TIÊU CỰC

Câu hỏi củaTừ Hạnh

Hỏi: Kính thưa Thầy, con muốn giữ hạnh đi khất thực ngày một bữa, nhưng thân con bệnh thấp khớp, tâm con còn yếu chưa xả ly ghét bỏ được thân này, vì vậy con cần phải có thời gian nhàn rỗi thư giãn, tu tập sức tỉnh thức, gạn lọc lậu hoặc, diệt ngã, xả tâm cho tốt và pháp hướng phải có hiệu quả, ngược lại ra ngoài lao động nhiều, mệt mỏi tu tập rất khó, sức tỉnh thức mất dần, pháp hướng tâm không được hiệu quả.

Con thích tu hơn, dù miếng ăn có cực đơn điệu mà tâm thanh thản hơn là ăn ngon, mà bị bất an, khó tu.

Kính tthưa Thầy, những ý kiến trên đây là của con có đúng không? Xin Thầy mở lòng từ bi chỉ dạy chỗ sai quấy để con sớm diệt trừ, phát huy cái tốt, cái cần cho sự tu tập ở ngày nay cũng như ngày mai, con xin thành kính tri ân.

Đáp: Hạnh đi xin ăn là đức hạnh cao quý và giải thoát nhất của vị tu sĩ đạo Phật, là Chánh Nghiệp của bậc thánh tăng, chứ không phải những loại người đi xin ăn thường tình (xin tiền), nó có nhiều ý nghĩa trong đường tu tập giải thoát của đạo Phật. Nhờ đức hạnh đi xin này mà kết quả xả tâm ly dục, ly ác pháp rất dễ dàng, cụ thể và rõ ràng, đi xin ăn ngày một bữa, không xin tiền xin bạc, chỉ xin thực phẩm vừa đủ ăn trong một bữa, đó là thánh hạnh của bậc chơn tu Phật giáo, chứ người thường tình thế gian không thể sống như vậy được. Hạnh đi xin ăn có nhiều ý nghĩa của cuộc sống giải thoát như:

1-        Giải thoát được thân, tâm không bận tâm lo đời sống ăn uống hằng ngày như: nấu, nướng, trồng, trỉa, gặt, hái v.v..

2-        Gieo duyên lành với chúng sanh, hay nói cách khác là tạo mối liên hệ để dẫn dắt chúng sanh tu hành giải thoát sau này, gọi là hóa duyên độ chúng sanh.

3-        Diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp.

4-        Lập hạnh nhẫn nhục.

5-        Lập hạnh tùy thuận.

6-        Lập hạnh xả vật chất.

7-        Lập hạnh giải thoát tâm phóng khoáng như hư không.

8-        Lập hạnh phòng hộ sáu căn.

9-        Lập hạnh thiểu dục tri túc.

10-    Cuộc sống trầm lặng và đơn giản giữa mọi người.

Đó là 10 điều lợi ích của đức hạnh đi khất thực, nó vừa trực tiếp với các đối tượng nhưng lại ngầm bên trong tâm gián tiếp lập đức hạnh thánh tăng của một người tu sĩ đạo Phật, có một đời sống, bằng nhữnghành động sống, thật sự đạo hạnh của người tu sĩ chân chánh.

Theo như mọi người tu thiền định hiện giờ, họ tự nghĩ: phải sống nhập thất suốt ngày này qua ngày khác, không làm việc gì cả, chỉ có chuyên ròng tu tập mà thôi. Với ý nghĩ này, không đúng với tinh thần buông xả của đạo Phật. Tại sao vậy? Tại vì ở trong thất tu tập như vậy, tức là ức chế tâm, trái ngược lại đạo Phật là đạo xả tâm (ly dục, ly ác pháp), nên hạnh đi khất thực là một hành động tu trực tiếp đối với các pháp để xả tâm của mình, trừ trường hợp lúc nhập định mà thôi.

Thời đức Phật còn tại thế, các vị tỳ kheo phải đi khất thực vào buổi sáng trước giờ ngọ, ngay cả nhữngngười già yếu cũng phải đi xin ăn, chính như đức Phật đã già tám mươi tuổi mà vẫn còn đi xin ăn hằng ngày như những vị tỳ theo khác.

