Là sự biết ơn với những người giúp đỡ mình trưởng thành, giúp mình hiểu biết, giúp đỡ mình trên mọi phương diện trong cuộc sống từ việc nhỏ tới việc lớn.
Đạo đức biết ơn thể hiện qua câu cám ơn, cái mỉm cười, cái gật đầu, cái chấp 2 tay xá, sự tặng quà và sự thăm viếng nhau.
Đạo đức biết ơn giúp cho con người tăng đạo đức nhân bản, luôn biết giúp đỡ, phục vụ mọi người, không kể công lao, sẵn sàng làm việc tốt hy sinh cả bản thân, mong rằng đem lại niềm vui cho mọi người và mọi loài vật.
Trong thưc tế đời sống hằng ngày chúng ta đã từng kinh nghiệm qua bản thân rất nhiều từ nhỏ cho tới lớn, ví dụ như:
- Nhớ ơn Thầy, Cô giáo dạy ở các trường. Đối với con thì không thể nào quên được những công ơn của những người tạo duyên cho con biết được Phật pháp, và công chỉ bảo dạy dỗ của Thầy, Cô Út.
- Biết ơn sự chăm sóc và khám bệnh của các y tá, Bác sĩ.
- Biết ơn công nuôi dạy của Cha Mẹ, và những lời chỉ dạy của từng người trong gia đình, bà con, bạn bè.
Chúng ta hãy biết ơn tất cả mọi người giúp đỡ ta trong cuộc sống hằng ngày. Đừng xem những công việc bình thường đó không ảnh hưởng đến sự trôi chảy, thuận buồm xuôi gió của cuộc sống của chúng ta. Hãy cám ơn mọi người để mọi người biết giá trị việc làm của mình.
Biết ơn anh tài xế xe buýt, anh lái xe ôm, xe xích lô, anh bán vé, các chị bán đồ ăn ngoài chợ, các người quét rác, đổ rác, anh đưa thơ, anh tính tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại v.v..
Con có một anh bạn luôn oán trách một bác làm ăn chung với anh ta. Bác đó đã dạy cho anh ta nghề sửa máy, khuyên và động viên anh ta học xong đại học, cho cổ phần tiệm sửa máy cho anh ta 50%. Đối xử với anh ta như con, luôn luôn chỉ những khuyết điểm của anh ta cho anh ta thấy để sửa sai. Vậy mà khi làm ăn chung thì tiền bạc không sòng phẳng thì anh ta giận bác và thường nói xấu sau lưng bác. Con chỉ biết khuyên rằng anh ta nên bỏ những ý nghĩ xấu đó đi và hãy sống tôn trọng và biết ơn bác như một người cha. Nhưng anh ta thì không chịu nghe và con thấy điều đó làm cho anh ta khổ quá và thật tội nghiệp cho anh ta.
Sự biết ơn là nghệ thuật nhạy cảm đối với những hành động thiện chí của mọi người. Từ một việc nhỏ cho tới việc lớn, ví dụ khi mình đang nói chuyện với bạn bè thì các em trong nhà hay cháu làm nước, mang bánh ra mời, lúc đó mình phải nói lời cảm ơn, với cái nhìn mỉm cười, nói một câu khen tặng để động viên các em hoặc cháu trong tương lai.
Đôi khi có trường hợp thật khó cho những người không biết cách tỏ lòng biết ơn, nhưng nếu ta thật lòng, muốn thể hiện tấm lòng biết ơn thì dù cho có ngại ngùng, câu văn không trôi chảy vẫn làm cho người nghe hiểu được và vui mừng.
Người có đạo đức biết ơn luôn thấy mọi điều thiện từ mọi người, nghĩa là mọi người dù có nói, hành động như thế nào thì ta biết rằng mọi người đều muốn tốt cho ta. Dù đó là một lời nói trái ý, một câu la mắng, một lời ngăn cản.
Người không có đạo đức biết ơn thì khó gặp được mọi người giúp đỡ, và nếu có thì chỉ có một lần thôi. Vì khi được người khác giúp đỡ mà ta không tỏ thái độ biết ơn thì người ta sẽ ngại tiếp xúc với ta. Và khi có thái độ không biết ơn thì sẽ làm nhụt chí của những người có thiện tâm. Vì thái độ biết ơn là cách để động viên những người có thiện tâm.
Do đó chúng ta đừng quên nói lời nói biết ơn, một lời cảm tạ, một vật tặng nhỏ, một cái mỉm cười, cái nhìn tri ân v.v.. đều là những kích tố cho đạo đức nhân bản của con người trên hành tinh này, và từ những sự biết ơn này mà bao cuộc sống của những người khác sẽ tốt hơn.