Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời lượng: [01:32:35]
Nghe pháp âm: https://youtu.be/wXi1HeQ0NoY
Tên cũ: Tam Quy Ngũ Giới 4
https://thuvienchonnhu.net/audios/tam-quy-ngu-gioi-04-chon-ton-giao-dung-tam-nguyen.mp3
Trưởng lão: Hôm nay Thầy sẽ làm lễ quy y cho các con. Nhưng mà trước khi muốn quy y thì Thầy sẽ giải thích để cho hiểu được ba ngôi Tam Bảo và năm cái điều thiện, năm cái đạo đức mà đức Phật đã truyền dạy cho người cư sĩ. Cái điều quan trọng nhất là một khi mình muốn mà theo một cái tôn giáo nào thì mình phải hiểu cái tôn giáo đó nó có phải nhằm cái ước nguyện của mình hay hoặc cái mong ước của mình, để mình đem hết cái cuộc đời của mình để thờ phụng, để kính trọng, tôn kính nó, để thực hiện cái hoài bão cho cuộc đời của mình.
Vì vậy mà trước khi bước chân vào mà cái tôn giáo nào, không riêng gì đạo Phật thì chúng ta phải tư duy rất kỹ, vì cuộc đời chúng ta khi bước vào đó rồi thì coi như mình phải làm tất cả những cái gì mà cái tôn giáo đó chỉ dạy cho mình. Mà nếu mà mình thấy rằng thà là mình đừng có vào tôn giáo, mà hễ vào tôn giáo thì hãy chọn lấy thật kỹ. Lỡ nó, mình chọn sai thì cái tâm của con người nó có cái chung thủy, trung thành với cái điều kiện mình đã học, lỡ mình đi vào cái tôn giáo sai thì mình phải trung thành với nó. Nhưng trung thành với nó thì nó thứ nhất là nó đem lại cái không lợi ích cho mình và nó cũng không đem lợi ích cho người khác.
Vì cái mục đích của mình mà có mặt ở trên cái hành tinh này, cái sự hiện hữu thì mình làm sao cho cái sự hiện hữu này có lợi ích cho mình, có lợi ích cho người khác, thì cái sự hiện hữu đó nó mới có giá trị. Còn nếu mà cái sự hiện hữu của mình chỉ luôn luôn lúc nào cũng bo bo cho mình, cho cá nhân của mình thì biết bao nhiêu người đã nằm ở ngoài cái gò mả kia mà đã được nói lên những gì lợi ích cho mình, cho người? Chúng ta thấy rõ ràng xung quanh cũng chỉ ăn rồi ngủ, rồi danh, rồi lợi chứ chẳng có gì ích lợi cho ai, mà lại còn làm đau khổ cho những người khác nữa.
(02:15) Cho nên vì vậy mà khi bước chân vào đạo Phật thì chúng ta phải suy tư về cái đạo Phật rất nhiều, đâu phải mỗi mỗi cái đều là đạo Phật hết sao? Trong cái đạo Phật nó có cái sai của đạo Phật, bởi vì đạo Phật ngày đầu tiên mà đức Phật ra đời thì nó còn đúng của đạo Phật. Nhưng vì cái thời gian dài thì nó phải có cái sự sai sót ở trong đó, mà có sự sai sót thì chúng ta phải cần cân nhắc, dù là ở trong góc độ của Phật giáo thì chúng ta cũng phải cần cân nhắc như vậy. Huống hồ là trong các cái tôn giáo khác, một cái tôn giáo nào nó cũng có cái đúng và cái sai của nó trong đó.
Nhưng mà cái đúng của nó là như thế nào? Và cái sai như thế nào? Làm sao chúng ta hiểu được? Cho nên vì vậy chúng ta phải nghiên cứu và suy tư rất nhiều, chứ không khéo rồi chúng ta sẽ bị tôn giáo nó lừa đảo mình. Cho nên hôm nay khi mà các con mới về đây, đừng có tin nơi Thầy, biết đâu chừng Thầy cũng là một cái tên bịp bợm, cũng lừa đảo người khác, nói ba hoa như vậy chứ sự thật ra cũng chẳng làm được những gì! Cho nên ở đây Thầy khuyên rằng đừng có nghe ai hết mà chỉ lắng nghe những cái gì đúng sự thật, đem lại lợi ích cho mình, cho người khác.
Thì những cái lời mà Thầy nói đem lại lợi ích thật sự cho mình, cho người khác thì mình phải tin nó và mình cố gắng mình làm theo. Thì trước khi mà Thầy giải thích để cho hiểu ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng như thế nào thì Thầy xin để quỳ trước đức Bổn sư, người đã chết cách đây hai ngàn năm trăm năm, nhưng ơn nghĩa của Người còn để lại chúng ta một đường đi, một giáo pháp giúp cho ta sống toàn thiện, biến từ một loài động vật như chúng ta để trở thành những con người thật sự là con người. Và biến chúng ta trở thành những bậc Thánh nhân vượt thoát ra khỏi con người, làm chủ được sự đau khổ của kiếp làm người, chấm dứt được sự tái sinh luân hồi, đó là cái mục đích của đạo Phật.
(04:35) Vì vậy hôm nay quý, Phật tử có duyên về đây tha thiết xin Thầy để quy y Tam Bảo, mặc dù đã từng có quy y với các thầy khác, đó là không quan trọng. Nhưng mà hôm nay muốn về đây để xin Thầy quy y Tam Bảo tức là có cái hướng về nơi Thầy. Thầy là người có xứng đáng hay không? Thì sau khi Thầy giải thích về Tăng Bảo thì mình sẽ xem xét cái người Thầy, cái người gương hạnh để dẫn dắt mình đi trên con đường giải thoát đó có đúng là mình chọn đúng hay là sai? Thế khi nghe xong rồi mình mới hiểu rõ và mình hiểu rõ, mình tin chắc rõ thì mình mới phát nguyện mình quy y Tam Bảo. Còn nếu không thì mình thôi, nghe rồi thôi không cần phải quy y Tam Bảo.
Bởi vì mình đã nghe, mình đã hiểu mà mình thấy rằng nó không hợp với mình thì ai bắt buộc mình được? Cho nên vì vậy mình xin thôi, không nguyện thì cũng không ai làm gì mình. Bởi vì một con người chúng ta sinh ra là chúng ta có cái quyền của chúng ta, chọn nó hay là không chọn nó mà thôi chứ không ai ép buộc chúng ta được. Cho nên mặc dù là vua chúa người ta cũng vẫn phải để cho mọi người dân có cái quyền tự do tín ngưỡng, không có một nhà vua nào bắt là phải theo tôn giáo này hoặc không theo tôn giáo, thì đó không ai dám làm điều đó hết.
Cho nên ở đây chúng ta có quyền nghe, hiểu biết rõ, đó là ước nguyện của mình, đúng như cái sở nguyện của mình thì mình theo, mà không đúng thì thôi, không có ai bắt buộc mình hết, và cũng không tội lỗi gì hết. Vậy hôm nay trước khi mà nghe Thầy giảng về ba ngôi Tam Bảo thì quý Phật tử suy tư rất kỹ rồi sau đó mới phát nguyện xin quy y Tam Bảo.
(06:50) Trưởng lão: Trước khi quy y Tam Bảo, các con hãy nghe tại sao gọi là Tam Bảo? Tam Bảo có nghĩa là ba ngôi báu: Ngôi thứ nhất là Phật Bảo, ngôi thứ nhì là Pháp Bảo, ngôi thứ ba là Tăng Bảo. Vậy Phật Bảo là gì? Phật Bảo là một con người như bao con người khác, cũng giống chúng ta, cũng có cha mẹ, cũng sanh đẻ, cũng nuôi lớn khôn rồi đi tu, rồi thành Phật. Người không phải là một bậc Thánh nhân ở cõi nào đến đây, mà chính Người là con người cũng sinh ra trong môi trường sống, trong nhân quả. Ngài có thân cũng như chúng ta. Ngài cũng có gia đình vợ con như mọi người trong chúng ta.
Rồi Ngài cũng thấy sự đau khổ như bao nhiêu người khác, Ngài cũng bệnh, Ngài cũng sống giận hờn, phiền não, ham muốn, Ngài cũng bất toại nguyện điều này, thế kia. Ngài cũng thấy người chết, Ngài cũng thấy cuộc đời nhiều điều đau khổ. Cho nên Ngài đi ra bốn cửa thành thì Ngài đã gặp những cái sự đau khổ của đời người, tức là: Sanh, Già, Bệnh, Chết.
(08:31) Sanh là gì? Ở trong bốn cái khổ này thì sanh là gì? Ngài đi ra một cửa thành Ngài thấy có một vị tu sĩ đi xin ăn, cho nên Ngài nghĩ đến cái đời sống của người cư sĩ như Ngài. Mặc dù là con vua, cháu chúa, sắp sửa lên làm vua, khi mà vua cha băng hà thì Ngài sẽ thay thế vua cha làm vua. Nghĩa là Ngài vinh hạnh và giàu sang hơn người ở trong nước Ngài rất nhiều, Ngài là chúa tể. Thế mà Ngài thấy cuộc sống của người cư sĩ như một vị vua còn chẳng hạnh phúc gì cả. Tức là nhìn cái đời sống của một người tu sĩ có giải thoát hơn Ngài nhiều: Ba y một bát đi xin ăn từng nhà, mà thảnh thơi, sung sướng hơn Ngài. Ngài làm vua thì lo cái này, lắng cái khác, đâu có yên ổn được như một vị tu sĩ! Cho nên thấy đời sống của vị tu sĩ trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không, Ngài thấy họ sung sướng hơn Ngài nhiều. Đó gọi là Sanh.
Người khác hiểu chữ “Sanh” ở đây là sanh đẻ thì nó nghĩa là sai. Đi ra bốn cửa thành ông Phật đâu có bao giờ mà gặp một người phụ nữ sanh đẻ bao giờ?! Mà chỉ gặp cái người tu sĩ chứ đâu gặp là cái người phụ nữ sanh đâu? Cho nên nói sanh là sanh đẻ thì không đúng, mà sanh đây có nghĩa là sanh y, là đời sống của chúng ta. Tại sao ở đây xác định được đời sống?
Vì thấy đời sống của tu sĩ nó so sánh lại đời sống của người cư sĩ, mà đời sống của một vua chúa thì phải hạnh phúc hơn là chúng ta nhiều, thế mà Ngài thấy không có hạnh phúc gì cả, khổ đau. Đúng vậy, đời sống của chúng ta nhiều bất toại nguyện. Người này mở miệng nói một lời nói thì người kia đã không an lòng, nhiều khi chúng ta còn giận hờn, nhiều khi chúng ta còn buồn tủi, nhiều khi chúng ta đau khổ. Tất cả những cái điều sống xung quanh chúng ta mọi vật, mọi người không thể nào mà được an ổn, an vui được. Đó là Sanh.
Ngài thấy cuộc đời quá khổ, do đó Ngài đi ra một cửa thành Ngài thấy một người chết, Ngài thấy người chết quá khổ. Ngài thấy một cái người bệnh, quá khổ; Ngài thấy một người già lụm cụm quá khổ. Sanh, lão, bệnh, tử, Ngài thấy đủ bốn cái khổ của kiếp người, Ngài mới nghĩ rằng chỉ có một người đi tu thì người ta mới giải thoát được bốn cái này. Cho nên Ngài ước ao, ước vọng của Ngài sẽ đi tu, có một ngày nào đó sẽ đi tu.
(11:52) Vì vậy mà Ngài nuôi cái mộng đó, Ngài nuôi cái hy vọng đó cho (đến) cuối cùng Ngài có một đứa con. Đứa con chào đời thì Ngài nghĩ một đứa con ra đời là một nỗi khổ thêm, cho nên Ngài không thể dừng bước lại đây được, nửa đêm Ngài lén Ngài ra đi, Ngài đi tìm con đường giải thoát bốn sự đau khổ này. Đó là hôm nay cái mục đích của chúng ta là đến đây, hướng đến với đạo Phật, đến với Thầy là mục đích chúng ta nhắm đến bốn sự đau khổ này để giải quyết, chứ không phải mục đích chúng ta đi tìm thần thông phép tắc, đi tìm những cái mầu nhiệm, siêu việt. Vốn mục đích tu theo đạo Phật là không đi tìm những cái siêu việt hơn người, mà đi tìm những cái thoát khổ, mà bản thân chúng ta đang thọ lấy những khổ đau đó.
Do đó Ngài bỏ đi. Ngài rời khỏi vua cha, Ngài bỏ cha, bỏ vợ con Ngài đi tìm đạo. Sáu năm trời, tất cả những pháp của ngoại đạo, pháp nào dạy thì Ngài cũng thực hiện tận cùng, Ngài cũng thực hiện cho đến nơi đến chốn những pháp đó. Thậm chí Ngài phải thực hiện đến khổ hạnh tận cùng, phải tiết thực tối đa, Ngài không còn đứng dậy nổi. Cuối cùng Ngài nhờ bát sữa dê của một người chăn dê ở nơi đó thấy Ngài sắp chết, thì người chăn dê mới vắt sữa dê mới đổ cho Ngài.