Đi khất thực vào buổi sáng có tu tập được gì không? Có mất thời gian tu tập không?

Lấy thời gian buổi sáng đi khất thực là phải nói rằng: chính buổi sáng là thời gian tu tập nhiều nhất, nhất làgiao tiếp với các pháp, người tu sĩ nhờ có các đối tượng để tu tập xả tâm như:

1-        Đi khất thực, khi ra khỏi tu viện các thầy tỳ kheo cần phải phòng hộ sáu căn, mắt nhìn xuống, tai nghe sự hoạt động trong thân, ý phải giữ gìn chánh niệm trong hành động bước đi, đó là ngăn ác pháp (Tứ Chánh Cần), khi tâm có khởi niệm gì, đều phải quán vô lậu quét sạch, tức là diệt ác pháp.

2-        Giữ tâm trong chánh niệm tỉnh giác, (thân hành niệm nội ngoại), hơi thở hoặc bước đi.

3-        Trải tâm từ trên bước đi, tránh dậm đạp chúng sanh (Tứ Vô Lượng Tâm từ, bi, hỷ, xả).

Trong một ngày, một đêm tu tậpcó ba thời tu trong cảnh tịnh (chiều, tối, khuya) còn thời gian buổi sáng tu trong cảnh động phòng hộ và xả tâm trong các đối tượng. Chiều, tối, khuya tu rất dễ, chỉ có buổi sáng tu rất khó. Ba thời tu “tỉnh thức”, một thời tu “chánh niệm”. Nhờ có chánh niệm mới diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp.

Bởi vậy, cố tránh ngoại cảnh để tu, tức là trốn tâm mình, trốn tâm mình khó mà thực hiện được chánh niệm, chánh niệm không thực hiệnđược thì tâm không bao giờ xả, mà tâm không xảđược thìlàmsao ly dục, ly ác pháp được, mà không ly dục, ly ác pháp được thì làm sao nhập được Bất Động Tâm và nhập được Sơ Thiền, nhập Bất Động Tâm chẳng được thì làm sao nhập Sơ Thiền được. Nhập Bất Động Tâm chẳng được thì dù có tu ngàn kiếp cũng chẳng làm chủ được sanh tử luân hồi.

Hiện giờ, trong đất nước chúng ta, không thể thực hiện hạnh đi khất thực được, vì những bậc thầy tổ đã chịu nhiều ảnh hưởng giáo lý kinh sách phát triển Bà La Môn, nên đã bỏ hạnh đi khất thực từ lâu. Tu như các thầy theo kinh sách phát triển, giới luật không nghiêm chỉnh, đức hạnh không có, ai mà cúng dường. Do đó, chỉ còn cách đi tụng niệm, cúng bái làm ma chay, làm những điều mê tín để mà sống. Vì thế, trong chùa phải tự tổ chức nấu ăn như người thế tục và ăn ngày ba bữa, do ăn uống nhiều quá, nên phải tổ chức lao động cày cấy, trồng trọt như tổ Bách Trượng đã dạy: “nhất nhựt bất tác, nhất nhựt bất thực, có nghĩa là mộtngày không làm là một ngày không ăn”,đó là những chùa ở nông thôn, còn những chùa ở thành thị không có cày cấy trồng trọt được, nên phải tổ chức lễ lộc cúng bái làm những điều mê tín dị đoan để lừa đảo tín đồ nhẹ dạ, lạc hậu, phần nhiềulà phái nữ, lấy nghềcúng bái, tụng niệm hoặc đi thuyết giảng lung tung mà mình tu hành chẳng được những gì, chỉ toàn vọng ngữ hoặc đi hành hương chùa này, chùa khác để kiếm lời trong mỗi chuyến đi, để làm sự sống. Sự sống của tu sĩ Phật giáo hiện giờ là một sự trao đổi, bằng cách buôn Phật, bán pháp và khéo lừa đảo, bằng sự mê tín không chơn chánh, phi đạo đức.

