Là đạo đức biết thương yêu mình, thương người và vật, không muốn làm cho ai phải đau khổ cả, và thấy rất là thương xót khi có ai đó đang sống trong đau khổ. Để có được như vậy con tự tư duy trong cuộc sống hằng ngày con phải làm gì để thể hiện đạo đức hiếu sinh đó qua những điều đức Phật dạy và Thầy dạy, chẳng hạn như:
- Không giết hại mình, hại người và hại chúng sanh.
- Không ỷ mạnh hiếp yếu như giết các loài côn trùng sâu bọ, kiến, mối, ốc sên, gián, dế, cào cào, châu chấu, chuột, giun, loăng quăng, muỗi, v.v..
- Không phí phạm sức khỏe của mình vào những công việc quá sức, không ham làm việc chạy theo các cám dỗ của danh và lợi.
- Không bóc lột sức lao động của người khác.
- Không đối xử dùng gậy, cây, dây roi đánh đập người và vật. Không dùng dao, búa, kiếm, mã tấu chém người. Không dùng súng, ná bắn người và vật. Không dùng điện châm chết các loài vật như cá, heo, bò, trâu, v.v..
- Không làm nghề chài lưới, câu cá, tôm v.v..
- Không săn bắn các loài động vật.
- Không ăn thịt động vật, không uống những thứ có sự đau khổ của chúng sanh trong đó như sữa bò, sữa dê, rượu rắn, rượu tắc kè, cao hổ, v.v..
- Không nấu rượu, bán rượu hay các chất gây say và tích trữ chúng.
- Không dùng các loại đồ vật được làm từ thân thể của các loài động vật như dây nịt da cá sấu, đeo răng heo, răng cọp, áo da, áo lông, quần da, nón lông, nón da, giày da, dép da, bóp da, túi da, khăn choàng lông thú, v.v..
- Không dùng các thân thể động vật làm đồ trang trí trong nhà như sừng nai, lông hổ, lông báo, răng voi, v.v..
- Không dùng sức lao động của các loài động vật để kéo xe, như bò, trâu kéo cày, cưỡi ngựa, cưỡi lừa, cưỡi lạc đà.
- Không mua vui trên sự đau khổ của các loài động vật như đi xem vườn thú, xem xiếc, xem biểu diễn cá heo, xem đua ngựa, đua chó, v.v..
- Không nuôi các loài động vật để lấy các bộ phận bên trong như mật gấu.
- Không kinh doanh động vật như nuôi cá, tôm, rắn, cá sấu, ba ba, thỏ, gà, bò, trâu, các loại chim, v.v..
- Không mở các khu vui chơi bằng cá, câu tôm, bắt rắn.
- Không buôn bán kinh doanh các món thịt chín được nấu từ các loài động vật.
- Không buôn bán kinh doanh người như phụ nữ, trẻ em, thanh niên, v.v..
- Không làm các dụng cụ săn bắn, bắt cá, tôm (như sản xuất súng, đạn, dao, lưỡi câu, lưới bắt cá, rọ bắt cá tôm) làm bẫy bắt thú.
- Không làm nghề trung gian buôn bán người và động vật.
- Không làm nghề chuyên chở, vận tải kinh doanh buôn bán người và động vật.
- Không mở các lò giết làm thịt chúng sanh.
- Không mở các điểm thu mua thịt chúng sanh.
- Không làm các nghề huấn luyện chúng sanh như huấn luyện các con vật làm xiếc (nghề này thường xuyên dùng dây roi đánh đập chúng sanh).
- Không làm các nghề hát cải lương, hát vọng cổ gợi lên thất tình lục dục của con người làm cho con người đã khổ lại càng khổ thêm và sống trong ảo tưởng bi quan về cuộc sống.
- Không nói lời nói và có ý nghĩ đồng tình hoặc xúi giục người khác tự tử, hại người hay hại chúng sanh.
- Không tham gia học võ, dưỡng sinh, múa kiếm, múa côn, múa đao. Vì các môn này làm cho tâm tánh hay giận tức, nóng lên rồi ỷ có học võ rồi đánh người, đánh vật.
Biết được những điều trên là ác thì chúng ta không nên có ý nghĩ hay nói lời nói với người khác về việc đồng tình, khuyến khích, xúi giục hay mừng rỡ vui mừng với những việc làm ác.