Ngài tỉnh lại Ngài mới nghĩ rằng: Trong cuộc đời Ngài đi tìm sự giải thoát mà đem hết sức lực của mình, bất kì pháp nào của ngoại đạo dạy Ngài, Ngài đều thực hiện tất cả rất là nhiệt tâm cho nên đến đỗi mà Ngài không còn cái sức lực mà đứng dậy nổi. Thế mà tìm lại cái sự giải thoát nơi cái chỗ khổ hạnh này thì Ngài chẳng tìm thấy được. Cuối cùng Ngài mới tư duy: Còn có một lộ trình nữa mà lúc bé Ta bảy, tám tuổi theo vua cha làm cái lễ hạ điền, thì Ta ngồi dưới cây Tamia, Ta nghĩ rằng mình ly dục ly ác pháp.
(13:54) Mình nghĩ rằng tức là tác ý đó, mình nghĩ rằng: “Ta ly dục ly ác pháp, thì lúc bấy giờ Ta thấy Ta rất an ổn”. Thì đức Phật lại lặp lại một lần nữa: “Nếu quả chăng cái lộ trình này mà giúp Ta được giải thoát, do ly dục sanh hỷ lạc, tại sao nó còn cái hỷ lạc này?”, thì đức Phật nói: “Ly dục sanh hỷ lạc chứ không phải hỷ lạc ở trong dục”. Do đức Phật lặp lại một lần như vậy đức Phật nói: “Lộ trình này Ta có thể thực hiện được sự giải thoát”. Rồi Ngài lại nói rằng: “Cơ thể của Ta bây giờ làm sao thực hiện được lộ trình này? Bây giờ Ta phải trở lại sống bình thường, chứ còn khổ hạnh như thế này sức khỏe đâu mà tu tập?”
Rồi Ngài trở lại sống bình thường ngày ăn một bữa, ăn no, không tiết thực như ngày trước nữa. Ngài không khổ hạnh đứng một chân hoặc là ngâm mình trong nước, hoặc là phơi nắng mình ngoài trời nắng, Ngài không làm những cái khổ hạnh đó nữa. Mà Ngài sống lại bình thường, ngồi chơi không cần phải ngồi kiết già nữa, thế mà người ta không hiểu. Bởi vì pháp môn ly dục ly ác pháp như chúng ta hiểu bây giờ đó thì nó không cần quan trọng chỗ chúng ta ngồi kiết già.
Chỉ chúng ta làm sao mà đẩy lui các chướng ngại pháp trên Thân - Thọ - Tâm - Pháp của nó, để rồi nó không còn chướng ngại trên đó thì tâm không phóng dật, là ly dục ly ác pháp, chấm dứt được sự luân hồi, làm chủ được sự sống chết, muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống, Ngài mãn nguyện: “Tôi đã thành tựu”. Vì vậy Ngài mới nhìn trời và nhìn đất, tức là người ta tượng trưng cho Ngài chỉ trời chỉ đất mà Ngài nói:
“Thiên thượng, thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh, lão, bệnh, tử”.
Có nghĩa là: “Trên trời, dưới trời. Ta là người duy nhất. Thoát ra bốn sự đau khổ: Sinh, già, bệnh, chết”.
Đó là sau khi chứng đạo Ngài nói lên bài kệ đó, chứ không phải Ngài sanh ra mà đưa tay chỉ trời, chỉ đất mà nói rằng: “Thiên thượng, thiên hạ. Duy ngã độc tôn…” như các Tổ đã viết trong kinh.
(16:33) Bởi vì Ngài cũng còn đang đau khổ, làm sao một đứa bé mà sanh ra chỉ trời, chỉ đất mà đã biết rằng mình là vượt qua sinh, già, bệnh, chết được? Nếu đã biết như vậy thì làm sao mà Ngài còn đi tu khổ hạnh đến mức mà Ngài không đứng dậy nổi? Điều đó là điều người ta bịa đặt. Ngài cũng khổ đau, rồi Ngài cũng tu, cũng trật lên trật xuống, Ngài cũng không đúng con đường tu giải thoát. Cho nên cuối cùng thì Ngài tìm ra một cái lộ trình đúng là con đường giải thoát thật sự.
(17:08) Trưởng lão: Nếu mà trên bước đường tu hành mà Thầy không đạt được sự giải thoát thì Thầy cũng vẫn nghi ông Phật chỉ là nói láo mà thôi! Mình tu hết sức mình tu mà cuối cùng chẳng làm chủ được gì thì không phải là nói láo sao? Thầy cũng vẫn đang nghi. Cho nên có một người Phật tử ở Quy Nhơn họ gửi cho Thầy một bức thư họ nói như thế này: “Con cũng tu hành hết mình, nhưng đến bây giờ con cũng không tìm thấy được sự giải thoát, con nghi rằng ông Phật chỉ là một huyền thoại, và giáo pháp ông cũng chỉ là một cái giáo pháp lừa đảo chứ không thật có làm mình tu giải thoát được. Cho nên đến hôm nay con nghe Thầy tu thì con cũng chẳng nghĩ rằng Thầy làm được, Thầy cũng chỉ là một người lừa đảo mà thôi!”.
Cái người Phật tử ở Quy Nhơn họ gửi vài bức thư họ nói thẳng và nói thật, Thầy rất kính trọng ở cái bức thư thật tình, không thiên vị một người nào, dám nói thẳng, nói thật. Ngay cả ông Phật thì người Phật tử ấy người ta cũng vẫn hiềm nghi, huống hồ bây giờ Thầy có làm được, có tu được thì người ta cũng vẫn nghi, đó là một cái điều rất tốt. Thầy thấy điều mà chúng ta muốn đi vào con đường đạo Phật, chúng ta phải đặt câu hỏi và rất nghi nó. Bởi vì từ khi chúng ta ra đời, chúng ta biết được đạo Phật, cái lý thuyết thì rất hay, nhưng nhìn lại tất cả các bậc Hòa Thượng, Tôn túc, các thầy Tổ của chúng ta ai làm được? Ai thực hiện được điều đó? Chúng ta chưa thấy.
Thậm chí như cả cái giới luật, cái đức hạnh của một vị Thánh Tăng người ta còn không làm được thì thử hỏi ai làm được?! Vậy thì hôm nay một đức Phật đã làm được, Thầy muốn nói chúng ta phải tư duy, một đức Phật đã làm được, vậy thì có thật làm được hay không? Nếu không được thì chắc chắn hôm nay Thầy không làm được. Thầy quả quyết rằng: Thầy làm được thì chắc chắn đức Phật ngày xưa làm được. Tại sao vậy? Tại vì mọi người về đây người ta sống đúng giới luật người ta sống không được mà riêng Thầy sống được. Thầy ăn thậm chí như Thầy sống bằng lá cây, bằng rau, Thầy sống không cần cơm Thầy sống vẫn được mà.
(19:45) Với một tinh thần người quyết tu tìm giải thoát thì chỉ có sự giải thoát mà thôi! Cho nên vì vậy mà không còn tham đắm về cái ăn, cái ngủ thì người này sẽ làm được. Còn cái người mà còn tham ăn, còn tham ngủ thì chắc chắn con đường của đạo Phật không bao giờ được. Tại vì cái ăn, cái ngủ ở trong thân của chúng ta, không ăn thì thân chúng ta chết, không ngủ thì thân chúng ta bệnh, do đó hai cái này mà chúng ta không tham, không sợ nó thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến đấu được nó.
Còn trái lại chúng ta còn tham ăn, tham ngủ thì chúng ta không thể làm được. Vì vậy ông Phật không tham ăn, tham ngủ, Thầy không tham ăn tham ngủ nên Thầy đã làm được, điều đó là điều chắc chắn. Thầy không tham vui, cho nên Thầy sống độc cư, Thầy không thích nói chuyện cùng ai cho nên Thầy đã đạt được. Còn quý vị về đây tu tập với Thầy mà thích vui nên nói chuyện này, chuyện kia, chuyện phải, chuyện trái, chuyện đúng, chuyện sai, chuyện người này, chuyện người nọ cho nên quý vị không tu được.
Pháp Phật dạy chúng ta rất rõ ràng: Sống trầm lặng, độc cư, ngày một bữa nuôi sống thân, phải ít ngủ không được ham ngủ nhiều. Cho nên cái giới trọng của Thầy đã dạy: Ăn, ngủ và độc cư là bí quyết thành công của sự tu tập theo đạo Phật. Thế mà ai đã làm được? Khó quá không ai làm được! Người ta ăn được thì người ta lại ngủ không chiến đấu nổi, người ta lại ăn ngủ được mà người ta chiến đấu sự vui thích nói chuyện người ta chiến đấu không nổi. Cuối cùng chỉ có ba cái điều kiện quan trọng của một đời tu, đó là ăn, ngủ và độc cư không ai làm nổi.
Trái lại ông Phật Ông sống Ông làm nổi, Thầy làm nổi cho nên những người đó đều là những người đã làm chủ được sự sống chết và chấm dứt luân hồi.
Vì vậy hôm nay các con thấy đức Phật ngày xưa cũng bằng xương, bằng thịt, cũng cha mẹ sanh; Thầy hôm nay cũng bằng xương, bằng thịt, cũng cha mẹ sanh, cũng biết thương, biết yêu, cũng biết đau khổ, cũng biết giận hờn y như mọi người, nhưng có một cái điều Thầy có nhiệt tâm, đức Phật dạy như thế nào Thầy làm y như thế nấy, không dám làm sai, có điều đó mà Thầy đã thành tựu.
(22:15) Vì vậy đức Phật có xa cách chúng ta không? Thầy có xa cách mấy con không? Không có, Thầy không xa cách mấy con chút nào hết. Thầy không phải là Phật, không phải A La Hán, không phải là ai hết, mà chỉ là một con người, một con người rất bình thường như mọi người khác nhưng vẫn làm chủ được sự sống chết của mình. Thầy khác hơn tại vì Thầy có nhiệt tâm, Thầy khác hơn Thầy biết cuộc đời quá khổ! Cuộc đời không có vui chút nào đâu, một cái sự vui của nó là một sự tạm bợ, Thầy hiểu rõ như vậy cho nên Thầy thực hiện được điều này.
Vì vậy ông Phật là con người thật chứ không phải con người giả, ông Phật là con người nói thật chứ không phải là con người lừa đảo chúng ta. Như người cư sĩ ở ngoài Quy Nhơn đã nói rằng: “Tôi vẫn nghi đức Phật là một huyền thoại chứ không có thật.” Nhưng sự thật ra trong lịch sử cũng có tên một người, người đó mà hôm nay chúng ta thấy đó là đức Phật Bổn sư Thích Ca. Ngài bằng xương bằng thịt, vì vậy là hôm nay Ngài đã làm được những điều Ngài giải thoát được, Ngài để lại cho chúng ta những cái gương hạnh giải thoát thật sự. Như vậy cái gương hạnh đó có xứng đáng cho chúng ta nương theo Ngài để thực hiện không?
(23:27) Trưởng lão: Hôm nay các con về đây thấy Thầy sống làm việc rất nhiều. Như các con cũng biết làm từng cái ngôi nhà bằng tầm vông, trúc, tre như thế này, Thầy ăn ngày một bữa Thầy vẫn làm bình thường, đâu có gì là khó khăn?! Thế mà người ta phải ăn nhiều người ta mới làm nổi, Thầy thiết nghĩ đâu có gì! Cho nên đối với Thầy, Thầy không tin rằng những lời của ông bác sĩ nói phải ăn mới đủ chất, điều đó điều sai, đối với Thầy Thầy cảm thấy sai.
Thầy ăn rau, ăn cỏ Thầy còn sống được kia mà, đâu phải cần đủ dưỡng chất, chín năm (tháng) trên Hòn Sơn Thầy sống bằng rau mà Thầy vẫn sống. Nếu mà chết thì hôm nay làm gì mà Thầy còn sống ở đây?! Cho nên nói ăn cái này, ăn cái kia cho đủ, điều đó sai. Thật sự tuy rằng con bò nó có ăn cái gì khác hơn là dầu, là mỡ, là này kia đâu?! Thầy vẫn thấy con bò vẫn khỏe, vẫn mạnh, vẫn cày ruộng được thì rõ ràng là những luận điệu của bác sĩ không đúng. Mặc dù là khoa học người ta chứng minh thân của chúng ta có chất này, chất kia, sự thật trong cỏ nó cũng đủ chất để cho chúng ta sống chứ, cho nên con bò nó cũng đủ chất chứ?
Nếu mà đem cái thịt bò ra chúng ta phân tích ra từng chút thì vitamin B om, B đơ, B đui, B gì cũng đầy đủ trong đó hết chứ, nếu không đầy đủ sao con bò sống được? Cho nên đức Phật nói chúng sanh có tứ đại, chúng ta cũng có tứ đại thì trong cỏ cũng có tứ đại để nuôi cái tứ đại bên trong. Thì Thầy ăn cơm cũng sống được, ăn rau cũng sống được, vì trong rau cũng có tứ đại để nuôi tứ đại trong này. Bởi vậy trong môi trường sống khi xuất hiện ra một loài vật nào, như Thầy đã nói thì nó phải có xuất hiện cái sự sống của một loài vật đó thì loài vật đó mới xuất hiện.
Như vậy thì rõ ràng là không phải vì thực phẩm mà tại vì tư tưởng của chúng ta ảnh hưởng thực phẩm, chạy theo dục lạc mà sanh tâm ăn uống thứ này, thứ kia tạo ra cái ngon, cái dở để rồi chúng ta chìm đắm trong ngon dở, dính mắc trong ngon dở. Chứ sự thật không có nghĩa lý gì! Ăn rồi sắc thân của quý vị, các cư sĩ cũng thấy rằng mỗi người đều là cái thân chúng ta toàn là bất tịnh, hôi thối, bẩn thỉu, thật sự không ai là có cái thân này mà sạch sẽ. Do con đường tu hành đúng đắn của đạo Phật đã xác định được điều này rõ ràng.
