LỜI PHẬT DẠY 1/ Tránh tranh luận 2/ Tránh chỉ trích 3/ Tránh phạm giới 4/ Tránh lý luận 5/ Tránh hội họp |
|
CHÚ GIẢI:
Đức Phật dạy: “Tránh tranh luận”.Tranh luận hơn thua là một điều tai hại nhất trong đời tu hành, vì còn tranh luận là còn bản ngã to lớn. Muốn hơn người mới tranh luận, tranh luận hơn thua thì mệt thân, mệt trí dễ sinh tâm tức giận ăn không ngon ngủ không yên. Vì thế đức Phật ngăn cấm đệ tử của mình không được “Tranh luận”.Lời tranh luận không phải là lời nói oai nghi tế hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Người tu sĩ Phật giáo có lớp học về ái ngữ. Lớp ái ngữ dạy: Người có ái ngữ là người không có tranh luận hơn thua với bất cứ một người nào. Người tranh luận hơn thua là người không có ái ngữ đó là một điều xác quyết chắc chắn. Người tu sĩ Phật giáo thấy ai nói hơn thì mình chịu thua, nhịn thua, không tranh luận với họ.
Hành động không tranh luận hơn thua với nhau là hành động đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Vì thế người đệ tử của Phật phải vâng theo lời dạy của Người sống không tranh luận hơn thua bất cứ một người nào trong xã hội.
--o0o--
Đức Phật dạy:“ Tránh chỉ trích”.Người tu theo Phật giáo không được chỉ trích nói cái xấu của người, luôn luôn thấy lỗi mình, không thấy lỗi người.
Người tu theo Phật giáo thường thể hiện lòng thương yêu (tâm từ) thì làm sao chỉ trích nói xấu người khác được. Cho nên đức Phật cấm: “Không được chỉ trích nói xấu người khác”,khi tu hành chưa xong. Người ta làm ác nói xấu, chỉ trích kẻ khác là họ đã gieo nhân quả xấu ác thì họ phải gặt lấy những quả không tốt, quả phiền não, lo toan, sợ hãi và những quả khổ đau bất tận v.v..
Những quả khổ đau ấy có liên quan gì với chúng ta đâu mà chúng ta chỉ trích nói họ làm gì. Chúng ta hãy thản nhiên im lặng như thánh có lợi ích hơn không?
Chúng ta là những đệ tử của Phật nên ghi khắc những lời dạy này trong tâm, đừng bao giờ quên:“Tránh chỉ trích”người khác, dù bất cứ một người nào.
--o0o--
Đức Phật dạy: “Tránh phạm giới”.Giới luật của Phật là đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Vì thế, giới luật của Phật có một tầm quan trọng rất lớn và lợi ích cho loài người trên hành tinh này sống được yên vui, bình an, khoẻ mạnh nói chung và lợi ích rất lớn cho các hàng đệ tử của Phật, vì nó có công năng chuyển đổi nhân quả ác thành nhân quả thiện; chuyển đổi đau khổ thành yên vui; chuyển đổi tâm tham, sân, si thành tâm vô tham, vô sân, vô si nói riêng, vì giới luật của Phật là một phương pháp xả tâm ly dục ly ác pháp rất tuyệt vời. Nó chính là đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai. Cho nên nó là một đạo đức cao thượng tuyệt vời; nó không dành riêng cho những đệ tử của Phật mà cho tất cả loài người trên hành tinh này.
Người tu theo Phật giáo phải cố gắng tối đa tránh phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới dù là những giới nhỏ nhặt, nhưng phải cẩn thận giữ gìn nghiêm chỉnh, đừng nên xem thường mà con đường tu tập trở thành vô ích. Đừng nghĩ rằng giới luật của Phật chỉ dàng riêng cho những vị đệ tử tu sĩ của Phật. Không đâu quý vị ạ! Giới luật dành cho tất cả mọi người dù là tu sĩ hay cư sĩ đều phải nhớ lời Phật đã dạy bảo: “Tránh phạm giới”.