Thời đại hiện giờ, nếu muốn giữ được Chánh Nghiệp của Phật giáo thì phải khéo léo tổ chức, nhờ các cư sĩ có nhiệt tâm với Phật giáo, để trợ duyên trong giai đoạn đầu cúng dường sớt bát, giải quyết về đời sống của tu sĩ để họ còn giữ gìn hạnh đi xin ăn, chính nhờ đó, mới thực hiện được đời sống giải thoát, có thực hiện được như vậy thì tâm họ mới ly dục, ly ác pháp, còn ngược lại, không giữ được hạnh đi xin thì lần lượt sẽ phạm và phá các giới luật, vì vậy, phạm hạnh của người tu sĩ không còn nữa.

Đồng thời vừa đi xin ăn, cũng vừa phải tổ chức cho tu sĩ mỗi ngày có năm mười phút lao tác nhẹ như quét dọn vệ sinh chung quanh thất hoặc giảng đường, để họ vừa tu trong hành động lao tác và cũng để cho chung đụng với các đối tượng bên ngoài, đó là thực hiện các pháp phòng hộ tâm, tức là cách thức sống trầm lặng độc cư, nhẫn nhục, tùy thuận và buông xả v.v.. Nhờ có những buổi lao tác này, tu sĩ mới thực hiện chánh niệm, xả tâm ly dục, ly ác pháp, chính vì những lối tu như vậy, người tu sĩ mới thấy được sự giải thoát của đạo Phật trong cuộc sống rất cụ thể và rõ ràng. Nếu không có những buổi lao tác vệ sinh chung như vậy và không có các đối tượng để tu tập chánh niệm xả tâm, mà cứ an nhiên ở trong thất tu tập thiền định thì bị ức chế tâm. Và vì vậy, dù có tu tập suốt ngàn đời muôn kiếp cũng chẳng nhập được thiền định gì cả. Nếu cứ ở trong thất mà tu tập thiền định, để được nhất tâm bất loạn, thì đó là những loại thiền ức chế tâm, chứ không phải thiền xả tâm và tu như vậy thì chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, chỉ đó là hình thức tu thiền để lừa đảo người khác mà thôi, chứ chẳng có ích lợi gì, phải nói rõ hơn, đó là một trò lừa bịp, bằng thần thông tưởng.

Mục đích và đường lối tu tập của đạo Phật là diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp, cho nên những pháp tu tập đều nhắm vào ngăn ác diệt ác, sanh khởi thiện, tăng trưởng thiện pháp khiến cho tâm được an vui và thanh thản hoàn toàn, đó là tâm thanh tịnh, tâm giải thoát, tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi che mờ nữa và không còn có thất kiết sử trói buộc, nó là tâm bất động của đạo giải thoát, chính đó mới là thiền định của đạo Phật.

Nếu con không hiểu được vậy, mà cứ ở trong thất tu tập tỉnh thức trong cảnh tịnh, thì tỉnh thức kia, chỉ là tỉnh thức tưởng sẽ rơi vào trạng thái tĩnh lặng tưởng, thì không thể nào giải thoát tâm con được, mà còn có thể đưa con đến con đường tà thiền tà định, như các thầy tổ của chúng ta đã bị lạc đường theo giáo pháp kinh sách phát triển từ xưa đến nay.

Con phải tỉnh thức ngay trong các đối tượng, thường sống chánh niệm, để tâm con ly xả, từ bỏ và viễn ly các ác pháp. Có như vậy, sự tu tập của con mới thực tế và cụ thể giải thoát, đừng lầm lạc vào giáo pháp phát triển, vì giáo pháp của kinh sách phát triển chỉ dạy cách thức tu tập không có pháp hành, thường lý luận suông bằng những danh từ, có khi rất trừu tượng, mơ hồ, viễn vông thiếu thực tế, phi đạo đức, khiến cho người tu tưởng mình đã giải thoát theo ngôn ngữ, nhưng nào ngờ, giải thoát đâu không thấy, chỉ thấy bỏ công lao tu tập đến khi gặp việc gì thì tâm nào cũng còn tật nấy. Rốt cuộc chỉ bị kinh sách phát triển lừa đảo bằng miệng lưỡi với những danh từ triết lý suông.