(25:56) Cho nên chúng ta từ tiếp nhận những vật bất tịnh bên ngoài để nuôi thân bất tịnh bên trong, thì toàn bộ những cái thân chúng ta không sạch sẽ chút nào. Vì thế một người tu sĩ đạo Phật có một cái trí tuệ sâu sắc, nhìn siêu suất qua mọi cái vật ở trong thế gian này, cho nên Người không dính mắc. Còn chúng ta có cái đôi mắt còn cạn, chúng ta còn chấp cái này, cái nọ, cái kia cho nên chúng ta không đi tới cái con đường rốt ráo của đạo Phật được. Đó, như vậy để xác định rằng: Chúng ta thấy rằng một con người bằng xương, bằng thịt, cũng thân tứ đại này mà đã làm được những cái điều gọi là siêu việt.
Chứ sự thật ra theo Thầy thiết nghĩ không siêu việt gì hết! Ngài đâu có thực hiện bay trên trời mà gọi là siêu việt?! Ngài đâu có thực hiện biến năm, bảy trăm người ngồi đây cho nên đâu gọi là siêu việt. Nhưng nếu mà có biến năm trăm, bảy trăm người, một triệu người ngồi đây hoặc bay lên trời ngồi cũng chỉ là một trò ảo thuật để lừa đảo người khác mà thôi! Nó có ích lợi gì?! Chỉ làm cho người ta kính phục những sự siêu việt đó thôi chứ chẳng ích lợi gì. Trái lại chúng ta sống đúng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người thì ngay đó có ích lợi thiết thực, cụ thể. Vì mình không khổ, người khác không khổ là hạnh phúc chứ sao? Là giải thoát chứ sao? Đó là cái thực tế.
Và đạo Phật mục đích ra đời là nhằm đem lại cho con người có một cuộc sống thanh thản, an lạc và vô sự, giải thoát thật sự. Như vậy đức Phật có xứng đáng là làm một cái người mà để chúng ta tu theo Người không? Chắc chắn chúng ta thấy rằng một con người thật sự như vậy, mà làm được như vậy là xứng đáng. Vì vậy mới gọi là Phật Bảo.
(27:33) Nếu mà người còn tham đắm, còn danh, còn lợi, còn như chúng ta, còn dính mắc ăn, uống, ngủ nghỉ, còn thích vui, nói chuyện, chắc chắn chúng ta không theo đâu. Bởi vì chúng ta cũng có những cái tâm, cũng có những cái thích như vậy thì chúng ta theo Ngài để làm gì? Ngài có hơn chúng ta chỗ nào đâu? Quý Phật tử suy nghĩ có phải không? Ngài hơn chúng ta là cái chỗ rất tầm thường, ai làm cũng được hết, nghĩa là ăn ngày một bữa, thì bây giờ ai ăn cũng được hết, đâu có sao?
Thế mà tại chúng ta không chiến thắng lại cái tâm tham dục của chúng ta để chạy theo cái ăn, vì vậy mà chúng ta sáng phải ăn, chiều phải ăn, thì như vậy chúng ta phải thua Ngài chứ sao! Vì vậy mà chúng ta phải nương theo Ngài chứ sao, để chúng ta thực hiện cho được cái sống như Ngài. Cho nên những cái giới mà ăn ngày một bữa là Ngài đã đặt ra tức là Ngài gọi là những bậc Thánh. Tại sao là những bậc Thánh lại có những Thánh hạnh như vậy? Tại vì mọi người làm không được, ăn ngày một bữa không được mà riêng Ngài ăn được thì có phải là Thánh không?
Nhưng mà ăn ngày một bữa có sao đâu! Thầy nghĩ rằng ai ăn cũng được hết. Nhưng mà chúng ta đừng có khởi tâm tham dục của chúng ta ăn thêm, ăn để mập, để béo, để cho tốt người thì cái điều đó là cái nghĩ tưởng của chúng ta.
Một người mà trên thế gian này họ xấu tận cùng như là ác quỷ, và một người đẹp như tiên nga thì hai người này vẫn thân xác cũng bẩn thỉu, hôi thối, không có người đẹp mà thơm tho, mà người xấu lại là hôi thối. Thân người xấu và thân người đẹp vẫn hôi thối, vẫn bất tịnh như nhau, không khác nhau. Cho nên đối với đôi mắt của đức Phật nhìn người đẹp cũng như người xấu, y như nhau không khác. Vì thế cho nên Người ăn ngày một bữa được, đó là những cái gương hạnh để chúng ta thực hiện được sự giải thoát, không bị dính mắc.
(29:43) Trưởng lão: Kế đó pháp của Phật rất thực tế, cụ thể, không dạy chúng ta ức chế tâm chúng ta để làm khổ chúng ta để rơi vào những cái định tưởng. Pháp của Phật dạy chúng ta hàng ngày sống xả ly, ngăn ác diệt ác như Thầy vừa nói:
“Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành”.
Nghĩa là tất cả các pháp ác thì chúng ta không làm mà chúng ta luôn luôn lúc nào cũng thực hiện các pháp lành. Pháp lành là pháp không làm khổ mình, khổ người, đó là cái nền đạo đức của đạo Phật mà mọi người không thấy được nơi cái pháp này. Người ta chửi mình thì người ta là người đau khổ trước tiên rồi, người ta có giận người ta mới chửi mình được. Người ta không giận, không thù oán mình làm sao người ta chửi mình được? Mà một người ôm tâm giận hờn, thù oán thì người đó có khổ không?
Chúng ta phải nghĩ mà thương họ chứ sao chúng ta lại giận để mà chửi mắng họ lại, đánh đập họ đó là chúng ta ngu si, chúng ta vô minh quá. Một người khổ mà rồi bây giờ chúng ta lại tạo thêm cho chúng ta thêm một người khổ nữa sao?
Cho nên đối với đạo Phật, cái pháp của đạo Phật dạy chúng ta ngăn ác diệt ác là như vậy, để chúng ta một người khổ, thì đã là khổ thì chúng ta không nên làm khổ thêm. Làm khổ thêm là làm khổ gì? Nếu người ta chửi mình mà mình giận tức là mình làm thêm một người thứ hai khổ nữa.
Và từ cái chỗ giận đó mình lại làm thêm một cái khổ thứ ba nữa là mình chửi mắng lại người ta, mình tạo thêm những ác pháp nữa, tức là làm cho cả gia đình mình khổ hết. Vì gia đình của mình phải bênh vực mình, do đó họ cũng lăn xả vào những ác pháp làm cho cả gia đình mình đau khổ. Thế rồi gia đình người khác cũng vậy, họ cũng lăn xả vào sự đau khổ đó.
Thế cho nên khi mà tu biết ngăn ác diệt ác thì ngay đó chúng ta thấy giải thoát không? Thật sự pháp của Phật vi diệu thật, giúp chúng ta giải thoát thật sự trong cuộc sống, không có lúc nào mà chúng ta không an ổn.
(31:43) Như vậy cái pháp đó có quý không? Bây giờ chúng ta hở hở chút là chúng ta buồn, chúng ta giận, chúng ta hờn, chúng ta lo lắng, chúng ta sợ hãi, lo đói lo no đủ thứ hết, lo giàu, lo nghèo, lo thua sút người ta đủ mọi mặt. Bây giờ phải làm cho có tiền, cất nhà cho đẹp thì mới bằng người ta, còn không thì thua sút. Những cái lo lắng đó nó có phải hạnh phúc cho mình không? Trong cuộc đời của chúng ta làm lương thiện, chúng ta siêng năng làm thì chắc chắn chúng ta phải có mà sống, chúng ta phải giàu sang, phải không?
Còn bây giờ chúng ta có làm biếng mà chúng ta lo đi nữa, mà chúng ta không làm thì chúng ta có giàu sang không? Chỉ có nước đi ăn trộm, ăn cướp người ta mà thôi. Cho nên ở đây chúng ta sinh ra đời chúng ta phải có sự lợi ích cho mình, cho người, thì chúng ta siêng năng làm ăn; rồi chúng ta biết làm ăn, thì tức là chúng ta không cầu mong sự giàu sang thì chúng ta vẫn giàu sang. Còn chúng ta làm biếng mà ngồi không mà bảo giàu sang thì chắc chắn không thể được rồi.
Cho nên trong cuộc đời tu hành theo đạo Phật, pháp của Phật dạy chúng ta không phải ngồi thiền để cầu thần thông, không phải niệm chú để có thần thông, không phải niệm Phật để cầu ngày mai này chúng ta chết về cõi Cực Lạc, chúng ta không cầu mong điều đó đâu. Nhưng mà chúng ta cầu mong nơi cuộc sống của chúng ta có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Cho nên pháp của Phật dạy chúng ta thực tế không còn làm khổ mình, khổ người, như vậy cái pháp đó có quý không? Nó đem đến thực tế.
Còn bây giờ chúng ta ngồi đây mà cầu mình phải niệm Phật này, tụng kinh này, để cho gia đình mình bình an, có bình an không? Hay là mình ngồi đây mình tụng kinh, niệm Phật mà về nhà mình thì mọi thứ chuyện mình chửi, mình mắng, mình la, mình hét thì như vậy ông Phật, Bồ Tát có xuống phù hộ được cho gia đình mình yên ổn không? Không, không bao giờ có. Hoặc là mình vào chùa tụng kinh, niệm Phật để cầu cho trúng số, hay hoặc là làm ăn phát đạt này kia có được không? Nếu chúng ta cầu Phật được mà về nằm không đó mà tiền ở đâu đổ đến chắc chắn người ta sẽ niệm Phật, người ta đâu cần gì phải làm.
(33:53) Thế thì ở đây Phật bảo chúng ta phải siêng năng, cần mẫn lo làm ăn thì chắc chắn là điều đó là chúng ta phải có, nhưng chúng ta làm nhưng mà chúng ta đừng có ước vọng rằng mình phải làm giàu hơn thiên hạ. Sự ước vọng, sự ao ước đó quá tầm sức của mình thì mình không đạt được thì mình lại đau khổ. Cho nên ở đây chánh pháp đức Phật dạy để mà chúng ta tu tập, chúng ta:
“Quá khứ không truy tìm
Vị lai không ước vọng”.
Nghĩa là chúng ta không ước vọng những cái chuyện gì mà sắp tới, mà chúng ta chỉ hiện tại mà làm nó mà thôi. Cho nên hiện tại chúng ta làm tốt, làm thiện thì tương lai chúng ta sẽ tốt. Còn những gì mà đã qua rồi dù là trong cái đời chúng ta trước kia là vàng son, vua chúa, mà bây giờ chúng ta chỉ là thứ dân thì chúng ta đừng có nghĩ đến ngày kia, ngày rồi, ngày qua thì chúng ta là những người giàu sang, danh vọng, còn bây giờ chúng ta là những người thứ dân khổ sở. Nghĩ như vậy làm chúng ta đau khổ hơn.
Tốt hơn cái gì đã đi qua rồi thì thôi, cho nên chúng ta không suy nghĩ về chuyện đã qua, mà không ước vọng về chuyện tương lai, thì như vậy là giải thoát rồi chứ gì?! Chỉ có hiện tại chúng ta cần phải sống thiện, làm thiện, đừng làm khổ mình, khổ người thì tương lai chúng ta là một huy hoàng, một đẹp đẽ.
Cho nên dù là chúng ta có ở cõi thế gian cũng là Thiên đàng, mà bất kỳ đi ở cõi nào thì nơi đó cũng là Thiên đàng, Cực lạc. Cho nên chúng ta có cần gì để mà tụng kinh, cầu khẩn, để cầu vãng sanh về Cực lạc không? Để đi vào một cõi nào không? Không bao giờ có điều đó hết. Đạo Phật không dạy điều đó, chỉ có Bà La Môn Giáo mới dạy điều đó, dạy điều hy vọng, ước vọng một cái mơ hồ, trừu tượng, ảo giác.
Trái lại đạo pháp của Phật dạy quá thực tế, chúng ta sống trong hiện tại, làm tốt trong hiện tại, sống thiện trong hiện tại, tương lai chúng ta sẽ tốt đẹp. Và những gì quá khứ đã qua rồi thì chúng ta không cần nhớ nó nữa. Tại sao vậy? Tại vì khi ở trong quá khứ chúng ta đã chưa hiểu biết được Phật pháp, chưa hiểu biết được giáo pháp của Phật thì quá khứ chúng ta có nhiều lầm lạc, có nhiều sự đau khổ, bây giờ nhớ lại để làm gì đây? Có lợi ích gì? Chúng ta có giải quyết gì cho những sự đã qua không?
Giáo pháp của Phật tuyệt vời, chấm dứt cho chúng ta không còn suy nghĩ gì chuyện đã qua mà hãy nghĩ về hiện tại và sống trong hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt. Pháp như vậy thật sự là pháp quý báu vô cùng cho nên gọi là Pháp Bảo.
Về pháp như vậy chúng ta có cần theo tu tập không? Có cần thấy nó là một con đường sáng để chúng ta đi không? Đúng, chúng ta sẽ không làm khổ ai hết, chúng ta sẽ hoàn toàn được giải thoát bản thân của mình trong cuộc sống, không làm khổ mình, hoàn toàn mình được giải thoát. Như vậy chuyện này có làm được không? Được! Đâu có gì khó!