Người đệ tử Phật mà sống phạm giới phá giới thì còn mặt mũi nào, còn danh dự gì mà tự xưng mình dòng họ “THÍCH CA”,mình còn xứng đáng gì mà cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa. Hình dáng cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa của những kẻ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới mà dám mạo danh là Thích tử thì thật là trùng trong lông sư tử, tự những người này làm tỏ rõ bộ mặt giả dối, ví như một bầy dê chỉ có một con bò thì bầy dê đâu tự xưng mình là bầy bò được, dê là dê, bò là bò, dê không giống bò, bò không giống dê. Và lại đức Phật đã xác định: “Giới luật còn là Phật giáo còn, giới luật mất là Phật giáo mất”.Cho nên tu sĩ phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thì Phật giáo đã mất rồi, hiện giờ Phật giáo còn gì nữa. Phải không quý Phật tử?
Là những đệ tử của Phật chúng ta phải ghi nhớ lời dạy của Người:“Tránh phạm giới”.
--o0o--
Đức Phật dạy: “Tránh lý luận”.Lý luận là một cố tật của những người vô minh cố che dấu những lỗi lầm, những tật xấu thói hư, những sự ngu dốt của mình.
Người đệ tử của Phật phải vâng theo lời dạy của người TRÁNH LÝ LUẬN, ví lý luận để che đậy một sự thật là một tật xấu. Cho nên lý luận có hai mặt:
1- Lý luận để soi sáng cho một sự thật sai hay đúng, để dựng lại nền đạo đức nhân bản, mang lại sự yên vui cho loài người. Đó là sự lý luận đáng tán dương, ca ngợi, bái phục.
2- Lý luận để che đậy một hành động sai lầm, một hành động tội lỗi v.v..; lý luận để biểu dương một triết học ảo tưởng, một giáo điều sai lầm, một giáo pháp mê tín, hư ảo, nó sẽ đưa đến những hậu quả đau khổ cho loài người từ thế hệ này đến thế hệ khác; lý luận để bao che cho một lịch sử huyền thoại là một việc làm sai lệch với chánh sử, đó là một hành động tội lỗi với bao thế hệ của người sau.
Ở đây đức Phật khéo nhắc nhở những người đệ tử của mình nên cố tránh lý luận. Người không hay lý luận mới xứng đáng là đệ tử của Phật, người không lý luận là người im lặng như Thánh, chính là những hàng đệ tử thánh Tăng, thánh Ni và thánh Cư sĩ của đức Phật là như vậy.
--o0o--
Đức Phật dạy: “Tránh hội họp”.Hội họp là một điều bất lợi trong việc tu hành, vì tụ họp hay sinh ra chia phe nhóm; vì hội họp sinh ra nhiều chuyện khiến cho cảnh sống tu hành bất an; vì hội họp tâm sinh phóng dật.
Đức Phật đã khẳng định: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.Cho nên hội họp là đi ngược lại con đường tu tập của Phật giáo; hội họp là nuôi dưỡng tâm phóng dật. Người tu tập theo Phật giáo mà thích hội họp thì đừng nên tu theo Phật giáo vì có tu theo Phật giáo cũng chỉ phí công sức mà thôi. Trong tu viện thấy những ai hội họp nói chuyện là biết ngay những người ấy tu hành sai đường lối của đạo Phật.
Tu viện rất thương xót và lo lắng cho đường lối tu tập của Phật giáo, nếu tu sĩ thích hội họp mà tu tập như thế này thì không bao giờ có người chứng đạt được chân lí. Và không bao giờ có người chứng đạt được chân lí thì con đường Bát Chánh Đạo sẽ bị mai một và bị chôn vùi một lần nữa, như vậy không biết chừng nào sẽ dựng lại được nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo cho loài người.
Đức Phật vì lòng thương xót chúng ta đã khuyên nhắc và răn cấm: “Tránh hội họp”.Thế chúng ta không nghe lời khuyên dạy này thì còn nghe ai hỡi quý vị?
Trên đường tu tập để đến mục đích giải thoát, đức Phật vì lòng thương xót chúng ta đã khuyên răn, nhắc nhở và còn ngăn cấm, có năm điều cần nên tránh. Nếu chúng ta không nghe lời dạy này thì con đường tu tập của chúng ta sẽ không đi đến đâu cả, uổng công, mất thì giờ, vô ích.