Tu sinh Kim Quang
LỜI GIỚI THIỆU
Trước đây khi chưa biết Phật pháp cuộc đời của con không có định hướng, sống trong ác pháp mà không biết, chỉ biết sống theo như mọi người khác trong xã hội, chạy theo các đòi hỏi của bản thân để đảm bảo có cuộc sống tốt đẹp. Do đó thuờng xuyên tích lũy kiến thức thế gian từ trường lớp, xã hội, bạn bè, sách báo,… để gom lại xây dựng cho mình một thế giới hoàn hảo dưới con mắt của mình. Thế giới đó phần nhiều là tưởng, dục vọng và phán xét mọi chuyện theo con mắt đúng sai, chứ không hề có khái niệm như thế nào là thiện ác, không bao giờ làm việc gì mà suy nghĩ rằng hành động và lời nói này có làm đau khổ mình, khổ người hay khổ mọi loài chúng sanh khác hay không? Vì sao vậy?
Trong suốt 30 năm đầu của cuộc đời, con không bao giờ có ý thức về tìm hiểu đạo đức. Ở trường lớp, ở gia đình, ở bạn bè và ở người thân con cũng không được nghe nhắc tới. Sau đó con bắt đầu tò mò muốn tìm hiểu những đạo lý của người xưa trong đối nhân xử thế từ Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh tử, Tôn Tử. Còn Phật giáo là một tôn giáo nên dưới con mắt của con thì cũng chỉ là dạy con người làm điều lành, tránh xa điều dữ và dạy con người cầu nguyện hay xin xỏ những gì mình muốn. Do đó con không bao giờ có ý đi tìm sách Phật mà đọc.
Vậy mà sau khi sang Mỹ do tò mò muốn biết thiền là gì, cơ duyên với Phật pháp đã đến với con. Người bạn dẫn con vào thiền viện giải thích cho con sơ qua cách ngồi thiền và cách thở, rồi đưa cho con khoảng gần 10 quyển sách về Phật giáo và thiền.
Từ khi đọc sách về Phật giáo con mới tìm ra được những câu trả lời cho những thắc mắc của con từ bao lâu và làm cho con sáng tỏ mọi thứ như luật vô thường của vạn vật, vô ngã, sự bất toại nguyện của cuộc đời, mọi đau khổ của cuộc đời này là do lòng tham, lòng sân, lòng si mê, lòng kiêu mạn và lòng nghi ngờ của con người. Và muốn chấm dứt mọi đau khổ thì chỉ có cách diệt sạch lòng tham, sân, si, mạn và nghi đó.
Chỉ cần đọc đến đây thôi là lòng con đã nhẹ nhõm, như tìm thấy một mảnh đất mới của cuộc đời. Càng đọc con càng nhận ra đức Phật là một con người thật chỉ dạy và phân tích rõ những ác pháp xung quanh chúng ta và chỉ cách diệt trừ chúng thôi chứ đâu có dạy cầu xin gì đâu. Chỉ cần bỏ các ác pháp xuống thì thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Con nhạn ra rằng đạo Phật rất thưc tế, sát với cuộc sống của con người, không trừu tượng và không mơ hồ. Đem lại hạnh phúc thật sự cho con người trên hành tinh này.
Sau này có duyên đọc được sách của Thầy Thông Lạc thì càng hiểu rõ thêm về đạo Phật. Ví dụ như đạo Phật dạy cái gì, cái gì không phải của Phật giáo và những lời Phật dạy sống và tu tập như thế nào để giúp cho chính mình giải thoát khỏi các ác pháp.
Và càng nghiên cứu nhiều, cộng với áp dụng các lời Phật dạy vào cuộc sống thì con cảm thấy có hiệu quả là tâm giảm bớt tham, sân, si, mạn và nghi. Càng học nhiều thì con mới nhận thức được toàn bộ giáo lý của đạo Phật chỉ nhắm vào hai chữ “đạo đức”, đó là đạo đức nhân bản nhân quả của con người.