(36:58) Trưởng lão: Bởi vì đức Phật nói rằng chúng ta tu bằng cái sự hiểu biết, bằng trí tuệ; và cái sự hiểu biết của con người chúng ta có, mọi người chúng ta ai cũng có sự hiểu biết. Hiện giờ chúng ta biết rằng sáng chúng ta ăn là mất công, là khổ, là phải cực, phải nấu nướng, phải làm rồi mới ăn, vậy thì chúng ta không ăn sáng có chết đâu? Cho nên chúng ta không nấu nướng, không làm ăn, vậy thì cái người mà nghỉ ngơi mà không làm, mà chúng ta vẫn thấy sung sướng hơn là ngồi ăn, thì cái người nào sướng hơn?
Chắc chắn là chúng ta có trí tuệ chúng ta hiểu rằng: Một cái người không ăn sáng phải sướng hơn là cái người ăn sáng. Người ăn sáng phải cực khổ hơn nhiều và phải lo lắng hơn nhiều, phải làm nhiều, còn người không ăn sáng đã tiết kiệm được buổi ăn sáng, biết bao nhiêu tiền trong một bữa ăn không? Chúng ta đã phí mồ hôi để phục vụ, nô lệ cho sự ăn uống của chúng ta thì rõ ràng là chúng ta phải phục vụ cho tất cả những sự khác, làm cho đời sống của chúng ta không có phút thảnh thơi, an ổn.
Nếu chúng ta không ăn sáng, ăn chiều thì chúng ta tiết kiệm được số tiền đó. Nếu mà chúng ta thừa thì chúng ta giúp cho những người bất hạnh trong xã hội, còn nếu mà chúng ta không thừa thì chúng ta thấy mình cũng an ổn, không phải làm lụng quá nhiều để rồi vất vả chỉ vì phục vụ cho cái ăn mà thôi. Phải khi mà ăn rồi quí vị đi cầu, đi tiểu ra bằng vàng, bằng bạc thì cũng nên, mà toàn là đi bỏ ra, bài tiết ra toàn là những thứ bất tịnh, không ai dám nhìn, không ai dám ngó. Quá sợ! Vì vậy mà người ta phải làm những cái cầu xí để cho nó giữ những cái vệ sinh. Vì người ta rất sợ những cái mùi hôi thối đó, bất tịnh đó. Thế rồi chúng ta tham ăn để tạo ra những sự bất tịnh đó sao?
Cho nên ở đây Thầy nói thật sự đừng tham ăn! Mà đừng tham ăn là làm Phật rồi quí vị. Cho nên Pháp Bảo, pháp của Phật dạy chúng ta ly tham mà diệt ác pháp, có phải không? Mà cái nhỏ tham ăn mà chúng ta không ly thì còn ly được cái gì nữa? Cho nên ở đây chúng ta nên tập. Vì vậy mà đức Phật đã dạy chúng ta là người cư sĩ, chúng ta không nên sống ngay liền như Phật, luôn luôn lúc nào cũng ăn ngày một bữa.
(39:20) Mà đức Phật dạy chúng ta rất rõ ràng, đừng ức chế chúng ta, làm khổ chúng ta. Mà mỗi tháng chúng ta chỉ tập thọ Bát Quan Trai tập sống một ngày một bữa, sống như Phật để làm gì? Để thấy rằng chúng ta ly tham diệt ác pháp. Pháp như Phật dạy chúng ta rất thực tế, một tháng ba mươi ngày chỉ dạy chúng ta có một ngày tu tập để làm Phật, để được sự giải thoát. Rồi chúng ta suy ngẫm lại một ngày đó rồi chúng ta thấy rằng mình phải tập thêm ngày thứ hai. Và pháp dạy chúng ta lần lượt cuối cùng ba mươi ngày chúng ta đều làm Phật trọn vẹn.
Và ba mươi ngày chúng ta thấy rằng tâm ly dục ly ác pháp hoàn toàn, thì chừng đó chúng ta làm chủ sự sống chết rất cụ thể, và chấm dứt luân hồi vì chúng ta biết cách chấm dứt luân hồi, phải không? Nếu mà chúng ta thực hiện đúng cái pháp của Phật thì chúng ta ly dục ly ác pháp được, thì tất cả những thiền định mà tịnh chỉ hơi thở, ngưng hơi thở sống chết đâu còn khó khăn nữa, cho nên làm chủ toàn bộ nhân quả, làm chủ toàn bộ thân và tâm của chúng ta. Còn bây giờ tâm chúng ta chưa ly dục ly ác pháp thế mà chúng ta muốn làm chủ những điều này chắc chắn không bao giờ có được.
Đó, cái pháp quý báu như vậy, lợi ích như vậy, không tu thôi mà đã tu thì có giải thoát. Một tháng ba mươi ngày chúng ta chỉ có một ngày tu tập giống, thì chúng ta suy ngẫm coi ngày đó chúng ta có giải thoát không? Có thực tế không? Thực tế. Chúng ta làm đúng, ngày đó chúng ta không nói chuyện, không tạo những cái duyên ác, ngăn được các pháp ác, không có tiếp duyên, ăn ngày một bữa, chúng ta ly được cái tham. Rồi ngủ, chúng ta tập ít ngủ, chúng ta ly được cái tâm si của chúng ta, vì vậy mà càng ngày chúng ta càng sáng suốt, nhìn rõ được.
Như vậy pháp quá tuyệt vời! Sống thật, làm thật chứ đâu phải vô chùa gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, niệm chú đâu?! Chúng ta chỉ cần sống đúng pháp như Phật đã dạy thì chắc chắn chúng ta thấy được một đời sống giải thoát. Pháp rất quý báu, vậy thì cái pháp như vậy có xứng đáng để mà chúng ta theo tu không? Hay là chúng ta thấy là cái pháp đó nó không hợp với mình? Mà mình chỉ hợp với cái pháp là vô chùa tụng kinh, niệm Phật để cầu vãng sanh nó hợp hơn, thì tùy theo ở nơi tâm của quý vị muốn chọn.
Quyền tự do tín ngưỡng là nơi quý vị, quý vị thấy cái nào lợi ích thì quý vị làm, còn cái nào không lợi ích thì quý vị thôi, đó là quyền của quí vị. Ở đây Thầy có bổn phận là giải thích để chúng ta hiểu được cái lợi ích thiết thực của pháp. Cái pháp ngồi đó gõ mõ tụng kinh nó có giải thoát được chúng ta không? Chắc chắn điều này (là) một hy vọng hão huyền, chắc chắn một giấc mơ chứ sự thật không thể nào là những người còn mang cái tâm tham, sân, si mà được đức Phật Di Đà rước về cõi Cực lạc. Cho nên pháp của Phật thực tế như vậy, xứng đáng là chúng ta quy y Pháp Bảo.
(42:20) Trưởng lão: Tăng Bảo là như thế nào? Tăng Bảo là một vị Tăng phải xứng đáng, một vị Thầy phải xứng đáng là phải sống đúng giới luật của Phật. Hai trăm năm chục giới, còn bên giới nữ ba trăm bốn mươi tám giới. Giới tức là thiện pháp, mỗi một cái giới luật là một thiện pháp. Một người tu sĩ giữ trọn được một giới luật không vi phạm là đẩy lui một ác pháp. Như vậy hai trăm năm chục giới của vị Tỳ kheo của một người nam mà đã giữ trọn thì người ấy đã ly ác pháp. Cho nên nếu mà đã ly được ác pháp thì tức là phải ly được cái tâm ham muốn của chúng ta.
Cho nên có người hỏi Thầy: “Tại sao có thầy lại nói rằng là mình nhập tới Tứ Thiền, Nhị Thiền mà tại sao họ còn không giải thoát hoàn toàn mà họ còn lại trở về đời, họ lại còn đắm đuối?” Sự thật ở đây đức Phật đã nói rằng chúng ta ly dục ly ác pháp chứ chưa phải chúng ta đoạn diệt dục và ác pháp. Phải không? Đức Phật nói ly mà, mà bây giờ mình ly mà mình tu mới có tới Tam Thiền mình nói xong rồi, mà bây giờ mình ra đời mình tiếp xúc với đời thì mình vẫn dễ bị người ta cám dỗ. Khi ở trong chỗ tu thì mình ly, nhưng mà ra đời mình có ly không?
Mình tiếp duyên mà làm sao mình ly được? Một ngày người ta ăn ba bốn bữa, rồi mình bây giờ ăn ngày một bữa, ra đó người ta ăn cái mình thấy mình thèm. Mình thèm quá, thì mình ly mà, vì vậy mà nó gợi cái tâm mình dục trở lại, sống dục trở lại, do đó mình sẽ bị nhiễm ô trở lại. Khi ở đây tu hành mà mình luôn luôn lúc nào cũng thanh tịnh, nhưng mà khi bước ra mà mình còn giữ được cái sự thanh tịnh nơi đây, ở nơi gia đình của mình thì đó là mình ly chứ chưa phải diệt. Diệt khi nào mà chúng ta thực hiện tới Lậu Tận Minh là mới diệt.
Bởi vì Lậu Tận Minh là lậu hoặc nó tận diệt rồi, nó hết khổ đau rồi, nó hết ác pháp rồi, nó hết dục rồi. Tức là Lậu Tận Minh nó mới diệt sạch. Như vậy con đường của đạo Phật, pháp của Phật nó cũng xác định được rõ ràng như vậy, cho nên khi mà chúng ta mà đi cho tới cái pháp tận cùng của nó là chúng ta phải đạt được Lậu Tận Minh. Chứ đừng nói tôi là nhập Tứ Thiền, tôi chứng quả A La Hán mà Tam Minh tôi chẳng biết gì hết thì người đó chưa phải là chứng quả A La Hán.
(44:13) Bởi vì một bậc A La Hán của đạo Phật là phải chứng tới Tam Minh, Lậu Tận Minh nó xác định được một cái trí tuệ giải thoát đó, cho nên nó mới có làm chủ hoàn toàn. Vì vậy mà lúc bấy giờ cái người mà đạt được Lậu Tận Minh, họ thõng tay họ vào chợ họ không nhiễm. Nghĩa là người ta ăn uống như thế nào họ không bị nhiễm, mà họ không nhiễm tức là họ không bị ăn uống. Chứ không phải như Tế Điên Hòa Thượng là khi thõng tay vào chợ thì ông ra đó ăn thịt uống rượu say sưa với mọi người như thường, gọi là mình tu xong. Người đó vẫn là cái người ô nhiễm. Người đó chỉ ly ở trong cái giai đoạn tu, nhưng mà ra đụng đời thì ngài bị nhiễm liền tức khắc. Người này không phải là Phật sống mà là một phàm phu tục tử tu chưa tới nơi tới chốn.
Còn trái lại, một người mà gọi là Thánh Tăng, một vị Thánh Tăng mà chúng ta chọn, người đó dù là ngồi giữa chợ, ai đem thịt cá người ta vẫn không ăn, đem rượu mời người ta vẫn không ăn. Người đó ăn ngày một bữa, đi đến đâu cũng vậy, người ta mời ba bữa nhất định không ăn, hoàn toàn không ăn. Bởi vì người ta biết cái gì giải thoát và cái gì không giải thoát. Đó là những bậc Thánh Tăng.
Những bậc Thánh Tăng chúng ta chỉ không phải nhìn ở chỗ họ có thần thông phép tắc, không phải nhìn ở chỗ những cái siêu việt, huyễn hóa của họ, cái ảo thuật của họ; mà hãy nhìn cái đời sống của họ có sống đúng giới luật của Phật hay không? Nếu là một bậc Thánh Tăng là luôn luôn phải sống đúng giới luật, không được vi phạm, và người mà vi phạm không phải là Thánh Tăng. Cho nên chúng ta chọn một bậc Thánh Tăng để mà chúng ta nương vào ba ngôi Tam Bảo này.
(46:11) Trưởng lão: Cái hạnh sống của đức Phật ngày xưa, thì cái hạnh sống đó nó thực hiện cho mọi người đều thấy được. Cho nên ngày xưa khi đức Phật, khi vua Ba Tư Nặc hỏi đức Phật: “Chúng con nhìn thấy năm vị tu sĩ đi ngang qua đây, biết ai là A La Hán, mà ai là không phải là A La Hán?”, Đức Phật nói: “Dễ lắm, không có khó khăn gì hết, khi đó chúng ta sống gần bên các vị đó trong một ngày thì chúng ta biết ai là A La Hán, ai là không A La Hán”. Nếu một ngày chúng ta chưa biết thì 1 tuần lễ, 1 tuần lễ chưa biết thì 1 tháng, 1 tháng chưa biết thì 1 năm, nghĩa là sống gần sẽ biết. Nếu quả A La Hán thì chắc chắn người ta sẽ giới luật nghiêm chỉnh, mà người không phải A La Hán thì chắc chắn là bị ô nhiễm, cho nên họ sẽ ăn lén, ăn lút hoặc là họ ngủ nghê không đúng giờ giấc. Tất cả các vị này đều là những con dê ở trong bầy bò chứ không thể nào là con bò được. Chúng ta sẽ lôi ra được, chúng ta sẽ thấy ra được.
Cho nên đức Phật xác định không phải dùng một cái trí tuệ gì cả hết, mà dùng cái kinh nghiệm sống gần bên những người đó là biết những người đó là A La Hán hay không phải A La Hán.