Biết được những điều trên là ác nên con không làm nữa, nghĩa là các ác pháp đã làm thì chấm dứt, còn chưa có thì diệt luôn không cho xuất hiện nữa. Nghĩa là khi con bỏ một ác pháp xuống thì thiện pháp xuất hiện, nhưng con vẫn thấy chưa đủ cho nên con muốn thiện pháp phải toàn vẹn. Mà cái toàn vẹn thiện mỹ thì con thấy chỉ có Tứ Vô Lượng Tâm cho nên con đọc sách Tứ vô lượng tâm của Thầy viết và con nhận ra rằng trong đó toàn là pháp hành chỉ dạy con cách thức tu tập để làm cho tâm từ, bi, hỷ, xả xuất hiện. Đầu tiên con tự viết lại theo đặc tướng của con và sau đó mỗi ngày cố gắng tư duy về Tứ vô lượng tâm theo dàn bài có sẵn. Bài Tứ Vô Lượng Tâm con tính là chèn thêm vào chổ này để thấy được muốn có đạo đức hiếu sinh thì phải trau dồi tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả, nhưng vì bài dài quá cho nên con làm thành một bài riêng với tên là “Quán Tứ Vô Lượng Tâm”. Sau khi tu tập một thời gian con đã nhận ra sự công hiệu của Tứ vô lượng tâm là luôn luôn biết yêu thương mọi người và mọi loài vật, dù là người đó có hại mình đi chăng nữa.
Có sống đúng đạo đức hiếu sinh thì con luôn thấy hài hòa giữa muôn vật, luôn luôn muốn đem hạnh phúc đến cho mình, cho người và mọi loài; luôn thông cảm nỗi khổ của chúng sanh; biết thương xót chúng sanh đang sống trong ác pháp; từ đó những lời nói và hành động của con không còn muốn làm cho ai khổ cả, lúc đó thì làm sao mà có thể giận dữ với ai được và oán trách ai cả.
Cách áp dụng vào tu tập: Được Thầy chỉ dạy phương pháp như lý tác ý, con hằng ngày nhắc tâm những câu xả ly ác pháp qua thập thiện, bảy kiết sử, ngũ triền cái và các ác pháp có trong con. Tại sao con dùng phương pháp như lý tác ý. Như con đã nói tâm con toàn là ác, do huân tập 30 năm nay ngoài đời không biết đâu là thiện đâu là ác, do đó con tự nhắc tâm mình để nhớ mà ly dục ly ác pháp. Có một lần con đọc sách nói về kinh doanh thì người viết sách cũng có kể ra phương pháp tự kỷ ám thị để nhắc tâm những thói quen tốt. Con tin phương pháp nhắc tâm sẽ có hiệu quả cho nên con tu tập nhắc tâm mỗi ngày và đến khi đã thấm nhuần và hiểu rõ các ác pháp con thấy tâm nhạy bén với các ác pháp và xã ly nó. Con nhớ đức Phật đã dạy rằng: “Với như lý tác ý ác pháp chưa sanh được diệt tận, đã sanh thì được diệt trừ, còn thiện pháp chưa sanh thì sanh, đã sanh thì tăng trưởng”.
Và con thấy trong tâm con muốn có từ, bi, hỷ, xả thì chỉ có cách là dùng phương pháp như lý tác ý thôi.
Mỗi sáng con đi bộ ngoài công viên và chỉ nhìn xuống đất nhắc tâm “Thân Phật đi kinh hành tránh dẫm đạp chúng sanh, thân con đi kinh hành giống thân Phật, mắt phải nhìn xuống đất để tránh giẫm đạp chúng sanh và các loài thảo mộc” và khi đi thì con tránh đạp kiến, giun, các loài côn trùng và cỏ. Sau 1-3 tháng tu tập con thấy tâm con bắt đầu có lòng yêu thương chúng sanh. Cơ thể rất nhạy bén khi đi ngoài đường, nếu nghi ngờ dưới đất có chúng sanh thì chân tự động tránh bước sang chỗ khác hoặc nhảy sang chỗ khác, khi gặp cỏ cũng không bước lên cỏ mà tránh sang chỗ khác, phản xạ rất tự nhiên.
Ngoài ra từ những hành động cầm nắm bất cứ vật gì, ngồi, nằm, đứng con đều nhắc tâm thì sau 1 thời gian tâm rất cảnh giác gây hại đến các loài vật ở khắp mọi nơi.
Hơn nữa khi con bắt đầu đi công viên, nếu con thấy các con giun bò ra giữa đường đi, con nghĩ sẽ có người đạp làm giun chết, con ngồi xuống lấy lá khô bỏ giun lên và đưa vào bãi cỏ bỏ xuống, có bao nhiêu giun trên đường đi con ngồi xuống và làm như vậy. Lúc đầu cái tâm chưa quen có cảm giác sợ người ta nhìn mình, nói mình điên, rồi sau đó có cảm giác sợ phải gặp giun hay bất cứ con vật nào giữa đường (vì cái tâm không muốn ngồi xuống cứu các loài côn trùng). Con tự nhắc ta đang trau dồi tâm từ bi thì phải mạnh dạn làm những công việc này, thân này đâu phải của ta đâu mà ta sợ người ta chê cười, họ nói gì mặc kệ, phải cứu các bạn giun này trước.