Lao tác của người tu hành là lao tác trong tu tập, chứ không phải lao tác làm ra của cải (kinh tế), cho nên lao tác mà không có mệt nhọc và không có lo lắng, còn lao tác mệt nhọc và lao tác lo lắng là lao tác làm ra cơm gạo để sống (lao tác kinh tế), nên sự lao tác đó phải có sự tư duy, suy nghĩ kỹ lưỡng, do sự lao tác như vậy, nên tâm hồn không được thanh thản, an lạc và vô sự.

Lao tác để tu tập, chính là nhờ vào sự lao tác hoạt động của thân thể, để nương vào hành động đó mà tâm được tỉnh thức nên thường nhớ hướng tâm như lý tác ý, ly dục ly ác pháp, lao tác như vậy, gọi là lao tác tu tập để xả tâm; lao tác như vậy là để thư giãn tinh thần; lao tác như vậy là để sống độc cư, trầm lặng; lao tác như vậy là để phòng hộ sáu căn; lao tác như vậy là để tu tập Tứ Vô Lượng Tâm; lao tác như vậy là để tu tập tịnh chỉ ngôn ngữ; lao tác như vậy là để rèn luyện đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.

Người tu hành theo đạo Phật, phải hiểu lý của đạo cho rõ ràng, biếtmục đíchcủa đạo phải cụ thể, không được mơ hồ trừu tượng và còn phải biết cách tu tập cho đúng, phải nương theo mọi cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc xảy ra, phải biết giữ gìn tâm, phòng hộ tâm, mà còn phải biết tu đức hạnh tùy thuận, nhẫn nhục, bằng lòng trước các đối tượng, mọi hoàn cảnh và mọi sự việc đều phòng giữ tâm, xả tâm, diệt tâm, viễn ly và từ khước các ác pháp v.v..

Tu mà còn thích cảnh này, cảnhkia, sống phải như thế này, sống phải như thế kia, ăn như thế này, ăn như thế kia v.v.. Thích cảnh tịnh, sợ cảnh động, thích nhập thất ở không, thích ngồi nhiều, thích khổ hạnh, thích giản dị, thích tự do và tự tại theo ý muốn của mình v.v.. Đó là cách tu theo lòng ham muốn của mình, tu như vậy là tu tránh né cảnh và các pháp, không bao giờ có sự giải thoát.

Tu là buông xả sự ưa thích, hammuốn trước cảnh, trước pháp, trước mọi cảnh mọi pháp nào, tâm chúng ta phải đều buông xả cho được, đó chính là tu tập thiền định của đạo Phật, còn không tu hành đúng như vậy là tu tập tà thiền ngoại đạo.

Con phải nhớ lấy cảnh động và dùng pháp hướng tâm như lý tác ý, đểgiúp tâm con xa lìa ác pháp và lòng ham muốn,nhờ đó tâm được tịnh, đó là giải thoát ngay liền; đó cũng chính là thiền định chơn chánh của đạo Phật, đừng nên tránh né trốn cảnh mà tu, đừng nên lý luận“tâm còn yếu”,để rồi tránh cảnh thì tu ngàn kiếp cũng chẳng ra gì!

Đừng nghĩ rằng, tâm con còn yếu không dám đương đầu với nghịch cảnh, tu như vậy không đúng cách của đạo Phật là hèn nhát con ạ! Tu là phải nhiệt tâm, gan dạ, kiên trì, phải đầy đủ nghị lực quyết chiến, quyết thắng, phải đem hết sức lực của mình ra chiến đấu đến tận cùng, để tâm hồn mới được thanh thản, an lạc và vô sự, chỉ những người có nhiệt tâm, nhiệt huyết muốn ra khỏi cuộc đời đầy đau khổ thì việc tu tập này không còn khó khăn nữa.

Con nên nhớ, người tu sĩ đạo Phật là một dũng tướng như Triệu Tử Long ở trận Đương Dương Trường Bản, có như vậy mới chiến thắng được nội tâm.