1- Trong mọi thời gian, không bỏ sót một phút giây nào cả, đều phải nhắc tâm: “Tâm như cục đất phải ly dục ly ác pháp, không giận hờn thương ghét ai hết, phải thanh thản, an lạc và vô sự; phải bất động tâm trước các ác pháp và các cảm thọ”.
2- Một ngày đêm phải tu tập ngồi kiết già hay bán già lưng thẳng hoặc bất cứ một tư thế ngồi nào trong bốn thời, miễn sao cách thức ngồi phải thoải mái dễ chịu v.v.. Người mới tu mỗi thời năm phút dần dần tăng lên 30 phút. Và tất cả các thời gian khác trong ngày đêm đều có thể chia ra trong nhiều tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi nào cũng được, miễntư thế ấy phải tĩnh giác, thoải mái dễ chịu để nhiếp tâm và an trú tâm.
3- Người mới bắt đầu tu tập hơi thở, mỗi ngày tập bốn lần, mỗi lần mười hơi thở, hai mắt tập nhìn chóp mũi, chú ý nơi nhân trung cạnh chân mũi, chỗ hơi thở đi ngang ra vào. (Nếu có căng đầu thì dừng lại không được tu tập tiếp phải thưa hỏi kỹ lại pháp tu).
4- Tập thở hơi thở bình thường, mười hơi thở rồi nhắc tâm: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, tiếp tục tu năm phút xả nghỉ, lần lượt tăng dần lên đúng ba mươi phút.
5- Tập đi kinh hành mười bước đếm đúng mười bước thì lại hướng tâm: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”. Chỗ này phải lưu ý: đừng chú tâm vào hai nơi, một là hơi thở và hai là bước đi. Ở đây chỉ chú tâm vào bước đi thì mới đúng nghĩa là đi kinh hành. Chú ý tâm trên bước đi tức là cảm nhận bước đi. Tu tập trên pháp môn Tứ Niệm Xứ Phật dạy: Đi kinh hành là thân hành niệm ngoại còn gọi là Chánh niệm tỉnh giác định. Hơi thở là thân hành niệm nội còn gọi là Định niệm hơi thở. Các Tổ không rõ Định niệm hơi thở nên gọi Định niệm hơi thở là quán niệm hơi thở (Sổ tức quan). Khi đã tập được mười hơi thở không có một tạp niệm xen vào thì lại tiếp tục đứng dậy đi kinh hành đếm hai mươi bước đi kế tiếp. Trước khi đi thì phải hướng tâm “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”. Hướng tâm xong rồi bước đi từ bước thứ nhất cho đến bước hai mươi, cứ mười bước lại hướng tâm một lần nữa, khi đếm hai mươi bước thì lại tiếp tục hướng tâm. Hướng tâm xong, thì lại tiếp đếm bước hai mươi mốt cho đến ba mươi, cứ đếm như vậy cho đến 100 bước. Nếu đếm như vậy thấy không tiện thì nên đếm từ một đến mười rồi đếm trở lại một đến mười. Nếu có tạp niệm xen vào thì nên lui lại 50 bước, 50 bước còn có tạp niệm xen vào thì lui lại 10 bước xả nghỉ. Xả nghỉ năm phút rồi đi kinh hành lại.
6- Quán xét thực phẩm bất tịnh để tâm không còn ưa thích ăn uống ngon béo ngọt bùi.
7- Quán xét đời sống con người khổ để xa lìa tâm tham đắm vật chất thế gian.
8- Quán xét thân vô thường sự sống chết như chỉ mành treo chuông để tinh tấn tu tập diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp.
9- Quán xét bệnh là khổ để siêng năng tinh tấn tu hành, tập làm chủ bệnh.
10- Quán xét tâm tham, sân, si, mạn, nghi là ác pháp, là nguy hiểm, là đau khổ. Để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.
11- Quán xét thân bất tịnh để phá tâm sắc dục không ham thích phụ nữ.
12- Quán xét tâm vô thường để không bị lầm chấp tâm là linh hồn, là Phật Tánh, là Bản thể vạn hữu.
13- Quán xét thọ vô thường để tâm bất động khi gặp thọ khổ chẳng hề sợ hãi.
14- Quán xét các pháp vô thường để tâm không tham đắm và dính mắc, không sinh ra năm dục trưởng dưỡng.
15- Quán tâm từ để không làm đau khổ chúng sanh, để tâm không sân hận.
16- Quán tâm bi để không làm thương tổn chúng sanh.
17- Quán tâm hỷ để tha thứ lỗi lầm của kẻ khác và không thù oán ai hết.
18- Quán tâm xả để tâm thanh thản an lạc vô sự và bất động trước các ác pháp và các cảm thọ.
19- Khi mọi hoàn cảnh bất an hoặc tai nạn, bệnh tật thì quán xét nhân quả.
20- Mỗi ngày ít nhất phải nhắc tâm một lần, tức là như lýtác ý: “chỉ trong đời này ta phải tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết”.