Đó là những cái điều kiện mà hôm nay Thầy nói lên cái Tăng Bảo để chúng ta chọn lấy một vị thầy xứng đáng mà chúng ta quy y Tam Bảo. Còn bây giờ đụng ông thầy phạm giới, phá giới mà bây giờ ông mang cái danh là Hòa thượng, Thượng tọa là một cái người thuyết giảng hay, là một thiền sư, là một chân sư một cái danh từ gán cho ông ta, nhưng cuối cùng thì cái sự sống của ông ta chẳng ra gì hết. Ăn uống phi thời, ngủ nghỉ không đúng, rồi giới luật tất cả những điều vi phạm. Một vị thầy mà lại nói chuyện với người phụ nữ một mình trong phòng thì còn nghĩa lý gì?
(47:57) Mình phải nghiêm chỉnh, mình phải giữ gìn, không làm khổ mình, khổ người, không chừng ông thầy này là Phật đi, ông không có tình cảm đi, thì ít ra cái người nữ kia người ta có Phật được sao? Lỡ người ta có thương yêu ông là như thế nào, tại sao ông không ngăn ngừa trước để khi mà người ta đã nhiễm ô, người ta thương ông, thì như vậy ông đã tự làm khổ người khác sao? Cho nên đối với một người tu sĩ đạo Phật, một người Thánh Tăng, người ta không bao giờ nói riêng với một người Phật tử nữ, người ta nói chung, nói tất cả với mọi người, nói nơi chỗ hẳn hòi, đàng hoàng chứ không phải trong cái phòng kín đáo, rồi hai vị một người nữ, một người nam ngồi nói chuyện riêng tư, thì điều đó là một cái điều không đúng cách của một người tu sĩ, đệ tử của đức Phật. Cho nên những người đó là không phải là Thánh Tăng.
Cho nên những hành động rất là đơn giản mà chúng ta là những người cư sĩ, chỉ cần để mắt là chúng ta đã biết những bậc đó là những bậc tu hay là những bậc danh, những bậc giả, chúng ta rất rõ. Và như vậy, những người mà không phải là Thánh Tăng như vậy, thì những người đó có đúng là Thầy của chúng ta không? Nếu chúng ta theo người đó để người đó quy y chúng ta, thì chúng ta sẽ lấy gương hạnh ở chỗ nào mà chúng ta tu? Vì người đó sống y như chúng ta, cũng ham muốn, cũng danh, cũng lợi, cũng ham tiền, ham bạc cũng tất cả những sự chùa to, Phật lớn cũng giống như chúng ta, cũng nhà lầu, nhà đài, tâm chúng ta ham muốn như thế nào thì cái vị tu sĩ này họ cũng ham muốn như vậy, thì họ hơn gì ở chúng ta ở chỗ nào đâu mà họ làm thầy chúng ta, để chúng ta nương vào họ mà chúng ta nhờ.
Cho nên ở đây chúng ta phải chọn một vị Tăng là một vị Thầy, một vị Thầy là một cái gương sống của giới luật, một cái gương sống của thiền định, một cái gương sống của trí tuệ. Thầy nói gương sống tức là cái người đó sống trong hành động của họ, để rồi chúng ta nương vào cái hành động đó mà chúng ta trở thành những con người tốt, những con người hạnh phúc, những con người giải thoát thật sự. Nếu chúng ta không có những bậc Thầy như vậy thì chúng ta nương vào đâu mà chúng ta được giải thoát? Cho nên Tăng Bảo rất quý như vậy đó.
Vì vậy mà trong cuộc đời của quý vị phải chọn một vị thầy xứng đáng, đừng có đụng ai, đừng có xu hướng theo người ta thấy có một người cũng quy y theo vị thầy đó, mà mình không xét vị thầy đó ra như thế nào hết, cũng a dua theo mà quy y, cuối cùng thì vị thầy đó mình phải trung thành, chung thủy. Bởi vì mình quy y với vị thầy đó rồi, mà vị thầy đó làm bậy không dám nói nữa, không dám nói ra, bởi vì thầy của mình mình nói ra thì coi như mình có tình có nghĩa không? Cho nên rất khổ, rất khổ tâm khi biết thầy mình không phải là bậc A La Hán thì mình rất khổ tâm chứ gì! Khi thấy Thầy mình không phải là Tăng Bảo thì mình rất khổ tâm chứ gì!
(50:43) Trưởng lão: Cho nên ở đây khi mà chọn một vị Tăng Bảo để mà chúng ta quy y với Người thì không phải là một chuyện đơn giản đâu, đừng có đụng đâu mà quy y đó, đừng có xu hướng theo một nhóm đông người ta quy y rồi mình cũng quy y, mà mình nên chọn kỹ lưỡng. Cho nên ở đây, dù một người đến đây xin Thầy mà làm lễ quy y, Thầy vẫn làm một cái lễ thuyết cho họ hiểu được cái điều kiện họ đã chọn lấy xứng đáng thì họ chọn, mà không xứng đáng thì thôi. Cũng như ở đây, quý Phật tử thấy Thầy xứng đáng là một vị Thầy thì quý Phật tử hãy theo, mà không xứng đáng thì Thầy không ép buộc phải theo Thầy đâu.
Thầy nói thật sự, cuộc đời mà nhận học trò mà nhiều là mình có trách nhiệm và bổn phận rất nhiều đối với nó, không thể bỏ nó được. Nó có điều gì gia đình của nó, nó đau khổ thì mình phải dạy cho nó từng chút, từng ly để nó đừng đau khổ. Gia đình nó xảy ra những điều gì nó không đủ trí tuệ, không đủ sức, khả năng của nó để nó đương đầu với nhân quả của nó, thì vị Thầy đó phải trợ giúp nó để làm cho nó hiểu, đặng cho nó cởi mở được tâm hồn của nó, nó sống được an ổn. Cái nhiệm vụ, bổn phận của vị Thầy như vậy.
Cho nên đối với Thầy, Thầy rất lo lắng khi nhận người ta làm đệ tử của mình, thì mình phải có trách nhiệm, phải suốt đời của mình phải an ủi họ, dù là họ có một cái điều gì, họ viết một bức thư, một lời kêu cứu với Thầy thì tức là một vị Thầy đó không bao giờ bỏ họ được. Cho nên Thầy phải bận tâm rất nhiều những bức thư mà hôm nay mà các con được đọc ở trong “Đường Về Xứ Phật” hầu hết là đệ tử của Thầy đã kêu gọi Thầy tha thiết để cứu khổ. Thầy chỉ còn an ủi họ, Thầy chỉ còn giúp họ đi trên con đường của Phật pháp để cứu họ, họ có nghe thì họ làm, họ không nghe thì họ chịu, nhưng bổn phận của Thầy là phải hết lời, hết ý để giúp họ, không thể bỏ lơ họ được. Còn nhiệm vụ thực hiện hay không thực hiện đó là nhiệm vụ của họ. Còn bổn phận của Thầy là phải hết lòng với họ, giúp cho họ.
Như hôm nay Thầy nhận hai con mà về đây thọ Tam Quy, Ngũ Giới ở đây, các con không báo cho Thầy hay điều gì thì thôi, nhưng mà khi mà hay những cái điều mà các con đang gặp phải sự khó khăn trong luật Nhân quả thì lúc bây giờ Thầy đứng trong luật Nhân quả, Thầy giải thích cho các con hiểu, để làm cho tâm hồn các con thanh thản, an lạc. Đó là nhiệm vụ của một vị Thầy để giúp các con từng giờ, từng phút sống trong nền Đạo Đức Nhân Quả, để làm cho các con sống một cuộc sống an ổn, giải thoát. Đó chính là một vị Thầy. Thầy không dạy các con phải cầu khẩn để chư Phật, để đức Phật Bồ Tát Quán Âm phù hộ cho các con, mà Thầy dạy cho các con phải tự lực cứu mình bằng những hành động thiện, bằng những điều mà các con phải cứu con ngay trong khi các con đang đau khổ. Đó là những điều mà chọn một bậc Thầy, một bậc Thánh Tăng xứng đáng.
(53:44) Trưởng lão: Hôm nay Thầy không biết các con có hiểu được Thầy không? Mà các con lại xin quy y với Thầy, điều này là điều rất quan trọng, mà khi đã làm đệ tử của Thầy, những lời nói của Thầy để giúp các con tu hành, thì các con phải vâng theo lời Thầy như một ông cha hiền, như một người Thầy giỏi luôn luôn lúc nào cũng muốn cho đệ tử của mình được an vui, được hạnh phúc, được làm chủ sự sống chết. Khi đã được Thầy quy y Tam Bảo, tức là nhiệm vụ, trách nhiệm của Tăng Bảo phải làm sao cho người đệ tử của mình thực hiện được con đường giải thoát. Vì vậy mà các con nhớ khi mà các con nhận Thầy là Thầy, là một Tăng Bảo của các con thì các con hãy thực hiện một tháng ít nhất phải có một ngày thọ Bát Quan Trai. Tại sao Thầy quan trọng đến mức độ như vậy? Tại vì các con phải hiểu: Một cái cây thì nó phải nghiêng về hướng nào, thì bóng nó phải ngả về hướng đó.
Vì vậy mà Thầy, nghĩa là Thầy nghĩ rằng: Các con đời nay chưa tu được, chưa giải thoát hoàn toàn, thì các con cũng nên gieo một cái nhân quyên để tạo cho cái bóng của các con sẽ ngả về hướng đó. Vì vậy thọ Bát Quan Trai là các con sẽ ngả về cái hướng của Phật pháp. Từ đó các con mới có sự giải thoát hoàn toàn. Nếu các con không thọ Bát Quan Trai, thì đương nhiên các con sẽ không có cái hướng ngả về đó và không có hướng ngả về đó thì Phật pháp ngày mai thân này các con gặp Thầy, thân sau các con không đủ duyên gặp nữa. Cho nên Tăng Bảo là lợi ích như vậy, các con thấy có xứng đáng thì các con sẽ ước nguyện quy y Phật – Pháp – Tăng, mà không xứng đáng thì thôi không ai ép các con, quyền tự do tín ngưỡng là nơi các con, có lợi ích cho các con, đem đến sự giải thoát an vui cho các con thì các con hãy phát nguyện mà quy y.
(55:36) Hôm nay các con đã được nghe Phật Bảo, rồi Pháp Bảo và Tăng Bảo nó thực tế và cụ thể như thế nào? Không phải nhìn một vị Tăng Bảo bằng thần thông phép tắc, mà bằng đạo đức của vị đó, bằng những lời an ủi của vị đó trên một nền Đạo Đức Nhân Bản – Nhân Quả. Thì đó là một cái điều để giúp cho các con được giải thoát. Các con có tin tưởng nó không? Nếu tin tưởng thì hãy phát nguyện. Trước đây hình ảnh của đức Phật. Tuy đức Phật đã tịch lâu rồi, nhưng hôm nay hình ảnh của đức Phật mà chúng ta thờ phụng tức là kính mến, tôn trọng, hình ảnh của đức Phật tượng trưng cho đức Phật ngày xưa và hình ảnh nãy giờ là những lời mà dạy, là những lời Pháp Bảo và Thầy là đại diện cho Tăng Bảo là một người tu giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh.
Thầy có xứng đáng, pháp Thầy nói có xứng đáng, hình ảnh đức Phật là con người bằng xương bằng thịt tu có xứng đáng, là nơi các con đã quy ngưỡng, đã quy y về nó. Thì các con hãy chắp tay lên mà hướng về tượng Phật, hướng về Pháp Bảo, hướng về Tăng Bảo mà xin: “Hôm nay con đủ duyên xin chư Phật mười phương chứng minh con sẽ quy y Tam Bảo”. Các con chắp tay, khi nào quy y Tam Bảo thì các con chắp tay lên xin.
(57:16) Trưởng lão: Sau khi đã thành tâm hướng về tượng Phật, xin quy y Tam Bảo, đời đời kiếp kiếp các con sẽ theo Phật, Pháp, Tăng để đem lại một sự giải thoát cho chính bản thân của mình. Bây giờ các con sẽ nghe Thầy giảng về năm đạo đức làm người tức là năm giới luật. Vậy năm cái đạo đức làm người này như thế nào?
Giới thứ nhất mà trong giới luật Phật dạy là: Không sát sanh, không xui người sát sanh, không vui theo người sát sanh. Vậy thì tại sao cái giới luật lại dạy như vậy? Nó là đạo đức gì đây? Đây là Đạo Đức Hiếu Sinh, hiếu cái sự sống, cái sự sống của muôn loài. Cho nên cái giới luật này nghe như chúng ta không có cầm dao giết con gà, con vịt, đập đầu con cá, không phải đâu. Cái giới luật còn rộng, còn rộng còn xa hơn nữa.
(58:15) Trưởng lão: Bởi vì với cái đôi mắt của đức Phật khi đã chứng đạo, đức Phật đã thấy: Con người từ đâu sinh ra và chết đi về đâu? Mà hầu hết các tôn giáo đều tự đặt câu hỏi đó ra, rồi đi tìm cái đó, để truy ra coi: Con người từ đâu sinh ra? Có phải có một cái linh hồn nơi đâu đến đây không?
Đức Phật thì quá đơn giản, Ngài đã thấy: Con người không có linh hồn, không có từ đâu sinh ra, nó chỉ từ trong môi trường sống. Ở đâu có môi trường sống thì ở đó có muôn loài vật sinh ra. Cho nên không có nghĩa là con người ở cõi nào đến đây được, mà chính con người ở trong môi trường sống của hành tinh này mà xuất hiện.
Đức Phật thấy, biết rất rõ, cho nên Ngài mới đưa ra có năm loại sanh.
