắt buộc người đó là những tổ chức của các phe đảng phái và các tôn giáo khác chứ đạo Phật đâu có bắt buộc ai phải tu theo đạo mình. Vì đạo Phật là đạo đức của loài người. Ai muốn sống có đạo đức thì theo nó. Theo nó thì cuộc đời sẽ không còn khổ đau và được tiếng thơm là người có đạo đức; còn ai không theo đạo Phật, không muốn sống đạo đức làm người thì phải chịu khổ mãi mãi và trở thành người vô đạo đức.
Vì sự giải thoát mọi sự khổ đau của cuộc đời, người ta mới chấp nhận sống đời sống Phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của đức Phật.
Cho nên một vị ngoại đạo đến xin Phật tu hành thì Phật chấp nhận, nhưng phải sống biệt trú 4 tháng đúng Phạm hạnh thì đức Phật mới cho xuất gia làm Tăng theo Phật, còn sống không đúng giới luật thì xin về, chứ đức Phật không có bắt buộc người nào sống đúng giới luật như Phật. Nhờ đó chúng ta quyết chắc Phật không có chế giới luật cấm các tu sĩ mà chính các tu sĩ phải tự nguyện sống đời sống giới luật.
Còn bây giờ Tổ chế ra giới luật cấm ngăn, thế mà tu sĩ phạm giới, phá giới tan nát. Hình thức một ngôi chùa xây cất đồ sộ vĩ đại tốn hao hằng tỷ bạc. Đó là sự tu tập trái ngược của Phật giáo, chứng tỏ tu sĩ Phật giáo đang sống theo dục lạc thế gian, phạm giới, phá giới làm cho Phật giáo suy đồi và nền đạo đức của Phật giáo cũng không còn.
Tóm lại, 5 năm và 13 năm bảo rằng Phật chế giới luật là sai. Phật không có chế giới, vì giới luật đã có sẵn trong đời sống Phạm Thiên và Bà La Môn.