Từ những hành động như vậy cộng với thường xuyên quán xét, nhắc tâm về từ, bi, hỷ, xả mà cái tâm bắt đầu thấm nhuần biết yêu thương mọi người, biết thương xót mọi người đang sống trong ác pháp, bị tai nạn, bị tù tội, bị tật nguyền, bị bệnh hay bị gặp những điều không may mắn.
Sau đó con thấy lời nói, ngôn ngữ con dùng hằng ngày cũng thay đổi, biết nói lời nói yêu thương mọi người xung quanh và chúng sanh hơn, không muốn nói một lời nào làm hại đến chúng sanh.
Giống như con có duyên với pháp từ, bi, hỷ, xả cho nên con thấy luôn luôn giải thoát khi áp dụng các phương pháp này vào cuộc sống, giảm bớt được tâm sân giận hận thù, ác ý v.v.. Con nghĩ con sẽ cố gắng trau dồi thêm nữa vì đức Phật dạy phải luôn tăng trưởng thiện pháp.
Sau khi học được vài lớp chánh kiến đến bài nhân quả con người, con nghiệm lại những hành động ác của con trong quá khứ như bẻ cổ bồ câu làm thịt ăn. Sau này khi đi làm cho một công ty thì con có tâm tham, báo giá mua cao hơn để lấy bớt tiền mua nguyên vật liệu. Cho nên một lần khi con cầm tiền của công ty đi đổi ngoại tệ, con bị cướp cầm dao bổ vào đầu mấy cái chảy máu và cướp tiền (đúng là một quả có nhiều nhân). Sau đó con nhìn lại những hành động của mình phải có làm sai cái gì mới bị nhân quả như vậy. Từ một chuyện bẻ cổ con bồ câu cho đến hôm nay bị người khác đập đầu, chảy máu và sau đó con còn bị nhiều vật năng rơi vào đầu làm cho thần kinh mắt bị chấn thương khiến mắt thấy hai ảnh. Còn chuyện tham lam tiền thì sau này con cũng bị mất cắp tiền, hay bị lường gạt. Nhưng vì con tư duy theo nhân quả, có làm chuyện ác thì phải chấp nhận lãnh quả báo ác cho nên con không giận những người hại con, và sau này khi biết tứ vô lượng tâm thì con còn thương họ nữa. Thầy dạy một nhân ác thì có nhiều quả, cho nên con nghĩ vì một nhân giết hại bồ câu mà bao nhiêu bồ câu được sanh ra. Con nghĩ chắc là đúng như vậy vì sau này khi đi làm nghề lái xe buýt, trong sân bãi đậu xe có vài chục con bồ câu, không hiểu sao con có ý cho chúng ăn mỗi ngày. Con nghĩ phải có nhân duyên với nhau thì ngày nay ta mới gặp chúng, lúc đó con chỉ nhớ tới hành động giết bồ câu của con. Chỉ một lần phạm tội sát sanh như vậy mà trong đời phải chịu tai hoạ thật khủng khiếp, sống chết sao mà dễ thế như một sợi mành.
Con còn nhớ khi con còn đi làm, các anh bạn thường mua dê về giết chiêu đãi con, sau này con nghĩ lại chính mình bây giờ mặc dầu đã ăn chay, nhưng vẫn phải nghe tới các câu chuyện ăn lẩu dê, con nghĩ chắc là cũng do nhân quả của con mà ngày nay con phải nghe những câu chuyện đáng thương đó, biết đâu những con dê đó chính do mình tạo ra. Rồi một nhân đó tạo ra nhiều quả, khiến nhiều người trong gia đình ăn, lúc đó trong quả này lại có nhân sanh ra biết bao con dê đáng thương. Đúng là nhân quả trùng trùng, thật ghê sợ.
Thấy rõ được những hành động ác của mình thì con càng cố gắng trau dồi tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả nhiều hơn, để chuyển hoá từng ý nghĩ, việc làm và lời nói luôn luôn thiện.
Mong rằng mọi người khác cũng thấy được rõ nhân quả như những gì con thấy, và biết cách áp dụng các phương pháp hành thực tế trên vào cuộc sống của mỗi người. Khi đó mọi người sẽ thấy được hạnh phúc chân thật của cuộc đời.