Loại thứ nhất: Là thấp sanh, nơi ẩm ướt mà sanh ra. Một đống rác chúng ta ủ ẩm thì một thời gian đống rác mục vừa đủ để có thực phẩm cho loài động vật đó ăn, thì tức là chúng ta lật đống rác ra, chúng ta thấy những con vật ở dưới đó rất nhiều, có phải đúng là loài thấp sinh không? Loài sinh nơi ẩm thấp không? Đúng, đức Phật nói không sai.
Rồi kế đó thì cái loài mà sanh kế đó là loài noãn sanh, sanh bằng trứng. Cái loài chim, loài thú mà sinh trứng ra đời trước, không phải chỉ có loài chim mới sanh trứng mà còn có những loài rắn, rồi thằn lằn, kỳ đà, tắc kè hoặc là những loài bốn chân vẫn sinh trứng.
Rồi đến cái loài sinh thai như loài người, có những cái loài vật cũng sanh thai.
Rồi đến các loài hóa sanh.
Cho nên nó có bốn cái sự sanh. Vậy con người từ đâu sinh ra, chết đi về đâu? Rõ ràng là từ môi trường sống sinh ra chứ không có gì hết, và cái chết cũng đi trở về môi trường sống. Tại sao? Tại vì trong môi trường sống này nó có: Đất, nước, gió, lửa. Cho nên nó đủ các chất này nó hợp thì nó thành loài vật, mà nó tan thì nó trở về đất, nước, gió, lửa của nó.
(01:00:26) Cho nên một người chết chúng ta khi chôn 10 năm, 20 năm sau chúng ta đào cái mộ lên thì thân xác của chúng ta trở thành đất, không còn gì cả hết mấy con, thậm chí như xương của chúng ta cũng không còn, nó cũng thành đất hết, nó làm cho đất lại màu mỡ thêm, nó làm cho đất lại thêm một chất màu mỡ thêm. Cho nên một loài vật mà chết đi, nơi đất đó nó có màu mỡ, nó làm cho sung mãn thêm cho sự tốt của miếng đất. Cho nên nó làm thêm sự sống ở đó. Vì vậy mà chúng ta thấy khi mà con vật chết sau thời gian chết nó thành đất cát, thì nơi đó cỏ mọc rất xanh, rất tốt, nó làm thành một chất phân, có phải đó là môi trường sống không? Nó tạo cho một cái duyên khác để cho một cái loài vật khác sống trở nên thành tốt không?
Cho nên chúng ta biết rõ ràng là đức Phật đã xác định đúng là từ môi trường sống. Nhưng mà môi trường sống nó có minh không mấy con? Nó đâu có minh được, nó là vô minh, nó đâu biết thiện, biết ác đâu. Một cơn gió thổi qua, một cơn bão thổi qua nó có biết là thổi qua là tai hại, giết hại con người, con vật không; giết hại nhà cửa, nó làm tàn phá nhà cửa, cây cỏ không? Nó không biết đâu, nó vô minh lắm, nhưng mà nó hành, nó vẫn hành, nó gió, nó bão, nó vẫn hành nhưng nó không biết thiện ác đâu. Nhưng mà chúng ta đưa tay đánh người, chúng ta biết thiện ác chứ. Chúng ta mắng người chúng ta biết chứ, cơn gió nó không biết đâu. Vì vậy chỉ có con người mới giải thoát mấy con.
(01:01:57) Trưởng lão: Cho nên do vậy mà đức Phật đã biết được vì vậy mà mới dạy chúng ta: Đừng sát sinh. Đừng sát sinh tức là chúng ta thương yêu sự sống của muôn loài, là chính là chúng ta thương yêu sự sống của chúng ta. Tại sao chúng ta muốn sống mà chúng ta lại nỡ ăn thịt chúng sanh? Nỡ tâm nào các con? Sự sống của chúng sinh đau khổ lắm chứ! Thậm chí như Thầy hôm nay mà cô Út cho một bữa cơm bằng rau, tương dưa cải thôi, mà trong cái sự sống của cây cỏ nó là một sự sống mà các con, trong môi trường sống thì cây cỏ cũng vẫn có sự sống chứ, sao nỡ tâm mà mình ăn chúng các con!? Vì sự sống của mình không ăn thì mình làm sao mình sống được, cho nên mình phải ăn chứ, ăn, nhưng ăn không được phí bỏ các con. Các con ăn không hết, các con đổ một đống rau, các con biết cái đó là con phí sự sống không? Vì sự sống của nó, mà vì sự sống của mình mình mới ăn nó để sống, cho nên mình đừng có phí cái sự sống.
Vì vậy mà giới luật đức Phật dạy: Không sát sanh. Các con thấy không đức Phật dạy rất hay các con! Khi chúng ta đi mà chúng ta dậm cỏ mà héo úa, chúng ta nỡ đành nào mà chà đạp lên sự sống của người khác con, của vật khác các con, phải không các con? Các con thấy: Tại sao mình muốn sống ai lỡ làm cho mình một cánh tay mình đau nhức thì mình có chịu được không mà tại sao mình lại dẫm lên lá cỏ, để rồi cái lá cỏ đó bị héo úa đi, nó có đau đớn không? Đau đớn chúng ta không thấy, nhưng thấy cái hình ảnh héo úa của nó. Chúng ta làm người thương yêu sự sống thì chúng ta nỡ lòng nào thấy sự héo úa này!? Một cành cây kia chúng ta không nỡ lấy cái dao cắt nó kia mà, các con nhìn cái bình bông mà chưng cúng Phật đây, chúng ta thấy chúng ta có xứng đáng không các con? Chúng ta có xứng đáng cái giới sát sanh không?
(1:03:52) Trưởng lão: Giới sát sanh chúng ta cứ nghĩ rằng: Mình đừng có cắt cổ con gà, mình đừng có cắt cổ con vịt, mình đừng có ăn thịt chúng sanh là mình không sát sanh chứ gì? Không phải đâu các con! Các con đã cắt cái bông, mà cái bông là con của cái cây phải không các con? Bởi vì có cái bông thì nó mới có trái, thì cái bông trái tức là con của cái cây chứ gì? Thế mà bây giờ chúng ta cắt cái bông chúng ta chưng, chúng ta làm đẹp cho chúng ta gọi là cúng Phật, vậy thì chúng ta bắt con xa lìa mẹ, mẹ xa lìa con, thì cái cây kia nó có đau khổ không? Nếu nó là người mẹ như chúng ta thì chúng ta đau khổ lắm chứ! Thế mà chúng ta nỡ tâm, chúng ta thấy để mẹ con của một cái cây kia nó quấn quýt bên nhau, chúng ta nhìn xem chúng ta gợi một cái ý thấy mẹ con đang tha thiết bên nhau, đang ôm ấp nhau thì chúng ta hạnh phúc biết bao nhiêu các con! Ai nỡ tâm làm cho mẹ xa con, con xa mẹ mà gọi là cúng Phật mấy con!? Điều đó đúng không? Không đúng đâu mấy con.
Thực sự khi học giới Không sát sanh là chúng ta phải nghĩ: Sao ta nỡ sống trên sự đau khổ của người khác, làm đẹp cho mình bằng bông hoa như vậy? Có xứng đáng chúng ta là con người không? Chúng ta là con vật mấy con. Nên không có nghĩ đến sự đau khổ của người khác chỉ biết mình mà thôi, làm đẹp cho mình mà biết bao sự đau khổ của người khác. Chúng ta cùng cực lắm vì ăn mới sống, chúng ta mới ăn chúng sanh mà thôi, mới có làm cho sự chết của chúng sanh mà thôi. Một người tu sĩ đạo Phật là luôn luôn lúc nào chúng ta cũng phải thực hiện tâm từ bi, lòng thương yêu của chúng ta đối với muôn loài các con, chứ không phải một loài.
Cho nên cây cỏ chỗ nào đáng thì chúng ta nhổ, mà chỗ nào không đáng thì chúng ta đừng rớ tới chúng để làm khổ chúng tội lắm, ai cũng có sự sống. Trong môi trường sống này thì nó đủ duyên thì nó hợp lại thì nó có sự sống, mà hết duyên thì nó tan hoại.
(01:05:48) Cho nên giới thứ nhất dạy chúng ta thương yêu, dạy chúng ta lòng thương yêu chúng sanh, dạy không sát sanh tức là dạy chúng ta thương yêu chứ không phải dạy không sát sanh mà không có nghĩa là không cầm dao, không ăn thịt chúng sanh là chúng ta thương yêu. Con bò nó ăn cỏ, nó có thương yêu chúng sanh không mấy con? Phải không? Con bò ăn cỏ nó không có thương yêu chúng sanh đâu. Nhưng con người mà ăn chay, ăn rau cải là con người biết yêu thương chúng sanh, không những thương yêu loài động vật mà thương yêu loài thảo mộc.
Hôm nay Thầy nói như vậy các con thấy giới luật của Phật khó quá, khó quá! Không khó đâu các con, tạo cho chúng lòng thương yêu, để chúng ta có sự thương yêu, chúng ta mới không có sự đau khổ chứ. Còn chúng ta không thương yêu thì cái gì mà không vừa ý mình, thì mình vẫn tìm cách mình hại người ta mấy con. Còn mình thương yêu mình không hại ai nữa đâu. Tại sao cái người đó không thương yêu mình, hay cái người đó không vừa ý mình, tính tình không vừa ý thì mình ghét người đó mình tìm cách mình hại người đó, thì như vậy rõ ràng là mình thiếu lòng từ bi.
Cho nên mình tập thương yêu, tức là mình tập cái giới đức làm Thánh đấy các con. Thương yêu từ loài động vật, từ con vật nhỏ cho đến con vật lớn. Cho nên khi đi người ta nhìn xuống đất, người ta tránh từng con kiến dưới đất, người ta không dẫm đạp. Khi đi người ta tránh từng cây cỏ, người ta không dẫm đạp lên cây cỏ mấy con. Lòng thương yêu đó giúp chúng ta được thảnh thơi, được an ổn không làm khổ mình, khổ người, không tạo nhân ác, lòng thương yêu rất tuyệt vời.
Đạo đức như vậy có xứng đáng là chúng ta thọ một giới luật này không? Một đạo đức này không? Xứng đáng lắm mấy con! Tại sao? Tại vì từ khi mà chúng ta thọ giới này, chúng ta có nhiều, suy tư rất nhiều từ đó tất cả những loài vật mà sinh ra trong môi trường sống trên hành tinh này, chúng ta không hề vi phạm đến sự sống của chúng, không hề vô tình vi phạm nữa. Nghĩa là chúng ta luôn luôn tỉnh giác để mà chúng ta sống trong tình thương yêu của muôn loài.
Nếu phỏng chừng bây giờ đất đá không, toàn bộ không có cây cỏ, mà chúng ta sống thì thử hỏi chúng ta có thấy khô khan không? Có thấy khổ sở không? Nhờ cây cỏ mà làm cho chúng ta có một sự sống mát dịu, có sự sống nương tựa nhau, cho nên chúng ta thấy an ổn vô cùng. Phỏng chừng hành tinh của chúng ta bây giờ cây cỏ toàn bộ bị khô cằn rồi chết hết đi, chúng ta sống được không? Chắc chắn chúng ta sống không được đâu. Cho nên chúng ta phải bảo vệ tất cả sự sống của muôn loài, không những loài động vật.
(01:08:26) Hôm nay chúng ta chưa hoàn toàn chưa thực hiện được lòng thương yêu hoàn toàn sự sát hại chúng sinh hoàn toàn, thì ít ra chúng ta cũng phải tập (một) ngày, một tháng được một ngày. Cho nên khi mà lòng thương yêu mình như vậy, thì các con nghĩ rằng khi chúng ta ăn cơm rau thì trong hạt cơm đó có biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt của người nông dân làm ra. Rồi từ hạt cơm đó, biết bao nhiêu sự đau khổ của loài vật, chúng sinh trong đó, biết vì được hạt cơm thì biết bao nhiêu loài sâu rầy bị chết mấy con, chúng ta mới sống được hôm nay.
Cho nên chúng ta rất tiết kiệm, đừng phí nó các con. Riêng ai phí, riêng Thầy không dám phí, ai phí ai làm gì thì người ta thọ lấy nhân quả đó. Còn riêng Thầy, dù một hạt cơm rớt Thầy cũng lượm không bỏ đâu mấy con. Ai nói rằng nó sẽ không vệ sinh, thực sự ra vệ sinh hay không vệ sinh thì cơ thể của Thầy nó đủ sức đề kháng lại tất cả những điều đó. Thầy thấy một con chó nó ăn một cái vật dưới đất dơ bẩn, thế rồi nếu mà nó không có sự đề kháng chắc chắn nó phải bệnh. Nếu mà cứ theo các ông bác sĩ nói, thì như con chó nó luôn luôn nhiễm bệnh nó chết hết rồi, phải không các con?
