HỘI HỌP

Câu hỏi của Liễu Tâm

Hỏi:Kính thưa Thầy!Con thưa Thầy, có năm pháp cho người mới tu cần nên tránh, con thấy có pháp tránh hội họp? Nay con hiểu câu này là không hội họp khi không cần thiết, càng tránh bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu? Nếu họp nhóm ít người, một tháng họp nhau để giúp nhau tu học, còn họp đông đúc thì phải hết sức tránh. Có bác cho là phải nên họp đông thì mỗi người bổ sung ý kiến hay hơn. Con xin Thầy từ bi chỉ giáo cho chúng con.

Đáp:Đường lối tu hành theo đạo Phật lấy độc cư làm cuộc sống, nên thường ca ngợi và thích sống trầm lặng, cô đơn một mình. Vì sống chung đông người tâm dễ sanh phóng dật. Muốn thành tựu giải thoát của đạo Phật thì người tu sĩ phải phòng hộ sáu căn, mà pháp phòng hộ sáu căn đệ nhất là pháp độc cư. Nếu không độc cư thì dù có tu bao lâu cũng chẳng đi đến đâu có nghĩa là chẳng bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Sống độc cư như vậy để làm gì?

Sống như vậy để tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm không dính mắc sáu trần, tâm không dính mắc sáu trần là phòng hộ sáu căn.

“Hội họp, nói nhiều, thuyết giảng lung tung, ý kiến này ý kiến khác, tức là tâm đang dính mắc pháp trần, phần đông đều bị kiến giải như vậy thì làm sao tu tập tâm thanh tịnh được”.

Tu theo đạo Phật, người nói nhiều là người tu chưa tới đâu, chỉ là tưởng giải hay nhai lại bã mía của người xưa, chứ chẳng có hay ho gì cả, giống như con chim học nói tiếng người.

Những người nói nhiều là những người tu chưa tới đâu. Muốn tu tới nơi tới chốn thì phải ngậm miệng lại nên đức Phật dạy: “Muốn ly dục, ly ác pháp thì phải tịnh chỉ ngôn ngữ”.

Tâm chưa ly dục, ly ác pháp mà nói pháp lung tung thì làm sao ly dục, ly ác pháp được, cho nên Phật cấm hội họp. Hội họp chẳng có lợi mà còn xảy ra những điều hơn thua, tranh chấp, khiến tâm bất an, tu hành khó khăn.

Các nhóm hội họp là để tu tâm độc cư, chứ không phải để nói chuyện, góp ý này hay ý kia.

Hội họp để sách tấn nhau độc cư tu tập, chứ không phải để thuyết giảng nói pháp lung tung; chứ đâu phải để khoe khoang sự tu hành của mình mà để nương nhau nỗ lực độc cư tu tập, tục ngữ xưa nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Nhưng có bạn là phải im lặng như Thánh.

Có bạn, nghĩa là không phải để phá độc cư, làm ồn náo, làm náo loạn; có bạn không có nghĩa là tu theo Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, sự sinh hoạt trong các chùa hiện nay theo kiểu gia đình Phật tử.

Sự sinh hoạt của gia đình Phật tử là sự sinh hoạt bắt chước theo “hướng đạo” (sói già). Đó không phải là sinh hoạt tu tập theo đạo Phật mà là sinh hoạt theo kiểu học tập của hướng đạo sinh, lồng trong khung giáo lý của đạo Phật.

Sự sinh hoạt thọ Bát Quan Trai cũng như tu tập thiền định, phần đông tu tập chỉ là hình thức, đặt ra câu hỏi để góp ý này, ý kia, tạo những sự dính mắc kiến giải.

Sự tu tập như vậy, chẳng bao giờ đi đến đâu cả, càng tu thì càng sai, càng tạo cho tâm mình động thêm, càng tu thì tạo cho mình thêm nhiều kiến giải, tâm sanh phóng dật.

Giải thoát của đạo Phật là tâm phải quay vào trong không phóng dật, tâm hồn độc cư, thích sống trầm lặng ấy là tâm quay vào. Tâm quay vào, tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp, tức là tâm thiền định.

Vì thế, người có thiền định là người sống trầm lặng không ba hoa thuyết giảng lung tung, thường sống với nội tâm không để ý bên ngoài.