Kính ghi
Kim Quang
³³³
LỜI BẠT
Để hiểu rõ đạo đức là gì ta hãy bắt đầu tìm hiểu Đạo là gì? và Đức là gì? Theo con nghĩ “ĐẠO”là con đường đúng, là kim chỉ nam, là lẽ phải. Còn “ĐỨC”là điều tốt lành. Đạo đức là con đường dẫn tới những điều tốt lành.
Vậy trong cuộc sống của ta đạo đức tồn tại nơi đâu? Chỉ có con người có sự hiểu biết, có suy tư, biết phân biệt thiện ác và hiểu rõ ý nghĩa của đạo đức. Vậy thì đạo đức chỉ áp dụng cho con người. Môi trường hoạt động của con người ở đâu thì ở nơi đó cần phải có đạo đức. Nghĩa là trong mọi lãnh vực trong cuộc sống và trong mọi ngành nghề, không bỏ sót nơi nào.
Nói đến hai chữ “ĐẠO ĐỨC”thì ai cũng biết nhưng hiểu rõ tiêu chuẩn của đạo đức dựa trên cơ sở nào thì ít ai biết. Đức Phật đã xác định tiêu chuẩn của đạo đức dựa trên các điều kiện sau:
- Không làm khổ mình.
- Không làm khổ người.
- Không làm khổ chúng sanh.
Chỉ có con người và các loài động vật thì thuộc hệ phát triển bậc cao nên có được những cảm xúc như vui mừng, đau, buồn, giận dữ, hài lòng, lo lắng… Ví dụ biết đau đớn thì gương mặt nhăn nhó, miệng la, rên, kêu; khi vui mừng thì khuôn mặt của con người cười, con chó thì quẩy đuôi, khi giận dữ thì gương mặt đỏ lên, hai mắt to ra, ánh mắt rất sắc bén và nóng như 2 ngọn lửa, còn con vật thì nhe răng ra, khuôn mặt nghiêm lại như đang chuẩn bị tư thế chiến đấu…
Cái chữ “khổ” ở đây là ý chỉ khi thân tâm của người hoặc con vật bị đau, buồn, giận dữ, bực tức, bất toại nguyện, không hài lòng, bức rức, khó chịu, lo lắng, sợ hãi…
Đạo đức này đức Phật gọi là đạo đức nhân bản nhân quả là nền đạo đức dành cho con người. Giúp cho con người dựa theo những tiêu chuẩn trên mà đối nhân xử thế với nhau, với mọi loài vật khác và với mọi loài có sự sống trên hành tinh này.
Cụ thể hơn khi áp dụng đạo đức vào thực tiễn, chúng ta hãy xem vài khía cạnh gần gủi nhất xảy ra xung quanh cuộc sống của chúng ta như:
- Đạo đức với chính mình, với người.
- Đạo đức Cha Mẹ và con cái.
- Đạo đức vợ chồng.
- Đạo đức học trò.
- Đạo đức của con người ngoài đường phố.
- Đạo đức của con người ở nơi làm việc.
- Đạo đức của con người với con vật - Đạo đức hiếu sinh.
- Đạo đức của con người với các loài thảo mộc.
- Đạo đức của con người với mội trường sinh thái v.v..
Qua việc áp dụng những lời của Phật và Thầy dạy vào cuộc sống va chạm của con hằng ngày, con xin thuật lại những gì con hiểu trong việc áp dụng những lời Phật và Thầy dạy.
Những gì được viết sau đây không phải là những lời khuyên hay kim chỉ nam cho mọi người. Do đó nó không phải là lời dạy đạo đức. Mà đây là sự trình bày cách xả tâm dưới những hiểu biết của con. Về cách viết văn theo đúng dàn bài logic thì chắc con không làm được và con biết con không có khiếu viết văn. Con viết theo những nhận thức của con về các pháp xung quanh; là những gì con cố gắng áp dụng vào đời sống để xả tâm.
Kính xin Thầy chỉ dạy cho con rõ thêm những gì còn sai sót và thiếu chưa đủ, để con thấy rõ và áp dụng xả tâm cho đúng những lời Phật và Thầy dạy.
Kính ghi
Kim Quang