Cho nên Thầy biết rằng: Giữ vệ sinh hay không vệ sinh là cơ thể của Thầy nó đủ sức để kháng lại, thì cái vệ sinh thì nó đỡ hơn, mà không giữ vệ sinh thì nó có thể nguy hại, nhưng mà sự tiết kiệm sự sống nó lại quan trọng hơn mấy con. Lỡ hột cơm chúng ta rớt dưới đất thì chúng ta lượm lên chúng ta rửa đi rồi chúng ta ăn đi, đừng phí các con. Đây là hột nó rớt đất. Nếu mà chúng ta giữ vệ sinh là chúng ta phải làm như vậy. Một giọt nước chúng ta uống, uống cho tận cùng, đừng có uống nửa chừng rồi chúng ta tạt phí bỏ, đó trong đó có sự sống mấy con. Bởi vì chúng ta vừa uống là uống sự sống của muôn loài, mà bây giờ còn thừa chúng ta lại tạt bỏ sự sống của kẻ khác, không được đâu mấy con, chúng ta rót vừa uống thôi. Cũng như giặt đồ, quần áo của chúng ta vì vệ sinh chúng ta phải giặt giũ cho sạch sẽ, do đó chúng ta vừa phải đừng có lãng phí nước các con, vì nước trong đó có những loài vật sống các con, nếu chúng ta đổ tạt ra bao nhiêu loài vật phải chết đi, lòng thương yêu không cho phép chúng ta làm điều đó các con, mặc dù mắt chúng ta không thấy những loài vật đó, nhưng ít ra cũng có. Vì sự sống chúng ta phải uống nước để mà sống cho nên chúng ta chấp nhận. Nhưng chúng ta không phí sự sống của chúng đâu, đó là người tu theo đạo Phật mấy con.
Cho nên đức Phật dạy chúng ta đâu có ăn chay mấy con, dạy chúng ta ăn mà phải có lòng thương yêu. Vì vậy mà lòng thương yêu thì chúng ta ăn không phải ăn chay như con bò, các con hiểu ý của đức Phật. Cho nên đức Phật dạy rất hay, rất tuyệt vời! Còn Bà La Môn dạy chúng ta ăn chay trường, ăn này ăn kia, ăn chay, lục trai, thập trai, rồi ăn chay trường để làm Phật, điều đó đều không có mấy con. Chắc chắn không có, nếu có thì con bò nó thành Phật hết rồi.
Do vì vậy mà chúng ta xác định được cái lý của đạo Phật. Cái lý của đạo Phật bằng trí tuệ của chúng ta, mỗi hành động chúng ta đều có sự hiểu biết sâu sắc, có tình thương yêu sâu sắc trong đó, có một đạo đức cao thượng trong đó, không phải như những người thấp hèn. Hôm nay về cái giới sát sanh các con hiểu rồi chứ, đó là rèn luyện, tu tập lòng thương yêu của chúng ta đối với loài vật, đối với sự sống của muôn loài trên hành tinh này. Vì đó mà giới sát sanh là giới thứ nhất của đạo Phật.
(1:11:57) Trưởng lão: Giới thứ hai là giới Không trộm cắp mấy con, giới Không tham lam. Tại sao không tham lam? Vì mình tham lam là sanh ra nhiều đau khổ mấy con, nếu mình tham ăn, nếu mình ăn nhiều thì bao tử của mình, thân thể của mình mệt. Mình tham ngon là ăn những chất độc các con, đem những chất độc vào thân con người; còn ăn đơn giản rau, muối nó không ngon, nhưng mà nó rất hiền các con, cơ thể rất khỏe, ăn rồi vẫn thấy nhẹ nhàng, tươi tốt. Đó là chúng ta không tham.
Còn bây giờ tham mà chúng ta nghe nói đừng trộm cắp, đừng lấy của người. Thì cái này là cái thô mấy con, về tham các con thấy có nhiều góc độ tham lắm các con. Sau này các con đọc sách đạo đức của Thầy các con sẽ thấy Thầy nói về cái vấn đề tham.
Một ông thầy giáo là một người tốt mấy con, là một nhà sư phạm mấy con, một gương hạnh cho trẻ con mấy con, thế mà ông thầy giáo cho bài học trò rồi ngồi đó lật cái tờ báo ra đọc thì ông thầy giáo đó là người ăn trộm giờ của học sinh các con, ăn cắp nữa. Một người thư ký làm trong văn phòng, người ta ngồi, người ta làm việc hết trong khi giờ chưa hết mà công việc xong, ngồi đó lấy báo ra đọc, thật sự ra người thư ký đó ăn cắp giờ trong văn phòng đó. Tất cả những cái điều kiện trộm cắp rất là lớn ở trong cái xã hội này. Một người công an ăn hối lộ là ăn cắp đó các con, ăn trộm đó các con, ăn cướp của người ta đó. Tất cả những hành động này đều là trộm cắp tất cả hết.
(01:13:36) Cho nên chúng ta phải biết rằng: Từng tâm niệm của chúng ta; từng sự suy nghĩ của chúng ta; từng hành động của chúng ta mà mình có một cái hành động tham lam, trộm cắp trong đó thì không tốt đâu mấy con. Chúng ta sẽ tạo một cái nhân nghèo khổ, cái nhân đau khổ của chúng ta.
Vì vậy mà cái đạo đức dạy chúng ta không tham lam, trộm cắp này là dạy chúng ta trở thành một con người biết trọng của mình, biết trọng của người. Lấy của người ta, người ta mất của người ta buồn, lấy của người ta, người ta mất của người ta đau khổ, thì phỏng chừng ai lấy của mình, mình có buồn không? Buồn chứ! Các con có một chiếc xe khi lơ đễnh các con để, không để ý người ta đẩy xe, các con buồn ngao ngán! Rồi các con chạy tới công an để mong bắt được người đó lấy xe lại, điều đó là một cái điều rất là khó hy vọng. Cho nên khi chúng ta biết khổ của người mất của thì không nên lấy của người. Vậy mà chúng ta nên xả, không tham lam trộm cắp mà còn biết san sẻ khi chúng ta làm có thừa thì chúng ta giúp cho những người đang đói khổ, an ủi sự bất hạnh của họ, thì điều đó là điều tốt. Chúng ta giàu để làm gì các con, để nói rằng mình hơn thiên hạ sao? So với nhà vua, với những nhà tài phiệt giàu có hàng tỉ tỉ đô la ở trên thế gian này chúng ta bằng họ sao?
Cho nên chúng ta chỉ tìm cái sống cái sống cho an ổn mà thôi, đừng tham giàu vì chúng ta chẳng giàu bằng ai cả hết. Vì chúng ta giàu còn có người giàu hơn, cho nên chúng ta đừng tham, tạm thời đủ sống. Chẳng hạn như bây giờ, đời của Thầy sống trong cái nhà bằng cái chùa bằng tầm vông trúc tre này mà phỏng chừng cách đây mười năm, hai chục năm Thầy cất nó bằng tường, bằng những sự kiên cố đẹp đẽ, thì từ ngày đó tới giờ nó có làm cho Thầy mập béo thêm đâu, mà lại làm cho Thầy cực khổ với nó hơn là một cái chùa bằng tầm vông trúc tre, các con sống thấy an ổn. Do sự suy tư, do trí tuệ giúp Thầy được an ổn cho nên Thầy không bị say đắm, Thầy không bị lầm lạc, cho nên Thầy không nô lệ cho sự giàu sang đó. Cho nên chúng ta là những người cư sĩ làm đủ sống và thừa khả năng chúng ta làm dư, làm thừa thì chúng ta hãy làm dư làm thừa, để làm gì? Để giúp cho những người, người ta nhân quả khổ đau hơn, bất hạnh hơn, chúng ta hãy giúp họ. Đó là những điều mà các con không tham lam mà còn cố gắng làm, làm để giúp cho xã hội, làm để giúp mọi người.
Chẳng hạn bây giờ các con có tiền bạc, có tài năng, có khả năng, các con mở ra công ty xí nghiệp, các con thu nhận một số người vào làm, các con trả lương cho họ đủ với cái sức làm lao động của họ thì cuộc sống của họ có được cơm ăn áo mặc giảm đi sự nghèo đói của họ. Thì đấy là các con không phải làm để làm giàu mà làm vì mọi người khác để giúp cho họ có công ăn việc làm, để làm có tiền giúp cho những người đang đói, đang trong cơn đói, đang trong bệnh mà không có tiền bạc. Thì như vậy các con là con người có mặt hiện hữu trong thế gian này, mà có lợi ích cho mọi người như vậy, thì cái sự sống của các con là sự sống hạnh phúc, sự sống có giá trị. Không tham lam mà còn làm cho người, mọi người xung quanh sống có hạnh phúc thì điều đó là điều rất tốt, mà đạo Phật đã dạy chúng ta trong giới luật: Không trộm cắp, tham lam.
(1:16:53) Trưởng lão: Giới thứ ba là giới Không vọng ngữ. Không vọng ngữ tức là không nói láo. Nói láo khó lắm mấy con, sơ suất là chúng ta sẽ nói láo, bởi vì nói láo không hại ai hết, nhưng chúng ta vẫn có nói láo. Cho nên điều kiện tiên quyết là một người đã theo đạo Phật, nhất định nói thật, không nói láo, chuyện gì không thêm bớt, chuyện gì thấy biết rất rõ mới nói không thêm bớt, thêm bớt cũng là một điều nói láo không tốt. Điều gì mà nói ra có hại người khác thì chúng ta không bao giờ nói, ai cạy miệng cũng không nói, làm thinh. Thà là như thế nào là mình chấp nhận chứ không nói điều đó, mặc dù nói điều đó là một sự thật, nhưng mà điều đó có hại người khác nhất định không nói.
Ví dụ một người làm chính trị, họ trốn trong nhà mình hay hoặc là họ trốn ở đâu đó, thì có một người khác đến hỏi mình, mình chỉ người đó để cho người khác bắt người đó, đánh đập người đó thì chúng ta hoàn toàn là chúng ta không nói thật. Họ hỏi biết là tôi biết đó nhưng điều kiện là tôi không nói, nhất định là hoàn toàn không nói, nói người ta sẽ bị bắt, người ta đau khổ. Cho nên có những điều mà chúng ta nói, mà có những điều mà chúng ta không nói, chúng ta làm thinh. Họ hỏi tại sao mình làm thinh thì lẽ ra mình nói mình không biết tức là mình có nói láo, cho nên mình nói: “Điều này tôi nói không được, xin anh, chị hoặc là ông hay anh gì đó điều này là điều không thể nói được, thì ông muốn hiểu như thế nào thì hiểu. Cái gì mà tôi nói được là tôi nói một sự thật, mà cái gì mà tôi nói không được là tại vì tôi là người thật mà tôi nói cái điều này, nó có một cái tai hại gì cho ai đó, cho nên tôi không nói thôi”. Cho nên mình phải dè dặt, cẩn thận khi thọ giới này đáng nói thì nói, mà không đáng nói là làm thinh, và tìm cách nói đi chuyện khác hơn là nhắc lại việc đó. Khi thọ giới rất khó vì cái giới này rất khó, khó mà chúng ta có thể giữ trọn được. Cho nên buộc lòng chúng ta phải nói thẳng, nói thật. Nhưng nói thẳng, nói thật có hại nhất định là chúng ta không nói, làm thinh.
(01:19:11) Thầy xin nhắc lại, ngày xưa trong cái thời đức Phật tu về hạnh nhẫn nhục, cho nên có một nhà vua đi săn nai, đuổi con nai chạy qua, và con nai chui vào cái bọng cây, cái hốc đá ở sau lưng của đức Phật nó trốn đó, thì nhà vua đến mới hỏi đức Phật: “Ông ngồi tu đây ông thấy con nai tôi đuổi nó chạy ngang qua đây không?” Đức Phật làm thinh, hỏi gì cũng không nói, nếu mà nói láo chỉ cho nhà vua đi khỏi thì mình bị mang tội nói láo, mà chỉ con nai nó chui vào đây thì con nai sẽ bị giết. Thì hai cái giới luật này thì đức Phật không làm sao được, cho nên đức Phật làm thinh; mà làm thinh thì phụ lòng người, làm cho người ta tức giận thì làm khổ người thì không thể được.
Cho nên đức Phật lại tu nhẫn nhục cho nên lại nhẫn nhục Ba La Mật theo như Đại Thừa, thì câu chuyện này là câu chuyện Đại Thừa. Cho nên vì vậy mà nhà vua tức giận: “Ông chê tôi, ông coi tôi không ra gì, tôi hỏi ông có thì ông nói có, không thì ông nói không, tại sao ông làm thinh? Ông coi tôi không ra gì”, cho nên nhà vua tức giận mới chặt tay và khoét mắt ông ra. Thì đó là cái điều mà tu về giới luật không nói dối. Cho nên đức Phật làm sao nói được, làm thinh. Làm thinh như vậy chúng ta thấy không hay đâu.
(1:20:24) Nhưng mà trái lại theo Thầy thiết nghĩ là tại vì đức Phật tu hạnh nhẫn nhục Ba La Mật theo kiểu Đại Thừa, cho nên nhẫn nhục, chịu đựng trong cái sự đau khổ đó. Trái lại Thầy nói thẳng, nói thật: “Thật sự tôi là một người tu sĩ là tôi giữ gìn hai cái giới luật: Một là cái giới không vọng ngữ, không nói dối; hai là cái giới không sát sanh. Bây giờ tôi chỉ cho nhà vua biết con nai ở đâu nhà vua sẽ giết con nai chết đi thì tôi là mang tội sát sanh. Mà tôi chỉ sai, tôi nói láo tôi chỉ sai cho nhà vua thì tức là tôi là người nói dối. Thì như vậy tôi phạm lỗi, như vậy tôi không xứng đáng là một tu sĩ, xin nhà vua hiểu và tha thứ cho tôi, làm sao mà tôi nói được”, phải không? Khi mà nói như vậy thì nhà vua thông cảm liền. Một người tu sĩ người ta bị kẹt trong hai cái giới này rồi, làm sao người ta nói thật cho mình được, thôi mình đi tìm. Ông vua không giận, đâu làm sao mà ông trở thành một người ác để chặt tay, móc mắt người khác. Chúng ta lại vô tình lại chúng ta tu tập nhẫn nhục Ba La Mật mà chúng ta tạo cho người khác trở thành một ác nhân, thì cái này không hay đâu.
