ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI NƠI LÀM VIỆC

Là phải biết tuân theo, chấp hành theo những quy định của nơi là việc, phải biết hoàn thành trách nhiệm của xếp giao, biết cách đối xử với đồng nghiệp.

1- ĐỐI VỚI NƠI LÀM VIỆC

-       Phải biết tìm hiểu những qui định của nơi làm việc công ty, phân xưởng, nhà máy sản xuất, phòng làm việc, kho, bãi, cảng, bến tàu, v.v.. Có như vậy thì ta sẽ tránh phạm phải những sai lầm dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng trong lao động.

-       Phải biết vệ sinh xung quanh nơi làm việc, trên bàn ngăn nắp mọi giấy tờ.

-       Không gian tham lấy cắp bất cứ vật gì của công ty hoặc nơi làm việc kể cả cây kẹp giấy hoặc tờ giấy.

-       Không được ăn cắp giờ làm việc đến muộn về sớm. Không tụm 3 tụm 5 lại ngồi nói chuyện trong giờ làm việc.

-       Không được ăn cắp sức lao động của người khác, cướp công, ăn cắp ý kiến hay làm ý kiến của mình.

-       Phải có ý thức chung bảo vệ tài sản của công ty, không được nghĩ rằng đồ chung thì dùng xong vứt lung tung, không dẹp gọn lại chổ cũ. Ra vào phải khoá cửa và giao chìa khóa lại cho bảo vệ khi cần thiết.

-       Trong khi làm việc không nên làm việc riêng như không được dùng điện thoại, máy copy, máy fax, máy tính tại nơi làm việc cho mục đích cá nhân.

-       Không nên tự ý đi ra ngoài mà không nói lại cho cấp trên biết mình đi đâu.

2- ĐỐI VỚI CẤP TRÊN

-       Tìm hiểu rõ và cụ thể những gì cần phải làm để hoàn thành tốt công việc được giao, không hấp tấp, không tìm hiểu mọi việc trước khi làm là một điều cấm kỵ dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng và mất thời gian quý báu của mình của người khác và của nơi làm việc.

-       Không nên nhận nhiều việc quá sức và khả năng của mình, roi mang cả về nhà làm luôn, không có thời gian chăm sóc cho người trong gia đình.

-       Luôn luôn báo cáo mọi việc được giao cho cấp trên biết để họ theo dõi được tiến triển công việc, không phải lo lắng nhiều và đóng góp ý kiến kịp thời nhằm giúp chúng ta vượt qua những trở ngại mà ta chưa biết.

-       Không nên phân bì việc của mình và việc của cấp trên như mình thì làm nhiều còn cấp trên thì ngồi không xơi nước. Ta phải biết từ từ làm từng việc cho tốt, không chạy theo số lượng mà chất lượng không có.

3- ĐỐI VỚI ĐỒNG NGHIỆP

-       Học hỏi những kinh nghiệm của đồng nghiệp.

-       Biết lắng tai nghe những lời góp ý vì ai cũng muốn mình làm tốt cho nên họ mới cho lời khuyên.

-       Tôn trọng những việc làm, ý kiến, lời nói của đồng sự.

-       Khi cần giúp đỡ hãy giúp đỡ tận tình xem đó là việc của mình.

-       Không vì chức quyền danh vọng, tiền bạc mà chà đạp, nói xấu nhau trong nơi làm việc hay trước mặt cấp trên hay người khác.

-       Mọi vấn đề xảy ra giữa nhân viên với nhau thì nên dùng lời nói ái ngữ giải quyết, nếu không được thì thoả thuận cùng nhau hỏi ý kiến của người thứ ba và người tốt nhất là cấp trên của mình.

Người có đạo đức trong nơi làm việc là những người không gian tham tài sản không thuộc mình, tránh nói xấu, chê bai, chỉ trích bất kỳ ai, tránh than vãn về bất cứ việc gì, không mưu mô tính toán tranh dành danh lợi. Biết vừa đủ trong công việc, sức khỏe, tiền bạc để không làm khổ mình. Biết tôn trọng nơi làm việc và tôn trọng tất cả mọi người.

Người không có đạo đức nghề nghiệp thì sẽ không tồn tại lâu tại nơi làm việc, trước sau gì thì cũng bị đuổi việc hay là tự mình xin nghỉ. Đồng nghiệp chê trách, cấp trên thì kỷ luật. Lúc đó còn mặt mũi nào mà ở lại công ty cơ chứ.

Mỗi người nhân viên phải tự rèn luyện những đạo đức đối xử với chính mình và đối xử với người cho được trọn vẹn thì trong công việc sẽ làm tốt mọi việc, trên dưới được thuận hoà.