LỜI PHẬT DẠY - 23 - “Người hằng tu thiền định Thường kiên trì tinh tấn Bậc trí hưởng Niết Bàn Đạt an tịnh vô thượng”. (Kinh Pháp Cú: II. Appamàdavagga. Phẩm Không Phóng Dật) |
CHÚ GIẢI:
Bài kệ thứ 23 đức Phật khuyên mọi người phải hằng tu thiền định. Vậy thiền định ở đây là loại thiền định nào?
Bài kệ thứ 23 nằm trong phẩm không phóng dật. Như vậy rõ ràng tâm không phóng dật là thiền định, chứ không phải ngồi hít thở, hay niệm Phật nhất tâm, giữ tâm không niệm là thiền định.
Ở đây, đức Phật chỉ khuyên chúng ta hằng tu thiền định, nhưng vì trong đời sống của chúng ta có nhiều loại thiền định như: Thiền Yoga, thiền Xuất hồn, thiền Vô vi, thiền Công án, thiền Đại Thừa, thiền Tổ Sư, thiền Nguyên Thủy, thiền Tối Thượng Thừa, thiền Mật Tông, thiền Tịnh Độ Tông, v.v.. Với một số thiền định như thế này, thì chúng ta biết loại thiền định nào cho đúng, để tu tập tâm không phóng dật?
Do hiểu nghĩa tâm không phóng dật cạn cợt, nên phần đông người ta tu ức chế tâm không còn niệm thiện niệm ác.
Như kinh Pháp Bảo Đàn đã hiểu sai tâm không phóng dật là tâm không niệm thiện, niệm ác. Tâm không niệm thiện ác là một lối thiền ức chế tâm, đó là đường cùng của thiền định ngoại đạo tiến thoái lưỡng nan. Tu đến chỗ vô niệm thì người ta không còn chỗ tu nữa. Nhưng nhìn lại đời thì cũng chẳng ra đời, đạo cũng chẳng ra đạo.
Như trong kinh Bát Chánh Đạo, đức Phật đã chỉ rõ loại thiền định nào để chúng ta tu tập không sai, đó là Bốn Thiền hữu sắc. Trong Bát Chánh Đạo Bốn Thiền là Chánh Định. Trong Bốn Thiền thì Sơ Thiền là loại thiền định thứ nhất.
Loại thiền định thứ nhất chỉ có tu tập ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp chính là tâm không phóng dật.
Tóm lại, tu tập thiền định là tu tập tâm ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp mà không dính mắc vào năm chi Sơ Thiền thì đó là nhập vào bất động tâm định. Trạng thái bất động tâm định là trạng thái Niết Bàn.
Đức Phật dạy: Người hằng tu thiền định, tức là hằng tu tập Sơ Thiền, tu tập Sơ Thiền chỉ có nhiếp phục tâm để tâm ly dục ly ác pháp, có ly dục ly ác pháp thì tâm mới không phóng dật, mà tâm không phóng dật là Niết Bàn tại thế gian trong cuộc sống này.
Bài kệ này rất quan trọng là chỗ xác định được “thiền định”.Nếu xác định đúng “Chánh định”thì sự tu tập mới có kết quả đúng. Kết quả đúng thì mới có những năng lực làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Còn nếu xác định sai “Tà thiền”thì tu tập chẳng có kết quả gì, thì không bao giờ làm chủ sanh, già, bệnh, chết được.
Khi tu tập loại thiền định của đạo Phật thì chúng ta thường hưởng được những trạng thái Niết Bàn an tịnh, vô thượng. Và lúc nào muốn an tịnh là tâm chúng ta sẽ an tịnh liền.
Nếu người nào hằng ngày tu tập thiền định, với tâm siêng năng bền chí, không thối chuyển thì lúc nào cũng nhập vào sự an tịnh, vô thượng ấy được. Trạng thái an tịnh, vô thượng ấy không có một vật gì trên thế gian này sánh bằng được.
“Thường kiên trì tinh tấn
Bậc trí hưởng Niết Bàn
Đạt an tịnh vô thượng”.
Chỉ có thiền định của đạo Phật mới có sự an tịnh vô thượng. Sự an tịnh vô thượng, nếu ai tu tập đúng pháp, muốn có lúc nào là có được ngay lúc nấy. Do vì tu tập xả tâm, nên tâm tự nhiên không phóng dật mà có.