Cho nên, cái nói vọng ngữ, cái nói láo khéo léo lắm mấy con. Khi mà chúng ta thọ giới này, chúng ta phải cẩn thận, phải trí tuệ lắm, chúng ta phải tập tỉnh giác, tỉnh thức hàng ngày để rồi từ tỉnh giác đó, chúng ta mới xuất hiện được trí tuệ mà đối đáp với những điều không nói vọng ngữ. Đó là cái giới mà chúng ta cần phải giữ gìn.
(1:21:48) Trưởng lão: Cái giới tà dâm, ở đây dạy người cư sĩ không tà dâm các con chứ không phải tu sĩ. Vì vậy các con thấy rằng dạy tà dâm tức là dạy đạo nghĩa, đạo nghĩa làm chồng, làm vợ phải chung thủy, phải có nghĩa với nhau, không có được nay người này, mai người khác. Đó là cái ý nghĩa đen của giới luật này. Nhưng mà nghĩa bóng của nó thì vô cùng vô lượng, cái tình nghĩa của chúng ta đối với cha mẹ, đối với con, con đối với cha mẹ phải có tình có nghĩa, phải có lòng thương yêu, bạn bè đối với nhau, học trò, thầy trò đối với nhau như thế nào có tình có nghĩa.
Chứ ở đây không có nghĩa là cái giới nó chỉ cô đọng lại có một chỗ là tình chồng nghĩa vợ không, không phải đâu, nhưng mà nói tà dâm có nghĩa là cái không đúng, đối xử với nhau không đúng chứ không phải riêng dâm dục. Thì hôm nay, phải hiểu cái nghĩa rộng là chúng ta sống trong cuộc đời phải có tình có nghĩa, đối xử với nhau cho tốt, chứ đừng có vô tình bạc nghĩa, đừng có đối xử với nhau như những người thiếu đạo đức. Cho nên cái giới mà dạy chúng ta là không tà dâm tức là dạy chúng ta đạo nghĩa. Đạo nghĩa, có tình có nghĩa, sống có chung có thủy với nhau.
Chẳng hạn như bây giờ mấy con là đệ tử của Thầy, thì mấy con phải nghĩ có tình đối với Thầy và Thầy có nghĩa đối với người đệ tử của mình, phải làm sao phải giúp đỡ sao cho các đệ tử của mình đi trên con đường đạo Phật có được những ngày giờ an ổn, thanh thản, an lạc. Bởi vậy cho nên các con không nhận thêm một vị thầy, thì các con không có rơi nước mắt, nhưng mà khi các con nhận một vị thầy, khi nghe một vị thầy mình tịch, chết đi, mình phải thương xót vị thầy chết. Các con không nhận một vị thầy thì các con không đau khổ, nhưng mà nhận thêm một vị thầy thì các con có sự đau khổ, mình đã nhận thầy thì như là một người cha của mình, mà khi người thầy, người cha của mình mất đi mình có đau khổ không? Có! Nhưng các con nên nhớ rằng: Khi mình thêm một cái gì thì mình có sự đau khổ. Nhưng mà thêm cái sự tu tập của đạo Phật thì chắc chắn mình nghĩ rằng: “Hàng ngày mình làm xứng đáng những lời mà Thầy dạy thì hôm nay Thầy mất đi là một hạnh phúc lớn”, mình không buồn khổ đâu mấy con, mình buồn khổ mình không xứng đáng với một vị Thầy đâu con.
Cho nên các đệ tử của Phật ngày xưa khi đức Phật tịch, một số người tu chưa chứng họ khóc mùi mẫn, họ đau khổ, họ vật vã rất nhiều, thậm chí như ông A Nan cũng còn buồn khổ, quá buồn khổ. Trái lại, có một số người tu chứng, họ thản nhiên, họ thấy họ xứng đáng trong khi Phật còn sống và Phật chết, họ luôn luôn họ ở trong cái đạo đức của đạo Phật không làm khổ mình, khổ người, cho nên luôn luôn lúc nào họ cũng thấy được Phật.
Các con nghĩ rằng: Một trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự là một điểm chung cho mọi người và chúng ta sẽ gặp nhau trên một một điểm chung đó. Do đó nếu mà Thầy mất đi, luôn luôn tâm Thầy cũng thanh thản, an lạc và vô sự thì lúc bấy giờ các con cũng thanh thản, an lạc, vô sự thì Thầy trò gặp nhau trên một trạng thái đó có đâu xa nhau đâu mà lại thương, lại khóc, lại mất mát chỗ nào đâu. Thân tứ đại là đất, nước, gió, lửa thì phải trở về đất, nước, gió, lửa có gì là buồn khổ?
(1:25:04) Cho nên ở đây Thầy nhắc nhở, đây cũng là một cái điều mà các con đã thọ những cái giới luật này thì các con cũng nên nhớ rằng: Khi một ngày nào đó Thầy sẽ mất đi, và mất đi để lại sự đau khổ nơi các con, vì vậy mà hôm nay nghe lời Thầy thì khi mà Thầy mất đi, các con thấy các con cũng đang được ở trong trạng thái như Thầy thì luôn luôn lúc nào cũng gần bên Thầy, có gì mà phải khóc thương? Trừ ra các con đang suy tư lo lắng làm giàu, làm có, làm thế này thế khác thì các con đã xa Thầy, dù các con có khóc bao giờ các con cũng không được ở gần bên Thầy.
Nhưng các con không khóc mà các con sống thanh thản, an lạc, vô sự; trước khi mất Thầy các con vẫn thấy tâm mình thanh thản, an lạc, vô sự. Vì các con đã hiểu đó là một vị thầy luôn luôn sống trong trạng thái đó, dù Thầy có bỏ thân tứ đại này thì Thầy trả về đất, nước, gió, lửa thì thân xác Thầy vẫn là đất, nước, gió, lửa. Cho nên vì vậy hôm nay Thầy bỏ nó, nhưng mà tâm Thầy thì luôn luôn thanh thản, an lạc, vô sự và đồng với một điểm với các con cũng thanh thản, an lạc, vô sự thì thầy trò chúng ta đã gặp nhau chứ còn gì mà phải khóc thương, có cách xa nhau đâu, có lìa nhau chỗ nào đâu phải không? Có mất mát gì đâu mà phải khóc thương! Đó là tình nghĩa của chúng ta đối với cái giới này.
(1:26:20) Trưởng lão: Còn nói về giới uống rượu, giới thứ năm, thì các con thấy rằng chúng ta là những người nữ thì chắc chắn chúng ta ít bị nghiện rượu, nhưng dù sao chúng ta cũng vẫn bị chứ đâu phải không, nhưng chúng ta phải biết nó là một thứ độc dược, nó ngấm dần, nó làm cho cơ thể chúng ta bệnh tật, nó tạo cho chúng ta trí tuệ, trí óc của chúng ta u tối, không có minh mẫn, không có sáng suốt. Cho nên các con thấy một người uống rượu họ về đánh vợ, đánh con họ, họ còn sáng suốt không? Vợ con là những người thân thương của họ, giúp họ từng bữa cơm manh áo, thế mà họ nỡ tâm nào say rượu rồi họ chẳng biết gì hết, họ lại chửi vợ, mắng con họ, họ làm cái gia đình họ như địa ngục, họ có thông minh nữa không? Họ hết trí tuệ rồi, họ trở thành một con ác thú chứ không phải là một con người.
Hôm nay, các con được nghe Thầy giảng, vì vậy mà những chất mà nghiện ngập, làm cho cơ thể chúng ta bệnh tật và đau khổ và không trí tuệ thì các con thấy như những chất như thế nào? Rượu là một, hai là thuốc lá, ba là cà phê, bốn là thuốc phiện. Tất cả những các loại nghiện ngập này… chúng ta phải tránh xa nó. Cho nên chúng ta có con cái chúng ta cũng cố gắng dạy chúng: “Các con hãy xa những thứ độc dược này, nó sẽ hại các con và nó làm buồn khổ cha mẹ, làm cho buồn khổ cả dòng họ nữa. Khi mà các con bị nghiện ngập say sưa không thể nào mà cai bỏ được, thì nó sẽ đem đến hậu quả là bao nhiêu người đau khổ. Cho nên các con vì thương yêu mẹ cha, vì thương yêu dòng họ, thương yêu những người thân thương thì các con đừng nên nhiễm nó”. Các con hãy dạy con của mình đừng nên nhiễm nó, nhiễm nó là các con đã làm cho bao nhiêu người đau khổ.
Hôm nay cái giới luật thứ năm là cái đạo đức không để cho chúng ta nghiện ngập những cái điều làm tai hại cho cơ thể, cho tinh thần của chúng ta. Cho nên đức Phật đã dạy chúng ta đừng có nên nghiện ngập. Vậy thì hôm nay các con đã thọ, đã nghe giảng về năm cái điều lành, năm cái giới luật làm người, vậy thì chúng ta muốn làm người hay là không muốn làm người? Nếu không muốn làm người thì chúng ta là một động vật. Cho nên chúng ta cố gắng từng phút giây khắc phục mình để giữ gìn năm cái điều này.
(1:28:46) Trưởng lão: Cho nên như Thầy đã nói, đức Phật đã dạy: “Được thân người là khó”, khó ở chỗ nào mà chúng ta thấy con người sinh ra đầy ở trên mặt đất này hết tại sao khó? Khó là khó chỗ năm điều, năm điều lành này mấy con. Thực sự con người thực sự mới là con người mới giữ gìn được năm điều lành này, mà con người không thực sự là một con thú vật thôi mấy con. Cho nên vì vậy chúng ta mặc dù là chúng ta giữ được bốn giới mà không giữ được một giới chúng ta cũng vẫn còn mang bản chất của loài động vật mấy con, chưa có ra khỏi loài động vật đâu. Cho nên chúng ta nhìn lại cái số người mà thoát ra được làm người hoàn toàn không còn mang loài động vật thì chúng ta thấy hiếm lắm các con.
Cho nên: “Được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển các con”. Đức Phật nói lời nói không sai đâu các con, đừng nghĩ đức Phật nói lời nói là có lúc đúng, lúc sai đâu, không phải. Đức Phật nói lời nào, Thầy nghiệm lại Thầy thấy rất đúng. Bởi vì đức Phật đã xác định được cái tiêu chuẩn đó rồi.
Cho nên hôm nay các con đã thọ được, các con đã nghe được năm giới, thì các con hãy cố gắng, cố gắng mà giữ gìn. Không phải bắt buộc các con phải giữ gìn một ngày cho nó xong đâu, các con hãy tập suốt cuộc đời các con để làm người đấy các con, phải cố gắng; tới giờ phút cuối cùng mà các con sắp sửa bỏ xác thân này, thì các con nên giữ gìn trọn vẹn, lúc bấy giờ tâm hồn thanh thản; đừng vì lúc bấy giờ mà người ta bảo “phải ăn thịt để mà sống thêm”, các con đừng có ăn.
Cho nên các con nhớ rằng: Đừng có vì một cái lý do gì mà chúng ta sống mà phá năm cái giới này thì các con sẽ trở thành loài động vật tiếp tục các con. Cho nên các con nhớ kỹ những lời Thầy nói: Khi sắp sửa chết, mình biết rằng không thể sống được, thì nhất định thịt cá không nhét vào trong miệng mình được đâu, mình không ham sống nữa đâu các con. Sống mà làm đau khổ cho những loài vật khác, sống sao nỡ làm sống trên sự đau khổ của loài vật khác các con. Cho nên nhất định chúng ta chết để mà chết trong thanh tịnh; chết để mà xứng đáng làm người, thì cái đó là cái quan trọng của các con.
(1:30:50) Cho nên năm giới này các con phải nhớ kỹ, đến cái giờ phút cuối cùng mà các con chưa có đủ cái sức mà giải thoát thì các con phải giữ gìn trọn vẹn, không được vi phạm, thì như vậy các con mới có thể cứu các con và các con có sanh lên làm người, làm người rất thiện, hướng đến đúng con đường của đạo Phật, không bị giáo pháp của ngoại đạo lừa đảo các con được. Cho nên các con nhớ các con giữ đúng năm cái điều thiện này, có năm điều thôi mấy con, mà giờ phút cuối cùng của các con, con phải giữ cho thanh tịnh thì các con sẽ vượt qua những khó khăn. Các con nhớ lời Thầy hôm nay, Thầy không có đủ duyên mà để nói nhiều, để giảng nhiều, bởi vì sức khỏe của Thầy càng ngày càng kém và đồng thời Thầy còn phải để sức khỏe của Thầy để soạn thảo bộ sách “Đạo Đức Làm Người” để giúp cho mọi người trên hành tinh này đang tha thiết một nền đạo đức nhân bản.
Đến đây các con có thấy rằng năm cái giới này là những cái đức hạnh làm người, xứng đáng là làm con người, thì các con hãy xin chắp tay lên xin Phật: “Lần lượt từ đây về sau, con sẽ cố gắng lần lượt thực hiện, chứ không phải thực hiện được ngay bây giờ, lần lượt thực hiện tuần tự, con sẽ xin khắc phục để sống đúng những cái đạo đức, năm điều lành này. Mong Chư Phật chứng minh cho con”.
Tam quy nó cũng là cái giới luật sống đó mấy con: Phật giới, Pháp giới, …
HẾT BĂNG