Vậy các con là những người mới tu tập, đừng bắt chước theo sự tu tập của kinh sách phát triển và kinh sách các Tổ sư thiền, mà trong các chùa đang hướng dẫn, lối tu hành hình thức (thiền giáo đồng hành) vừa tu vừa giảng thuyết. Đó là lối tu tịnh chẳng tịnh mà động thì chẳng động. Lối tu này từ xưa đến giờ chưa có ai tu giải thoát được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Khi nhóm họp lại chỉ nên tuyên bố:

“Các bạn đạo, hôm nay chúng ta tập họp lại đây để tựa nương vào nhau tu tập sống đời sống như Phật, y như giới luật, như chư Hiền Thánh Tăng:

1/        Sống trầm lặng, độc cư, không được nói chuyện, phải im lặng như Thánh, phải nương theo pháp Thầy đã dạy mà tu tập.

2/        Giờ giấc phải nghiêm chỉnh, giờ ăn, giờ nghỉ, giờ tu tập, giờ thư giãn đều phải giữ gìn đúng đắn, không được làm sai.

3/        Sống ăn ngày một bữa, không ăn uống phi thời.

4/        Tự chọn một nơi yên tịnh để vừa tọa thiền, vừa hành thiền, vừa thư giãn và nghỉ ngơi cho riêng mình.

5/        Suốt ngày đêm tu tập đúng cách theo lời Thầy đã giảng dạy.

6/        Suốt ngày đêm tu tập phải thu lượm kết quả trong các pháp hành.

7/        Trong khi ăn uống phải giữ im lặng (không được nói chuyện).

8/        Trong lúc hội họp phải giữ im lặng như Thánh, ai có phận sự thì tuyên bố, nói, ai không thì thôi.

9/        Sống ngày đêm phải trụ tâm như Thánh, không có si mê ham ngủ nghỉ.

10/    Phải siêng năng đi kinh hành, không được lười biếng ngồi nhiều, đi kinh hành để đối trị hôn trầm thuỳ miên”.

Trên đây là 10 điều tu tập Thọ Bát Quan Trai theo tinh thần cuộc sống của đạo Phật trong thời đức Phật.

Xưa, 500 vị Tỳ Kheo đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên làm ồn náo, đức Phật đuổi ra khỏi tu viện.

Nên sự ồn ào, sinh hoạt, thuyết giảng hoặc góp ý kiến này, ý kiến kia làm náo động là không đúng cách tu tập của đạo Phật. Vì chúng ta hiện giờ chưa ai tu xong nên có nhiều ý kiến, tức là có nhiều kiến giải, có nhiều kiến giải, tức là đã đi lạc đường tu.

Trong những buổi họp mặt các nhóm thì các nhóm cần phải giữ im lặng như Thánh là tốt nhất, để tâm luôn lúc nào cũng quay vào trong, không phóng theo các pháp bên ngoài.

Tu tập “im lặng” như Thánh thì rất khó, nhưng sống “ồn náo” như thế gian thì rất dễ. Bởi khó mà tu được mới là Thánh, còn nếu dễ như pháp thế gian thì ai lại làm không được. Cho nên Thánh phàm chỉ ở nơi mình, giữ gìn đúng pháp là Thánh, không giữ gìn là phàm phu.

Nhóm họp như thế nào đúng theo đạo Phật? Nhóm họp im lặng như Thánh là đúng theo đạo Phật.

Nhóm họp như thế nào là sai, không đúng theo đạo Phật?

Nhóm họp ồn náo thuyết giảng lung tung, ý kiến này, ý kiến khác là nhóm họp theo ngoại đạo, là sai.

Điều nhớ kỹ, chúng ta chưa tu tới đâu mà có ý kiến là sai, phải lo tu cho mình. Những bạn đạo tu sai ta viết thư hỏi Thầy như trường hợp Liễu Tâm vậy, nhưng Liễu Tâm có ý kiến trước rồi mới hỏi Thầy sau thì quá muộn.

Người tổ nhóm chỉ được ghi nhận những sự tu sai, hoặc đúng để thưa hỏi lại Thầy, nhờ Thầy giúp ý bạn mình mà cũng chính mình được học thêm.

Đó là sự sinh hoạt của nhóm, khi các bạn trình sự tu tập, mình chỉ được ghi chép mà không có lời nào.

Nếu các con tổ chức Thọ Bát Quan Trai đúng như lời Thầy dạy thì sự tu tập tiến bộ rất lớn, có kết quả rất nhiều, tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Thọ Bát Quan Trai không được tụng niệm hoặc lạy hồng danh sám hối, những việc làm này thuộc về Tịnh Độ Tông.